Thường Sơn
24/5/2014
Không chỉ giàn khoan 981 sừng sững, cả một hạm đội nhỏ của
Trung Quốc lao vào “vùng tranh chấp lãnh hải” và những tin tức ban đầu về 5 sư
đoàn thiết giáp được Bắc Kinh điều động áp sát biên giới phía Bắc Việt Nam rất
có thể đã xúc tác cho động tác đối ngoại dứt khoát hơn của giới lãnh đạo Hà Nội,
hay khiêm tốn hơn là “một bộ phận” trong giới lãnh đạo đang ngổn ngang ý thức hệ
về hướng nhìn ngoại bang.
Trong tuần này, sau cuộc tổng biểu tình thất bại của công
dân và cuộc đàn áp tổng biểu tình thành công của chính quyền, người ta đã chứng
kiến vài phản ứng dè dặt đầu tiên của những người vẫn quen im lặng. Quốc hội Việt
Nam là trường hợp tiêu biểu nhất.
Ai cũng thừa hiểu rằng nước mất sẽ tan nhà. Và như bài học lịch
sử ngàn năm bắc thuộc còn thảm thiết lưu truyền, vua chúa nước Nam cùng lắm chỉ
còn “ngựa xe vài cỗ, quân hầu lơ thơ”.
Tình thế ngàn cân như thế đã khiến giới quan sát không quá
ngạc nhiên khi tiếp tục chứng kiến những bước đi dạn dĩ hơn trong phong trào
“xoay trục” sang phương Tây. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Manila,
Philippines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trở thành chính khách cao cấp đầu
tiên của Việt Nam thể hiện đôi chút chính kiến về vấn đề biển Đông. Lần đầu
tiên vị thủ tướng quen đọc diễn văn này dùng từ “viển vông” như một cách hành
văn nói trong tuyên ngôn nhắm tới “tình hữu nghị” với chế độ độc đảng toàn trị
Bắc Kinh.
Mặc dù đối với dư luận người dân trong nước, chừng đó chính
kiến của ông Dũng vẫn còn là quá ít so với áp suất khổng lồ mà Bắc Kinh đè nén
Việt Nam suốt nhiều năm qua, nhưng ít nhất đã không còn là một sự im lặng đáng
sợ kéo dài quá lâu của toàn bộ triều đình Hà Nội.
Lại “hợp tác hải quân”
Trong một động thái hầu như im lặng khác, Washington lại chẳng
hề vội vã biểu cảm trước tình cảm thúc bách của giới ngoại giao Việt Nam về mối
họa Trung Quốc. Không thể nói khác hơn là người Mỹ đã có quá đủ kinh nghiệm về
điều mà họ coi là bất nhất đối với Hà Nội từ sau sự kiện Việt Nam được tham gia
vào WTO và còn được dỡ bỏ khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về
nhân quyền và tôn giáo (CPC) vào năm 2007. Đơn giản là nếu chính quyền của một
trong những quốc gia bị coi là có thành tích vi phạm nhân quyền nổi bật nhất thế
giới không có được tối thiểu vài ba bằng chứng “có thể chứng minh được” về
thành tích cải thiện nhân quyền, Hoa Kỳ sẽ chẳng có lý do gì để bênh vực họ,
cho dù Trung Quốc có thể tấn công Việt Nam vào bất cứ thời điểm nào.
Chỉ đến khi Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh – cấp phó trực
tiếp của lãnh đạo cao cấp được giới quan sát xem là có đầu óc “cải cách” nhất
là ông Nguyễn Tấn Dũng – tổ chức cuộc điện đàm với ngoại trưởng Mỹ John Kerry
và còn được một số báo chí nhà nước đưa tin, hiệu nghiệm của liều thuốc Phòng bầu
dục mới bắt đầu tác dụng: hầu như nay lập tức, Phạm Bình Minh được Bộ ngoại
giao Hoa Kỳ mời viếng thăm đất nước của Hạm đội 7.
Giới quan sát quốc tế cũng hẳn không quên chỉ trước cuộc điện
đàm trên ít ngày, tư lệnh hạm đội 7 của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương đã bắn tin
trên Reuters về khả năng “Hải quân Mỹ sẵn sàng hợp tác với hải quân Việt Nam”.
Lần ngược về quá khứ, hải quân hai nước này đã có mối quan hệ giao lưu từ tháng
4/2013 tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, điều khó hiểu là từ đó đến nay vẫn chỉ là vài sự
kiện nhỏ nhoi, chỉ là lượng tàu chiến đếm trên bàn tay của Mỹ thăm viếng Việt
Nam – một con số quá nhỏ so với hơn 100 tàu Trung Quốc luôn lờn vờn bên cạnh
giàn khoan HD 981.
Phạm Bình Minh sẽ đến Mỹ, đó là điều hầu như chắc chắn. Và
có lẽ đến lúc đó, sự im lặng của người Mỹ mới trở nên có âm hưởng. Cùng với tiếng
nói đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Manila về “tình hữu nghị viển
vông” với Trung Quốc, hẳn điều mà chính giới Việt Nam thật sự mong đợi là một bản
hiệp ước tương trợ quốc phòng giữa họ với Mỹ, như kết quả rất đáng khích lệ mà
Philippines đã thu hoạch ngay sau chuyến công du của Tổng thống Barak Obama đến
nước này vào cuối tháng 4/2014.
Chỉ một hiệp ước quân sự với Hoa Kỳ mới đủ sức kềm giữ lòng
tham của người “Láng giếng tốt”.
Chỉ bằng vào sự có mặt của hạm đội 7, hải quân Việt Nam mới
có thể tự tin hơn trong cuộc đối đầu với hải quân và tàu ngầm Trung Quốc, mới
có hy vọng giữ được các vị trí tiền tiêu ở Đà Nẵng và Cam Ranh mà không bị đẩy
sâu vào đất liền.
“Đối tác toàn diện chiến lược”?
Chỉ với quan hệ thiết thực và nhất thiết phải thành tâm với
Mỹ, giới chính khách cô đơn ở Việt Nam mới có thể lôi kéo được sự quan tâm phần
nào của Liên minh châu Âu và cộng đồng thế giới nói chung.
Trong một tín hiệu mới nhất, không phải Nhà Trắng mà lại là
tư lệnh quân đội Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương bắn tiếng rằng “Mỹ muốn
hợp tác chiến lược với Việt Nam”. Không cần diễn giải quá nhiều, giới quan sát
đều thừa hiểu giới chính khách Việt đang ngả sang phương Tây mong đợi đến thế
nào mức hợp tác hấp dẫn này, trong khi trước đó chỉ là cấp “đối tác toàn diện”
mà chẳng mấy có ý nghĩa tương hỗ quân sự.
Những động tác thực và giả diễn ra liên tục từ phía Trung quốc
vừa qua và trong thời gian tới, cùng với động thái “xoay trục” sang phương Tây
của một bộ phận giới lãnh đạo Việt Nam, sẽ cho thấy những tuần lễ tới có thể đầy
ắp tin tức hấp lực, cơ hội cùng rủi ro cho bất kỳ phe phái nào và chính khách
nào ở Việt Nam.
Thậm chí đến một lúc nào đó, tinh thần biểu tình của nhân
dân đã từng bị chính quyền ngăn cấm thô bạo sẽ có cơ may được chính giới lãnh đạo
khẩn thiết “kêu gọi”.
Thường Sơn
Tại sao VN không mời Tàu của hải quân Mỹ ghé thăm khu vực giàn khoan và đưa tin nhỉ?
Trả lờiXóa