Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




HOÀNG SA BỊ THẾ GIỚI BỎ QUÊN ?

Ngô Nhân Dụng
6-08-2013

Những ý kiến đòi chủ quyền trên các quần đảo ở Biển Ðông đều xuất phát từ các blog trong nước. Chính các blogger đã phát động các cuộc biểu tình chống Trung Cộng xâm lược. Truyền thống này sẽ được giới trẻ tiếp tục.

Chúng ta có bổn phận nhắc nhở cả thế giới, họ sẽ không thể quên rằng Hoàng Sa thuộc đất nước Việt Nam.


Ngày hôm qua, nhật báo Người Việt đã loan tin về việc Trung Cộng đang xây dựng các bãi đá ngầm chiếm của Việt Nam thành những pháo đài kiên cố trên biển; đó là một phần của quần đảo Trường Sa mà Trung Cộng đánh chiếm từ năm 1988 đến 1995. Trong thời gian đó, báo chí của chính quyền cộng sản nước ta không cho dân chúng biết gì về các hành động xâm lăng này.

Tin này được hãng thông tấn Kyodo tiết lộ ngày Thứ Hai, 5 tháng 8 năm 2013, dựa trên bản phúc trình quân sự của chính phủ Nhật, vẫn giữ bí mật. Bảy bãi đá san hô ngầm người không thể tới đó sống được, nay đã trở thành các căn cứ và pháo đài tối tân, kiên cố, nổi trên mặt nước. Cũng không thấy chính quyền cộng sản trong nước nói một lời nào về các hành động gây hấn mới nhất của Trung Cộng; trong cuộc gặp gỡ Trương Tấn Sang, Tập Cận Bình vào tháng trước.

Thứ Năm tuần trước, ở Việt Nam nhiều nhân vật đã tập họp tại một trụ sở của Bộ Kế Hoạch và Ðầu Tư trên đường Văn Miếu, Hà Nội để “tôn vinh” những “hành động vì biển đảo Việt Nam.” Trong số những người được vinh danh có cựu Trung Tá Vũ Hữu San, hạm trưởng chiến hạm Trần Khánh Dư từng tham gia trận hải chiến Hoàng Sa chống quân Trung Quốc xâm lược năm 1974. Trung Tá San hiện định cư ở Mỹ và trở thành một nhà nghiên cứu Biển Ðông có tiếng; ông đã viết những bài tường thuật về trận hải chiến Hoàng Sa.

Cũng trong tuần này, một tờ báo mạng lớn ở Mỹ, tờ The Christian Science Monitor, đã viết một bài về “Năm vụ tranh chấp gay gắt nhất về hải đảo ở Á Ðông(East Asia's top 5 island disputes). Ký giả Leigh Montgomery của báo này kể lần lượt về năm quần đảo đang gây xung đột như sau.

Thứ nhất là vụ tranh chấp về quần đảo gọi tên Dokdo trong tiếng Ðại Hàn hoặc Takeshima trong tiếng Nhật. Dokdo chỉ gồm hai đỉnh núi từ biển nhoi lên thành hai hòn đảo, ở cách nhau có 150 mét, với 35 hòn đảo rất nhỏ khác, diện tích tổng cộng chưa tới 400 ngàn mét vuông. Quần đảo này nằm xa bờ biển Hàn Quốc 215 cây số, cách bờ biển Nhật 250 km. Năm 1905 Nhật Bản đã chiếm đóng hòn đảo này trước khi xâm lăng Hàn Quốc.

Vụ tranh chấp thứ nhì được nêu ra là quần đảo Trường Sa (Spratly) với 190 hòn đảo trong một vùng biển rộng 150 ngàn dặm vuông, các nước Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Ðài Loan, Việt Nam và Brunei đang tranh giành chủ quyền.

Nơi thứ ba gây xung đột là quần đảo Yeonpyeong, giữa Nam Hàn và Bắc Hàn, ngay dưới vùng chia đôi hai nước, cách bờ biển Bắc Hàn 8 cây số. Vì Bắc Hàn không chấp nhận vĩ tuyến 38 phân chia hai quốc gia cho nên họ vẫn nói các đảo này thuộc miền Bắc.

Thứ tư là vụ Nhật và Nga vẫn tranh nhau quần đảo Kuril bị Nga chiếm đóng từ năm 1945, căn cứ vào những quyết định trong các hiệp định Yalta và Potsdam, giữa các cường quốc đồng minh thắng trận.

Sau cùng, cuộc tranh chấp gần đây rất ồn ào giữa Nhật Bản và Trung Quốc về quần đảo Ðiếu Ngư, tên tiếng Trung Hoa, hay Senkaku trong tiếng Nhật.

Ðiều đặc biệt là bản danh sách trên không hề nhắc đến quần đảo Hoàng Sa mà Trung Cộng đã chiếm của Việt Nam từ năm 1974!

Tại sao ký giả báo The Christian Science Monitor bỏ sót tên Hoàng Sa? Ðó là nơi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã đặt quân đồn trú và lập đài khí tượng mỗi ngày thông báo tin tức thời tiết cho tàu biển khắp vùng Ðông Nam Á. Trong khi đó họ lại nhắc đến tên những mỏm đá nho nhỏ trong các quần đảo Dokdo, Kuril và Senkaku, coi đó là nơi diễn ra những xung đột hàng đầu ở Á Ðông?

Lý do dễ hiểu: Chính ký giả Leigh Montgomery và ban biên tập báo The Christian Science Monitor không được nghe bản tin nào về vụ xung đột trên quần đảo Hoàng Sa, trong gần 40 năm qua! Thế giới đã quên Hoàng Sa. Công ty Google có lúc cũng ghi trên bản đồ họ vẽ là quần đảo này thuộc Trung Quốc; cho tới khi người Việt khắp thế giới cùng nhau yêu cầu họ mới sửa.

Tại sao số phận Hoàng Sa lại hẩm hiu như thế? Vì chính quyền đang cai trị nước Việt Nam lẳng lặng đẩy Hoàng Sa chìm vào quên lãng! Sau khi các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam đã bỏ mình vì bảo vệ mảnh đất nhỏ của quê hương, đảng cộng sản đã “đánh chìm” các hòn đảo này trong trí nhớ của người dân Việt suốt ba thập niên, mãi đến khi người dân phẫn uất biểu tình hô lớn khẩu hiệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam!” thì cái tên Hoàng Sa mới được sống lại trong mạch máu và trái tim của dân Việt.

Tại sao chính quyền Việt Nam có thể bưng bít dân về cuộc tranh chấp trên các quần đảo trong một thời gian dài như vậy? 

Vì đảng cộng sản nắm độc quyền cai trị. Báo The Christian Science Monitor cũng viết một bài giải thích lý do tại sao các cuộc tranh chấp về các hòn đảo lại trở nên sôi nổi trong các năm qua. Họ nhận thấy dư luận thế giới sôi nổi về các hòn đảo này trong những thời gian có các cuộc tranh cử ở Nhật Bản, Nam Hàn và Ðài Loan. Chính quyền các nước đó đều được dân bầu lên, họ đều chịu trách nhiệm với dân. Cho nên họ làm bổn phận với dân, luôn luôn xác định chủ quyền trên từng hòn đảo nhỏ được tổ tiên để lại. Ở nước ta, đảng cộng sản độc quyền cai trị cho nên vừa bịt tai dân lại vừa bịt mồm bịt miệng không cho ai nói tới.

Nhưng đảng Cộng sản Việt Nam không thể tiếp tục bịt mồm bịt miệng dân chúng mãi. Bịt mồm bịt miệng là hình ảnh trong một bài thơ của cụ Phan Khôi, cụ tự ví mình như con heo sắp bị chọc tiết, khi sống dưới chế độ cộng sản:

Ðánh đùng một cái
Kêu éc éc ngay
Bịt mồm, bịt miệng
Trói chân, trói tay...

Người dân Việt Nam đã lên tiếng, không chấp nhận bị bịt mồm bịt miệng mãi mãi.

Cuộc gặp gỡ nhằm “tôn vinh” những “hành động vì biển đảo Việt Nam” ở Hà Nội vào ngày 1 Tháng Tám 2013 là một biến cố đáng khen ngợi. Ðiều đáng tiếc là trong buổi gặp gỡ đó mọi người không để một phút tưởng niệm anh linh Ðại Tá Hà Văn Ngạc, người đã hy sinh khi bảo vệ Hoàng Sa. Người ta cũng không nhắc tới những blogger đang bị tù vì đi biểu tình đòi Hoàng Sa. Nhất là anh Nguyễn Văn Hải, tức Ðiếu Cày, mà trong ngày gặp mặt đó mọi người biết anh đang tuyệt thực vì đòi hỏi hỏi ban giám đốc trại giam Thanh Chương, tỉnh Nghệ An phải giải quyết cách đối xử với tù nhân chính trị theo đúng pháp luật. Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần, và bao nhiêu người khác đã bị tù chỉ vì những hành động yêu nước, đòi Trung Cộng trả lại Hoàng Sa cho Việt Nam. trong cuộc họp trên, ông Nguyễn Thanh Bình, tổng giám đốc công ty Gafim đã kêu gọi phải quan tâm tới vai trò của lớp trẻ trong hoạt động vì chủ quyền biển đảo; vì ông thấy trong buổi gặp mặt hầu hết là các gương mặt lớn tuổi, trong suốt bốn giờ đồng hồ chỉ có hai bạn trẻ được phát biểu ý kiến.

Nhưng giới trẻ dân Việt Nam sẽ lên tiếng. Chúng ta đang chứng kiến các hoạt động đòi tự do dân chủ của họ. Ðã có135 blogger Việt Nam ký tên vào bản tuyên bố đòi hủy bỏ điều 258 Bộ Luật Hình Sự, nói về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước...” một điều luật được dùng để bịt mồm bịt miệng nnng người yêu nước. 

Sáu blogger Việt Nam, trong đó có các bạn trẻ Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Nữ Phương Dung và Nguyễn Thảo Chi, Phạm Ðoan Trang, Nguyễn Lân Thắng đã gặp bà Maria Isabel Sanz Garrido, đại diện Văn phòng Ðông Nam Á của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, tại Bangkok, Thái Lan để đưa một bản tuyên bố nhờ chuyển tới Liên Hiệp Quốc. Các anh chị Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Vũ Hiệp, Lê Dũng và Lã Việt Dũng gặp nhân viên Ðại Sứ Quán Mỹ ở Hà Nội để thông báo về bản tuyên bố này để họ biết dân Việt Nam không chịu bị bịt mồm bịt miệng.

Những ý kiến đòi chủ quyền trên các quần đảo ở Biển Ðông đều xuất phát từ các blog trong nước. Chính các blogger đã phát động các cuộc biểu tình chống Trung Cộng xâm lược. Truyền thống này sẽ được giới trẻ tiếp tục.

Chúng ta có bổn phận nhắc nhở cả thế giới, họ sẽ không thể quên rằng Hoàng Sa thuộc đất nước Việt Nam.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét