Nguyen Phuong Linh & Martin Petty - Reuters | 4.8.2013 |
Bản dịch của Lê Anh Hùng
5-08-2013
(Tp HỒ CHÍ MINH) – Nhà tài phiệt Nguyễn Bảo Hoàng từng lau sàn nhà, làm những công việc rẻ mạt, và thậm chí từng lau chùi toilet… trong một chiến dịch 10 năm ròng rã hòng thuyết phục McDonald’s Corp (MCD.N) cho phép ông đưa Big Mac (loại humberger nổi tiếng của McDonald’s – ND) và Happy Meal (sản phẩm của McDonald’s dành cho trẻ em – ND) tới đất nước Việt Nam cộng sản.
McDonald’s đang đặt bước chân muộn mằn vào thị trường Việt Nam, nơi mà Yum Brands (YUM.N) đã có hàng chục cửa hiệu Pizza Hut và KFC, còn Burger King Worldwide Inc (BKW.N) thì đã có 15 nhà hàng. Thậm chí cả Starbucks Corp (SBUX.O) cũng đã ra mắt tại Tp Hồ Chí Minh hồi tháng Hai và khai trương chi nhánh thứ hai tuần vừa rồi.
Nguyễn Bảo Hoàng, một người Mỹ gốc Việt từng mở cửa hiệu Pizza Hut ở Việt Nam sáu năm trước, nói rằng ông vẫn sống và thở bằng McDonald’s. Ông từng nghiên cứu mô hình kinh doanh của nó như một phần trong văn bằng thạc sỹ của mình, và theo đuổi cơ hội nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam suốt 10 năm – ngay cả khi ông làm việc cho đối thủ Yum. Khi ông thăm thành phố quê nhà Chicago, ông thường gặp các giám đốc điều hành của McDonald’s tại trụ sở công ty ở ngoại ô Oak Brook, tiểu bang Illinois.
Chuỗi cửa hiệu Những Cánh Cung Vàng (Golden Arches – biểu tượng chữ M màu vàng cách điệu nổi tiếng của McDonald’s) sẽ ra mắt ở Tp Hồ Chí Minh vào đầu năm 2014 và sau đó là ở thủ đô Hà Nội, song quá trình mở rộng sẽ diễn ra “từng bước một”, Bảo Hoàng nói. Ông từng làm việc cho McDonald’s ở Mỹ thời niên thiếu và quay lại vào năm nay tại một cửa hiệu ở Singapore.
Việc lựa chọn thời điểm của Bảo Hoàng xem ra đáng đặt dấu hỏi. Trong khi các đối thủ đã xác lập được vị trí vững chắc thì McDonald’s lại khai trương ngay giữa lúc nền kinh tế đang lao đao và nhu cầu của người tiêu dùng đang đi xuống. Dù vậy, người đàn ông bốn mươi tuổi này vẫn tin chắc là thị trường Việt Nam đã chín muồi cho một vụ nhượng quyền thương hiệu ở đây.
“Sự xuất hiện của McDonald’s ở đây cho thấy Việt Nam là một thương vụ lớn với nhiều người. Điều này có nghĩa là ở Việt Nam đang diễn ra nhiều chuyện”, Bảo Hoàng nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng làm việc thời thượng của ông ở toà nhà mang tính biểu tượng nhất Việt Nam. Ông là con rể của Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam từ năm 2006 đến nay; song ông nhấn mạnh đấy không phải là lý do khiến ông giành được thương vụ nhượng quyền thương hiệu với McDonald’s.
Nữ phát ngôn viên Becca Hary của McDonald’s xác nhận rằng Bảo Hoàng từng bàn thảo về cơ hội nhượng quyền thương hiệu trong nhiều năm, và cho biết ông lọt vào danh sách ngắn từ một nhóm rất đông.
“Cuộc hôn nhân của ông không loại ông ra khỏi việc tham gia vào một quy trình tuyển chọn đầy cạnh tranh để lựa chọn đối tác của chúng tôi ở Việt Nam”, bà nói, đồng thời cho biết thêm là việc nghiên cứu một thị trường mới của McDonald’s có thể kéo dài nhiều năm và công ty cũng đã nhận thấy “những cơ hội lớn phía trước” ở Việt Nam.
SỰ XA XỈ TRONG TẦM TAY
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,9% và 5% trong quý I và quý II của năm 2013; đây là tốc độ ảm đạm trong một thị trường ASEAN đang phát triển, và với đà này thì Việt Nam đang hướng tới mức tăng trưởng hàng năm chậm nhất trong 14 năm.
Dữ liệu chính thức cho thấy, các ngân hàng ngập trong nợ đang nỗ lực cho vay và ít nhất 120.000 doanh nghiệp đã phải đóng cửa kể từ năm 2011. Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ là 11,8% trong quý đầu tiên, mức thấp nhất kể từ năm 2005, và mức tăng hàng năm 15,7% của năm 2012 chỉ bằng một nửa so với tốc độ của hai năm trước đó.
Trong các nền kinh tế phát triển, McDonald’s có xu hướng ăn nên làm ra khi nền kinh tế suy yếu vì những người tiêu dùng chật vật sẽ tìm đến những thực phẩm rẻ tiền hơn. Tuy nhiên, ở các nền kinh tế đang phát triển, thức ăn nhanh của phương Tây lại là sự khác biệt và thường được bán với mức giá nằm ngoài khả năng của quảng đại quần chúng.
Ở Việt Nam, một miếng gà KFC có mức giá tương đương với một tô phở, bữa ăn quen thuộc của Việt Nam, là 32.000VNĐ (1,51USD), và một suất KFC thì hơn gấp đôi chừng ấy. Bánh humburger có mức giá lên đến 85.000VNĐ.
McDonald’s chưa khai trương nên chưa có thông tin gì về giá bán, nhưng Bảo Hoàng nói ông không muốn định vị nó như một thứ nhãn hiệu xa xỉ.
Mặc dù nền kinh tế từng một thời được ví là “con hổ” này đang đánh mất sức mạnh của nó song Bảo Hoàng vẫn tỏ ra kiên định rằng McDonald’s chưa lỡ chuyến tàu.
“McDonald’s không nhìn vào tình hình hiện nay, họ nhìn vào tiềm năng dài hạn của thị trường”, ông nói. “Đây là một thị trường lớn, một phần lớn là nhờ vào dân số.”
Các thương hiệu lớn khác cũng đã hình dung ra điều đó. Hai phần ba trong tổng số 90 triệu dân Việt Nam ở dưới độ tuổi 30, các đô thị đang phát triển nhanh, và 34% dân số ở đây là những người sử dụng internet mà các nhà tiếp thị phương Tây dễ dàng tiếp cận.
Vấn đề không chỉ là về quảng đại quần chúng. Mặc dù thu nhập bình quân đầu người hàng năm chỉ là 1.400USD – bằng 1/4 của Thái Lan và 1/7 của Malaysia, theo số liệu của World Bank – song Việt Nam lại có một tầng lớp trung lưu đô thị khá giả với ý thức cao về đẳng cấp và thích vung tiền vào các thương hiệu lớn, những chiếc điện thoại thông minh đắt giá và những chiếc Vespa thượng thặng.
“Công việc làm ăn của gia đình tôi đang diễn ra tốt, thế nên tôi không nhận thấy sự suy thoái nào cả”, Đoàn Ngọc Như (33 tuổi) cho biết chỉ mấy phút sau khi trả 200 triệu VNĐ (9.400USD) cho một cái túi Hermes (HRMS.PA) tại một khu mua sắm thời thượng ở Tp Hồ Chí Minh.
Khoác trên mình chiếc áo do một nhà thiết kế thời trang cắt may kỹ lưỡng, Như nói thêm: “Tôi chọn chiếc túi nó vì nó đắt. Điều đó có nghĩa là chất lượng; nó giúp tôi xây dựng một hình ảnh và tôi rất quan tâm đến hình ảnh của mình.”
Gucci (PRTP.PA) và Louis Vuitton (LVMH.PA) đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của những cư dân thành thị rủng rỉnh. Starbucks, chuỗi cửa hiệu café lớn nhất thế giới, đã nhận thấy “cơ hội rất lớn” ở Việt Nam, một phát ngôn viên của công ty cho hay.
Như Starbucks đã nhận ra, ở một đất nước sản xuất ra 15% sản lượng cà phê của thế giới và có số lượng quán cà phê nhiều khác thường, vấn đề là người ta uống ở đâu, chứ không phải là uống cái gì.
“Nó khiến tôi có cảm giác phương Tây hơn, năng động hơn”, sinh viên Trần Thiện Thành (20 tuổi) cho biết khi ngồi trên chiếc ghế sofa tại một cửa hiệu Starbucks nêm đầy khách hàng đang lướt web trên những iPhone và iPad ở thành phố mà trước đây gọi là Sài Gòn.
‘NHỮNG CHIẾC Ô TÔ SIÊU SANG’
Nhà sản xuất ô tô hạng sang Rolls Royce đã có kế hoạch mở showroom đầu tiên của nó ở Việt Nam vào năm tới, nhằm vào lớp doanh nhân không bị ảnh hưởng từ cuộc suy thoái và giàu lên trong giai đoạn bùng nổ 2003-2008, khi nền kinh tế tăng trưởng ở mức bình quân 7,8%/năm.
“Khách hàng điển hình của Rolls Royce sở hữu ít nhất 30 triệu USD và 5 xe siêu sang”, Đoàn Minh, giám đốc Đại lý Rolls Royce Motor Cars ở Hà Nội, cho biết. “Những nhân tố cơ bản là vững chắc, đảm bảo cho tăng trưởng dài hạn cũng như cho các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra của cải vật chất.”
Dù vậy, vẫn còn rất nhiều chuỗi thương hiệu và nhãn hiệu chưa có mặt ở đây, và nhiều công ty đã bị xoá sổ. Hạ tầng thì thường là bất cập, các chuỗi cung ứng thì hạn chế, thuế nhập khẩu thì cao. Tham nhũng, chủ nghĩa thân hữu (cronyism), chủ nghĩa bảo hộ (protectionism) và tình trạng quan liêu thái quá là những vấn đề cố hữu, thể hiện qua việc Việt Nam được xếp hạng 99 trên tổng số 185 quốc gia năm ngoái trong khảo sát của Ngân hàng Thế giới về mức độ kinh doanh thuận lợi.
Một rào cản khác nữa là đòi hỏi theo đó các chuỗi thương hiệu nước ngoài phải được thành lập dưới hình thức nhượng quyền kinh doanh tại Việt Nam.
Fred Burke, luật sư chuyên về luật doanh nghiệp, một đối tác điều hành tại chi nhánh hãng luật Baker & McKenzie ở Việt Nam, nhận xét: “Tình hình đang thay đổi; Việt Nam có tiềm năng tốt, song trở ngại lớn nhất là việc thiếu các đối tác nhượng quyền thương hiệu đủ điều kiện và năng lực, với các kỹ năng và kiến thức kinh doanh.”
(1USD = 21.160VNĐ)
(Bài viết có sự cộng tác của Martinne Geller ở New York; biên tập: Emily Kaiser)
Nguồn: Reuters
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét