3-6-2014
Mỗi ngày chúng ta nhận được
hàng chục, hàng trăm tin tức về các sự kiện, biến cố, những lời tuyên bố, các ý
kiến và bình luận, về tình trạng căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Biển
Ðông. Những người Việt Nam nặng lòng với đất nước đang sống trong một cơn bão
thông tin và xúc động.
Ðây chính là lúc chúng ta
cần giữ lòng bình tĩnh và tỉnh táo, không mặc cảm, không ảo tưởng.
Một thứ mặc cảm nên xóa bỏ
là sợ. Một tờ báo Nam Hàn loan tin ngày 23 Tháng Năm, Cộng sản Trung Quốc đưa
300 ngàn quân đến Quảng Tây, nhiều người lo sợ Trung Cộng sắp tấn công đến nơi.
Có người ở Hà Nội cho biết đã “thấy trên đường Cầu Rẽ-Pháp Vân có nhiều đoàn xe
quân sự chở theo pháo hạng nặng và xe tăng chạy hướng Nam-Bắc nhằm về phía biên
giới”; rồi tính chuyện rút tiền ở ngân hàng về phòng bất trắc.
Nhưng nếu bây giờ Trung Cộng
định tấn công, thì họ cũng phải tính trước. Giả thử họ đánh, chiếm được Hà Nội
rồi thì họ sẽ làm gì đây? Lập thành quận, huyện của Trung Quốc như thời quân
Minh; hay lập một chính phủ bù nhìn? Một ngàn năm Bắc thuộc cho thấy dân tộc Việt
không bị khuất phục, bây giờ người Việt còn quật cường hơn trước nhiều. Có ai
muốn thử sức hay không? Hơn nữa, ngày nay Trung Cộng còn yếu hơn thời Minh
Thành Tổ, còn lo đối phó với phản ứng của các nước khác. Mỹ, Úc, Liên Hiệp Âu
Châu, Nhật Bản, Ấn Ðộ, không thể khoanh tay nhìn Trung Cộng đánh, chiếm một nước
láng giềng mà không làm gì cả.
Tối thiểu, họ sẽ trừng phạt về kinh tế từng bước
một, như đang áp dụng trong trường hợp Ukraine. Trung Cộng vốn đang bị các nước
Ðông Nam Á nghi ngờ và họ càng lánh xa; có nước nào nhìn Trung Cộng lộng hành
mà không lo đến số phận mình hay không? Mỗi nước trên đây chỉ cần giảm số hàng
nhập cảng từ Trung Quốc 10% thì nền kinh tế đang mong manh sẽ sụp đổ. Putin
chưa ngấm đủ các đòn phong tỏa kinh tế mà đã phải rút quân ở biên giới Ukraine
về. Kinh tế Trung Quốc còn mong manh hơn Nga nhiều, nếu bị thế giới tẩy chay
thì hàng trăm triệu công nhân thất nghiệp, chế độ cộng sản sẽ đổ, làm sao Tập Cận
Bình dám gây thêm rắc rối? Ông Tập Cận Bình mới khẳng định rằng Trung Quốc sẽ
không gây thêm rắc rối trong vùng Nam Hải (người Việt gọi là Biển Ðông); mà chỉ
có phản ứng cần thiết nếu bị nước khác khiêu khích. Có thể tin rằng đó là chính
sách của đảng Cộng sản Trung Hoa.
Một mặc cảm lo sợ khác là
bị Trung Cộng tấn công về kinh tế. Nhưng kinh tế là những cuộc trao đổi; anh kiếm
lời thì tôi cũng kiếm lời; anh làm khó cho tôi thì anh cũng bị thiệt hại. Năm
2010, Trung Cộng đã ngưng nhập cảng cá hồi từ Na Uy để trả đũa việc trao giải
Nobel Hòa Bình cho Lưu Hiểu Ba. Năm 2012, họ cấm nhập cảng chuối từ Philippines
sau các cuộc xung đột trên biển. Nhưng cuối cùng, đâu cũng vào đó cả, cả hai nước
bị “trừng phạt” vẫn sống ung dung.
Kinh tế Việt Nam và Trung
Quốc có quan hệ rộng lớn, nhưng có lợi cho họ hơn cho người mình. Năm ngoái,
hai nước trao đổi hơn 50 tỷ đô la Mỹ về thương mại, trong đó người Việt mua và
trả cho Trung Quốc 37 tỷ mà bên mình chỉ bán cho họ được 13 tỷ. Chấm dứt tình
trạng cán cân mậu dịch chênh lệch đó thì người Trung Hoa bị thiệt nhiều hơn người
Việt. Những năm qua, trong các cuộc đấu thầu ở nước ta, các công ty Trung Quốc
trúng thầu 90% các dự án về điện và 80% các dự án về giao thông. Ðó là một tình
trạng bất bình thường, đáng nghi ngờ. Có áp lực, tham nhũng, đút lót ở đâu đó,
ai biết? Không những thế, các nhà thầu Trung Quốc luôn luôn gây đình trệ khi
thi hành dự án, đòi tăng ngân sách mới tiếp tục, lại còn mang hàng chục ngàn
công nhân lậu sang chiếm công việc của lao động Việt Nam. Ðó là tình trạng bất
bình đẳng nên chấm dứt càng sớm càng tốt. Nếu các công ty Trung Quốc ngưng đầu
tư vào mỏ bô xít, ngưng khai thác gỗ rừng ở Việt Nam thì dân Việt còn mừng nữa!
Tình trạng kinh tế bị
ràng buộc đến mức bị lệ thuộc hiện nay là do chính sách ngoại giao sai lầm của
đảng Cộng sản, bám lấy 16 chữ vàng và 4 cái tốt; hậu quả của hội nghị Thành Ðô
nhục nhã năm 1990. Chấm dứt tương quan bất bình đẳng đó mới mở được một con đường
thoát cho kinh tế Việt Nam trong tương lai.
Tại hội nghị Shangri-La ở
Singapore, Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố nước Nhật sẽ hợp tác với Mỹ,
Ấn Ðộ, Úc Châu, cùng bảo vệ luật pháp quốc tế và an ninh hàng hải trong vùng biển
Ðông Nam Á. Ðây là một lời cảnh cáo trước cảnh Trung Cộng đem giàn khoan dầu tới
vùng Biển Ðông. Nhưng mối lo của Trung Cộng không phải chỉ là việc Nhật hứa viện
trợ 10 chiếc tầu thủy cho Philippines để bảo vệ hải phận, hay hứa sẽ giúp một
chiếc tàu cho Việt Nam.
Mối lo chính của Bắc Kinh là nhân cơ hội này ông Abe sẽ
tiến hành nhanh hơn quá trình đưa nước Nhật trở lại làm một “quốc gia bình thường,”
để tự vệ và bảo vệ các đồng minh, trong đó ông kể tới các nước Ðông Nam Á. Bình
thường hóa, nghĩa là Nhật Bản sẽ giải thích lại bản Hiến Pháp hòa bình, tái lập
quân đội, sản xuất và xuất cảng vũ khí, gửi quân ra nước ngoài. Cũng tại hội
nghị Shangri-La, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ hoan nghênh các ý kiến của thủ tướng
Nhật. Ác mộng của Trung Cộng là thấy một nước Nhật Bản tái vũ trang và có thể
chế tạo vũ khí nguyên tử bất cứ lúc nào. Theo quyền lợi của những người lãnh đạo
ở Bắc Kinh, họ có muốn giúp cho nước Nhật có thêm cơ hội liên kết với các nước
Ðông Nam Á và Mỹ chặt chẽ hơn hay không?
Phải xóa bỏ hai thứ mặc cảm
sợ hãi đối với Trung Cộng. Nhưng cũng không nên nuôi ảo tưởng rằng các nước lớn
như Nhật Bản, Mỹ cũng lo việc bảo vệ nước Việt Nam. Các quốc gia trên thế giới
đều chỉ lo bảo vệ quyền lợi của họ. Năm 1974, Mỹ không giúp Việt Nam Cộng Hòa bảo
vệ Hoàng Sa, vì lúc đó họ chỉ cần thỏa hiệp để rút khỏi Việt Nam, để lại cho
Trung Cộng và Việt Cộng mầm mống một cuộc tranh chấp, thanh toán lẫn nhau sau
này.
Tại hội nghị Shangri-La
khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Chuck Hagel gặp Tướng Vương Quan Trung (Wang
Guanzhong), phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Cộng, ông nhắc nhở rằng
Trung Quốc đã có những hành động đơn phương gây xáo trộn ở Scarborough Reef, tại
Second Thomas Shoal, và đưa giàn khoan dầu tới quần đảo Paracels. Ông Hagel nhắc
tới hai vụ gây hấn với Philippines trước, vụ xâm lấn vào lãnh hải Việt Nam sau;
vì nước Mỹ có những thỏa hiệp về an ninh, quân sự với Philippines, không có
ràng buộc nào với Việt Nam. Cho nên chúng ta không nên nuôi ảo tưởng rằng có thể
nhờ vả vào nước Mỹ trong cuộc tranh chấp với Trung Cộng.
Chính quyền Mỹ luôn luôn
khẳng định rằng họ hoàn toàn trung lập về chủ quyền các đảo trong vùng Biển Ðông.
Ðối với quyền lợi của dân Mỹ, các mỏ dầu khí dưới đáy biển thuộc chủ nhân nào
thì cũng không ảnh hưởng đến việc mua bán của họ. Một nhà bình luận Mỹ đặt câu
hỏi: “Chúng ta (người Mỹ) có cần quan tâm đến chuyện một công ty Trung Quốc hay
Việt Nam hút dầu từ đáy biển chung quanh quần đảo Paracels rồi đem bán hay
không? Chúng ta có quan tâm đến về chuyện một ngư dân nghèo người Philippine
hay một ngư dân nghèo Trung Hoa đánh được cá ở Scarborough Shoal hay không? Nước
Mỹ có đánh nhau với Trung Quốc về mấy bãi đá và tảng đá ngầm giữa đại dương hay
không?”
Cuối cùng, cần xóa bỏ các
mặc cảm, cũng xóa bỏ cả các ảo tưởng. Người Việt Nam chỉ có thể trông cậy vào sức
mình để bảo vệ quyền lợi quốc gia, những thứ còn có thể bảo vệ được.
Chiến lược lâu dài của đảng
Cộng sản Trung Hoa là gậm nhấm từng mảnh một, trong khi vẫn nói là sẵn sàng thảo
luận với các nước khác trong vùng Biển Ðông, miễn là thảo luận song phương.
Trong lâu dài, thủ đoạn này chỉ có lợi cho họ. Họ sẽ đặt thế giới trước những
“sự đã rồi,” như việc thành lập huyện Tam Sa trước đây, và việc đem giàn khoan
vào hải phận nước ta mới rồi. Thế giới sẽ dần dần chấp nhận những ‘sự đã rồi”
này, hoặc chỉ phản đối lấy lệ.
Nước Việt Nam không thể để
mình bị rơi vào trong cái bẫy đó. Cần có một chính phủ Việt Nam thực sự do dân
Việt bầu cử tự do lập nên. Cần có một chính quyền thoát ra khỏi cái vòng dây
trói buộc 16 chữ vàng và 4 cái tốt; sẵn sàng giao hảo với các nước khác mà
không sợ làm mất lòng Trung Cộng. Cần một chính quyền cho dân được tự do kinh
doanh, phục hồi kinh tế để dân giầu, nước mạnh. Muốn như vậy, cần phải chấm dứt
chế độ cộng sản.
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét