Tuệ Mẫn chuyển ngữ
Joseph S. Nye, Project-Syndicate
CAMBRIDGE – Hầu hết các diễn
biến gần đây cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trở thành người chiến thắng
trong cuộc khủng hoảng Ukraina. Việc ông Putin ra lệnh sáp nhập Crimea, nơi mà
Nikita Khrushchev tự ý chuyển giao cho Ukraina vào năm 1954, đã được người Nga
nồng nhiệt hoan nghênh rộng rãi và ông phần lớn lờ đi các phản ứng của phương
Tây. Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh dài hạn thì chiến thắng của ông Putin chưa hẵn
đã ổn.
Cuộc khủng hoảng hiện nay
ở Ukraina bắt đầu từ việc Tổng thống Viktor Yanukovych từ chối ký kết Hiệp định
với Hiệp hội Liên minh châu Âu. Thay vào đó, ông Yanukovych đã ký một thỏa thuận
với Nga để đổi lấy các khoản viện trợ cần thiết. Việc này đã gây ra các cuộc biểu
tình tại nhiều khu vực phía tây Ukraina nơi có nhiều người ủng hộ thỏa thuận với
Hiệp hội Liên minh châu Âu, và cuối cùng dẫn đến sự kiện lật đổ chính phủ tham
nhũng do ông Yanukovych lãnh đạo.
Về phần mình, ông Putin
không chỉ cung cấp nơi trú ẩn cho ông Yanukovych và từ chối công nhận chính phủ
mới ở Kiev; ông bắt đầu giúp tổ chức – và kích động – các nhóm đối kháng người
Nga ở Crimea. Bằng cách triển khai quân đội Nga (thường đeo mặt nạ và không có
phù hiệu) từ căn cứ Hạm đội Biển Đen tại Sevastopol – nơi mà Nga đã thuê lại từ
Ukraina – ông Putin đã có thể kiểm soát bán đảo này một cách dễ dàng mà không
có sự thiệt hại nào về dân số.
Khi các nhà lãnh đạo
phương Tây bày tỏ sự phẫn nộ đối những thay đổi áp đặt diễn ra tại biên giới
châu Âu, ông Putin đã không hề bối rối và dẫn lý do lực lượng NATO đã từng sử dụng
vũ lực ở Kosovo 15 năm trước cũng như việc hỗ trợ cho Serbia ly khai khỏi nước
này. Ông Putin cho đây như một ví dụ về thói đạo đức giả của phương Tây. Các nước
phương Tây đáp trả bằng nhiều biện pháp trừng phạt nhắm vào mục tiêu chống lại
một vài quan chức cao cấp người Nga. Sau đó ông Putin đã đáp trả các biện pháp
trừng phạt bằng cách ngăn cản các chính trị gia phương Tây nhập cảnh vào nước
này.
Sau tất cả mọi chuyện, chỉ
có một vài ngân hàng Nga đã phong toả tài khoản, một số các lô hàng nhạy cảm đã
bị tạm dừng, và đồng rúp cũng như thị trường chứng khoán Nga đã phải chịu một số
tổn thất. Nhưng các tác động tổng thể từ những biện pháp trừng phạt của phương
Tây vẫn chưa có gì đáng kể.
Sự miễn cưỡng của phương
Tây trong việc tăng cường các biện pháp trừng phạt bắt nguồn chủ yếu từ các nước
châu Âu có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga. Trong khi Hoa Kỳ – nước giao dịch
rất ít với Nga – và Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ đưa ra thêm một số biện pháp
trừng phạt khác nếu Putin gửi lực lượng vào phía đông Ukraina thì việc thiết kế
các kế hoạch trừng phạt để không làm hại đến nền kinh tế châu Âu không phải là
điều dễ dàng.
Tuy nhiên, Nga đã phải trả
một giá rất đắt cho các hành động của họ trên trường quốc tế. Thiện chí và quyền
lực mềm mà Nga tạo được từ cuộc Thế vận hội Sochi ngay lập tức đã vụt mất, và
Nga hiện đã bị lọi ra khỏi nhóm G -8. Tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, Nga đã
phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu đầy lúng túng, trong đó hơn 100 quốc gia đã
lên án hành động xâm lược của Nga ở bán đảo Crimea. Và vào cuối buổi hội nghị
thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở The Hague, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã chỉ
trích tuy Nga là một cường quốc trong khu vực nhưng các chính sách hung hãn đối
với các nước láng giềng đã thể hiện rõ tính yếu kém của Điện Kremlin.
Liệu các vấn đề này có ảnh
hưởng gì đến Putin?
Câu trả lời phụ thuộc vào những mục tiêu của ông Putin là
gì.
Theo một số nhà quan sát
thì nếu các hành động hiếu chiến của ông Putin xuất phát từ cảm giác bất an
nhưng ông đã đạt được một số thành công. Với hướng này, ông Putin lo sợ bị mất ảnh
hưởng tại nước láng giềng nơi mà Nga có mối quan hệ lịch sử sâu sắc từ nhiều
năm nay. Nhưng bất chấp việc Nga có sức ảnh hưởng mạnh mẽ ở phía đông Ukraina,
tác động tổng thể trong việc sáp nhập Crimea đã giảm tầm ảnh hưởng của Nga
trong cả nước trong khi việc này lại tiếp thêm sức mạnh cho NATO.
Ông Putin cũng có thể lo
lắng rằng nếu cuộc cách mạng ở Ukraina thành công có thể khuyến khích các sự kiện
tương tự mà ông đã từng chứng kiến vào năm 2012 tại Nga khi ông ra ứng cử chức
tổng thống. Trong bối cảnh sát nhập Crimea, mức ủng hộ ông Putin trong nước đã
tăng vọt, và việc này giúp giảm thiểu cơ hội biểu tình chống lại chính quyền của
ông.
Một số người khác cho rằng
động lực chính của ông Putin là nhằm khôi phục lại vị thế “quyền lực lớn” của
Nga trên thế giới. Sau tất cả các sự việc thì ông Putin, một cựu điệp viên KGB ở
Đông Đức, đã lên tiếng nói rằng việc giải thể chế độ Liên Xô là “một thảm họa địa
chính trị lớn nhất trong thế kỷ XX”.
Trong thực tế, ông Putin
thường được mô tả là tức giận với các nước phương Tây. Ông luôn cảm thấy bị bao
vây bởi sự phản bội và nhục nhã từ những điều mà ông cho là không công bằng đối
với Nga. Đối với ông Putin, các cử chỉ – như bao gồm để Nga tham gia vào nhóm
G-8, G-20, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và mời đại sứ Nga thảo luận các vấn
để của NATO ở Brussels – vẫn không thể bù đắp cho sự mở rộng của NATO vào sát
biên giới nước Nga, đặt các tên lửa chống tên lửa đạn đạo ở Đông Âu hoặc sự
chia cắt tại Serbia. Việc lật đổ Đại tá Muammar el-Qaddafi ở Libya và những nỗ
lực liên tục nhằm cắt đứt nước đồng minh của điện Kremlin, tức Tổng thống Syria
Bashar al-Assad, chỉ làm cho vấn đề tồi tệ hơn.
Nếu như vấn đề vị thế là
một trong những động lực quan trọng đối với các hành động của Putin ở Crimea
thì phản ứng của phương Tây có thể có tác động lớn hơn nhiều so với những gì
chúng ta đang chứng kiến hiện nay. Trước khi Thế vận hội Mùa đông diễn ra ở
Sochi (nơi được lên kế hoạch để tổ chức cuộc họp G–8 vào tháng Sáu), ông Putin
đã từng lên tiếng rằng sức mạnh mềm là mục tiêu quan trọng đối với nước Nga.
Cho đến lúc này thì mục tiêu sức mạnh mềm của Putin hiển nhiên khó trở thành hiện
thực vì nó đối ngược với việc sử dụng quyền lực quân sự ở Ukraina.
Trong ý nghĩa này, lời
tuyên bố của Tổng thống Obama rằng Nga là một cường quốc trong khu vực nhưng lại
thể hiện sự yếu kém – cộng thêm việc Nga bị lọai khỏi nhóm G–8 – có thể đã chạm
vào vùng yếu đuối nhất của ông Putin. Hành động của ông Putin ở Ukraina chắc chắn
mang lại cho Nga một số hữu ích trong mục tiêu ngắn hạn. Và việc này cũng cho
thấy ông Putin không phải trả giá quá đắt. Nhưng vẫn còn nhiều điều chưa chắc
chắn rằng liệu phép tính của ông Putin có đáng để mang ra đánh đổi hay không.
© 2014 Bản tiếng Việt TẠP
CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét