21-6-2014
Định không u ơ gì về ngày 21-6, lờ tịt đi, vì thấy mình
không liên quan, nhưng từ hôm qua nhận được nhiều lời chúc mừng quá nên thấy cần
phải đáp lễ và nhân tiện thanh minh.
Tôi gắn bó với báo chí từ bé. Ba tôi mở cửa hàng bán sách
báo từ khi tôi còn nhỏ xíu. Bài viết đầu tiên của tôi đăng trên báo năm 15 tuổi,
cơ quan đầu tiên trả lương hàng tháng cho tôi là một tòa soạn báo, những bạn bè
thân yêu nhất, những kỷ niệm trong sáng nhất, những ngày làm việc căng thẳng và
hồ hởi nhất trong thời gian ở Việt Nam đều gắn bó với nghề báo. Như mọi người cầm
bút ở đây, không ai dạy nhưng tôi tự biết cái gì được viết và cái gì không bao
giờ được viết. Khi trở thành Thư ký tòa soạn thì tự động biết cái gì được duyệt
và cái gì không bao giờ được duyệt. Cái sự biết ấy tự nhiên như thể sinh ra là
đã có, như một bản năng, không cần ai dạy dỗ.
Khủng khiếp hơn, nỗi sợ hãi mà tôi có chỉ là sự tiếp nối của
tinh thần phản kháng bị thất bại của thế hệ đi trước. Những bậc cha chú làm báo
đã bị trày xước vì phạm húy, tàn tật vì viết những điều phạm thượng, trả giá
quá đắt vì dám mở cửa căn phòng bí mật thứ 7 mà con yêu râu xanh không cho phép.
Bị cưỡng hiếp cho đến thân tàn ma dại mà không được chết, họ lê lết thân xác trọng
thương đến hết chặng đường còn lại của nghề báo, và truyền lại sự đớn đau bại
trận ấy cho những kẻ tiếp nối. Bị đô hộ bởi nỗi sợ hãi, tôi và rất nhiều người
thế hệ kế tiếp không hề còn tồn tại ý nghĩ phải đấu tranh nữa, mà tự động kiểm
duyệt chính mình, tự động trở thành một con yêu râu xanh cưỡng hiếp những khát
khao của chính mình.
Từ lâu tôi đã không còn tự hào về ngày 21-6 nữa. Đó là ngày
ba tôi mất, trước khi mất, ông nói: “Trên đời chỉ có hai nghề cao quý, nghề thầy
thuốc và nghề nhà giáo”. Cả hai nghề tôi không theo, mà theo một cái nghề ba
ghét cay ghét đắng, ghét đến nỗi kể cả khi tôi đã thành một cô sếp con con ở
tòa soạn, mỗi lần tổng biên tập và phó tổng sang cửa hàng của ba mua sách đều bị
ba gắt gỏng, kêu là các anh làm hỏng con tôi. Giờ thì tôi hiểu, nghề thầy thuốc
có thể cứu mạng, nghề nhà giáo có thể cứu tâm hồn, còn nghề nhà báo ở VN chỉ tự
cứu lòng tự trọng nghề nghiệp của chính mình thôi cũng đủ kiệt sức.
Từ lâu tôi không còn tự hào về ngày 21-6 nữa. Đó là ngày báo
chí CÁCH MẠNG, là ngày mà nhà báo được vinh danh như những CÔNG CỤ của chính
quyền chứ không phải những nhà báo chân chính.
Tôi cho rằng ngày 21-6 là một sự
xúc phạm đến tư cách nghề nghiệp của các nhà báo chân chính, đánh tráo khái niệm,
cưỡng bức danh tính của hàng triệu người vẫn đang cố gắng cầm bút vì chân lý, sự
thật và khách quan.
Tôi đề nghị trả lại tên cho ngày 21-6, trả lại tên cho tôi
và các đồng nghiệp. Chúng tôi là nhà báo chứ không phải nô lệ cao cấp của một
chế độ cầm quyền.
---------------------------------------------------
1. Trên bậc thang tự do báo chí, Việt Nam xếp thứ 174/177
2. Ngày 21.6.2000, nhân kỉ niệm 75 năm Ngày báo chí Việt
Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung
ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý đổi tên Ngày báo chí Việt Nam thành Ngày Báo
chí Cách mạng Việt Nam
3. Gần 700 cơ quan báo chí ở VN có chung 1 Tổng Biên Tập, chịu
sự chỉ đạo chung của Ban Tư Tưởng Văn hóa Trung Ương . Mỗi tuần các Tổng Biên Tập
đều có cuộc họp chung với Ban Tư Tưởng để thống nhất về đường lối tuyên truyền.
Nguồn: Phuong Mai Nguyen, FB
A men ! " Đó là Lời CHÚA". Lạy CHÚA xin thương xót chúng con. CHÚA ơi ! Xin trả lại cho chúng con trinh nguyên trong trắng nghề nghiệp mà suốt cuộc đời chúng con hằng nguyện ước khi chấp bút Lương Tâm.
Trả lờiXóa