Các phản ứng đối với cuộc công kích của Trung Quốc vào Việt Nam một cách dễ tiên đoán đã lôi kéo các sự đáp ứng khác nhau từ phe xã hội chủ nghĩa và phe được gọi là cộng sản Âu Châu. Liên Bang Sô Viết được gia nhập bởi Cuba, Mông Cổ, Đông Đức, Tiệp Khắc, Bulgaria, Hung Gia Lợi, Ba Lan, và Albania trong việc kết án cuộc xâm lăng và đòi hỏi một sự triệt thoái tức thời của các binh sĩ Trung Quốc. Rumania đã yêu cầu cả Việt Nam lẫn Trung Quốc lần lượt rút quân của họ ra khỏi Kampuchea và Việt Nam, trong khi Bắc Hàn giữ im lặng trong một lúc và sau đó đứng vào hàng ngũ với Trung Quốc. Tất cả các đảng cộng sản Tây Âu, kể cả Pháp, Ý Đại Lợi, Tây Ban Nha, và Bồ Đào Nha, đã bày tỏ cảm tình với Việt Nam. Trong số các đồng minh của Moscow, Cuba đã đưa ra một cử chỉ thân tình nhất. Vào hôm 23 Tháng Hai, theo đài phát thanh Moscow, Ủy Ban Phòng Vệ Cách Mạng Của Cuba đã gửi một thông điệp đến Hà Nội, hứa hẹn “viện trợ và sự ủng hộ không giới hạn” của nhân dân Cuba dành cho người anh em Việt Nam của họ.
Vào hôm 2 Tháng Ba, Đại Sứ Cuba tại Mexico City có tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với tờ El Sol rằng nước của ông sẵn sàng trợ giúp Việt Nam bằng mọi cách cần thiết, kể cả việc “phái sang các binh sĩ”. Phía Việt Nam đã từ khước đề nghị này. Một sự tường thuật không được xác nhận cũng tuyên bố một cuộc gọi nhập ngũ khẩn cấp các quân nhân trừ bị tại Mông Cổ, rõ ràng để tạo áp lực trên Bắc Kinh.
Cho đến giờ kẻ ủng hộ
đáng tin cậy nhất của Việt Nam là Liên Bang Sô Viết. Vào hôm 18 Tháng
Hai, một ngày sau khi cuộc tấn công của Trung Quốc khởi sự, Moscow đã đả kích
Trung Quốc và nhắc lại một cách lớn tiếng các nghĩa vụ của nó được quy định
trong hiệp ước Sô Viết – Việt Nam. Cùng lời nhắn này đã được lập lại bởi
Bộ Trưởng Ngoại Giao Andrei Gromyko với Đại Sứ Việt Nam tại Moscow (18 Tháng
Hai), bởi Bộ Trưởng Quốc Phòng Dmitri Ustinov (23 Tháng Hai), bởi I.
Aleksandrov, một bình luận gia tờ Pravda (28 Tháng Hai), bởi Thủ Tướng
Aleksey Kosygin (1 Tháng Ba), và sau cùng bởi đích thân Leonid Brezhnev (2
Tháng Ba). Không lời nào trong các sự phát biểu này, tuy thế, khác với lời
tuyên bố của Cuba, lại đã đưa ra bất kỳ sự đề cập nào đến việc gửi sang các
binh sĩ. Một nguồn tin Chính Phủ Mỹ tiết lộ hôm 28 Tháng Ba rằng, trong
khi giao tranh, Liên Bang Sô Viết đã đề nghị với Việt Nam để gửi sang một tiểu
đoàn quân Cuba, điều bị từ chối thẳng thừng bởi Việt Nam (Asahi Shimbun, 29
Tháng Ba 1979).
Nhìn lại, những gì Sô Viết thực sự đã làm là:
Nhìn lại, những gì Sô Viết thực sự đã làm là:
(1) phái đi các phi vụ thám thính máy bay TU-95D Bear xuống
phía nam từ Vladivostok, khởi sự ngay từ hôm 18 Tháng Hai;
(2) di chuyển một phần Hạm Đội Thái Bình Dương của Sô Viết
xuống phía nam, và
(3) cung cấp các vũ khí và nhân viên quân sự (có lẽ với tư
cách các cố vấn).
Vào hôm 23 Tháng Hai, Hoa Kỳ đã xác nhận rằng sáu vận tải cơ Antonov-22 to lớn đã tới Hà Nội từ miền nam của Liên Bang Sô Viết, và được tin rằng một trong các máy bay đó có chuyên chở các viên chức cao cấp. Vào hôm 26 Tháng Hai, hai chuyến máy bay khác chuyên chở quân dụng đến Hà Nội xuyên qua Calcutta được xác nhận. Vào hôm 5 Tháng Ba, ba tàu chiến của Sô Viết đã tiến vào hải cảng Đà Nẵng, và vào hôm 25 Tháng Ba, một tuần dương hạm trang bị hỏa tiễn được hướng dẫn, một khu trục hạm và tàu quét mìn được phát hiện tại Vịnh Cam Ranh.
Quan tâm chính của Chính Quyền Carter là ngăn chặn chiến tranh, chính yếu bằng phương tiện ngoại giao. Vào hôm 24 Tháng Hai, Thứ Trưởng Ngoại Giao Warren Christopher đã gặp Chai Zemin, Giám Đốc Văn Phòng Liên lạc của CHNDTQ tại Washington, và thúc dục Bắc Kinh triệt thoái binh sĩ của họ. Cùng ngày, ông đã thuyết phục Đại Sứ Sô Viết Dobrynin rằng Moscow phải thực hiện sự kiềm chế tại biên giới Nga-Hoa. Trong một dấu hiệu khác của sự sẵn lòng của Hoa Thịnh Đốn để chấp nhận hành động quân sự hạn chế của Trung Quốc, Carter đã quyết định rằng ông Michael Blumenthal, Bộ Trưởng Ngân Khố, sẽ đi đến Bắc Kinh hôm 24 Tháng Hai như đã dự liệu, và Blumenthal đã ở lại cho đến hôm 1 Tháng Ba. Sau đó, vào hôm 1 Tháng Ba, cả Bắc Kinh lẫn Hoa Thịnh Đốn đã cử hành buổi lễ nâng các Văn Phòng Liên Lạc của họ lên thành Đại Sứ Quán, như đã thỏa thuận trong Bản Thông Cáo Chung Tháng Mười Hai. Hàng loạt các bước tiến ngoại giao này có thể đã ảnh hưởng nhiều đến giọng điệu trong bài diễn văn hôm 2 Tháng Ba của Brezhnev, ôn hòa một cách đáng ngạc nhiên và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một thỏa ước SALT-II thành công hơn là kết án thái độ của Trung Quốc tại Việt Nam.
Nhật Bản, bày tỏ sự quan tâm nghiêm trọng khi các chiến sự được mở ra, đã thông báo hôm 19 Tháng Hai với Hà Nội và Bắc Kinh hy vọng của Nhật Bản rằng hai nước sẽ giải quyết các sự tranh chấp bằng các phương tiện hòa bình. Vào hôm 28 Tháng Hai, Bộ Trưởng Ngoại Giao Sunao Sonoda có tuyên bố trong một cuộc tranh luận tại Viện Diet (Quốc Hội) rằng chính sách của chính phủ là duy trì “sự trung lập nghiêm ngặt”. Các thủ đô Tây Âu và các thủ đô không cộng sản khác tại Á Châu và vùng Thái Bình Dương đã bày tỏ tương tự sự quan ngại sâu xa về sự bùng nổ cuộc chiến tranh biên giới nhưng đã thúc giục sự kiềm chế từ Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Việt Nam rút quân của họ ra khỏi Kampuchea. Điều cần ghi nhận rằng Bộ Trưởng Kỹ Nghệ Anh Quốc, E. Varley đã đến thăm Bắc Kinh, không lâu sau ông Blumenthal, để thảo luận, ngoài các vấn đề khác, việc bán các chiến đấu cơ Harrier.
Nhân danh Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations: ASEAN), Mochtar Kusumaatmadja, Bộ Trưởng Ngoại Giao Indonesia, đã công bố một bản tuyên bố hôm 20 Tháng Hai, yêu cầu sự đình chỉ tức thời các chiến sự và sự triệt thoái của mọi binh sĩ ngoại quốc ra khỏi Đông Dương. Nhưng nó mang tính chất ôn hòa đối với Trung Quốc, khi so sánh với sự chỉ trích sắc bén hơn của nó về sự chiếm cứ của Việt Nam trên Phnom Penh. Nó còn không đề cập một cách trực tiếp đến Trung Quốc bởi, trong giai đoạn tiên khởi, các hội viên của khối ASEAN đã không đồng ý với nhau trên các sự lượng định của họ về các hành động của Trung Quốc. Thái Lan và Mã Lai đã nhìn cuộc chiến tranh trừng phạt của Trung Quốc như một yếu tố trợ lực cho việc tái lập cán cân quyền lực cấp miền có lợi cho họ, trong khi Indonesia có khuynh hướng nhìn trong đó một sự lập lại cuộc đảo chính bất thành “do Trung Quốc chỉ đạo” hồi năm 1965 tại Indonesia. Singapore, lấy một quan điểm phần nào nằm giữa, hơi nghiêng về phía Trung Quốc, bởi các mục tiêu của Trung Quốc dường như là sự bình định biên giới, trong khi các mục tiêu của Việt Nam là lật đổ những kẻ đang nắm quyền tại Kampuchea. Phi Luật Tân cảm thấy bị ảnh hưởng ít nhất bởi cá biến cố tại Đông Dương, mặc dù sau đó trong năm nó cũng phải gánh chịu số lượng gia tăng các “thuyền nhân”.
Chính vì thế, khá mỉa mai, Trung Quốc đà tìm thấy nhiều thân hữu trong các nước phi cộng sản hơn trong các nước cộng sản. Biểu trưng cho sự tái sắp xếp hàng ngũ quốc tế này trên cuộc chiến tranh Trung-Việt là các kết quả của việc bỏ phiếu cho một dự thảo quyết nghị được đề xuất hôm 13 Tháng Ba bởi các quốc gia khối ASEAN tại Khóa Họp Khẩn Cấp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Nghị quyết đã kêu gọi một sự đình chỉ tức thời các chiến sự, sự triệt thoái mọi lực lượng ngoại quốc, và sự kiềm chế của các quyền lực bên ngoài. Nó đã bị phủ quyết hôm 16 Tháng Hai bởi Liên Bang Sô Viết; và bị chống đối bởi Tiệp Khắc, mặc dù nó được ủng hộ bởi mười ba nước kể cả Trung Quốc.
Hồi Kết Cuộc
Trận đánh, ít nhất hiệp thứ nhất, đã đi qua, nhưng chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Các cuộc đàm phán cấp thứ trưởng theo sau khởi sự từ hôm 18 Tháng Tư và đã được nhóm họp mười bẩy lần, năm tại Hà Nội và mười hai lần tại Bắc Kinh, trước cuối Tháng Chín. Nhưng chúng đã không đem lại các kết quả đáng kể, ngoại trừ việc tự vận hành như một phần tử của sự khống chế trên các cuộc xung đột biên giới. Câu hỏi là, bên nào đã thắng hay giành đoạt được thắng lợi tương đối lớn hơn? Trận đánh đã không mang lại các câu trả lời rành mạch. Sự phán đoán hẳn phải khác biệt, tùy theo thời kỳ người ta sử dụng làm căn bản cho sự thảo luận. Ít nhất năm thời kỳ phải được cứu xét đến” Tháng Ba, Tháng Tư-Tháng Bảy, Tháng Tám, Tháng Chín và phần sau này trong năm 1979.
Nếu người ta lượng định tình trạng chiến tranh tính đến Tháng Ba, Trung Quốc đã ở vào một vị thế mạnh hơn. Bất kể các sự tổn thất nặng nề không ngờ, Trung Quốc đã thành công trong việc chinh phục Lạng Sơn và các tỉnh lỵ biên giới khác. Bất kể lời bố cáo chiến thắng của Hà Nội, sự kiện còn lại là vào hôm 8 Tháng Ba, Hà Nội đã chấp nhận đề nghị của Bắc Kinh về các cuộc đàm phán song phương và quan trọng hơn, rằng tờ Nhân Dân (7 Tháng Ba) đã tuyên bố rằng Việt Nam sẽ không truy kích các lực lượng Trung Quốc đang triệt thoái. Đây có thể là các dấu hiệu của sự bất lợi tương đối của Việt Nam. Ngoài ra, vào hôm 5 Tháng Ba, Chính Phủ Hà Nội đã công bố một lệnh tổng động viên, có thể là một dấu hiệu khác về vị thế yếu kém hơn của Việt Nam. Vài biến cố trong Tháng Ba cho thấy Chính Phủ Việt Nam đã hoảng sợ về khả tính của một cuộc tấn công của Trung Quốc vào thủ đô của nó. Thí dụ, vào hôm 5 Tháng Ba, chính phủ đã yêu cầu mọi ngoại giao đoàn cho đào các đường giao thông hào, tích trữ thực phẩm và di tản các trẻ em, phụ nữ và các người già đến các khu vực an toàn hơn. Các mệnh lệnh xây dựng các hố cá nhân cũng đã được thi hành khắp thủ đô. Các viên chức Hà Nội đã lo sợ rằng Trung Quốc sẽ sớm phát động một cuộc chiến tranh đại quy mô, và vào cuối Tháng Ba một nguồn tin Mỹ cho thấy rằng Việt Nam vừa mới thành lập 6 sư đoàn mới (hay 150,000 quân), phần lớn trong đó xem ra đã được đồn trú trong sự phòng thủ thủ đô.
Các sự phát triển trong thời kỳ Tháng Tư – Tháng Bảy, tuy nhiên, xem ra đã bất lợi cho cả Trung Quốc lẫn Việt Nam trong các khía cạnh khác nhau. Đối với Trung Quốc, các quan hệ với Lào tồi tệ hơn khi nhiều nhà ngoại giao và kỹ sư hơn đã rời khỏi xứ sớ này. Tệ hại hơn, Việt Nam đã không rút các binh sĩ của nó ra khỏi Kampuchea, mà ngược lại, còn tăng cường sự hiện diện quân sự của nó ở đó. Trong khi sự trục xuất người Trung Quốc khỏi Lào làm lợi cho Việt Nam, sắc lệnh tổng động viên và sự thất bại của “các vùng kinh tế mới” buộc nhiều thanh niên cố gắng chạy trốn bằng thuyền. Sự trương phồng gây kinh hoàng con số người tỵ nạn làm phương hại hình ảnh quốc tế của Việt Nam, gây bối rối ngay cả cho đồng minh chính yếu của nó, LBSV. Điều cần ghi nhận sắc lệnh tổng động viên, đã được thiết kế một phần để ngăn chặn các kẻ bất mãn chính trị tiềm năng và giảm bớt nạn thất nghiệp. Theo sắc lệnh “mọi đàn ông từ 18 đến 45 tuổi và đàn bà từ 18 đến 35 tuổi phải gia nhập các lực lượng quân sự, các lực lượng du kích, hay các toán tự vệ”, và mọi công nhân được bảo làm việc tám giờ mỗi ngày cho sự sản xuất và hai giờ bổ túc cho việc huấn luyện quân sự. Bằng cách này các nhà cầm quyền đã có thể theo dõi một cách hữu hiệu và ngăn chặn các kẻ chống đối về chính trị.
Người dân Nam Việt Nam đã phản ứng một cách mạnh mẽ chống lại sự động viên, như nhiều thuyền nhân gốc dân Việt đã chứng thực. Được hỏi anh ta đã nghĩ gì về cuộc xâm lăng của Trung Quốc, một người Nam Việt Nam được tường thuật đã nói, “Tội nghiệp, chúng đã không thể tràn xuống đây để giải phóng chúng tôi” (Newsweek, 28 Tháng Năm 1979, trang 7).
Sự đào thoát đột ngột sang Trung Quốc hồi Tháng Tám của một cựu Ủy Viên Bộ Chính Trị đã làm nghiêng cán cân có lợi cho Trung Quốc một lần nữa. Kẻ đào thoát, Hoàng Văn Hoan, 74 tuổi, là một kẻ thành lập Đảng Cộng Sản Đông Dương, và đã làm Đại Sứ đầu tiên của Việt Nam tại Bắc Kinh từ 1950 đến 1957. Ông đã được bầu vào Bộ Chính Trị của Ủy Ban Trung Ương trong năm 1956. Điều cũng quan trọng rằng ông là một trong ba cựu Đại Sứ Việt Nam tại Trung Quốc bị loại khỏi Ủy Ban Trung Ương trong Tháng Mười Hai 1976. Khi trốn sang Trung Quốc, ông đang là Phó Chủ Tịch Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội.
Hình ảnh từ lâu về sự đoàn kết nguyên khối trong giới lãnh đạo đảng [cộng sản] Việt Nam bị chứng tỏ là một huyền thoại, đã là một phần thưởng cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Sau đó trong cùng Tháng Tám, ba viên chức thân Bắc Kinh đã bị đặt trong tình trạng quản thúc tại gia. Liệu các dấu hiệu của sự rạn nứt này trong đảng có ho thấy các chiều hướng đang chiếm ưu thế hay chỉ là các hiện tượng biệt lập vẫn còn là điều cần theo dõi.
Liên quan đến biên giới, các sự phát triển sau Tháng Tám dường như cho thấy các thắng lợi nhỏ nhưng quan trọng cho Việt Nam. Với một số tiếp tế vũ khí. trương phồng từ Moscow, sự xây dựng các giao thông hào nối kết nhau tại vùng núi non miền bắc, và các sự tăng phái các lực lượng chính quy QĐNDVN đến đó, Việt Nam giờ đây sẵn sàng tự phòng thủ chống lại một cuộc tấn công trừng phạt thứ nhì từ phương bắc. Nhưng trong khi điều này nhiều phần có thể được ghép nối với nhau, các cuộc tranh luận của Liên Hiệp Quốc trtng Tháng Chín và Tháng Mười phát hiện rằng Hà Nội hiện ngày càng gia tăng đối nghịch với cộng đồng quốc tế bằng việc không làm gì để trợ giúp hay đình chỉ trào lượng xuất dương ồ ạt của các người tỵ nạn, để cung cấp thực phẩm và sự trợ giúp y tế cho người dân Kampuchea đang đói khát và đau yếu, và bởi các ràng buộc gia tăng của nó với Moscow. Moscow được biết đang chi tiêu khoảng 2 triệu mỹ kim một ngày cho nước chư hầu của nó và nền kinh tế mãi xấu hơn của Việt Nam, đặc biệt tại miền nam, sẽ còn tồi tệ hơn nữa, nếu viện trợ của Sô Việt ngừng lại. Nhưng Moscow còn có thể tiếp tục các mức độ viện trợ như thế trong bao lâu nữa là điều gây thắc mắc. Một số tường thuật cho thấy rằng các thành viên Đông Âu của khối COMECON đang phàn nàn về khoản viện trợ to lớn không cân đối dành cho hội viên Á Châu mới nhất của nó gây thiệt kại đến chúng [các nước Đông Âu]. Sự thất bại của các chương trình sản xuất nông nghiệp của miền nam Việt Nam, trong một cử chỉ khác thường, được nhìn nhận trong Phiên Họp Khoáng Đại Thứ Sáu của Ủy Ban Trung Ương Đảng tổ chức hồi Tháng Chín. Bốn sư đoàn lục quân được tường thuật trú đóng tại miền nam để duy trì an ninh nội bộ chống lại các sự bất ổn dân sự. Các khó khăn kinh tế của Việt Nam sau rốt có thể buộc chính phủ Hà Nội phải cố gắng vươn tới một số mức độ hòa hoãn giới hạn với Trung Quốc hay buộc Moscow áp lực Hà Nội phải làm như thế. Hay chúng ta có thể nhìn thấy, thay vào đó, sự bất hòa hơn nữa giữa các nhà lãnh đạo Hà Nội với nhau. Bất kỳ tình huống khả dĩ nào đi nữa đều sẽ phù hợp với mục tiêu tối hậu của Trung Quốc.
Sự rạn nứt Bắc Kinh – Hà Nội hồi Tháng Hai – Tháng Ba 1979 thường bị nhầm lẫn như chỉ là một cuộc chiến tranh giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Trong khi thành tố đó không thể phủ nhận được, bản chất bên dưới của sự rạn nứt nằm ở sự thù hận lịch sử giữa hai dân tộc, hay sự tức giận của Trung Quốc trước sự thách thức của một nuớc yếu hơn trong lịch sử đối với khu vực ảnh hưởng truyền thống của chính nó [in đậm để làm nổi bật bởi người dịch]. Có lẽ điều này đã là một thí dụ tốt cho “Tinh Thần Vạn Lý Trường Thành” của Trung Quốc. Đặt trong quan điểm lịch sử, sự căng thẳng như thế đánh dấu một tiêu chuẩn bình thường, chứ không phải là ngoại lệ -- các quan hệ hợp tác được duy trì trong cuộc chiến tranh ba mươi năm chống lại “chủ nghĩa đế quốc Tây Phương”, đúng ra, đã chỉ là một khúc đệm bất thường chen vào giữa. Chiến tranh Trung-Việt nhiều phần còn là một yếu tố nghiêm trọng của sự bất ổn định trong cán cân quyền lực trong vùng./-
---
Tiến Sĩ Masashi Nishihara, hiện là Giáo Sư về Các Quan Hệ Quốc
Tế, Học Viện Quốc Phòng, Yokosuka, Nhật Bản. Nguyên là Trưởng Văn Phòng tại
Jakarta của Trung Tâm Đông Nam Á Học, Đại Học Kyoto, ông cũng đã giảng dạy tại
Đại Học Kyoto Sangyo University và Đại Học University of South Carolina [Hoa Kỳ].
Trong năm 1979, ông là Giáo Sư Thỉnh Giảng về Các Quan Hệ Quốc Tế tại Đại Học
Quốc Gia Úc Đại Lợi. Các ấn phẩm gần đây của ông gồm Political
Corruption in Southeast Asia (chủ biên, bằng tiếng Nhật, 1975), The Japanese
and Suharto’s Indonesia (1976) và “Are There Any Possibilities of Arms
Control in Southeast Asia? “ (sắp xuất bản).
_____
Nguồn: Masashi Nishihara, “The Sino-Vietnam War of 1979
– Only The First Round? “, Southeast Asian Affairs 1980, Institute of
Southeast Asian Studies Heinemann Asia: Singapore, 1980, các trang 66-77.
Nguồn: Gió O
Nguồn: Gió O
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét