Ly Hương.net
4-08-2013
Trên dưới 400 đồng hương đã tề tựu về Đền Thờ Quốc Tổ (Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Văn Hoá Việt Nam) để tham dự buổi nói chuyện của LM/Cha Nguyễn văn Khải, một buổi nói chuyện thật vô cùng sâu sắc, lôi cuốn và thú vị đã để lại những cảm xúc sâu đậm trong lòng người dân Việt.
Ông Nguyễn Thế Phong (Trưởng Ban Ủy Ban Đền Thờ Quốc Tổ) đã có một bài diễn văn chào mừng Cha Khải với những lời lẽ đầy quý mến và cảm phục - "... may mắn thay trong vũng bùn đen của dối trá, của tàn ác, của vô lương tri ấy đã mọc lên không biết bao nhiêu là những đoá sen của sự thật và lương tâm con người ... Họ đã mọc xuyên qua ao tù đen tối, vị kỷ và phi nhân của địa ngục CSVN để lên tiếng và để chứng minh cho chúng ta, cho toàn thể đồng bào Việt Nam trong cũng như ngoài nước, cho toàn thể con dân Việt Nam ngày nay cũng như mai hậu và cho toàn thể thế giới thấy và biết được rằng lương tâm của con người Việt Nam thực sự vẫn còn đó, nghĩa khí anh linh ngàn đời bất khuất của tổ tiên Việt Nam vẫn còn đó và để chứng minh rằng sự thật vẫn còn đó, và những người này, những đoá hoa này họ thà chết, thà bị tù đày rục xương, thà bị tra tấn dã man chứ nhất quyết không chịu mất đi lương tri, nhân phẩm và lòng yêu nước chân chính của con người Việt Nam ..."
Buổi nói chuyện của Cha Khải - một vị tu sĩ còn rất trẻ, nhưng ăn nói rất hoạt bát, có một kiến thức rất rộng, có một trí nhớ thật tốt, có một cách nói giản dị với những lời lẽ khôn ngoan, khéo léo, cùng với lối pha trò thật dí dõm, ... - đã bị ngắt quãng bởi những tràng pháo tay không ngớt, những tiếng cười rộn vang của đồng hương.
Qua những câu chuyện kể về kinh nghiệm đấu tranh của đời mình, cha Khải quả là một con người thông minh, lanh lợi, có ý chí, kiên trì, cương quyết, gan dạ, khí khái, đầy tâm huyết cùng với đức tính khiêm cung, chân chất, thật thà, vị tha và nhất là tấm lòng của Cha đối quê hương, đất nước đã làm cho đồng hương cảm phục và yêu mến Cha vô vàn. Càng quý mến Cha hơn nữa khi thấy Cha có những nhận xét thật khách quan, đúng đắng về tin đồ của tôn giáo bạn. Chẳng hạn như khi Cha chân thành bày tỏ lòng cảm phục của mình đối với tinh thần bất khuất của các tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo - một tôn giáo, mà theo nhận xét của Cha, đã bị CSVN thẳng tay trù dập, đàn áp thô bạo, dã man nhất tại Việt Nam.
Cha đã xót xa, đau đớn, tức giận khi nói về việc buôn dân bán nước của CSVN, việc Tàu cộng hàng ngày đưa dân vào âm thầm xâm chiếm Việt Nam trước sự làm ngơ và ươn hèn của CSVN là những điều đã làm cho Cha thao thức không nguôi. Cha Khải thao thao bất tuyệt, nói hết đề tài này sang đề tài khác không ngừng nghĩ, từ các vấn đề kinh tế suy sụp, tệ nạn tham nhũng, xã hội băng hoại, tôn giáo bị đàn áp, giáo dục thụt lùi, đạo đức suy đồi, ... cho đến sự vô cảm của con người và càng ngày càng trở nên bạo lực hơn.
Được biết rằng tiến trình bảo lãnh Cha Khải sang Úc Châu du thuyết đã mất hơn 2 năm để làm thủ tục nhập cảnh và cũng nhờ sự bảo trợ của Đức Cha Nguyễn văn Long cho nên cuối cùng mọi việc mới được suôn sẽ. Cha Long cũng đã có mặt trong buổi nói chuyện để bày tỏ sự vui mừng được tiếp đón Cha Nguyễn văn Khải như là một nhân chứng sống trong lòng chế độ CSVN, một người đã từng tranh đấu cho tự do, nhân quyền của Người Việt thân yêu, nhất là tại giáo xứ Thái Hà. Theo Cha Long thì cuộc du thuyết của Cha Khải là để khơi lên ngọn lữa đấu tranh cho quê hương đất nước và đó cũng là sứ mạng của Cha Khải, là sự thao thức của mọi người. Cha Long cảm thấy ấm lòng, khích lệ khi thấy đông đảo đồng bào tham dự buổi chia sẽ của Cha Khải, điều này chứng tỏ ngọn lữa đấu tranh cho tự do, cho nhân quyền, trong lòng Người Việt tại Melbourne và tại Úc nói chung vẫn còn cháy sáng. Hy vọng với tinh thần đó hiệp thông cùng với đồng bào quốc nội và trên toàn thế giới thì cái ngày tươi sáng đó, cái ngày mà giòng sông lịch sử sẽ được khai thông tại quê cha đất tổ sẽ sớm đến với đất nước Việt Nam.
Đặc biệt tham dự buổi nói chuyện của Cha Khải có sự hiện diện của một vị giáo dân của giáo xứ Thái Hà, bác Việt, mà theo lời Cha Khải thì bà quả là một người đàn bà gan lì đã từng bị công an bắt giam, tra hỏi, khủng bố nhưng vẫn không bao giờ khuất phục trước tà quyền, không bao giờ sợ hãi trước kẻ ác. Nhắc đến sự gan lì của bác Việt thì Cha Khải có nói về những đức tính mà những người đấu tranh (khi phải đối đầu với bầy sói CSVN) cần phải có, đó là 3 "lờ" - lý, lì, liều - nghĩa là chúng ta cần phải có lý luận vững chắc, làm đúng theo pháp luật, kế đến là phải lì, phải kiên trì, phải giử vững lập trường, và cuối cùng là phải liều, phải biết nắm thời cơ để mạnh dạn tiến bước.
Buổi nói chuyện của Cha Khải đã được đội Hậu Duệ QLVNCH phụ diễn văn nghệ với những bản nhạc đấu tranh - "Anh là ai?", "Việt Nam tôi đâu", "Triệu con tim", "Bước chân Việt Nam" ... đã làm tăng thêm tinh thần đấu tranh và sự nô nức của lòng người. Ngoài ra ban ẩm thực/đầu bếp đã phải chuẩn bị nấu nướng từ ngày hôm trước và đã vất vã, quần quật suốt ngày để sửa soạn và tận tâm phục vụ cho đồng hương với trên 400 phần ăn (miễn phí và đưa đến tại chổ ngồi) có cả các thức ăn ngọt để tráng miệng.
Để đánh dấu cho buổi nói chuyện của Cha Khải và cũng là chặng đường đầu tiên của chuyến du thuyết Úc Châu, BTC đã trao tặng cho Cha Khải một tấm tranh vẽ chân của dung Cha do hoạ sĩ Trần Thúc Lân (Paris, Pháp quốc) chuyển qua trung gian Quỹ Tù Nhân Lương Tâm.
Chương trình buổi nói chuyện của Cha Khải bắt đầu từ lúc 2 giờ chiều và chấm dứt vào lúc 8 giờ tối. Đồng hương đã chăm chú, say sưa theo dỏi suốt buổi nói chuyện cho đến khi BTC tuyên bố đã hết giờ nhưng Cha Khải vẫn được đồng hương quấn quýt, vây quanh hỏi han, trò chuyện, chụp hình lưu niệm, phỏng vấn ... và quyến luyến khi thấy Cha phải rời bước ra về.
Cha Nguyễn văn Khải quả là một vị tu sĩ thông suốt về đạo và đời và đã biết đem đạo vào đời và đem đời vào đạo, đã dùng đạo để tranh đấu, chăm lo cho sự an vui của con người. Theo lời của ông Nguyễn Thế Phong, Cha Nguyễn văn Khải là một người tu hành đúng nghĩa, một công dân việt Nam yêu nước, đã và đang xã thân vì đồng bào, một nhà tranh đấu cho nhân quyền can đảm, Cha đã hy sinh, hiến mình làm linh mục để cứu nhân độ thế đúng với danh xưng của Dòng mà Cha đã chọn - Dòng Chúa Cứu Thế.
Melbourne
04/08/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét