Mạch Sống
30-08-2013
Hôm nay, Uỷ Hội LHQ về Tình Trạng của Nữ Giới xác nhận với BPSOS sẽ chuyển cho
chính quyền Việt Nam các hồ sơ được nộp bởi BPSOS và những hội đoàn bạn hồi cuối
tháng 7. Đỗ Thị Minh Hạnh là một trong số 23 hồ sơ đã cung cấp cho uỷ hội này.
Theo thể thức của LHQ, Việt Nam sẽ phải trả lời trong thời hạn 3 tháng.
Cũng ngày hôm nay Liên Đoàn Nghiệp Đoàn Quốc Tế (International Trade Union
Confederation, hay ITUC) cho biết là đã nhận hồ sơ của BPSOS nộp về vấn đề quyền
lao động để chuyển cho Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (International Labor
Organization, hay ILO). Hồ sơ này nêu trường hợp của Đỗ Thị Minh Hạnh làm điểm
hình.
ITUC là khối liên kết gồm các nghiệp đoàn lao động ở 156 quốc gia trên thế giới.
ILO là cơ quan Liên Hiệp Quốc đặc trách quyền lao động.
Sắp tới đây Việt Nam sẽ phải báo cáo với ILO về việc thực thi các công ước liên
quan đến cưỡng bức lao động, lao động trẻ em, kiểm tra lao động và ngày nghỉ
hang tuần.
“Trường hợp của Đỗ Thị Minh Hạnh liên quan đến cưỡng bức lao động nên đã được
chúng tôi nêu ra làm điển hình”, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc BPSOS, giải
thích.
Theo Ông, vì đang muốn ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, chính quyền Việt Nam
khó có thể lờ đi mà không trả lời một cách thoả đáng cho các tổ chức LHQ kể trên.
Các hồ sơ này còn được dùng để vận động chính phủ Hoa Kỳ. Hiện nay nhiều tổ chức
bảo vệ quyền lao động và các công đoàn lao động ở Hoa Kỳ đang ráo riết vận động
đưa Việt Nam ra khỏi thương ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các tài liệu
kể trên cũng đã được chuyển cho những tổ chức và công đoàn này để họ sử dụng
trong vận động.
“Chúng tôi tập trung vào TPP vì Việt Nam đang rất cần thương ước này để cứu
nguy nền kinh tế tuột dốc thảm hại”, Ts. Thắng giải thích. “Kế sách của chúng
tôi là kéo dài thời gian để cài Việt Nam vào thế phải nhượng bộ, trong đó có việc
trả tự do cho các tù nhân lương tâm, đặc biệt là những người bị tù tội vì tranh
đấu cho quyền của người lao động.”
Từ đầu năm 2010 BPSOS đã bắt đầu dùng TPP làm đòn bẩy cho một số vấn đề nhân quyền.
Trong bản góp ý ngày 23 tháng 1, 2010 gởi Phòng Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ, BPSOS
nêu 6 lãnh vực quan tâm: buôn lao động, quyền tổ chức nghiệp đoàn độc lập, bồi
thường nạn nhân theo lệnh của toà án Hoa Kỳ, chấp nhận văn hoá phẩm từ hải ngoại,
bảo vệ sản phẩm trí tuệ và tác quyền, và bài trừ tham nhũng.
“Đây là bản đồ chúng tôi dùng để phối hợp với các nhóm lợi ích khác nhau ở Hoa
Kỳ để cùng áp lực chính phủ Hoa Kỳ bắt Việt Nam phải thay đổi trong một số lĩnh
vực nếu muốn tham gia TPP”, Ts. Thắng nói.
Theo Ông, trọng tâm của giai đoạn tới đây là đẩy mạnh quyền lao động và đòi trả
tự do cho các tù nhân lương tâm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét