12-6-2014
Tuần qua, dấy lên những ý kiến bàn “thoát Trung” về kinh tế.
Ngay tại các hội nghị, hội thảo, tại diễn đàn Quốc hội, cũng bàn về vấn đề này,
tuy có nơi không sử dụng trực tiếp hai chữ này mà nói không phụ thuộc kinh tế của
Trung Quốc.
Trả lời Dân trí, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói: “Hiện
nay chúng ta cần phải nhận thức được rằng, “người ta đã dọa mình rồi đấy”! Họ
cho rằng mình đã bắt đầu lệ thuộc họ rồi thì mới dọa như thế.Nếu sự lệ thuộc của
nền kinh tế chúng ta vào kinh tế Trung Quốc chưa sâu thì phải cảnh tỉnh, thức dậy.
Đó là việc mà cơ quan quản lý phải đặc biệt quan tâm. Chúng ta phải thấy, đây
chính là hồi chuông cảnh tỉnh để đưa ra những biện pháp ứng phó phù hợp”.
Chúng ta đang bàn về “thoát Trung” thì Trung Quốc đưa ra một
cơ hội cho chúng ta thoát, đó là họ cấm không cho doanh nghiệp nhà nước tham
gia đấu thầu các công trình, dự án tại Việt Nam.
Ơ hay! “Không cô thì chợ cũng đông”, Trung Quốc không đến Việt Nam thì có khối
anh đến, toàn những tên tuổi oách cả như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... Trung Quốc dọa
mà không nên hồn.
Nhưng vì sao họ dám dọa mình, có lẽ ông Bùi Kiến Thành nói
đúng, là vì “họ cho rằng mình đã bắt đầu lệ thuộc họ”. Đây đúng là một việc làm
tổn thương lòng tự trọng ít nhất là của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Chúng
ta có hàng trăm doanh nghiệp, nhiều tập đoàn, tổng công ty quốc doanh to vật,
xài tiền như nước, vậy mà không làm nổi các công trình dự án của mình, lại phải
đi lệ thuộc các doanh nghiệp từ Trung Quốc. Đến nổi bây giờ họ dọa không thèm
sang đấy kìa.
Đúng là cười nhưng lại ra nước mắt.
Một dân tộc tự cho thông minh, cần cù lao động, mà để một nước
láng giềng dọa nạt hết kiểu này đến kiểu khác. Doanh nghiệp của họ qua mình kiếm
tiền mà cũng dọa không thèm qua nữa. Thế có kẻ cả không? Thế có đau không?
Cho nên, đừng bàn “thoát Trung” nữa mà hành động.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải giỏi lên để giải quyết
được những vấn đề công nghệ, làm được các dự án, công trình trong nước. Đó là
“thoát Trung”.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được những hàng
hóa, sản phẩm thay thế được hàng nhập khẩu từ Trung Quốc càng nhiều càng tốt.
Đó là “thoát Trung”.
Nông dân Việt Nam sản xuất được nông sản, trái cây đạt chất
lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để phục vụ tiêu dùng trong nước.
“Đó là thoát Trung”.
Mỗi công dân Viêt Nam đều có ý thức xài hàng trong nước là
yêu nước. Đó là “thoát Trung”.
Tìm kiếm những quốc gia có trình độ khoa học kỹ thuật cao,
có tiềm lực kinh tế dồi dào để mời hợp tác nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội thay
vì phụ thuộc vào Trung Quốc. Đó là “thoát Trung”.
Chỉ xem Trung Quốc là một đối tác bình thường, quan hệ bình
đẳng, hai bên cùng có lợi thay vì xem Trung Quốc là “4 tốt, 16 chữ vàng” viển
vông, mơ hồ…
Cứ làm như vậy đi, đừng bàn nữa.
Nguồn: Dân Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét