Tri Nhân Media

TRỐN THUẾ HAY TRỪNG PHẠT CHÍNH TRỊ

Lê Diễn Đức
1-7-2013

Sau nhiều lần bị bắt giữ vô cớ, bị đưa ra đấu tố ở phường, bị côn đồ được bảo kê hành hung và liên tục bị công an triệu tập "làm việc", ngày 27/12/2012 công an đã bắt giữ và khởi tố luật sư Lê Quốc Quân về tội... "trốn thuế"!

Nói đến "trốn thuế", trong trường hợp Lê Quốc Quân không thể không liên tưởng đến trường hợp của blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải.

Chẳng biết cho thuê cái nhà bé xíu, anh Hải đã trốn thuế với số tìền bao nhiêu mà cái án 30 tháng tù giam, theo Bộ Luật Hình Sự cũng đã là bất công và quá nặng nề. Thế nhưng ngày 19/10/2010, mãn hạn tù, anh lại bị bắt giam tiếp về tội "tuyên truyền chống nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" (CHXHCNVN). Hơn một năm anh bị bắt đi biệt tăm, gia đình, luật sư không hề được gặp mặt, không được giải thích gì về tình trạng pháp lý, sức khoẻ, đến mức có cả cuộc vận động lấy chữ ký gửi chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu cứu.

Bản án 12 năm tù và 5 năm quản chế quá phũ phàng, phi lý đối với một người yêu nước chân chính, mang khát vọng tự do, dân chủ cho đất nước. Nếu còn sống đến khi ra tù mà không được giảm án, anh đã hơn 70 tuổi, cộng thêm 5 năm quản chế, còn làm được gì. Thực là bất nhân, độc ác! Huỷ diệt đời sống một con người, mà điều trơ trẽn, đểu cáng được khởi mào từ sự... "trốn thuế".

Cứ cho là "trốn thuế"

Cảnh sát điều tra đã khởi tố anh Lê Quốc Quân về hành vi trốn thuế theo điều 161 Bộ luật hình sự.

Theo họ, "ông Lê Quốc Quân đã trực tiếp chỉ đạo nhân viên dưới quyền tìm một số cán bộ, chuyên gia kinh tế để lấy thông tin cá nhân, sau đó làm các hợp đồng thuê chuyên gia tư vấn, cộng tác viên khống nhằm mục đích để hợp thức việc tăng chi phí của công ty, rồi sau đó làm thủ tục kê khai với Cơ quan Thuế nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp.

 Ngoài ra, trong 2 năm, 2010 và 2011, Công ty này còn sử dụng 56 hóa đơn GTGT của 7 công ty với tổng số tiền ghi trên hóa đơn là 824.542.836 đồng. Toàn bộ số hóa đơn này đều không có việc mua, bán hàng hóa thật mà chỉ để hợp thức cho việc kê khai khấu trừ thuế GTGT với nhà nước và tăng chi phí cho doanh nghiệp nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tính đến thời điểm này, Cơ quan chức năng đã đủ chứng cứ kết luận công ty TNHH Giải pháp Việt Nam đã trốn thuế với tổng số tiền là 437.500.000 đồng".

Theo quy định tại Luật số 37/2009/QH12 ngày 29/6/2009 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình Sự 1999 thì "trốn thuế với số tiền từ 300 triệu đồng đến dưới 600 triệu đồng hoặc tái phạm về tội này, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế, hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm".

Thật khó tin được chứng cớ của cảnh sát điều tra Việt Nam khi họ rắp tâm với ý đồ xấu. Nhưng dù sao đi nữa, các chứng từ, tư liệu thuộc hoạt động của công ty thì phải có sự minh bạch, giải trình, thậm chí tranh cãi. Anh Lê Quốc Quân bị bắt hơn 7 tháng, trong điều kiện khắc nghiệt, đã không được tiếp xúc hồ sơ, luật sư cũng mãi tới gần sát ngày xử mới tiếp cận. Mặc dù, theo luật định, nếu cáo buộc là trốn thuế thì luật sư phải được tham gia ngay từ đầu. Đây là sự cố tình gây khó, không tạo cơ hội cho nghi phạm và chứng tỏ cáo buộc tội "trốn thuế" ngay từ hành vi ứng xử này cho thấy không thuyết phục, ẩn khuất đằng sau là sự vu khống.

Thực tế công ty Giải pháp Việt nam đã bị khám xét nhiều lần và nhiều tài liệu giấy tờ bị đưa đi không có sự chứng kiến của anh Quân. Có những lần bị khám xét trong lúc đêm khuya, khám nhà tới một giờ sáng và khám công ty tới 4 giờ sáng. Trong khi đó, công ty đã có đóng góp nghĩa vụ về thuế tốt và chưa bao giờ nhận được những sự cảnh báo nào từ cơ quan thuế.

Trốn thuế chỉ là cái cớ

Trong lịch sử tồn tại của nhà nước CHXHCNVN, chưa ai bị bắt khẩn cấp vì tội trốn thuế với một lực lượng công an tới hàng trăm, hàng chục người. Ngay cả việc bắt giữ anh Lê Quốc Quân cũng đã không thực hiện đúng trình tự thủ tục của luật lệ hiện hành.

Tội trốn thuế khá phổ cập trong nhà nước CHXHCNVN, không phải là tội nghiêm trọng và được xử lý hết sức tùy tiện, nặng nhẹ tuỳ theo đồng tiền chạy cửa sau.

Hồ Kỳ Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng, đã công bố kết quả cuộc khảo sát độc lập với sự tham gia của 13.000 doanh nghiệp về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Đà Nẵng trong năm 2013 rằng, 48,6% doanh nghiệp cho hay thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh.

Tình trạng doanh nghiệp trốn hàng trăm, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế hiện không còn là hy hữu ( "Điểm mặt đại gia trốn thuế nghìn tỷ", Người Đưa Tin 28/12/2012).

"Dù chưa thể công bố số liệu cụ thể nhưng đã kiểm toán ở đơn vị nào thì ở đó đều có sai phạm, kê khai thiếu thuế... Đó là khẳng định của Phó tổng Kiểm toán nhà nước Lê Hoàng Quân, khi nói về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các tập đoàn, tổng công ty, nhất là trong lĩnh vực đóng thuế, nộp ngân sách nhà nước" (VnEconomy 11/07/2011).

Còn nợ thuế thì các doanh nghiệp trong năm 2012, ước tính số nợ tương đương khoảng 19.850 tỷ đồng, theo Bộ Tài Chính.

Theo Radiovietnam 07/06/2013, Cục thuế cho biết, đến cuối tháng 5/2013, toàn tỉnh Dak Lak có 40 doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán hóa đơn giá trị gia tăng bất hợp pháp… Trong 4 tháng đầu năm 2013, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Đăk Nông chỉ đạt 18% dự toán, nợ đọng thuế tăng lên trên 305 tỷ đồng".

Năm 2006, Vũ Hưng Bình, cựu đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Sài Gòn và tòng phạm được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn 13 tỷ đồng tiền thuế, sau khi nộp lại số tiền 1,2 tỷ đồng.

Hay ngày 26/09/2012 Toá án tỉnh Bắc Ninh đã xử án treo cho “đại gia Kinh Bắc” Nguyễn Thạc Thanh về hành vi trốn hơn 10,3 tỷ đồng tiền thuế.

Trong bối cảnh trên, nhìn mức án của anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và những gì tiếp sau đó, cho ta thấy trường hợp anh Lê Quốc quân, tội "trốn thuế" chỉ là cái cớ. Bắt anh Lê Quốc Quân vì mục đích chính trị đã được chuẩn bị từ lâu. Một năm trước, ngày 14/07/2011, tờ Hà Nội Mới từng chuẩn bị cho ván bài bẩn thỉu này:

"Đi từ đám đông gây rối đòi đất đến tham gia đoàn biểu tình chống Trung Quốc, dù khoác áo "yêu nước" nhưng Lê Quốc Quân đã thể hiện thái độ coi thường pháp luật, lộ rõ động cơ chống đối và đòi lật đổ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để phục vụ động cơ đó, Lê Quốc Quân kích động và lợi dụng chính những người biểu tình để gây mất ổn định an ninh chính trị, sau đó đưa lên internet những thông tin xuyên tạc tình hình đất nước, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, kích động chia rẽ quan hệ giữa quần chúng nhân dân với các cấp chính quyền, công khai đòi thay đổi chế độ... Động cơ, hành vi của Lê Quốc Quân thực chất là đi ngược lại lợi ích của đất nước, của nhân dân và cần phải bị lên án, xử lý theo pháp luật".

Áp lực dư luận và quốc tế

Luật sư Lê Quốc Quân là một người có tiếng nói bất đồng mạnh mẽ. Ngoài việc kêu gọi một thể chế pháp trị và đa đảng, anh tham gia vận động đòi tự do cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, giúp người dân khiếu kiện và giáo dân Thái Hà trong các vụ tranh chấp đất đai với chính quyền, nhiều lần tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội và viết bài cũng như trả lời phỏng vấn cho các cơ quan truyền thông nước ngoài.

Anh là tín hữu công giáo nên cộng đồng giáo dân ở Hà Nội, Sài Gòn đã có những buổi lễ Thánh thắp nến cầu nguyện cho anh. Tuy nhiên điều này chỉ mang ý nghĩa đoàn kết và ủng hộ về mặt tinh thần, sẽ chẳng gây nên ảnh hưởng gì với bản án mà nhà cầm quyền đã sắp đặt.

Ngoài bác sĩ Nguyễn Đan Quế, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Quốc Quân là một nhà bất đồng chính kiến được chính giới Hoa Kỳ có sự chú ý đặc biệt.

Anh vẫn thường được Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam quan tâm thăm hỏi và hôm 20/01/2012 được mời gặp đoàn thượng nghị sỹ Mỹ sang thăm Hà Nội gồm các ông Sheldon Whithouse, John McCain, Joseph Lieberman và bà Kelly Ayotte, cùng với Nguyễn Văn Đài, Phạm Hồng Sơn.

11 tổ chức nhân quyền cũng đã yêu cầu 3 báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc và Nhóm Công Tác của Liên Hiệp Quốc về Giam Giữ Tùy Tiện hành động khẩn cấp, kêu gọi thả Lê Quốc Quân ngay lập tức.

Ngày 25/6/2013, 12 dân biểu liên bang Hoa Kỳ Loretta Sanchez, Chris Smith, Zoe Lofgren, Frank Wolf, Brad Sherman, Judy Chu, Adam Smith, James Moran, Michael Michaud, Alan Lowenthal, Susan Davis và Scott Peters, đã gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có đoạn viết:

 “Luật sư Lê Quốc Quân là luật sư nhân quyền xuất sắc, người đấu tranh bảo vệ nhân quyền, một người viết blog và là một người từng là thành viên của tổ chức National Endowment for Democracy (Hoa Kỳ) bị nhà cầm quyền sách nhiễu thường xuyên từ năm 2007 đến nay. Chúng tôi tin rằng bảo vệ nhân quyền, viết blog về các vấn đề công lý xã hội và tham gia các hoạt động quần chúng là yêu nước và đóng góp vào sự phát triển đất nước của ông”.

 “Chúng tôi không thể nhấn mạnh mạnh hơn được nữa để bầy tỏ sự quan tâm sâu xa của chúng tôi về việc bắt giam luật sư Lê Quốc Quân. Chúng tôi yêu cầu ông đưa các biện pháp bảo đảm trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho luật sư Quân”.

Kết luận

Tờ "The Economist" 28/12/2012 của M.S. trong bài "Hey John Kerry, free Le Quoc Quan", kêu gọi ngoại trưởng John Kerry tác động lên Hà Nội nhân dự họp hội nghị ngoại trưởng Asean ở Brunei. Trong mối quan hệ hiện tại, M.S. cho rằng, Việt Nam phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Mỹ, ủng hộ chinh sách quân sự và ngoại giao của Mỹ trong cuộc đấu tranh chống lại Trung Quốc về thẩm quyền hàng hải trong vùng biển Đông, cho phép Mỹ có thể xem Việt Nam sẽ phải trả một cái giá giới hạn, nếu vượt quá dòng chính thức nhất định trong sự áp bức các nhà bất đồng chính kiến​​. Từ đó, tác giả cũng hy vọng nhờ vào phẩm chất cá nhân của mình, John Kerry có thể sử dụng để thử, đề nghị trả tự do cho Lê Quốc Quân và một số các nhà hoạt động dân chủ khác.

Tuy nhiên, lỡ thực thi bằng màn "trốn thuế", một cách vụng về và khiên cưỡng, giống như "hai bao cao su đã qua sử dụng" đối với tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nhà cầm quyền không thể kết án anh Lê Quốc Quân dưới góc độ chính trị. Nếu được tranh tụng đàng hoàng - điều này rất khó trong một phiên toà mờ ám - mà có chứng cứ rõ ràng, thuyết phục về tội trốn thuế - chứ không thể chỉ dựa theo lời của các nhân chứng đáng nghi - xấu nhất cũng chỉ nằm trong khung phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù giam. Ngược lại, toà phải tha bổng anh và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Đáng sợ hơn là sự tái diễn kịch bản đã xảy ra với blogger Điếu Cày sau khi thi hành án. Nếu thế thì quả là một sự giấu đầu hở đuôi ô nhục, trí trá và hèn nhát của nhà cầm quyền.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét