Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




ĐẢNG QUYỀN, CHÍNH QUYỀN VÀ CÒN GÌ NỮA ? PHẦN 2

Nguyễn An Dân
25-6-2014

Phần 2: Đứa con hoang hãy quay trở về

Sai lầm tai hại của đảng CSVN là đã lựa chọn đồng minh chiến lược duy nhất cho mình là Trung Quốc, đã đưa đất nước mắc vào nguy cơ bị “xâm lược toàn diện” từ chính trị cho đến kinh tế, văn hóa. Lựa chọn đó đã dẫn đến “4 vàng 16 tốt”, gây ra tình trạng “mắc kẹt” với Trung quốc như hiện nay. Và ngày càng lộ rõ là mảnh đất màu mỡ hiện nay cho báo chí “lề phải” tập trung khai thác để xả bớt nhu cầu “được nói” của mình khi mấy hôm nay có một số tờ báo chính thống đã “dám rụt rè nói ra dần dần”. Tôi phải chua chát công nhận rằng câu nói của Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc khi nói về Việt Nam trong tháng 6/2014 rằng” Tư thế của nước này rất thấp” là không thể chối bỏ. Nó phản ánh hoàn toàn đúng vị thế của đất nước sau 40 năm cầm quyền của đảng CS. 

Tôi nghĩ rằng trong hiện tại và tương lai, khi đọc hay nghe những bài diễn văn “tự hào và tự ca ngợi mình” của đảng CS thì người dân Việt Nam chỉ cần ghi chú hay phát biểu lại câu nói này của ông Hồng Lỗi là đủ, “Tư thế của nước mình (dưới sự lãnh đạo của đảng CS) rất thấp”, ngắn gọn mà đầy đủ ý nghĩa. 

“Đứa con hoang hãy quay trở về” trong ý của báo chí Trung Quốc nói ra sau khi ông Dương Khiết Trì từ Việt Nam về nhằm ám chỉ và miệt thị ai trong nhóm lãnh đạo của đảng thì không cần bàn đến ở đây, nhưng nó là một lời tổng kết về tư thế của đảng CSVN trước đảng CS Trung Quốc. Đây là một sự nhục nhã cho các lãnh đạo đảng nói riêng, toàn đảng nói chung. Nhưng nó hoàn toàn chính xác. Trong quan hệ của hai đảng anh em từ trước đến nay thì rõ ràng Trung Cộng có quyền nói câu đó với Việt Cộng, khi mà ban lãnh đạo CS Trung quốc thấy ban lãnh đạo CS Việt Nam không quyết liệt, như thiên triều mong muốn, ngăn cản phe chính quyền của đảng lân la với Mỹ.

Câu nói đó cũng đúng cho quan hệ của đảng CSVN với dân tộc VN. Đảng đã từng sinh ra từ dân tộc nhưng đảng phủ nhận hết các giá trị của dân tộc thì khác gì một đứa con hoang của dân tộc. Tôi cũng muốn nhắc lại lời của báo đảng Trung Cộng sau chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì là “đứa con hoang hãy quay trở về”. Phải, trong tư cách một công dân trăn trở với tương lai dân tộc, tôi thấy rằng 40 năm nay đảng đã hành xử như một đứa con hoang của dân tộc. Đảng đã thi hành những chính sách sai lầm tai hại tạo ra bao chia rẽ và đổ vỡ trong đại gia đình dân tộc --từ cải cách ruộng đất, đánh tư sàn tư doanh, đến “nhân văn giai phẩm”, “cải tạo ngụy quân ngụy quyền”, đàn áp những người đòi dân chủ khi họ chống bành trướng Bắc Kinh. Đỉnh điểm của tiến trình “con hoang dân tộc” này là hội nghị Thành Đô, cùng các thỏa thuận ngầm song phương khác, cho đến bây giờ là “HY-981”. Và nếu tình hình tiếp diễn như hiện nay, thì đến “hậu HY-981” cũng còn chưa dám xóa bỏ tinh thần “hữu nghị viễn vông và lệ thuộc”. Đảng đã làm cho đất nước bị miệt thị với “tư thế rất thấp” và làm cho chính đảng bị báo chí của đảng “đàn anh” gọi là “đứa con hoang”. Và ngay cả người dân Việt ngày nay chắc cũng đang nghĩ đến đảng như thế, như một “đứa con hoang đàng của dân tộc Việt Nam”, và mong đảng hãy mau quay về với dân tộc. 

Chán nản và thất vọng

Đó là lời tóm gọn đầy đủ nhất tinh thần của quần chúng đối với phản ứng của đảng cầm quyền Việt Nam trước hành vi xâm lấn dần dần của Trung Quốc. Giàn khoan HY-981 và một chuỗi những giàn khoan sau đó đã lên kế hoạch cho thấy thực tế là Trung Quốc đã “miễn bàn” với đảng cầm quyền Việt Nam. Thế mà giờ này đảng vẫn còn lần chần và lúng túng khi xử lý các vấn đề chính trị có liên quan đến Trung Quốc. Thế thì đảng vì nước hay nước phải vì đảng? .

Giàn khoan HY-981 đặt ở Hoàng Sa và sự kiên cố hóa đảo Gạc Ma của phía Trung Quốc như một bằng chứng cho thấy chủ quyền đất nước ở Biển Đông đã mất trong thực tế. Kèm theo đó, dù chưa có chiến tranh xảy ra nhưng đã có hai ngư dân bị chết vì tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của họ. Tất cả những sự kiện trên đây đều rất nghiêm trọng về lãnh thổ, tính mạng và của cải của nhân dân đã mất mát thật, thế nhưng đến nay Bộ Chính Trị vẫn chưa quyết định gì về việc khởi kiện Trung Quốc, Quốc Hội vẫn chưa “được phép” ra một nghị quyết lên án xâm lược Bắc Kinh, thể hiện rõ ý nguyện và tình cảm yêu nước của nhân dân. Vì sao vậy? Phải chăng vì phe muốn thoát Trung trong đảng chưa đủ mạnh và thật sự đang bị phe thân Trung Quốc kiềm chế? Hay vì người đứng đầu chính quyền là thủ tướng chưa đủ dũng khí để đơn phương hành động trên tư cách lãnh đạo chính phủ? Một câu hỏi khó trả lời, nhưng thực tế hiển nhiên là đảng vẫn còn hi vọng duy trì “cam kết” Thành Đô để qua đó giữ quyền lực nên những dấu hiệu và phát ngôn cải cách vẫn nằm trên giấy mà chưa đi vào thực tế. 

Họa ngoại xâm đã hiển hiện thành thực tế cụ thể ở Biển Đông. Bên trong thì xảy ra gián điệp giật dây bạo động, xí nghiệp bản đồ của Bộ Quốc Phòng bị đốt rụi, trung tâm dữ liệu về chủ quyền lãnh thổ của chính phủ bị hacker đột nhập… tất cả những chỉ dấu đó cho thấy bàn tay của gián điệp Trung Quốc đã thâm nhập rất sâu vào và giờ đang phá hoại dữ dội, vậy hà cớ gì mà cả phe đảng quyền và chính quyền còn chần chừ chưa hành động hoặc để cho nhân dân hành động chống bành trướng Bắc Kinh? Làm sao nhân dân có thể tin ở thiện chí của đảng cầm quyền thật sự muốn “thoát Trung” khi mà kẻ thù đã “quậy phá” đến như vậy mà giờ chưa biết xử lý đến đâu. Có vài tên tiếp tay cho gián điệp Trung Quốc phá hoại mà còn “không thể hoặc không dám” làm rõ thì làm sao mà nói đến chống ngoại xâm và chiến thắng kẻ thù? 

Vẫn biết rằng lâu nay Trung Quốc vẫn dùng áp lực kinh tế để đe dọa các nước Asean và Việt Nam, nhưng liệu rằng nhân dân chúng ta có e ngại khi kinh tế Việt Nam khó khăn? Đảng đừng vin vào điều này mà loanh quanh biện chứng. Nhân dân Việt Nam trải qua chiến tranh và thăng trầm nhiều rồi, nếu lần này phải chịu đựng một lần sau cuối cho tương lai đất nước thì tôi tin nhân dân sẽ ủng hộ đảng cùng xoay sở trước sự trả đũa về kinh tế của Trung Quốc. Thế nhưng đảng cũng không hành động. Vậy vấn đề không phải ở chỗ “vì e ngại Trung Quốc trả đũa kinh tế” mà đảng chưa muốn có hành động, vậy là vì lý do gì?

Nhân dân có quyền chất vấn với các câu hỏi trên vì đến nay chỉ thấy đảng nói mà chưa làm gì cụ thể, phe đảng quyền thì không bàn nữa nhưng cả phe chính quyền cũng thế. Hay là vị đứng đầu phe chính quyền vào lúc này thì “thỏa hiệp và thu xếp rút lui” ? Nếu thật sự đi theo kịch bản này thì cả đảng và đất nước đã bỏ lỡ một thời cơ mà như một tờ báo lề phải cũng phải bức bối lên tiếng “cơ hội thoát Trung ngàn năm có một”. 

Trung Quốc đã cho thêm nhiều giàn khoan nữa xuống Biển Đông, đã làm chết ngư dân nước ta, đã miệt thị nhân dân, đất nước và đảng cầm quyền của ta, mà đảng vẫn cho rằng “chưa đến mức phải phản ứng kiên quyết và mạnh mẽ”. Nấc thang cuối cùng Trung Quốc đã leo tới trước khi một cuộc xâm lược chính quy diễn ra, nhưng đảng vẫn nói “chờ cho đến lúc họ leo thang hơn thì ta mới hành động mạnh mẽ”. Nấc thang cuối rồi, còn hơn nữa là gì nữa ? E rằng nếu Trung Quốc “leo thang hơn nữa” thì ngay cả cái chỗ ngồi họp ở Hà Nội của đảng cũng chẳng còn chứ nói gì đến cơ hội để đảng thể hiện sự mạnh mẽ của mình.

Về việc đảng cầm quyền phải làm thế nào cho hợp lý thì nhiều người đã nói rồi nên tôi không nhắc lại. Tôi chỉ lưu ý trong hiện nay, trước sự leo thang xâm lấn Việt Nam của Trung Quốc đã đến nấc cuối, nếu đảng muốn nhân dân, quốc tế và Mỹ cùng phương Tây yên tâm cũng như ủng hộ Việt Nam hơn nữa thì theo tôi cần làm ngay những việc sau đây:

- Công bố kết quả điều tra và xử lý công khai những tổ chức, cá nhân nào làm gián điệp cho Trung Quốc, đã tham gia kích động công nhân, đốt xí nghiệp bản đồ, đột nhập để phá hoại dữ liệu về lãnh thổ của chính phủ… 
- Cho phép và bảo vệ an toàn cho các cuộc tuần hành-biểu tình ôn hòa mang mục đích “thoát Trung” của quần chúng, quy định khoanh vùng nơi nào được tụ tập và bày tỏ chính kiến, đó là giải pháp để tránh gián điệp giật dây kích động. 
- Công bố thời điểm kiện và nội dung kiện Trung Quốc để nhân dân yên tâm và tin tưởng.
- Đảng, Chính Phủ, Quốc Hội phải công bố và thông tin chính thức trong việc vạch rõ âm mưu của Trung Quốc để các nước khác biết việc chiếm biển Đông của Việt Nam chỉ là bước đầu trong “đại cục” của Trung Quốc, và sau Việt Nam chắc chắn sẽ là Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan... 
- Cần làm cho quốc tế thấy việc thay đổi cục diện ở biển Đông không chỉ đơn giản là tranh chấp giữa hai nước, mà là sự gạt bỏ toàn bộ hệ thống pháp luật quốc tế được vận hành bởi Liên hợp quốc, Mỹ, Châu Âu, Úc cũng như các nước khác và Việt Nam sẽ đi đầu trong cuộc vạch mặt này. Nói cách khác, đảng cầm quyền phải thể hiện cho Liên hợp quốc và các nước thấy và hiểu và ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc. Ngược lại, khi các nước thật sự ủng hộ mạnh mẽ, Việt Nam cần chứng tỏ mình là một phần của cộng đồng quốc tế, luôn tuân thủ và bảo vệ Luật pháp quốc tế, đó là biện pháp để củng cố “lòng tin chiến lược” cần thiết cho việc vận động quốc tế giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền lúc này và sắp tới.

Đảng phải hiểu rằng khi đưa Việt Nam vào thế chân kiềng cùng với các nước khác, Trung Quốc sẽ hiểu cái giá họ phải trả không chỉ nằm trong cuộc chiến riêng với Việt Nam, mà với cả các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Đây chính là sự răn đe tốt nhất cho Trung Quốc để họ từ bỏ ý định độc chiếm tài nguyên hàng hải và hàng không cho riêng họ, tuân thủ pháp luật quốc tế và trả lại phần biển Đông của Việt Nam. 

Tất cả những kiến nghị trên mà tôi liệt kê ra là tổng hợp từ ý kiến mà tôi nghe được, đọc được, của quần chúng, từ bác nông dân đến trí thức, cho đến các đảng viên có chức quyền hiện nay. Những hành động trên là việc bắt buộc và tiên quyết mà đảng cầm quyền phải làm sau những tuyên bố. Nếu không, tất cả mọi hi vọng của quần chúng vào sự “thoát Trung” của đảng chỉ là mơ hồ, và dân chúng cũng sẽ có quyền nghi ngờ cả hai phe đảng quyền- chính quyền trong đảng đang còn vấn đề gì đó? Hay là đảng lo ngại nếu phản ứng mạnh, Trung Quốc sẽ công bố ra những thông tin “không có lợi” cho đảng. Đảng e sợ cái này cũng hợp lý nhưng chưa đủ. Dân tộc ta là dân tộc có lòng khoan dung lớn, nếu đảng thật sự cầu thị, quay về với dân tộc, và có quyết tâm thực sự trong việc giữ nước, nhân dân dù tức giận nhưng cũng sẽ dễ tha thứ, hơn là đảng cứ lập lờ mãi theo kiểu như lâu nay. 

Trong trung hạn, một cuộc chuyển hóa từ nội bộ đảng nếu không xảy ra thì trước nguy cơ mất nước, một cuộc cách mạng hiển nhiên cũng phải xảy ra từ phía quần chúng. Như vậy, hy vọng đã rõ cho sự lựa chọn của các ủy viên trung ương đảng trong hội nghị TW 10 vào cuối năm nay trước khi quá trễ (so với các bước đi xâm lược của Trung Quốc). Quyết định tự chuyển hóa cho đảng từ trên xuống để đáp ứng nguyện vọng của dân tộc, hay chờ một cuộc cách mạng từ dưới lên của quần chúng để dân tộc tự định đoạt lấy vận mệnh của mình trước nguy cơ mất nước ? Mỗi đảng viên, ở cả 2 phe chính quyền và đảng quyền, hãy nhìn vào thực tế và tự tìm lấy câu trả lời.

Đảng dĩ nhiên biết rằng phong trào dân chủ còn yếu vì lâu nay nó chưa có nền tảng ý thức toàn dân làm chỗ dựa, nhưng giờ đây nó đã có nền tảng ý thức yêu nước làm chỗ dựa, sẽ dễ dàng lớn mạnh lên và chuyển hóa thành một cuộc cách mạng khi các điều kiện cần và đủ đang dần dần hội tụ. Ngày xưa đảng đã từng lợi dụng lòng yêu nước này của nhân dân để leo lên cầm quyền, hẳn nhiên đảng hiểu rõ quy luật “nước nâng thuyền và cũng dìm thuyền” hơn ai hết. Vậy đảng có sợ không ? Tôi tin là có. Nhưng có ngăn chặn được không? Tôi tin là không nếu đảng vẫn “lùng bùng” như hiện nay. Thời gian cho đảng hành động không còn nhiều nữa.

Viết cho người dân chủ

Trước khi viết những dòng dưới đây, tôi muốn gửi lời cảm ơn trân trọng đến những người dân chủ, đã vì dân tộc và đất nước mà chịu hi sinh, chịu tù tội, chịu vất vả, chịu hao tốn tiền của công sức…cho việc vận động dân chủ nhằm phát triển đất nước và mang đến cho dân tộc tương lai mới. Bên cạnh những điều đã đạt được và đã làm tốt, tôi nhớ lời của một người tranh đấu đã nêu ra ngay trong buổi họp mặt của 16 nhóm XHDS tại Sài Gòn vừa qua. Đó là câu hỏi “làm sao để thu hút quần chúng đến với chúng ta”? 

Đây là điều tôi chú ý và trăn trở lâu nay từ khi dấn thân tranh đấu, nếu trong một hy vọng vào sự chuyển hóa từ trên xuống chậm chạp và ít khả năng xảy ra, thì một cuộc cách mạng từ quần chúng ở dưới lên là kịch bản có thể nói là duy nhất để bảo vệ và đưa đất nước vượt qua hiểm họa ngoại xâm, đó là quy luật khách quan, đảng cũng thừa biết nên không cần né tránh khi bàn về nó. 

Là một người tham gia tương đối lâu năm trong phong trào dân chủ, tôi thấu hiểu tâm tư của những người tranh đấu, sự trăn trở giữa một bên là cuộc sống cá nhân và quyết định dấn thân, sự mệt mỏi vì đôi lúc những nỗ lực bị hoài nghi, sự thất vọng khi đối diện cái nhìn thờ ơ của quần chúng. Những cái này đến với chúng ta, ngoài yếu tố khách quan là đảng cầm quyền đàn áp, còn đến từ chính những cái do chúng ta tự làm ra và gây trở ngại cho chính chúng ta.

Trước hết, biết rằng thời điểm này và về sau này, qua việc bành trướng lâu dài và không từ bỏ của Trung Quốc cũng như mâu thuẫn phát sinh bên trong giữa 2 phe đảng quyền- chính quyền, người dân chủ đang và sẽ có những không gian hoạt động rộng hơn, được “nói” nhiều hơn, đó là điều tất cả đã thấy rõ. Từ hai năm nay những cuộc tụ tập họp mặt đã thoải mái hơn, những chuyến đi “đồng hành dân chủ” như thăm tù, ủng hộ bên ngoài phiên tòa xử bất đồng chính kiến, những chuyến du thuyết Âu Mỹ của người tranh đấu trong nước rồi trở về và vẫn tương đối tự do…đã cho thấy đảng quyền (hay chính quyền?) đã có sự nhân nhượng nhất định. Người dân chủ đang có nhiều “đất dụng võ” hơn trước. Điều này cần nhưng chưa đủ.

Lâu nay theo dõi báo chí trong nước (là báo mà đa số người dân đều đọc) khi viết về đề tài Việt Nam-Trung Quốc, tôi nhận thấy các bài báo đưa ra các giải pháp thì bạn đọc tham gia bình luận, đọc và hiểu, bàn tán lâu hơn các bài báo mang nội dung “chửi Trung Quốc” vô thưởng vô phạt. Từ đó có thể thấy ra quần chúng thích nghe gì và đọc gì từ người dân chủ chúng ta. Viết và nói những đề tài mang tính gợi mở tương lai làm quần chúng suy ngẫm để từ đó họ theo chúng ta thì tốt hơn là viết và nói những đề tài tuy nghe hoành tráng nhưng chỉ có tác dụng làm quần chúng tung hô xong quên lãng đi. 

Quần chúng có thể không hiểu nhiều về dân chủ nhưng họ yêu tự do, nhất là yêu nước và luôn có tinh thần dân tộc. Một bác nông dân có thể chưa biết về đa nguyên đa đảng nhưng lúc nào cũng muốn được tự do hơn, luôn chú ý đến tình hình biển đông. Cuộc vận động dân chủ phải chú ý điều này. Cần lấy lợi ích dân tộc-đất nước trong lâu dài làm nền tảng cho các phát ngôn và hành động tranh đấu của người dân chủ hơn là lợi ích cho cá nhân mình hay phe nhóm mình, tự nhiên quần chúng sẽ hiểu và dễ tìm đến với mình. Nó có thể chậm, nhưng chắc chắn và bền vững, không mang tính gắn kết “hết xôi rồi việc”.

Cũng đã đến lúc thành lập một số diễn đàn họp mặt dân chủ phi đảng phái/hội nhóm cho những người tranh đấu trong nước trên internet để thu hút quần chúng một cách chính danh và nghiêm túc. Một “không gian mở” cho quần chúng tìm đến và thảo luận chung và gián tiếp với chúng ta khi họ còn phân vân chưa quyết định trực tiếp tham gia với chúng ta. Nơi mà quần chúng cảm thấy được tự do bầy tỏ, nơi mà tiếng nói của họ được lắng nghe và tôn trọng, tạo niềm tin và tư thế cho quần chúng, để từ đó ươm mầm tự do dân chủ, tránh đi tình trạng “chúng ta nói cho nhau nghe”. 

Sau khi đảng quyền ra tay ngăn chặn các cuộc biểu tình của quần chúng, có nhiều người dân thể hiện lòng yêu nước của mình bằng các chiến thuật rất hay như làm decal, miếng dán, những tờ biểu ngữ khổ nhỏ dán ở xe máy, nón bảo hiểm, cột đèn..,với những khẩu hiệu yêu nước, thế mà rất ít các trang mạng viết về dân chủ đưa tin. Phải chăng vì các phong trào tự phát đó sử dụng logo sao vàng và cờ đỏ nên chúng ta không chú ý, và không muốn đưa tin trong khi nó xuất phát từ lòng yêu nước vô tư và trong sáng ? Như vậy chúng ta có phải chối bỏ quần chúng hay không?

Tôi cũng có đọc một bài viết của một người tranh đấu khác, nêu ra vấn đề phong trào dân chủ trong nước hiện nay chưa có một nhân vật hoặc một nhóm nào đó mang tầm thủ lĩnh để dẫn dắt tập thể. Tôi đồng ý với tác giả bài viết, chúng ta hay lẫn lộn giữa một vị anh hùng và một vị tướng giỏi. Người anh hùng thì chỉ cần lòng dũng cảm, còn vị tướng thì phải có tài và tầm nhìn, nhìn được bức tranh lớn nhưng không bỏ qua chi tiết nhỏ. Đôi khi chúng ta tôn vinh quá mức một cá nhân nào đó và lẫn lộn các giá trị giữa anh hùng và vị tướng. Quần chúng bên ngoài họ thấy nên họ nghĩ chúng ta “thiếu tư duy chiến thuật” và không tìm đến. Quan Công là một anh hùng nhưng để Kinh Châu mất, Tư Mã Ý không được tôn vinh, có lúc giả điên mặc quần áo đàn bà, nhưng là kẻ về đích sau cùng trong loạn cuộc Tam Quốc Chí, đó là những điều chúng ta cần suy nghĩ. Kể tội và lên án chính quyền chỉ cần lòng dũng cảm, nhưng chuẩn bị cho một cuộc tranh đấu dài hơi và mang tính nền tảng làm đảng phải lo ngại thật sự thì còn cần mưu trí, biết tiến thoái khi cần thiết. Những người lãnh đạo các phong trào trong và ngoài nước, ngoài việc gây dựng các tác nhân như Quan Công ra, cũng cần chú ý gây dựng những Tư Mã Ý, vì có thế thì mới hi vọng có một cuộc cách mạng sau cùng, khi cần thiết.

Sau cùng, chúng ta không sợ đàn áp nhưng quần chúng còn e sợ, và chúng ta không thể bắt quần chúng “làm giống như mình trong mọi thứ” được. Sáng kiến “Không Bán Nước” là một trong những sáng kiến rất hay và quần chúng có thể làm theo mà không sợ bị đàn áp, những người dân chủ nên suy nghĩ ra những chiến thuật nhỏ và lấn dần từng bước theo từng thời điểm chính trị thực tế, hơn là những lời hô hào đảng cầm quyền bán nước được lập đi lập lại ngày này qua ngày khác, cùng những “kế hoạch vĩ đại”. Hãy nghĩ quần chúng là một tập hợp “chưa muốn đi hay đi chậm”, chúng ta không thể bắt họ chạy nhanh như chúng ta, chúng ta nên “vừa đi vừa chạy” để họ cùng bắt nhịp, và đôi khi, chúng ta nên cần biết lui lại để người sau lưng mình bước lên và có cơ hội cống hiến nhiều hơn.

Vài lời cho phe chính quyền

Lẽ ra cũng chán khi nghĩ đến phe chính quyền trong đảng, nên không muốn viết nữa, nhưng thôi, đã nói thì nói cho hết. Cuộc tranh đấu bên trong của hai phe đảng quyền và chính quyền đang đi dần vào hồi kết và có dư luận cho rằng phe chính quyền đang tạm lui và thỏa hiệp nên cũng muốn nhắn nhủ phe này vài lời cần thiết. Các vị hãy nhìn và nhớ lại bài học “bách gia tề phóng-bách hoa tranh minh” mà Mao Trạch Đông đã làm ở Trung Quốc trong thập niên 60 của thế kỷ trước. Lưu Thiếu Kỳ và các cận thần của ông ta, vốn chỉ muốn đảng cộng sản Trung Quốc phải tự điều chỉnh những sai lầm của mình nên đứng ra tranh đấu. Nhưng cái sai lầm và thiếu sót của họ là không dựa vào nhân dân khi tranh đấu với phe bảo thủ do Mao Trạch Đông lãnh đạo. Cũng vì thế mà không quân bình lực lượng được, cuộc tranh đấu thất bại, người đi tù kẻ bị chết kể cả Lưu Thiếu Kì cũng không tránh khỏi. Mao Trạch Đông thâm hiểm đã lùi lại để phe Lưu Thiếu Kỳ tiến lên và lộ diện ra hết để dễ thanh trừng. Phe chính quyền hãy nhìn vào bài học đó mà suy nghĩ cho tương lai của mình, khi đã đẩy cuộc diện đến nước này rồi mà nửa đường từ bỏ. Thảm họa sẽ đến với quí vị từ phía đảng quyền là không thể tránh được, đấy là chưa kể đến lòng dân và lịch sử ghi công, tội rất phân minh và rạch rỏi.

------------------


Nguyễn An Dân


1 nhận xét:

  1. Loạt bài của ông thật là sâu sắc. Rất hay. Phải đọc kỹ lại, suy nghĩ kỹ rồi sẽ góp ý.

    Trả lờiXóa