(VNCH
- 10 ngày Cuối Cùng)
4/4/2018
4/4/2018
Kế hoạch đầu tiên là chấp thuận tấn công Phước Long.
Một ủy viên trong Ban Thường Vụ của Trung Ương Cục Miền Nam
và cũng là người được xem như là rất thân cận với Lê Duẫn trong thời gian Lê Duẫn
còn làm Bí Thư Xứ Ủy Nam Bộ thời chiến tranh Đông Dương trước năm 1954.
Tưởng cũng nên nhắc lại là con đường này hồi đó được cả hai
phe Việt Nam Cộng Hòa và cộng sản gọi là “đường dây ông cụ” chứ chưa
được gọi là “đường 559″ hay “đường mòn Hồ chí Minh” như sau
này. Luật Sư Đinh Thạch Bích có cho người biết một chuyện lý thú là người đã đặt
tên cho con đường bây giờ nổi tiếng là “Đường Mòn Hồ chí Minh” lại chính là một
vị Tướng lãnh trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ông
Bích có phục vụ tại Phòng 2 của Sư Đoàn 22 tại Vùng 2 Chiến Thuật mà vị Tư Lệnh
lúc đó là Trung Tá Nguyễn Bảo Trị. Ông Bích nói rằng hàng ngày các sĩ quan
trong Bộ Tham Mưu đều thảo luận về “đường dây ông cụ” tức là con đường liên lạc
và chuyển vận người cũng như là vũ khí chiến cụ của cộng sản từ Bắc vào Nam.
Ông Bích cho biết một hôm trong phiên họp Tham Mưu, ông hỏi “ông cụ nào vậy ?”
thì Trung Tá Nguyễn Bảo Trị cười rồi nói “thì đó là Hồ chí Minh chứ còn ai vào
đây” Từ đó “đường dây ông cụ” trở thành “đường mòn Hồ chí MInh” và sau này được
người Mỹ gọi là “Hochiminh trail”.
Nhờ những nỗ lực và vận động của PhạM văn Đồng, Lê Duẫn đồng
ý cho mời Phạm Hùng và Trần Văn Trà đến tư dinh để thảo luận thêm.
Trần Văn Trà hỏi Lê Duẫn lý do tại sao Hà Nội không chấp thuận
kế hoạch tấn công Quận Đôn Luân thuộc Tỉnh Phước Long do B2 đề nghị và được Lê
Duẫn cho biết Bộ Tổng Tham Mưu đã phúc trình lên Lê Duẫn rằng nếu mở cuộc tấn
công này thì những đơn vị chủ lực của chiến trường B-2 sẽ phải được tung hết
vào cuộc chiến từ lúc khởi đầu, nếu bị thất bại thì sẽ tổn thất rất nhiều về
nhân lực, vũ khí, đạn dược và chiến cụ. Sự tổn thất này sẽ ảnh hưởng quan trọng
đến tiềm lực của Trung Ương Cục Miền Nam dành cho các cuộc tấn công dự trù vào
năm 1975 và cuộc tổng tấn công tại Miền Nam dự trù vào năm 1976. Lê Duẫn nói rằng
chính vì lý do đó mà kế hoạch tấn công Đôn Luân không thích hợp.
Phạm Hùng và Trần Văn Trà, hai đệ tử thân tín của Lê Duẫn thời
Nam Bộ Kháng Chiến, đã thuyết phục Lê Duẫn rằng Quân Lực của Việt Nam Cộng Hòa
trong vùng Phước Long rất yếu kém, Miền Nam không có đủ khả năng để tiếp viện nếu
Phước Long bị tấn công và Quốc Lộ 13 bị cắt đứt. Sau cùng thì Lê Duẫn bị Phạm
Hùng, Trần Văn Trà thuyết phục và chính Lê Duẫn lại đứng ra vận động với Bộ
Chính Trị về việc tấn công Phước Long. [The Fall of the South, trang 17].
Trong cuốn hồi ký Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh 30 Năm, Thượng
Tướng Trần Văn Trà có cho biết rõ hơn về chuyện này:
“Nhân lúc anh Phạm Hùng nói về triển vọng ta thắng lợi nhiều
trong mùa khô này vừa dừng lại, tôi hỏi anh Ba (Lê Duẫn): “Vừa rồi anh điện
vào không cho đánh Đồng Xoài, vì nguyên do thế nào ?
Anh Ba trả lời: “Bộ Tổng Tham Mưu báo cáo với tôi là
các anh tung cả chủ lực ra đánh ngay từ đầu mùa khô. Đánh Đồng Xoài và tiếp
theo một loạt các trận đánh lớn khác, như vậy là không phù hợp. Cần phải đánh
thế nào để giữ họ giai sức, trong tình hình hiện nay phải luôn nắm trong tay một
lực lượng sung sức để khi có thời cơ, anh mới có điều kiện dành thắng lỢi”.
Tôi lại trình bày với anh về ý định của chúng tôi và về cách
sử dụng lực lượng.
Tôi nói:“Trong đợt đầu mùa khô chúng tôi vẫn nắm một lực lượng
dự bị mạnh là sư đoàn 9 và một số trung đoàn khác.”
Anh Phạm Hùng nói thêm vào: “Đánh Đồng Xoài không cần lực
lượng lớn đâu và chúng tôi chắc thắng, chúng tôi cũng đã cân nhắc kỹ”
Anh Ba nói: “Nếu đúng như vậy thì cứ đánh chứ có vấn đề gì đâu”
Tôi tưởng tai mình không nghe rõ, liền hỏi lại cho chắc: “như
vậy anh cho chúng tôi giải quyết Đồng Xoài để có hành lang thông về phía Đông
như kế hoạch chúng tôi đã dự định?
Anh Ba nói: Nhưng chắc thắng và không được sử dụng lực
lượng lớn.
[ Trần Văn Trà: Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh 30 Năm, Nhà xuất bản
Văn Nghệ, Thành Phố Hồ chí Minh, 1982, trang 170.]
Ngay sau khi được Lê Duẫn đổi ý kiến cho phép đánh Đồng
Xoài, Trần Văn Trà đánh điện ra lệnh cho Lê Đức Anh và vào ngày 14 tháng 12 năm
1974 thì việt cộng khởi sự tấn công Quận Đức Phong, mở đầu cho chiến dịch tấn
công Phước Long. Tuy nhiên, dù đã được Lê Duẫn chấp thuận nhưng dường như phe
Văn Tiến Dũng và các Tướng lãnh của Quân Đội Nhân Dân tại Hà Nội mà Trần Văn
Trà châm biếm gọi là “lính nhà vua” cũng còn tìm cách chống đối. Trần Văn Trà
cho biết rằng ngay hôm đó, Trà viết một mệnh lệnh gửi cho Lê Đức Anh ở B2 nhờ Bộ
Tham Mưu của Văn Tiến Dũng gửi đi, nhưng đến chiều hôm đó thì Lê Ngọc Hiền mang
trả lại, không chịu gửi với lý do là vì trong bức điện Trà đã cho phép dùng xe
tăng và pháo lớn mà những giới hạn mà Quân Ủy không cho phép.
Trần Văn Trà nói
rằng ông ta giận dữ và nói với Lê Ngọc Hiền rằng: “Việc sử dụng vũ khí lớn
tôi đã xin phép rồi, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Yêu cầu đồng chí cho điện đi
và đồng chí sẽ phải chịu trách nhiệm nếu điện của tôi chậm trễ, lỡ thời cơ”. Sau
khi hăm dọa như vậy thì Lê Ngọc Hiền mới cho đánh bức điện của Trần Văn Trà vào
Nam ra lệnh cho Lê Đức Anh khởi sự cuộc tấn công Phước Long” [ Trần Văn Trà:
Sách đã dẫn, trang 178.]
Frank Snepp nhận định rằng quyết định gia tăng các cuộc tấn
công quân sự tại Miền Nam cũng gặp phải nhiều sự chống đối của phe “bồ câu” và
phe ôn hòa trong Bộ Chính Trị Đảng Lao Động vì họ vẫn còn e ngại việc Hoa Kỳ
tái can thiệp và những trở ngại trong việc tái thiết sau này. Tuy nhiên, chính
Tổng Bí Thư Lê Duẫn đã thuyết phục họ với lập luận rằng Quốc Hội Hoa Kỳ đang thảo
luận về viện trợ cho Miền Nam và các cuộc tranh luận này cho thấy rất ít có cơ
hội mà người Mỹ sẽ tái can thiệp ở Việt Nam, do đó mà dù Bắc Việt có gia tăng
các cuộc tấn công thì cũng chẳng có gì phải lấy làm lo ngại cho lắm. Để trấn an
những phần tử còn thận trọng trong Bộ Chính Trị, Lê Duẫn đồng ý sẽ lấy vụ tấn
công Phước Long làm một thí nghiệm: Nếu Hoa Kỳ mà không can thiệp để cứu tỉnh
này thì điều đó chứng tỏ rằng ông ta đã đúng, còn nếu mà Hoa Kỳ có can thiệp
thì Bắc Việt vẫn còn có đủ thì giờ để rút lui.
Sau cùng thì Lê Duẫn thuyết phục được Bộ Chính Trị của Đảng
Lao Động và chính Lê Duẫn, nhân danh Bộ Chính Trị, ra lệnh cho khởi sự cuộc tấn
công Tỉnh Phước Long. Lê Duẫn đã ra khẩu lệnh cho Phạm Hùng và Trần Văn Trà trước
khi hai người này lên đường trở về Miền Nam: “các đồng chí phải chắc rằng
chúng ta sẽ chiến thắng ở Phước Long”.
Chiến Dịch Phước Long
Đầu tháng 12 năm 1974, cộng sản cho mở một vài cuộc tấn công
gần Tây Ninh để nhử cho Việt Nam Cộng Hòa gởi các đơn vị trừ bị đến tăng cường
cho Tỉnh này rồi đến ngày 13 tháng 12, cộng sản khởi sự tấn công vào Tỉnh Phước
Long.
Theo Đại Tướng Cao Văn Viên thì đầu tháng 10 năm 1974 qua
tin tức thâu thập từ tình báo, phản gián hồi chánh viên và tù binh, Bộ Tổng
Tham Mưu đã biết được kế hoạch cộng sản Bắc Việt chuẩn bị đánh chiếm Phước
Long. Tin tức nầy đã được chuyển đến Quân Đoàn III và Tiểu Khu Phước Long. Cuộc
tấn công của cộng sản vào Phước Long không phải là một sự bất ngờ ngoài sự ước
đoán của chúng ta.
Tướng Viên cho biết rằng lực lượng phòng thủ toàn Tỉnh Phước
Long gồm có 5 Tiểu Đoàn Địa Phương Quân khoảng 4.000 người, 48 Trung Đội Nghĩa
Quân khoảng 1.000 người và 4 Pháo Đội (Đại Đội) Pháo Binh. Như vậy thì trong
khu vực Tỉnh này, chỉ có những lực lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân đảm
trách việc phòng thủ, không có một đơn vị tác chiến nào của Chủ Lực Quân cả,
cho đến khi một số tiền đồn của ta bị rơi vào tay địch thì Quân Đoàn III mới
tăng viện cho Phước Long một Tiểu Đoàn thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh cùng với hai
Pháo Đội và 3 Đại Đội Trinh Sát.
Trong khi đó thì cộng sản Bắc Việt đã sử dụng Quân Đoàn 4 do
Tướng Hoàng Cầm làm Tư Lệnh và Đại Tá Bùi Cát Vũ làm Chính Ủy gồm có ba sư
đoàn, lúc đó được gọi là “Công trường 7 và 9″ cùng với hai trung đoàn cao-xạ
phòng không và nhiều đơn vị pháo binh cũng như là xe tăng tấn công vào 5 mục
tiêu trong Tỉnh Phước Long”. [ Cao Văn Viên: Sách đã dẫn, trang 99-100.]
Theo Đại Tá William E. Leggro, cựu Trưởng Phòng Tình Báo của
Phòng Tùy Viên Quân Lực Hoa Kỳ (DAO) tại Saigon thì lúc đó, ngoài những đơn vị
tác chiến kể trên, trong vùng lãnh thổ Tỉnh Phước Long, cộng sản còn đặt căn cứ
của nhiều bộ chỉ huy chiến thuật và tiếp vận nữa: Đồn điền Bù Dốp-Bố Đức là bản
doanh của bộ chỉ huy M-26 của 3 tiểu đoàn chiến xa cách Phi Trường Sông Bé khoảng
45 cây số, bộ chỉ huy của các đơn vị công binh chiến đấu cũng gồm khoảng 3 tiểu
đoàn, ngoài ra còn có các đơn vị khác nữa như quân xa, huấn luyện và hậu cần
v.v… [ William E. Le Gro: Vietnam.from Cease-fire lo Capitulation. Washington
D.C.: US Army Center of Military History, 1981, trang 133].
Ngày hôm sau, 14 tháng 12 năm 1974, cộng sản đã chiếm được
hai tiền đồn là hai Quận Bố Đức và Đức Phong, tuy nhiên Quận Đôn Luân do một Tiểu
Đoàn Địa Phương Quân trấn giữ đã anh dũng đẩy lui được đợt tấn công đầu tiên của
cộng sản. Vì Quốc Lộ 14 đã bị cộng quân cắt đứt. Không Quân Việt Nam Cộng Hòa
phải vận tải tiếp liệu và di tản thương binh cùng thường dân bằng phi cơ C-130
và trực thăng CH- 47, nhưng sau đó cộng quân đã pháo kích vào Phi Trường Phước
Bình, tiêu hủy một chiếc C-130, làm hư hỏng một chiếc khác và Phi Trường Phước
Bình đã bị cộng quân pháo kích hàng ngàn trái đạn do đó không còn sử dụng được.
Ngày 26 tháng 12 năm 1974, sau 13 ngày anh dũng chống trả lại
các cuộc tấn công biển người của cộng sản, tiền đồn Đôn Luân bị thất thủ sau
khi bị cộng quân pháo kích hàng ngàn đạn pháo binh rồi sử dụng chiến xa và quân
bộ chiến tràn ngập Quận lỵ này. Lúc đó, trừ Quận lỵ Phước Bình và Thành Phố Phước
Long, toàn thể Tỉnh này đã hoàn toàn rơi vào sự kiềm soát của cộng sản.
Sau khi Quận Đôn Luân bị thất thủ, một phiên họp khẩn cấp đã
được triệu tập tại Dinh Độc Lập với sự chủ tọa của Tổng Thống Thiệu và sự hiện
diện của Phó Tổng Thống Trần Văn Hương, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Trung Tướng
Đặng Văn Quang, Phụ Tá An Ninh và Quốc Phòng, Đại Tướng Cao Văn Viên, Trung Tướng
Trần Văn Minh, Tư Lệnh Không Quân, Trung Tướng Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Quân Đoàn
III và Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng Liên Quân kiêm Tổng Cục Trưởng
Tổng Cục Tiếp Vận. Mục đích của phiên họp này là thảo luận để đi đến quyết định
là Saigon có nên tăng viện cho Phước Long hay không và nếu tăng viện thì tăng
viện như thế nào về vũ khí, về nhân sự.
Trong cuốn The Final Collapse, Đại Tướng Cao Văn Viên
cho biết trong phiên họp này, Trung Tướng Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Quân Đoàn III
đã trình bày về tình hình Phước Long và đề nghị xin một Sư Đoàn Bộ Binh hay Sư
Đoàn Nhảy Dù lên tăng viện cho Phước Long và đồng thời ông xin được từ chức viện
cớ là ông đã không đủ khả năng giải quyết được tình hình quân sự của vùng này.
Lời yêu cầu của Tướng Dư Quốc Đống bị Tổng Thống Thiệu bác bỏ.
Tướng Cao Văn Viên cho biết sau khi nghiên cứu tình hình thì
kế hoạch tăng viện cho Phước Long bị hủy bỏ dựa vào những lý do sau đây: Bộ
Tổng Tham Mưu không còn đủ quân trừ bị, hai Sư Đoàn Tổng Trừ Bị là Nhảy Dù và
Thủy Quân Lục Chiến đang trấn đóng ở Vùng I và tình hình chiến sự ở đây không
cho phép rút bất cứ đơn vị nào để tăng viện cho Phước Long, tại Vùng III, hai
Sư Đoàn cơ hữu là Sư Đoàn 18 và 25 cũng không thể đưa lên tăng viện cho Phước
Long vì còn phải được dùng để án ngữ khu vực Tây Ninh ngăn chân hai sư đoàn cộng
sản 5 và 9 tiến về Saigon, nếu giả thử như có thể gửi một Sư Đoàn tăng viện cho
Phước Long thì phải mất từ 5 đến 7 ngày mới đến nơi và lúc đó thì chưa chắc
quân trú phòng Phước Long còn cầm cự được trước sự tấn công của các lực lượng cộng
sản đông gấp mấy lần, về tiếp tế thì cần phải sử dụng Không Quân và Bộ Tổng
Tham Mưu phỏng định là không quân sẽ bị thiệt hại rất nặng trước lực lượng
phòng không của cộng sản mà sự thiệt hại này sẽ không được thay thế vì ngân
sách dành cho Không Quân không còn nữa và sau cùng, lý do quan trọng nhất là về
các phương diện chiến lược, kinh tế, chính trị và dân số, Phước Long không quan
trọng bằng Tây Ninh, Pleiku hay là Huế. Theo Bộ Tổng Tham Mưu thì trong thời điểm
mà ngân quỹ Quốc Phòng đang phải đối diện với một sự thiếu hụt ngặt nghèo, nếu
phải giữ đất thì nên củng cố lực lượng để giữ Tây Ninh hay Huế hơn là Phước
Long. Buổi họp đi đến quyết định là chỉ sử dụng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù
để tăng viện cho Phước Long như đã dùng đơn vị này để tiếp viện cho An Lộc hồi
năm 1972.[ Cao Văn Viên: Sách đã dẫn, trang 106-109].
Như vậy thì sự tiên đoán của Phạm Hùng và Trần Văn Trà nói rằng
Việt Nam Cộng Hòa sẽ không có đủ khả năng để tăng viện cho mặt trận Phước Long
nếu Tỉnh này bị tấn công là không mấy sai sự thật. Và điều này cũng chứng tỏ
cho thấy rằng Việt Nam Cộng Hòa không còn có đủ quân để tăng viện cho Phước
Long chứ không phải như những lời đồn đại, những lời bàn luận mà người Saigon hồi
đó thường gọi là “lời bàn Mao Tôn Cương” nói rằng khi quyết định không
tăng viện cho Phước Long, Tổng Thống Thiệu đã chơi trò “tháu cáy” cố tình để mất
Tỉnh này vào tay cộng sản cốt là để thử xem người Mỹ có giữ đúng sự cam kết là
sẽ can thiệp nếu Bắc Việt mở các cuộc tấn công ở Miền Nam sau Hiệp Định Paris
hay không. Sau phiên họp này, vì lý do thời tiết cũng như là chiến sự, đến sáng
ngày 5 tháng 1 năm 1975, Không Quân mới thực hiện được 60 phi vụ oanh tạc để dọn
bãi đáp ở phía Bắc Thành Phố và đến 3 giờ chiều thì khoảng 250 Quân Nhân thuộc
Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù mới hoàn tất được cuộc đổ bộ và tiếp xúc được với
quân trú phòng dưới những cơn mưa pháo mãnh liệt của cộng quân.
Các đơn vị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã chống trả các
cuộc tấn công biển người của 3 sư đoàn cộng quân với sự yểm trợ của chiến xa
T-54 và đại pháo 130 ly trong hơn 10 ngày. Biệt Cách Nhảy Dù đã chiến đấu vô cùng
gan lỳ và dũng cảm trong nỗ lực phản công tái chiếm lại những mục tiêu đã mất,
tuy nhiên sức người có hạn, hơn một nửa tổng số các chiến sĩ Biệt Kích Nhảy Dù
đã anh dũng hy sinh trong các trận đánh này. Hơn nữa, cộng sản đã cho thiết kế
gắn thêm vào hông xe tăng của họ những cái “khiên kim loại” mới được biến chế
khiến cho các loại súng chống chiến xa loại M-72 cũng như là súng không giật 90
ly của Hoa Kỳ chế tạo không còn hữu hiệu nữa.
Sự chiến đấu gan dạ của các Chiến Sĩ 81 Biệt Cách Nhảy Dù
cùng các đơn vị Địa Phương Quân trong Thị Xã Phước Long đã khiến cho cuộc tấn
công của cộng quân phải chùn lại. Trần Văn Trà đang họp ở Hà Nội cho biết:
“Bỗng một hôm trong lúc đang họp, một đồng chí trong Cục Tác
Chiến Bộ Tổng Tham Mưu đưa đến và đọc một bức điện từ chiến trường báo cáo rằng:
“vì địch đã tăng viện được Lữ Đoàn 81 Biệt Kích Dù vào Thị Xã, chúng đã cố thủ
nên chúng tôi tạm cho dẫn bộ đội ra chấn chỉnh để nghiên cứu đánh lại”.
“Tôi sửng sốt, không tin. Tôi ngồi gần như đối diện với anh
Ba (Lê Duẫn,) khi nghe đọc xong, anh ngó thẳng vào tôi có vẻ hỏi tại sao vậy.
Trước đây, khi xin được đánh Phước Long và được sử dụng một ít pháo lớn và xe
tăng, tôi đã khẳng định với anh Ba rằng ta đánh chắc thắng và địch không thể
tăng viện được. Nay nếu đánh không nổi Tỉnh Lỵ Phước Long thì mọi việc đánh giá
khác của tôi sẽ khó mà tin được là đúng. Trình độ tác chiến của quân chủ lực ta
ở miền Đông rõ ràng sẽ chứng tỏ còn thấp kém.” [ Trần Văn Trà: Sách đã dẫn,
trang 189.]
Tuy nhiên sức người có hạn, đến nửa đêm hôm 6 tháng 1 năm
1975, sau khi các vũ khí hạng nặng và trang bị truyền tin bị pháo binh và chiến
xa của cộng sản phá hủy hoàn toàn, với biển người trên 30.000 quân cộng sản tấn
công ào ạt, một số mấy trăm chiến sĩ thuộc các binh chủng Biệt Động Quân, Biệt
Kích Dù, Địa Phương Quân và Nghĩa Quân thuộc Tỉnh Phước Long đã rút được vào những
khu rừng rậm quanh Tỉnh Lỵ Phước Bình. Trong tổng số 5.400 chiến sĩ bảo vệ cho
toàn Tỉnh Phước Long, chỉ có khoảng 1.000 người trong đó có 121 Quân Nhân Biệt
Cách Nhảy Dù đã thoát được và trở về trình diện Quân Đoàn III. Tỉnh Trưởng Phước
Long, Quận Trưởng Phước Bình, một số Tiểu Đoàn Trưởng cùng khoảng trên 3.000
Quân Nhân thuộc các đơn vị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã được ghi nhận là mất
tích và tử vong.
Kể từ khi cộng quân khởi sự tấn công vào ngày 13 tháng 12
năm 1974 cho đến khi Tỉnh Phước Long bị thất thủ vào ngày 6 tháng Giêng năm
1975, khoảng trên 5 ngàn Địa Phương Quân và Nghĩa Quân đã anh dũng cầm cự được
với 30 ngàn quân cộng sản trong 23 ngày thì đó cũng là một cuộc chiến đấu vô
cùng anh dũng đáng ca ngợi của các Chiến Sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
vào những ngày đầu của cuộc tổng tấn công Miền Nam Việt Nam.
Theo nhận định của một Quân Nhân thuộc lực lượng Biệt Kích
Nhảy Dù có tham dự cả hai trận An Lộc hồi năm 1972 và Phước Long năm 1975 thì trong
trận Phước Long địch quân đánh không giỏi và gan dạ như chúng ta nghĩ. Vấn đề
là địch đông quá. Pháo binh của họ mạnh và chính xác hơn là ở An Lộc. Xe tăng của
địch được trang bị khác hơn, súng M-72 của ta không ngăn chận được. Khi bị
trúng đạn, xe tăng địch khựng một chút rồi tiếp tục tiến lên. Yểm trợ của Không
Quân không hữu hiệu vì phi cơ bay quá cao. Chỉ có B-52 như ở An Lộc thì chúng
ta mới có thể thắng được. [ghi chú: Cao Văn Viên: Sách đã dẫn, trang 113].
Nhưng năm 1975 thì không có B-52, ngược lại về phía Hoa Kỳ,
không hề có một phản ứng nào, không có một phản kháng nào đối với việc cộng sản
Bắc Việt mở cuộc tấn công chiếm Tỉnh Phước Long.
Trong cuốn The Final Collapse, Đại Tướng Cao Văn Viên
nhắc lại rằng “Trong dịp sang Saigon vào ngày 18 tháng 10 năm 1972 để trao
cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bản sơ thảo viết bằng Anh Ngữ của Hiệp Định
Paris, Cố Vấn Kissinger nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục giữ các căn cứ tại
Thái Lan và Hạm Đội Mỹ ở ngoài khơi Việt Nam để ngăn chận các cuộc xâm lăng của
cộng sản…”. [ Cao Văn Viên: Sách đã dẫn, trang 39.]
Trong thời gian cộng sản tấn công Phước Long, Tiến Sĩ
Kissinger đang làm Ngoại Trưởng Hoa Kỳ và lúc đó có một Hạm Đội Hoa Kỳ đang hoạt
động trong vùng biển Á Châu, nhưng ông ta đã không nhắc nhở gì với Tân Tổng Thống
Ford về lời hứa của ông gần hai năm về trước tại Saigon để cho Tổng Thống
Gerald Ford có thể ra lệnh cho một lực lượng Đặc Nhiệm Hải Quân trong đó có
Hàng Không Mẫu Hạm nguyên tử Enterprise đang hoạt động trong vùng Thái Bình
Dương tiến vào vùng hải phận gần bờ biển Việt Nam, nhưng thay vì ở lại chung
quanh vùng biển này như là một hình thức để ủng hộ một cách tượng trưng cho Việt
Nam Cộng Hòa thì Hạm Đội này lại được lệnh đi thẳng sang…Phi Châu.
(còn tiếp)
Ong Vò Vẽ
◾◾◾◾◾
◾◾◾◾◾
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét