Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




TRƯỜNG SA BỊ ĐÁNH CHIẾM HAY BỊ ĐEM DÂNG ?

Phạm Đỉnh
12-3-2014

Ngày 14/3/1988, đảng CSVN dâng đảo Gạc Ma cho Trung Quốc và đã cho phép Trung Quốc ám sát 64 chiến sĩ Việt Nam




Một lần nữa chúng ta lại kỷ niệm ngày 14/3/1988. Vào ngày này hải quân Trung Quốc đã nổ súng tàn sát 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đồn trú tại các đảo đá Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin. Khác với biến cố Hoàng Sa năm 1974 đây không phải là một trận hải chiến mà là một cuộc tàn sát bởi vì lực lượng hai bên quá chênh lệch. Trong dịp này một câu hỏi nghiêm trọng cần phải được đặt ra: Trường Sa có thực sự đã bị Trung Quốc đánh chiếm không, hay đã bị chính quyền cộng sản Việt Nam, đứng đầu là cặp bài trùng Nguyễn Văn Linh – Lê Đức Anh đem dâng cho Trung Quốc để được thần phục Trung Quốc và yên thân? Nói cách khác phải chăng các liệt sĩ Trường Sa đã bị mưu sát?

Năm trước, vào dịp kỷ niệm 25 năm biến cố Trường Sa, ông Nguyễn Gia Kiểng đã viết bài "Một nghi vấn về Trường Sa" (xin xem phụ đính dưới đây) trong đó tác giả đặt nghi vấn là có thể chính quyền cộng sản Việt Nam đã thỏa thuận dâng Trường Sa cho Trung Quốc để cầu hòa. Như thế "trận hải chiến Trường Sa" ngày 14/03/1988 chỉ là một dàn dựng và 64 chiến sĩ hải quân đã bị hy sinh để che giấu hành động dâng đảo. 

Tuy ông Kiểng chỉ nói là một "nghi vấn" nhưng những sự kiện và lập luận được đưa ra trong bài này không còn cho phép một ngờ vực nào là Trường Sa đã bị đem dâng cho Trung Quốc. Đây là một hành động cực kỳ nghiêm trọng cần được tố giác. Cho tới nay đa số người Việt nam, kể cả các trí thức được coi là cởi mở vẫn tin rằng Trường Sa đã bị Trung Quốc đánh và trách nhiệm của ĐCSVN là đã không chuẩn bị để đối phó.  

Điển hình là câu sau đây của ông Nguyễn Khắc Mai (cựu ủy viên trung ương đảng và trưởng ban tôn giáo ĐCSVN) trong bài "Tôn Vinh Chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Trận Gạc Ma 14/3/1988": "Rõ ràng Việt Nam đã không rút ra được bài học từ Hòang Sa năm 1974, nên đã không sẵn sàng đối phó được với mưu đồ của Trung Quốc chiếm Gạc Ma và trước đó đối với cả chục bãi đá trong quần đảo Trường sa của Việt Nam"

Nhưng sự thực nghiêm trong hơn nhiều, có lẽ quá nghiêm trong để chúng ta có thể ngờ được. Đó là chính quyền cộng sản đã chuẩn bị kế hoạch rất chu đáo để dâng Trường Sa cho Trung Quốc.

Phạm Đỉnh

****************
Phụ đính:

Một nghi vấn về Trường Sa 
Nguyễn Gia Kiểng

Tháng 3 này là tròn 25 năm ngày hải quân Trung Quốc đánh chiếm nhiều đảo đá ở Trường Sa làm 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam thiệt mạng. Đây là dịp để đặt ra một câu hỏi lớn và nghiêm trọng: Trung Quốc đã thực sự lấn chiếm Trường Sa hay đã có thỏa hiệp?

Thỏa hiệp có thể chỉ là một thỏa hiệp ngầm không thành văn tự, mà có thể cũng không cần được nói ra một cách minh bạch để ai đó có thể ghi lại nguyên văn trong một báo cáo hay một hồi ký. Nó có thể là sự hiểu ngầm giữa hai bên sau nhiều trao đổi.

Đàng nào thì câu hỏi cũng rất nghiêm trọng. Nếu câu trả lời là Trung Quốc đã thực sự đánh chiếm Trường Sa thì có lý do gì để Việt Nam chủ trương"giữ nguyên trạng" trên Biển Đông như lời ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và hơn thế nữa còn trân trọng tình hữu nghị "4 tốt, 16 chữ vàng"?

Còn nếu ban lãnh đạo CSVN đã thỏa thuận, dù là thỏa thuận ngầm, nhượng cho Trung Quốc một phần Trường Sa thì họ đã mang một tội vô cùng lớn. Không phải chỉ là tội phản trắc đối với các chiến sĩ hải quân đã hy sinh tính mạng. Cũng không phải chỉ là tội làm mất một số đảo đá mà còn là, và nhất là, tội đã làm mất quyền lợi vô cùng lớn của Việt Nam trên Biển Đông. Trước năm 1988 Trung Quốc không có mặt tại Trường Sa, chỉ sau khi đã lấy được một số đá của Việt Nam họ mới có lý cớ để vẽ ra cái lưỡi bò liếm gần hết Biển Đông. Tình trạng này đặt Việt Nam trong thế phải mãi mãi tranh chấp với Trung Quốc trên một vùng biển đáng lẽ ra đương nhiên là của mình.

Trước mọi thảo luận chúng ta có thể khẳng định hai điểm.

Một là, đối với các chiến sĩ hải quân đã chiến đấu tại Trường Sa ngày 14 tháng 3 năm 1988, nhất là đối với 64 người đã hy sinh, Trung Quốc đã lấn chiếm thực sự và họ đã chiến đấu để bảo vệ tổ quốc. Sự hy sinh của họ phải được ghi nhận trọn vẹn. Nhưng họ có thể không biết những tính toán của ban lãnh đạo cộng sản.

Hai là chắc chắn ít ra đã có sự chấp nhận, dù là miễn cưỡng, để Trung Quốc chiếm một số đá trong vùng của Việt Nam để có mặt tại Trường Sa. Bằng cớ là Trung Quốc đã đưa hải quân đến Trường Sa ngay từ đầu năm 1988 và trong hai tháng 1 và 2 đã chiếm nhiều đá trong khu vực thuộc Việt Nam nhưng chính quyền CSVN đã hoàn toàn không có phản ứng nào. Nếu họ dừng lại ở đó thì đã không có vấn đề gì. Hải chiến chỉ đã xảy ra ngày 14/03/1988 khi Trung Quốc tấn công ba đảo đá mà hải quân Việt Nam đang trấn giữ: Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin.

Các diễn biến tại Trường Sa đã xảy ra như thế nào? Theo những tài liệu của chính quyền Việt Nam thì từ đầu năm 1988 hải quân Trung Quốc đã đến vùng Trường Sa của Việt Nam. Ngày 31/01 họ chiếm đá Chữ Thập phía Bắc đảo Trường Sa Đông, ngày 18-02 chiếm đá Châu Viên, ngày 26/02 chiếm đá Ga Ven sâu trong khu vực Việt Nam ngay kế bên đảo Nam Yết, ngày 28 chiếm đá Tư Nghĩa (Hughes) kế cận và ở giữa hai đảo Sinh Tồn và Sinh Tồn Đông. Chính quyền Việt Nam hoàn toàn không có phản ứng nàodù những đá này đều là những đá mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền và thuộc hải phận Việt Nam tính từ các đảo mà Việt Nam đã có chủ quyền từ lâu. Sự im lặng này không thể có giải thích nào khác hơn là một sự chấp nhận, nếu không phải là một thỏa hiệp từ trước. Đầu tháng 3, Trung Quốc lại tăng cường thêm lực lượng hải quân lên đến 12 tàu chiến. Ngày 14/03 hải quân Trung Quốc tiến đánh các đá Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin, bắn chìm ba tàu HQ-604, HQ-505 và HQ-605 đang trấn giữ. Lực lượng quá chênh lệch đã khiến hải quân Việt Nam không gây được một thiệt hại nào cho phía Trung Quốc. Điều lạ là dù đã đánh bại hoàn toàn lực lượng phòng vệ Việt Nam Trung Quốc chỉ chiếm đá Gạc Ma, được coi là có vị trí quan trọng nhất, mà không chiếm hai đá Len Đao và Cô-Lin. Ngày 23/03 họ chiếm thêm đá Xu Bi. Mãi đến ngày 31/3, vào lúc trận chiến đã chấm dứt hẳn từ hai tuần rồi, một lực lượng nhỏ của hải quân Việt Nam mới được điều động đến nơi nhưng cũng tránh đụng độ với tàu Trung Quốc.

Những sự kiện quá không bình thường trong biến cố này buộc người ta phải đặt câu hỏi phải chăng giữa lãnh đạo hai bên đã có thỏa hiệp.

Tại sao chính quyền cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn không có phản ứng nào, kể cả lên tiếng phản đối, trong suốt hai tháng đầu năm 1988 khi Trung Quốc tuần tự chiếm đóng đá này rồi đá khác trong khu vực của mình? Cũng nên biết là chính quyền cũng như các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn im lặng trước cũng như sau biến cố này, chỉ có bộ ngoại giao ra một tuyên bố phản đối có lệ ngày 14/03. Rồi thôi.

Tại sao Trung Quốc mặc dù đã đánh bại hoàn toàn hải quân Việt Nam lại chỉ chiếm đá Gạc Ma chứ không chiếm hai đá Len Đao và Cô Lin? Sau này bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng họ lấy làm tiếc rằng đã có sự "hiểu lầm" để xảy ra đụng độ chứ họ không có ý định đánh chiếm những đảo và đá mà Việt Nam có đóng quân (dầu vậy họ vẫn giữ Gạc Ma). Như vậy nếu "hiểu đúng" thì họ có thể chiếm các đá khác mà không xảy ra đụng độ? Người ta càng có thêm lý do để tin rằng đã có thỏa hiệp.
Câu hỏi lớn nhất là tại sao không quân Việt Nam đã không tham chiến dù chỉ cách Trường Sa một giờ bay và có thừa khả năng tiêu diệt nhanh chóng toàn bộ lực lượng hải quân Trung Quốc có mặt tại trận lúc đó mà không chịu một thiệt hại nào. Trường Sa nằm ngoài tầm hoạt động của không quân Trung Quốc, các tàu chiến Trung Quốc tại đó cũng quá sơ sài để có thể đương đầu với máy bay chiến đấu. Lý do chỉ có thể là vì không quân Việt Nam đã nhận được lệnh cấm tham chiến và lệnh này chỉ có thể đến từ ông Lê Đức Anh, lúc đó vừa là bộ trưởng quốc phòng vừa là cánh tay mặt của tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nên lấn át cả ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch về mặt đối ngoại. Mặt khác Trung Quốc cũng phải tin là không quân Việt Nam sẽ không can thiệp mới dám hành động như thế.

Tất cả những sự kiện trên đây đã quá đủ để tin là giữa hai chính quyền đã có thỏa hiệp để Trung Quốc chiếm một phần Trường Sa, nhưng bối cảnh quan hệ Việt Trung vào lúc đó còn hỗ trợ hơn nữa giả thuyết này.

Cần nhớ lại là chiến thắng 30/4/1975 đã khiến Đảng Cộng Sản Việt Nam hân hoan đến mức gần như mất trí. Họ tin mình là thiên tài, chủ nghĩa Mác – Lênin bách chiến bách thắng, phong trào cộng sản do Liên Xô lãnh đạo sắp thành công đến nơi, chủ nghĩa tư bản đang dãy chết. Họ đặt điều kiện để cho phép Mỹ được bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Lúc đó họ đã đứng hẳn về phía Liên Xô trong cuộc xung đột giữa hai đàn anh, quan hệ của họ đối với chế độ cộng sản Trung Quốc đã chuyển sang thế kình địch. Trong đại hội IV cuối năm 1976 của ĐCSVN Trung Quốc không gửi phái đoàn sang tham dự. Dầu vậy ĐCSVN bất chấp Trung Quốc. Đại hội IV đã là đại hội liên kết toàn diện và tuyệt đối với Liên Xô, thách thức cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc. Tháng 11-1978 Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam gia nhập khối COMECON và ký hiệp ước liên minh quân sự với Liên Xô; tháng sau quân Việt Nam tràn qua Campuchia và đánh gục chế độ thân Trung Cộng Khmer Đỏ. Tháng 2/1979 Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc. Mặc dầu bị thiệt hại nặng chế độ cộng sản Việt Nam huênh hoang là đã chiến thắng; họ hoàn toàn tin tưởng vào hiệp ước liên minh quân sự với Liên Xô. Năm 1980 một hiến pháp mới của CHXHCNVN được ban hành với lời nói đầu coi "bọn bá quyền Trung Quốc" là kẻ thù. Năm 1982 tại đại hội đảng lần thứ 5, các phần tử bị coi là thân Trung Quốc bị thanh trừng, trong đó có cả Nguyễn Văn Linh. Bản điều lệ đảng cũng được sửa đổi để tuyên chiến với Trung Quốc.

Sự thức dậy đã rất kinh hoàng. Liên Xô sụp đổ thay vì toàn thắng. Tháng 4/1984 Trung Quốc tung đợt tấn công thứ 3 kéo dài hơn ba tháng vào Việt Nam, với cao điểm là trận Lão Sơn được Trung Quốc coi là một chiến thắng lịch sử của họ trong đó báo chí Trung Quốc cho biết là ba quân đoàn của họ đã đánh gục ba sư đoàn Việt Nam. Hà Nội cầu cứu Liên Xô để chỉ được trả lời rằng Liên Xô đã kiệt quệ và Việt Nam nên cố gắng để thương thuyết với Trung Quốc. Lúc đó Liên Xô đang sa lầy thê thảm tại Afghanistan, Brezhnev đã chết và Andropov đang cố gắng hòa giải với Trung Quốc. Trong cơn hoảng loạn tuyệt vọng đó ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam đã âm thầm lấy quyết định đầu hàng, và đối sách với Trung Quốc đã thay đổi hẳn từ tháng 7/1984.  Xấc xược nhường chỗ cho khúm núm, thách thức nhường chỗ cho van xin. Hà Nội khẩn khoản xin hòa và Trung Quốc đắc thắng làm cao. Năm 1985, Nguyễn Văn Linh, người đã thất sủng vì thân Trung Quốc, được đưa trở lại bộ chính trị và làm thường trực ban bí thư, năm sau lên làm tổng bí thư. Trung Quốc chỉ chấp nhận nói chuyện với những cấp lãnh đạo Việt Nam do họ chọn. Trong cuốn Hồi Ức và Suy Nghĩ của ông, Trần Quang Cơ, thứ trưởng ngoại giao đặc trách quan hệ Việt Trung, tiết lộ: "Từ năm 1980 đến năm 1988 ta đã ngót hai mươi lần đề nghị đàm phán, Trung Quốc chỉ làm ngơ". Đúng ra là từ 1984, vì trước đó Việt Nam không sợ Trung Quốc. Còn 1988? Đó là năm Trung Quốc xâm chiếm Trường Sa. Có mọi xác xuất Trường Sa đã là cái giá mà chế độ cộng sản Việt Nam phải trả để được bình thường hóa quan hệ đối với Trung Quốc. (Theo Trần Quang Cơ thì phải nói là để được lệ thuộc Trung Quốc mới đúng). Người ta có quyền và phải tin như thế vì chỉ hai tháng sau, ngày 25/05/1988, bộ chính trị họp và ra Nghị Quyết 13 khẳng định phải "phấn đấu bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, mọi vấn đề khác đều có thể giải quyết sau". Các nghị quyết chiến lược của bộ chính trị đều được chuẩn bị rất lâu trước khi công bố. Tháng 9, hiến pháp Việt Nam được tu chỉnh để bỏ đoạn coi Trung Quốc là kẻ thù. Thật là kỳ diệu, Trung Quốc không còn là kẻ thù sau khi đã đánh chiếm Trường Sa! Cũng kể từ đó đàm phán giữa hai bên đã tăng vận tốc để nhanh chóng tiến đến tình hữu nghị "4 tốt, 16 chữ vàng".

Cho dù có những dữ kiện hội tụ đến đâu đi nữa thì cho đến khi các hồ sơ được mở ra và các nhân chứng có đủ mạnh dạn để nói hết những điều họ biết, đây cũng chỉ mới là một giả thuyết, dù là một giả thuyết gần như chắc chắn đúng, nhất các tiết lộ lẻ tẻ của những người trong cuộc ngày càng xác nhận chính ông Lê Đức Anh đã ra lệnh cho không quân không được can thiệp.

Điều hoàn toàn chắc chắn là đụng độ đã chỉ xảy ra và bộ ngoại giao Việt Nam đã chỉ lên tiếng phản đối vì Trung Quốc đánh vào ba đá Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin ngày 14/03/1988. Nếu Trung Quốc chỉ chiếm những đá khác, như họ đã làm trong hai tháng trước đó, thì tất cả đã êm suôi. Như thế thì phải kết luận rằng đàng nào ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam cũng đã chấp nhận để Trung Quốc lấy một số đá của Việt Nam để hiện diện tại Trường Sa. Sự kiện này đặc biệt nghiêm trọng vì nếu không có sự hiện diện này thì Trung Quốc hoàn toàn vắng mặt tại nửa phía Nam của Biển Đông và không có lý cớ gì để tuyên bố Biển Đông là vùng "quyền lợi cốt lõi" của họ. Trận hải chiến chung quanh Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao không cần thiết cho Trung Quốc và có thể chỉ là một dàn dựng, do phía Việt Nam yêu cầu, có mục đích cho phép ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam biện luận trước nhân dân Việt Nam rằng Trung Quốc đã đánh chiếm Trường Sa chứ không phải họ đã dâng đảo. Một lần nữa không nên để cây che khuất rừng, điều nghiêm trọng nhất và vô cùng tai hại cho Việt Nam là Trung Quốc đã có mặt tại Trường Sa để có lý cớ đòi quyền lợi trên phần lớn Biển Đông, và điều này ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã chấp nhận. Họ phải chịu trách nhiệm.

Nước ta là một dải bờ biển. Biển là tài sản lớn nhất của chúng ta. Tài sản đó đang bị đe dọa vì chủ trương đầu hàng Trung Quốc của ban lãnh đạo đảng cộng sản. Không phải là không có chọn lựa nào khác. Một chọn lựa khác, hiển nhiên cho quyền lợi dân tộc, là thẳng thắn bắt tay với Hoa Kỳ, Châu Âu và các nước dân chủ để được các thị trường lớn, các nguồn đầu tư, các cơ hội chuyển giao kỹ thuật và đồng thời được bảo vệ bởi công pháp quốc tế để có thể có quan hệ hợp tác lành mạnh với Trung Quốc. Ban lãnh đạo cộng sản đã từ khước chọn lựa hiển nhiên đó bởi vì nó đòi hỏi phải từng bước dân chủ hóa, nghĩa là sau cùng từ bỏ độc quyền chính trị. Đối với họ giữ độc quyền chính trị là mục tiêu duy nhất, quyền lợi dân tộc nếu có cũng chỉ đi rất sau quyền lợi của Đảng. Trường Sa chỉ là một thí dụ.

Hai người có trách nhiệm lớn nhất trong chọn lựa phục tùng Trung Quốc, mà sự nhượng bộ tại Trường Sa là hệ quả, là Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh. Họ là hai người quyền lực nhất lúc đó và cũng là hai người quả quyết nhất trong chủ trương này. So với những thiệt hại mà họ gây ra cho đất nước việc Mạc Đăng Dung dâng đất cầu hòa hồi thế kỷ 16 chẳng thấm vào đâu. Nhưng họ cũng đã chỉ hành động như mọi lãnh tụ cộng sản Việt Nam khác. Trước họ Hồ Chí Minh, qua Phạm Văn Đồng, đã ký công hàm nhìn nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc để được viện trợ trong cuốc nội chiến. Sau họ Lê Khả Phiêu đã ký hiệp định nhường cho Trung Quốc hàng ngàn kilômet vuông trên đất liền và hàng chục ngàn kilômet vuông trên biển để được yên thân. Các lãnh tụ cộng sản đều được đào tạo và sàng lọc như nhau qua các thế hệ theo cùng một khuôn mẫu Stalin, một khuôn mẫu khủng bố trong đó quyền lực là tất cả và tổ quốc vắng mặt. Từ Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ đến Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng qua Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh, Đỗ Mười, họ có thể xung đột với nhau, thậm chí căm thù nhau nhưng họ đều giống nhau trên ít nhất hai điểm: họ đều đặt quyền lực của đảng lên trên hết và trước hết và đều chống dân chủ. Lợi ích dân tộc nếu có cũng chỉ là thứ yếu. Họ có thể làm những điều khó tưởng tượng để giữ lấy quyền lực. Họ đều tin rằng nhân dân Việt Nam thù ghét họ và sẽ bỏ phiếu sa thải họ nếu được chọn lựa tự do. Nguyễn Minh Triết đã chỉ phát biểu lập trường chung của ban lãnh đạo cộng sản khi ông ta nói "bỏ điều 4 là ta tự sát". Họ không thể liên kết với các nước dân chủ bởi vì như thế cái giá phải trả cuối đoạn đường là dân chủ. Não trạng đó buộc họ phải phục tùng Trung Quốc, không phải để có chỗ dựa mà chủ yếu là để được nhẹ tay trong thế cô lập tuyệt vọng. Dù trong thâm tâm không ai thực sự yêu Trung Quốc.

Phải hiểu não trạng này để ý thức rằng không thể hy vọng có dân chủ chỉ bằng những yêu cầu và kiến nghị. Người ta có thể ủng hộ Đảng Cộng Sản vì quyền lợi cá nhân nếu muốn nhưng không nên ngộ nhận bản chất của nó. Đảng Cộng Sản không phải là một đảng yêu nước.

Nguyễn Gia Kiểng
(tháng 03/2013)

Trí Nhân Media



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét