Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




PHẦN 1 - CUỘC CHIẾN TRANH TRUNG – VIỆT NĂM 1979: MỚI CHỈ LÀ HIỆP THỨ NHẤT ?

Masashi Nishihara , Kyoto University, Japan

Lời Người Dịch:

Giáo Sư Masashi Nishihara, tác giả bài nghiên cứu dưới đây, từ nhiều thập niên qua đã được xem là chuyên viên hàng đầu về các vấn đề quốc phòng của Nhật Bản.  Bài viết này được đăng tải trong tập tổng kết tình hình Đông Nam Á thường niên, Southeast Asian Affairs 1980, của Học Viện Institute of Southeast Asian Studies, Singapore, đã đưa ra một cái nhìn rất sớm về cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979 từ một nhà nghiên cứu Nhật Bản.

       Không giống với các nhà nghiên cứu Tây Phương khác, tác giả đã có một cái nhìn sâu sắc hơn về mặt lịch sử Á Châu, khi cho rằng “bản chất bên dưới của sự rạn nứt nằm ở sự thù hận lịch sử giữa hai dân tộc, hay sự tức giận của Trung Quốc trước sự thách thức của một nuớc yếu hơn trong lịch sử đối với khu vực ảnh hưởng truyền thống của chính Trung Quốc”.  Quan điểm này đã được triển khai một cách chi tiết hơn bởi một tác giả Hàn Quốc, Yu Insun, 31 năm sau này, khi phân tích cuộc chiến từ quan điểm lịch sử bang giao giữa hai nước Việt-Trung, mà bản dịch sẽ được Gió O đăng tải nơi đây.
      
      Với cái nhìn trường kỳ này, tác giả Masashi Nishihara đã kết luận:  Đặt trong quan điểm lịch sử, sự căng thẳng như thế đánh dấu một tiêu chuẩn bình thường, chứ không phải là ngoại lệ -- các quan hệ hợp tác được duy trì trong cuộc chiến tranh ba mươi năm chống lại “chủ nghĩa đế quốc Tây Phương”, đúng ra, đã chỉ là một khúc đệm bất thường chen vào giữa, và đã đặt câu hỏi như trong tựa đề: có phải trận chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979 mới chỉ là hiệp thứ nhất? 

Thực tế cho thấy sự kiện chiên tranh biên giới Việt - Trung là chính là một trong hai bước khởi đầu cho cuộc chiến tranh lâu dài hơn, mà ở một số khía cạnh vẫn còn tiếp diễn đến ngày nay, được các học giả thế giới đặt tên là Cuộc Chiến Tranh Đông Dương Thứ Ba.  Một trong những bài nghiên cứu về cuộc chiến tranh biên giới kéo dài từ 1980 đến 1987 với sáu cuộc đụng độ lớn lao đã được giáo sư Carlyle Thayer công bố hồi năm 1987, mà bản dịch cũng sẽ sớm được đăng tải nơi đây.

***
      
       Cuộc chiến tranh mười bảy ngày của Trung Quốc với Việt Nam đã khởi sự hôm 17 Tháng Hai 1979 khi các binh sĩ “tuần tra biên giới” Trung Quốc phát động điều họ gọi là “tự vệ hoàn kích” đánh vào nước láng giềng phương nam của họ.  Sau khi phá hủy vài tỉnh lỵ và cuối cùng giành được sự kiểm soát tỉnh lỵ chiến lược của Lạng Sơn hôm 5 Tháng Ba, Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc (QĐGPNDTQ) bắt đầu rút quân, loan báo rằng họ đã đạt được các mục đích của họ.  Hà Nội đã chấp nhận đề nghị của Trung Quốc để tổ chức các cuộc đàm phán biên giới với điều kiện QĐGPNTQ trước tiên phải triệt thoái tất cả các binh sĩ của họ.  Tuyệt nhiên không phải là binh sĩ Việt Nam đã đánh đuổi các lực lượng địch ra khỏi nước.  Bài xã luận trong tờ Nhân Dân Nhật Báo [Trung Quốc] hôm 7 Tháng Ba đã bình luận với sự thỏa mãn về “sự chiến thắng hoàn toàn” của Trung Quốc, nhưng ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố hôm 17 Tháng Ba rằng tất cả các binh sĩ của nó đã được rút về, Bộ Quốc Phòng Việt Nam đã đưa ra phiên bản của riêng mình về kết quả.  Dân chúng ở Hà Nội đã tổ chức một “cuộc tập hợp mừng chiến thắng” khổng lồ hôm 20 Tháng Ba.   

       Nhiều phần chắc hẳn như thế.  Nhưng bên nào đã thực sự chiến thắng?  Bao nhiêu binh sĩ đã tham dự vào cuộc xung đột? Mỗi bên đã khởi sự chuẩn bị để giao chiến khi nào?  Các chính phủ Sô Viết và Mỹ đã can dự đến mức độ nào vào cuộc chiến? Nguyên do chính xác là gì, và sẽ có các cuộc chiến tranh khác theo sau hay không? Không có các câu trả lời rõ ràng, duy nhất cho bất kỳ một trong các câu hỏi quan trọng này.  Giống như nhiều cuộc chiến tranh khác, sự đổ vỡ bạo động giữa Bắc Kinh và Hà Nội đã nêu lên nhiều câu hỏi hơn là cung cấp các câu trả lời.   Ở giai đoạn này, người ta chỉ có thể cố gắng chắp nối các thông tin rời rạc thành các sự giải thích có vẻ hợp lý.

Các Nguyên Do

       Trong số các nguyên do trực tiếp đã xô đẩy chiến tranh là vài biến cố biên giới, cuộc di cư của người Hoa (Hoa Kiều hải ngoại) khỏi Việt Nam, sự ký kết bản Hiệp Ước Hữu Nghị và Hợp Tác giữa Sô Viết và Việt Nam, và sự lật đổ của Việt Nam chế độ Pol Pot thân Bắc Kinh.  Các nguyên do này giờ đây là các biến cố quen thuộc, nhưng nguyên do cơ bản cho cuộc chiến tranh lại nằm ở nơi khác.  Căn nguyên sâu xa hơn của cuộc xung đột là sự thách đố mà các nhà lãnh đạo Việt Nam quá tự tin đã đặt ra đối với khu vực ảnh hưởng truyền thống của Trung Quốc -- Đông Nam Á – một thách đố được nêu ra đối với Trung Quốc ngay trước khi có sự sụp đổ của Sàigòn hồi năm 1975.

       Trong cuộc chiến tranh kéo dài với Hoa Kỳ, giới lãnh đạo Hà Nội đã khai thác sự xung đột Nga-Hoa để bòn rút sự viện trợ đáng kể từ cả hai phía.  Họ đã không chấp thuận sự đón tiếp bởi cả Bắc Kinh lẫn Moscow dành cho các cuộc thăm viếng của Tổng Thống Mỹ Richard Nixon trong năm 1972, nhưng đã kết án Bắc Kinh một cách nghiêm khắc hơn khi họ bắt đầu hiểu được rằng việc gia tăng xung khắc với Liên Bang Sô Viết (LBSV) sẽ chỉ làm lợi hơn cho phía Trung Quốc, bởi quyền lực Mỹ vẫn còn hiện diện Đông Nam Á và Việt Nam vẫn còn bị chia cắt.  Các nhà lãnh đạo Hà Nội đã ký kết hiệp định hòa bình Paris hồi Tháng Một 1973 ngày càng tin tưởng hơn về sự chiến thắng sau cùng của họ đối với Sàigòn và Hoa Thịnh Đốn.  Điều này đã là một sự thách đố chống lại quyền lực của Trung Quốc.  Vào lúc đó, Hà Nội đã sẵn thiết lập một sự hiện diện quân sự vững chắc tại Lào và một khu vực ảnh hưởng trên miền đông Kampuchea, sự kiện mà trong trường hợp của Kampuchea, đã trở thành một nguồn cội của sự xích mích giữa phe Khmer Đỏ thân Trung Quốc và Việt Nam.  Ngay cả trước khi có sự sụp đổ của Sàigòn, các rắc rối biên giới của Hà Nội với Trung Quốc đã khởi sự.  Sau đó trong năm 1976, Hà Nội đã thay đổi lập trường của nó về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuyên xác các chủ quyền lãnh thổ ở đó.  Trong Tháng Ba cùng năm, Việt Nam nhận được một tàu ngầm từ Liên Bang Sô Viết, được tường thuật là được đóng tại các cơ sở tàu ngầm ngoài khơi Hải Phòng và, cùng với Ba Lan, huấn luyên thủy thủ đoàn Việt Nam khoảng 80 người ở hải ngoại.

       Các đại biểu của Trung Quốc đã vắng mặt trong Đại Hội Kỳ Thứ Tư của Đảng Lao Động Việt Nam (giờ đây được biết là Đảng Cộng Sản Việt Nam) hồi Tháng Mười Hai 1976.  Nhưng điều đó gần như được chờ đợi, bởi kể từ 1966, Trung Quốc đã không gửi các phái đoàn đại diện đến các kỳ họp Đảng Cộng Sản nước ngoài.  Ngoài ra, trong một cuộc thăm viếng hồi Tháng Mười 1975 tại Moscow, Lê Duẩn và phái đoàn của ông đã ủng hộ các lập trường ý thức hệ của LBSV trên chính sách hòa hoãn của Sô Viết, chính sách tăng cường vũ khí, và về Hội Nghị An Ninh và Hợp Tác tại Âu Châu (Conference on Security and Cooperation in Europe: CSCE).  Trong kỳ Đại Hội năm 1976, Mikhail Suslov, một ủy viên thế lực của Bộ Chính Trị, đã đến dự, có lẽ với mục đích hướng dẫn và củng cố lập trường thân Moscow của Hà Nội.  Như thế không có gì đáng ngạc nhiên rằng Đại Hội năm 1976 rõ ràng đã sắp xếp sân khấu cho sự rạn nứt Trung-Việt sau đó.

       Hàng loạt đáng kể các nhà lãnh đạo Việt Nam đã lên đường sang Moscvow trong năm 1977, trong số đó có Võ Nguyên Giáp (Bộ Trưởng Quốc Phòng, trong Tháng Ba), Phạm Văn Đồng (Thủ Tướng, trong Tháng Tư), Lê Thanh Nghị (Phó Thủ Tướng, Chủ Tịch Ủy Ban Kế Hoạch Nhà Nước, trong Tháng Sáu), Trường Chinh (Chủ Tịch Ban Thường Vụ Quốc Hội, trong Tháng Tám), Lê Duẩn (Tổng Bí Thư Đảng, trong Tháng Mười), và các nhân vật khác.  Tất cả các nhân vật này sau đó cũng đều có thăm viếng Bắc Kinh, nhưng sự nghiêng về phía Moscow của họ đã không bị che dấu.  Ông Giáp tượng trung cho một trường hợp điển hình.  Trong cuộc thăm viếng hồi Tháng Ba của ông, đối tác phía Nga của ông ta, Dmitri Ustinov, đã hứa hẹn viện trợ để “tăng cường năng lực chiến đấu của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam”, nhưng cuộc thăm viếng hồi Tháng Sáu của ông tại Bắc Kinh đã rút ra được một lời tuyên bố ít cụ thể hơn nhiều: “Trung Quốc sẽ làm hết sức mình để phát triển và tăng cường sự liên đới và sự hợp tác anh em giữa hai nước.  Đáng kể hơn, Lê Duẩn đã nói một cách khiêu khích với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh trong Tháng Mười Một rằng Việt Nam cám ơn Liên Bang Sô Viết về “sự ủng hộ vững chắc cùng viện trợ quý báu và khổng lồ” của nó trong việc giải phóng miền nam – một nhận xét mà ông ta đã không đưa ra trong cuộc thăm viếng hồi Tháng Chín 1975 tại Trung Quốc.  Viên tổng bí thư đảng đã trở về mà không đưa ra bản tuyên bố chung thông thường.

       Từ năm 1977 trở đi, Bắc Kinh đã gạt bỏ bất kỳ sự mơ hồ nào trong các lời tuyên bố công khai về các quan điểm ý thức hệ thân Moscow của Hà Nội, sau này (sau Tháng Sáu 1978) gọi Việt Nam theo đuổi “chủ trương tiểu bá quyền” hay “một Cuba tại Á Châu”, đã đứng vào hàng ngũ “đại bá quyền” LBSV.  Trong đầu năm 1978, Việt Nam bắt đầu nói đến Trung Quốc như một “lực lượng phản động quóc tế đã bắt tay với chủ nghĩa đế quốc” và, từ Tháng Sáu, là “kẻ thù chính” của Việt Nam.  Sự thách đố ý thức hệ cùng địa chính trị này từ Việt Nam, kẻ đã trở thành, trong mắt nhìn của Trung Quốc, không gì khác hơn một nước thụ ủy của Liên Bang Sô Viết, đã cấu thành nguyên do căn bản cho hàng loạt các biến cố sau đó cuối cùng dẫn dắt đến cuộc xung đột vũ trang.

Nguồn: Gió O
(còn tiếp)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét