Anh Khôi chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Steve Finch, Foreign Policy
Steve Finch, Foreign Policy
20-5-2014
HÀ NỘI , Việt Nam – Giữa lúc các cuộc biểu tình chống Trung
Quốc đang lan rộng tại Việt Nam thì các nhóm đối lập ủng hộ dân chủ trong nước
cũng lặng lẽ xây dựng lực lượng.
Khi nhà báo Phạm Chí Dũng bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN)
vào tháng Mười Hai vừa qua, ông đã rất tức giận và công bố lá thư bỏ đảng lên
Internet. Một trong những nhân vật bất đồng chính kiến có tiếng tại Việt Nam,
ông Dũng cáo buộc ĐCSVN bất lực trước vấn nạn tham nhũng tràn lan và tiếp tục
chiếm giữ độc quyền chính trị chống lại ước muốn của số đông người Việt Nam.
“Chưa bao giờ các nhóm lợi ích kinh tế và nhóm thân hữu chính trị, cũng như sự
cấu kết giữa hai nhóm này lại biện chứng và sâu đậm đến mức bất chấp dân tình
đến như vậy”, ông viết trong bức Tâm thư từ bỏ Đảng. Từ đó, mỗi lần ông ra
đường đều có người theo dõi chặt chẽ. “Nếu tôi đi bất cứ nơi nào thì cũng có
hai người đi theo tôi”, ông nói trong một phòng khách sạn ở thành phố Hồ Chí
Minh, một trung tâm kinh tế của Việt Nam. Việc gặp nhau ở văn phòng làm việc
hoặc tại nhà riêng hiện quá nguy hiểm, ông giải thích.
Quan điểm của ông Dũng đối với ĐCSVN hiện nay cũng phản ánh
sự thất vọng của đông đảo người dân trong nước đối với chính quyền Việt Nam.
Việc kinh tế trì trệ và kềm kẹp các quyền tự do chính trị đã thúc đẩy xã hội
ngày càng có thêm nhiều nhân vật bất đồng chính kiến – đặc biệt trên các trang
mạng Internet – điều này đe dọa đến tính chính danh của chế độ. Các cuộc biểu
tình chống Trung Quốc vừa qua đã làm ít nhất 129 người bị thương và hầu như đều
được các hãng thông tấn quốc tế đưa tin. Nhưng đối với nhiều người Việt Nam thì
mũi nhọn của tình trạng bất ổn là chính quyền trong nước chứ không phải nước
láng giềng phương bắc.
Nền kinh tế kém cõi của Việt Nam chính là một trong những
động lực của sự bất hòa. Từ một trong những nước nghèo nhất thế giới sau khi
chiến tranh Việt Nam kết thúc, ĐCSVN đã đưa ra chính sách cải cách kinh tế vào
năm 1986 được gọi là “Đổi Mới” – và đến thập niên 1990 thì nền kinh tế Việt Nam
trở thành một trong những nước có chỉ số phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam
Á. Từ năm 2006 đến năm 2009, GDP hàng năm của nước này tăng gấp đôi lên hơn 90
tỷ USD.
Tuy nhiên, kể từ đó thì bức tranh kinh tế đã trở nên ảm đạm
hơn. Điều này một phần do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng điểm chính
vẫn phát sinh từ cơ cấu nguồn gốc hệ thống tư bản chủ nghĩa – cộng sản. Tăng
trưởng được thúc đẩy bởi sự ưu đãi về tín dụng, phần lớn bởi các tập đoàn nhà
nước nhưng lại không hoạt động hiệu quả, đã dẫn đến tình trạng lạm phát tăng
cao ngất ngưỡng lên đến 18,7% trong năm 2011, con số cao nhất trong khu vực
Đông Nam Á. Kết quả là trong những năm vừa qua, Việt Nam đã ra sức cố gắng cắt
giảm các khoản nợ xấu mà hệ thống ngân hàng đã gây ra.
Nhưng những nỗ lực cải cách nửa vời đã không giúp tái khởi
động lại nền kinh tế còi cọc của nước này. GDP của cả nước chỉ tăng 5,4% trong
năm 2013, tốc độ tăng trưởng mà các chuyên gia kinh tế cho rằng vẫn còn quá yếu
để nền kinh tế nước này có thể hồi phục hoàn toàn. Trong khi đó, tất cả các
nước láng giềng của Việt Nam đều báo cáo có mức tăng trưởng GDP cao trong năm
2013: Lào đạt 8%; Trung Quốc 7,7%, và Campuchia 7%.
Hồi tháng Mười năm 2012, trong một động thái đầy bất ngờ,
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra lời “xin
lỗi” trước Quốc hội và nhận trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng kinh tế
trong nước. Một phần ông cũng muốn giảm sự bức xúc của dư luận về vụ bê bối
tham nhũng liên quan đến các tập đoàn kinh tế dưới sự giám sát của ông.
Kể từ đó, ĐCSVN lại ngày càng công khai hơn về những nỗ lực
của họ trong việc thanh trừng nạn tham nhũng tràn lan khắp nước. Theo một báo
cáo của chính phủ thì tính đến tháng Mười một, toà án Việt Nam đã xử lý 278 vụ
tham nhũng trong năm 2013. Trong sáu tháng vừa qua, Việt Nam đã kết án ít nhất
ba lãnh đạo ngân hàng về tội tham nhũng sau khi phát hiện họ đánh cắp hàng trăm
triệu đô la từ các công ty nhà nước, bao gồm cả Agribank – ngân hàng thương mại
cho vay lớn nhất nước này. Nhưng các cuộc trấn áp tham nhũng là một phước lành
hỗn hợp đối với ĐCSVN: nhờ sự công bố ngày càng rộng lớn đối với vấn nạn tham
nhũng đã giúp dư luận chú ý nhiều hơn đến các công ty nhà nước do chính phủ
kiểm soát.
Những bất công này đang ngày càng làm nhiều người trong số
90 triệu dân tại nước độc đảng này tan vỡ ảo mộng, giáo sư Chu Hảo – cựu thứ
trưởng đã nghỉ hưu thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ – cho biết. “Mặc dù chính phủ
cố gắng củng cố quyền lực và nuôi [niềm tin của nhân dân vào chính phủ] nhưng
việc này vẫn còn gặp nhiều giới hạn cũng như thiếu sót, khiến mọi người ít tin
tưởng vào chính quyền và phản ứng nhiều hơn”, ông nói.
Vào tháng Giêng năm 2013, Hà Nội đã mở ra cuộc thăm dò ý
kiến của nhân dân về việc sửa đổi hiến pháp. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực
hiện việc làm loại này. Đáp lại, hàng chục ngàn đảng viên cấp cao của ĐCSVN,
các quan chức quân đội, trí thức, các linh mục, sinh viên, giáo viên, và các
luật sư đã ký kiến nghị trực tuyến kêu gọi Việt Nam chuyển đổi sang hệ thống đa
đảng – một đề nghị mà Quốc hội Việt Nam đã lặng lẽ làm ngơ khi họ thông qua các
thay đổi hiến pháp hồi tháng Mười một năm 2013.
Trong thời gian này, chính phủ cũng đẩy mạnh các nỗ lực bắt
giam các nhân vật bất đồng chính kiến: Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thì số
lượng người bất đồng chính kiến bị kết tội lật đổ và các tội chính trị khác
đã tăng từ khoảng 40 người trong năm 2012 lên ít nhất là 63 người vào năm 2013.
Mặc dù tốc độ các vụ bắt giữ đã chậm lại trong những tháng gần đây nhưng theo
một nhà ngoại giao phương Tây có trụ sở tại Việt Nam đã yêu cầu dấu tên cho
biết, thì ông nói rằng nguy cơ bắt giam vẫn còn đầy trước mắt.
Hai blogger bị chính quyền kết án tù hồi tháng Ba vừa qua
theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự, một trong số các điều luật được thông qua trong
hai năm gần đây nhằm ngăn chặn những người chỉ trích chế độ trên mạng Internet.
Các phương tiện truyền thông cho đến thời điểm này phần lớn vẫn do nhà nước
kiểm soát. Việt Nam không có tường lửa hiệu quả như nước láng giềng Trung Quốc
nên ĐCSVN cũng rất vất vả trong việc tìm cách ngăn chặn các ý kíên bất đồng
trên mạng. Số lượng người dùng Facebook tại Việt Nam đã tăng từ khoảng 10
triệu người hồi tháng Mười hai năm 2012 lên đến 24 triệu người vào tháng Tư năm
2014.
Trong khi đó, các nỗ lực bừa bãi của nhà nước trong việc đàn
áp những nhân vật bất đồng chính kiến trên mạng đã làm nhiều người Việt Nam
bày tỏ sự bất bình. Nguyễn Thu Trang, một nhân viên pha cà phê ở Hà Nội cho
biết cô đã bị an ninh tra hỏi và quấy rối bởi các bài viết của cô về tình hình
chính trị và xã hội Việt Nam. Nhưng bất chấp các cảnh báo từ cha mẹ rằng cô có
thể bị kết án trong tù, cô nói rằng cô không thể nào giữ im lặng được nữa. “Dân
chủ không thể thiết lập được ngay lập tức”, cô nói tại một quán cà phê ở Hà
Nội. “Nó đòi hỏi một quá trình lâu dài và con người là yếu tố quan trọng”.
Nguyễn Thu Trang nói rằng cô có những người bạn thậm chí còn
trẻ hơn cô và họ cũng nói về những vấn đề này trên mạng – một thế hệ bất đồng
mới đã nổi lên nhờ sự phổ biến của các mạng xã hội như Facebook/Twitter. Trang
đề cập đến các hoạt động trên mạng hiện nay vẫn phát triển theo phong trào nên
Việt Nam vẫn chưa có tổ chức đối lập đủ mạnh để đối lại với chính quyền.
Các hành động chính trị trực tiếp có thể thách thức được sự
độc quyền của ĐCSVN cho đến nay dường như vẫn là điều không thể xả ra. Hiện nay
chỉ có 8,4% đại biểu trong quốc hội là không phải đảng viên. Và mặc dù sự hiện
diện của họ đã cho phép quốc hội có các cuộc tranh luận lớn hơn về cách điều
hành đất nước nhưng quyết định cuối cùng vẫn là một quá trình mơ hồ thuộc về
các cấp cao nhất trong đảng. Thậm chí, quá trình rà soát để được đề cử trong
các cuộc bầu cử vẫn do chính quyền trung ương kiểm soát chặt chẽ.
Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Điều hành nhà xuất bản tư nhân
Alpha Books ở Hà Nội, là một trong một số ít người Việt Nam đã cố gắng đứng ra
tranh cử độc lập trong cuộc bầu cử quốc hội hồi năm 2011. Một nhà cải cách thực
dụng và thẳng thắn, Nguyễn Cảnh Bình là một trong những người không thuộc các
thành phần phản đối chính sách của đảng, tuy nhiên ĐCSVN vẫn từ chối chấp nhận
đơn của ông mà không đưa ra lý do cụ thể nào.
Nguyễn Cảnh Bình ủng hộ những gì ông gọi là “trung đạo” cho
Việt Nam – một cách tiếp cận không đối đầu. Ông bắt đầu một chương trình giáo
dục mới nằm ngoài hệ thống nhà nước để dạy giới tinh hoa của đất nước về cách
lãnh đạo, và cho đến nay nhà xuất bản do ông điều hành đã in hàng trăm bản dịch
tiếng Việt từ các sách về chính trị phương Tây, triết học và văn hóa. Ông muốn
sự thay đổi chậm và mang tính ổn định, chứ không phải là “Mùa xuân Việt Nam”.
“Chúng tôi không có kiến thức hoặc hoàn toàn hiểu được về phía bên kia của
nền dân chủ là gì”, ông nói. “Chúng tôi cũng đã nhìn thấy những gì đang xảy ra
với cuộc khủng hoảng ở Thái Lan và Ukraina”.
Tuy nhiên, thứ trưởng nghỉ hưu Chu Hảo thì lại bi quan. Mặc
dù chính phủ vẫn lắng nghe về những ý kiến của nhân dân nhưng họ không hiểu và
cũng không có thay đổi nào cụ thể. “Họ có hai lựa chọn: Gần gũi hơn với đời
sống nhân dân và dân chủ hơn. Hoặc, tiếp tục đàn áp và thiếu dân chủ”, ông nói.
“Và nếu chọn phương án hai thì chế độ có thể sụp đổ một cách nhanh chóng”.
© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét