Phan Văn Song
2-08-2013
Đáp ứng lời mời gọi của một anh bạn trong nước, yêu cầu riêng mình phải đăng lại bài bình luận tập truyện Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, nay đang trở lại là một best-seller trong nước, nhưng chỉ được nhìn dưới dạng Văn học thôi !.
Bóng Đè, tên tập truyện gồm 8 truyện ngắn của nhà văn nữ Đỗ Hoàng Diệu.
Bóng Đè là truyện thứ nhứt, được mang tên tập truyện, dài 33 trang, tác giả viết theo lối văn tự thuật của một phụ nữ vừa lấy chồng. Cô yêu chồng tha thiết, yêu chồng đam mê, yêu chồng tràn trề dục vọng, yêu và hút nhụy chồng mỗi đêm, vồ chồng, cào cấu chồng như “hổ cái”để rồi … mỗi buổi sáng cô nhìn chồng mà “tội nghiệp” (tr. 6).
Người đàn bà đầy sức sống ấy cùng chồng về quê cúng giỗ cha chồng. Gia đình nhà chồng theo xưa, bàn thờ lớn dài, nhiều bát nhang cùng những bức trướng chữ Tàu khuất sau tấm màn đỏ. Hằng năm, gia đình nầy phải lo “..16 lượt giỗ ..”, nhưng khi làm cỏ mồ mả, cô mới khám phá ra chỉ có “…11 mộ bia thôi..” , và cô cũng được biết gia tộc này có những cái chết oan ức, khủng khiếp: một bà cô em của ông bố hận tình trầm mình tự tử, không ai tìm thấy thi hài; hai ông chú đi biệt tích; hai ông khác, chỉ còn mấy đốt xương bằng đầu đũa được chôn chung một mộ; đặc biệt, ông nội bị đấu tố chết và ai đó đã “… ăn mất cái xác, chỉ còn sót vài sợi tóc bê bết máu vương trên chiếc cọc”.
Tối đến, vì nhà thiếu phòng ngủ, hai vợ chồng phải nằm ngủ trên bộ ván dày – rất xưa, trải qua nhiều đời – kê trước bàn thờ, rồi trong đêm đó, cô vợ bị bóng đè! Bóng chẳng những đè mà còn hãm hiếp cô nàng. Bóng ấy thoạt đầu mơ hồ, lần lần hiện rõ hình một “ lão già Tàu tay dài chạm gối”, đúng như lời người chồng từng hãnh diện kể về nguồn gốc dòng họ mình. Điều đặc biệt là cả nhà đều biết, anh chồng biết, bà mẹ chồng biết, cả cô em chồng cũng biết.
Câu chuyện chỉ có thế, nhưng mang nhiều ẩn dụ:
Cô vợ đầy sức sống kia phải chăng là nhơn dân Việt nam, dân chúng Việt nam, lấy anh chồng mà cô muốn, cô thèm khát …
Sau chiến thắng Pháp và đánh cho Mỹ cút – theo như lời cộng sản rêu rao – dân chúng Việt nam có một số nào đó thèm khát hoặc bị bắt buộc phải lấy anh Đảng Cộng sản, một anh chồng đến “tội nghiệp “? Vì lấy chồng nên phải cúng giỗ tổ tông nhà chồng: 16 lần giỗ, sao lắm thế? Lễ Đảng cũng nhiều lắm! và các lễ cuối cùng nhục nhã là làm đại lễ 1000 Thăng Long để dâng đất cho dân Tàu (cả Trung Cộng lẫn Đài Loan).
Và lịch sử cũng như con đường đi của Đảng Cộng sản Việt nam chập chùng, không sao đếm hết chuyện chết người oan ức: người thì tự tử, kẻ đi mất tích và bị thủ tiêu, và bao trăm ngàn người chết vì đấu tố, có kẻ còn bị ăn thịt; anthropophagie? Ăn thịt người? Đảng Cộng sản là Đảng đã từng đấu tố và giết hại đồng bào mình, như vậy, không phải Đảng ăn thịt người thì là gì? Đảng Cộng Sản Việt nam – anthropophage ? Đúng quá! (tr.8)
Đêm về, cô vợ ngủ bị bóng đè: thoạt đầu mơ hồ, “… không rõ ràng ..” (tr. 12/13), nhưng chắc chắn là cô bị hãm hiếp. Lần bị hiếp kế tiếp bởi một “… bóng đen hiện ra rõ ràng hơn” (tr. 20/21) có: “tia nhìn xéo sắc lạnh, hàm răng hơi nhô đanh ác đầy quen thuộc”. Rồi lần sau nữa, bóng hiện nguyên hình một lão già Tàu (tr. 23):”… Đôi mắt liếc xéo của những “người đàn ông dòng dõi đế vương Trung Hoa” (tr. 30): “… Nó mang trong mình dáng hình của một lão già Tàu nào đó đầy quyền uy…”. Lão già Tàu đầy quyền uy, Đảng Cộng sản Tàu?
Phải hiểu rõ ràng cô vợ - nhơn dân Việt nam đang bị lão già Tàu - Đảng Cộng sản Trung quốc đè mà anh chồng - Đảng Cộng sản Việt nam bất lực đồng lõa chứng kiến. Vì anh chồng biết, vì anh chồng nhìn thấy (tr.19): “… chồng tôi còn thức, hai tròng trắng ươn ướt trừng trừng”; (tr. 32): “… Anh mở mắt, anh chứng kiến, anh vờ như không có chuyện gì … “.
Bà mẹ chồng cũng biết, bà mẹ chồng là hình ảnh các cựu đảng viên Đảng Cộng sản Việt nam thức tỉnh, đốt nhang, như bàn tán, như la ó muốn xua đuổi mà vô hiệu, đành thở dài: (tr. 21): “… Mẹ chồng tôi phẩy lia phẩy lịa nắm nhang khắp bàn thờ như điên dại …”. Phải chăng những cựu cán bộ về hưu, phục viên, phát nhang gần như điên dại để cảnh giác anh chồng Đảng Cộng Sản Việt nam. Tuy nhiên, giống như bà mẹ chồng, phần nào vẫn còn đồng lõa vì quá tuân thủ nền nếp gia đình (nền nếp của chủ nghĩa Cộng sản quốc tế). Còn thế hệ trẻ, cô Thắm, cô em chồng, cũng đồng lõa, (tr. 8): “Chị cúi đầu xuống đi …”. Tóm lại, cô Thắm thế hệ -Cộng sản Việt nam mới, sợ cô vợ - nhơn dân Việt nam đặt lại vấn đề (thà mất nước không mất Đảng).
Và sự thật ? nạn nhơn ? nhơn dân VN ? cô vợ?
Cô vợ, cũng như nhơn dân Việt nam? bị Syndrome de Stockhom, cô vừa gớm, vừa sợ, nhưng lại vừa ghiền, ghiền được hãm hiếp (tr. 34): “… Tôi biết mình bị hãm hiếp trước bàn thờ tổ tiên nhà chồng, trước mặt chồng, nhưng tôi lại bồn chồn, mong nhớ, thậm chí khát thèm cái cảm giác ấy …”. Phải chăng những hiện tượng tình nguyện sắp hàng đi lấy chồng Trung hoa-Đài loan, Trung Cộng, là những syndromes de Stockhom? …
Phải, đúng vậy, anh chồng Đảng Cộng sản Việt nam không bảo vệ cô vợ Nhơn dân Việt nam. Cô bị hãm hiếp rồi cô ghiền cảm giác bị hãm hiếp.
Chỉ còn tý hy vọng:
“Bàn tay mảnh để cầm bút, bất lực với tự do đã nắm được ở đầu ngón tay nhưng bị trọng lượng thân thể buộc trói”. Phải, chỉ có những bàn tay cầm bút, những văn nghệ sĩ, … những nhà đấu tranh dân chủ, Lê thị Công Nhân, Nguyễn văn Đài … những bloggers Điếu cày, Anh Ba, Mẹ Nấm…những nhạc sĩ Việt Khang …những sanh viên ….hay những Dương Thu Hương , những Hà Sĩ Phu, những Nguyễn Thanh Giang dám cầm bút, dám lên tiếng, viết, nói… đứng lên, nhưng “bất lực với tự do đã nắm được ở những đầu ngón tay lại bị trọng lượng thân thể buộc trói”.
Chừng nào thân thể không còn trói buộc bàn tay nữa?
Hỡi những bàn tay cầm bút, hỡi những bàn tay cầm búa, những bàn tay cầm liềm, những bàn tay kéo xe, những bàn tay mẫu tử săn sóc con thơ; đừng nuôi con chóng lớn để chúng phải làm cô dâu bị hiếp!
Chừng nào còn anh chồng - Đảng Cộng sản Việt nam thì cô vợ - nhơn dân Việt nam vẫn bị anh Tàu già - Cộng sản Trung quốc hãm hiếp dài dài. Phải, (tr. 36) (bàn tay): “Nó đã thúc bách tôi ly hôn với Thụ (ông chồng). Vì nếu không “Chúng tôi (nhơn dân Việt nam) không biết chọn lựa (hay không được quyền chọn lựa), vì cơ thể chúng tôi (Nhà nước CHXHCN Việt nam) bị đòi hỏi những nhục cảm mà bóng tối (Đảng Cộng sản Trung quốc) ban phát …” (tr. 38).
Chừng ấy sẽ có ánh sáng (Cách mạng Dân chủ? Đa nguyên, đa đảng? Nhân quyền? Công lý? Pháp trị? …).
“Tôi đưa bàn tay mình ra sáng”. Đúng!: Phải đưa bàn tay của chúng ta ra ánh sáng.
Và “Một bàn tay không béo gầy, không trọng lượng, chỉ có làn da mỏng tanh nhưng biết níu giữ TỰ DO cho dù thân thể buộc trói. Nắng tắt, mà bàn tay vẫn óng ánh diệu kỳ “(tr. 38).
Mong thay!
Phan Văn Song
Tháng 10, 2010Hiệu đính Hè 2013
Nhơn chuyến Mỹ du của Tư Sang tìm ông Già Mỹ.
Trí Nhân Media
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét