Tri Nhân Media

TRÍ THỨC CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN VÀ VẬN MỆNH ĐẤT NƯỚC

Bửu Long
16-07-2013

Có lẽ đây là đề tài cũ nhất trong những cái cũ nhưng nó lại là thứ mới nhất trong những cái luôn mới. Bởi vì, người trí thức bao giờ cũng có sứ mệnh khai sáng cộng đồng và đây là căn tính của khoa học, với một nhà trí thức tiến bộ, có lòng với nhân dân, dân tộc, quốc gia, câu chuyện đời tư sẽ rất chông gai, thậm chí đau khổ dưới chế độ độc tài.

Nhưng, với những trí thức chuyên chế vô sản, hay nói đúng hơn, với những kẻ mang danh sĩ phu nhưng lại rất khéo léo luồn lách, lươn lẹo để đạt mục đích vinh thân phì gia thì nhà nước độc tài là mảnh đất màu mỡ để họ thực hiện ý đồ. 

Trong trường hợp trí thức chuyên chế vô sản quá nhiều thì đất nước sẽ ra sao? Và trong trường hợp ngược lại? Đâu là đất dụng võ cho một trí thức chân chính?

Những trí thức chân chính, tỉnh thức trước vận mệnh quốc gia thường chọn một trong hai thái độ: Im lặng, rút lui hoàn toàn để nghiên cứu và không bàn đến bất kỳ vấn đề nào liên quan đến chính trị hoặc hai là thao thức trước vận mệnh đất nước và đau đáu về thân phận con người, đồng tộc, lựa chọn dấn thân để phục vụ khoa học và con người. Rất tiếc là tỉ lệ trí thức dấn thân không cao cho mấy ở thể chế độc tài, đảng trị này.

Và, trong một chừng mực và ý nghĩa nào đó, dấn thân cho khoa học cũng đồng nghĩa với dấn thân cho con người, cho dân tộc, quốc gia. Vì tất cả những gì liên quan đến khoa học đều có giá trị một khi nó mang lại lợi ích nhân bản, phục vụ con người theo chiều hướng tốt đẹp, thân thiện và hòa bình. Và đương nhiên, những nhà khoa học mang ý thức dân chủ, những người chấp nhận dấn thân cho sự nghiệp dân chủ, nhân quyền của đất nước là những nhà trí thức đích thực.

Họ phải đối mặt với hàng loạt các trở ngại từ thân phận chính trị cho đến thân phận khoa học và thân phận cá nhân, trong đó, đáng kể là một đội ngũ trí thức vốn phục vụ cho chế độ Cộng sản hơn hai mươi năm, đến sau 30 tháng Tư năm 1975, họ giật mình, sực tỉnh trước sự sụp đổ của dân tộc, sự tiêu tán của hàng triệu mái ấm và sự hủy hoại của một nền văn hóa miền Nam Việt Nam, họ suy tư, tỉnh thức và tiếp tục dấn thân cho một cuộc cách mạng mới đầy rủi ro, cô đơn và tai ương.

Phan Khôi, Trần Quốc Thảo, Phan Đan, Trần Dần, Hữu Loan, Lê Đạt… và nhiều trí thức khác trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm đã phải đón nhận sự hà khắc, ép uổng và đày đọa từ chính cái chế độ mà họ từng phục vụ, từng chịu nếm mật nằm gai để phụng sự. Cuộc đời của những trí thức này bị đọa xuống đến mức không còn bất kỳ mảy may cơ hội nào để tồn tại (chứ đừng nói đến sống).


Phan Khôi về già bị tịch thu hết nhà cửa, phải dắt díu vợ con đến ở trọ nhà của Chế Lan Viên, một ngày “đẹp trời”, Chế Lan Viên đi nhậu về, cầm cây chổi trành, chỉ thẳng vào Phan Khôi (đáng tuổi cha mình) và quát: “Thằng già, mày dọn đồ cút khỏi nhà tao, mày là thằng phản động!”. Và Cụ Phan Khôi lủi thủi dọn áo quần, chăn chiếu, dắt bà vợ già lang thang rày đây mai đó, ăn nhờ ở đậu tứ xứ cho đến cuối đời!

Hữu Loan phải về quê đi vác đá, chở đá bằng chiếc xe đạp cà tàng kiếm tiền nuôi vợ con, suốt một đời không dám đi ra khỏi làng vì sợ đụng đến tiền mua gạo nuôi con. Cũng may, đến gần cuối đời, Văn nghệ Sài Gòn mời ông vào chơi một chuyến và Xuân Thống ở miền Trung bỏ tiền mua vé mời ông về Quảng Nam chơi vài ngày, sau đó tặng ông một ít tiền về quê. Đến lúc sắp nhắm mắt tắt thở thì có một công ty xuất bản đến mua bản quyền bài thơ Màu tím hoa sim với giá 150 triệu đồng (tương đương $ 7.500). Và cuộc đời nghệ sĩ, trí thức của ông trôi qua trong mấy chục năm cuối đời buồn tủi, khổ sở, đói khát…

Trần Quốc Thảo bị đày trong một căn phòng trọ gọi là tiêu chuẩn nhà nước cấp nhưng trên thực tế đó là giam lỏng trong một căn phòng, để cho chết dần chết mòn. Đến cuối đời, ông “được” sang Pháp để rồi chết xa xứ trong buồn tủi và không người thân.

Trần Dần cũng có cuộc đời éo le không kém, ông bị nhà cầm quyền Cộng sản ghép cho cái tội làm thơ phản động, mang tư tưởng tiểu tư sản, thuộc thành phần phản động, phần đời còn lại ông phải ngồi tù, ra tù thì sống trong đói khổ, rách rưới. Tất cả hệ lụy này đều xuất phát từ một nguyên nhân duy nhất: Trần Dần và những ngưởi anh em của ông trực nhận ra chế độ Cộng sản đã không thành thật với quốc dân, và mọi giá trị khoa học, nghệ thuật đều bị bóp méo dưới bàn tay tuyên truyền của họ, họ đã biến những nghệ sĩ chân chính thành một thứ công cụ tuyên truyền.

Đó là những nghệ sĩ, trí thức từng phục vụ cho nhà nước Cộng sản Việt Nam, với những nghệ sĩ, trí thức không phục vụ nhà nước, không từng là đảng viên Cộng sản hoặc là đối tượng vào đảng Cộng sản thì mọi chuyện còn mệt mỏi, rắc rối và khổ sở hơn.

Sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, còn nhiều vụ khác như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, luật sư Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài… đều liên quan đến thân phận chính trị, thân phận khoa học và thân phận cầm bút của nhiều nghệ sĩ trí thức. Gần đây nhất là vụ nhóm Mở Miệng và các blogger. Nếu như các thành viên nhóm Mở Miệng từ Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy, Nguyễn Quán chỉ vì triển khai ý niệm giải trừ trung tâm, giải thiêng, đặt lại vấn đề về cái gọi là “trung tâm, chuẩn mực và tiên phong lãnh đạo… nghệ thuật”.

Và, những tác giả, nghệ sĩ trẻ của nhóm Mở Miệng đã chấp nhận một cái giá đắt mà nhà cầm quyền độc tài trao cho họ là liên tục bị quấy rầy, bị giang hồ giả dạng chặn đường đánh đập, bị thất nghiệp, bị nhiều thứ rắc rối khó mà tưởng tượng được.

Cùng thời điểm với nhóm Mở Miệng, những blogger nhưng Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần, Huỳnh Ngọc Tuấn, Huỳnh Thục Vy và nhiều văn nghệ sĩ, trí thức khác đã bị bắt, bị nhục hình, bị lăng mạ trên các phương tiện thông tin nhà nước.

Bằng cách vu những tội không liên quan đến chính trị như trốn thuế, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, vi phạm luật giao thông… để bắt các blogger, trí thức, và dùng thủ đoạn xử kín nhưng lại công khai loan tin bất lợi cho các nhà dân chủ để đặt họ vào tình thế tới cũng không được mà lui cũng không xong, gieo hoài nghi vào những người cùng chí hướng và đặc biệt là bằng mọi giá, đẩy họ vào chốn lao lý, tù đày. Chỉ vì yêu nước, những văn nghệ sĩ, trí thức phải lãnh chịu mọi thứ đòn thù nặng nề từ nhà nước độc tài. Cái giá của yêu nước và tỉnh thức dưới triều đại Cộng sản độc tài là tù đày, lao lý và tính mạng bị đe dọa.

Ngược với chuyện này, có vài ngàn người có ăn học tử tế, được gọi là trí thức lại khom lưng chấp nhận phục vụ cho đảng độc tài, phục vụ cho kẻ cố tình níu trì tiến trình văn minh nhân loại. Và mục đích duy nhất trong lựa chọn này là được yên thân, vinh thân phì gia, nhà cao cửa rộng, mặc cho đồng loại, dân tộc đang đau khổ, rên xiết vì mất mát, vì bị cướp trắng, bị ép uổng đủ điều… Cái mà họ nhận được là nhà lớn, đất vàng, xe hơi, gái đẹp và quyền lực, và để có được thứ này, họ đạp lên  trên mọi suy tư, thây kệ mọi chuyện.

Và, để được như thế, họ buộc phải tự biến mình thành công cụ của nhà nước độc tài, họ vắt óc suy nghĩ những chiêu thức, thủ đoạn để triệt tiêu đối phương. Mà đối phương ở đây chính là những đồng nghiệp, đồng giới và chưa từng gây thù chuốc oán gì với họ. Nhưng họ buộc phải hiến kế triệt tiêu, vì họ đã ăn cơm, nhận nhiều thứ ơn mưa móc mà nhà nước Cộng sản dành cho họ. Và, để “yên lòng” thực hiện sự chỉ định, chỉ đạo của ông chủ Cộng Sản, họ tự gắn cho mình cái mác vì nhân dân, phục vụ cho đảng tiên phong, là một trong những đốm lửa trong ngọn đuốc lãnh đạo của đảng để dắt dân tộc này ra khỏi bóng tối.

Với kiểu lý luận như vậy, họ có thể tha hồ dùng thủ đoạn với đồng liêu, đồng môn mà không thấy áy náy lương tâm. Thậm chí, một người nào đó bị bắt, bị sát hại vì tội yêu nước mà trong đó có một phần góp tay của họ thì họ lại cho rằng mình đã giúp cho dân tộc loại bớt một thành tố phản động.

Nhằm nâng cao dự án, kinh phí và quyền lực trong quá trình phục vụ, bợ đỡ chế độ, họ không ngại ngần vắt trán để nghĩ ra những dự án nhằm triệt tiêu, ám hại những nhà yêu nước và hơn hết là nhằm ám sát nền văn hóa dân tộc, ám hại ý thức tự do, dân chủ còn sót lại trong nhân dân và ám toán những tố chất căn bản của khoa học, nhân văn.

Trong những ngày gần đây, giới sư phạm ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung lại dấy lên một sự việc mà ngưởi chứng kiến không biết phải nhận xét như thế nào, chuyện về đề tài nghiên cứu của Nhã Thuyên, tên thật là Đỗ Thị Thoan, nhà thơ và là giảng viên đại học sư phạm. Nhã Thuyên đã lấy đề tài nghiên cứu là thơ của nhóm Mở Miệng, cô đã viết một luận văn khá mới lạ và sắc sảo. Và, cái mà cô nhận được là nhiều bài lên án gay gắt, nhiều lời nguyền rủa của các trí thức chuyên chế. 

Xin trích đoạn: “Sau khi thừa nhận “nhu cầu cách mạng” để thực hiện “nhu cầu cách tân” về nghệ thuật của nhóm Mở Miệng, thừa nhận họ văng tục và nói về cứt đái nhưng muốn lật đổ hơn là xây dựng (tr.31), tác giả Đỗ Thị Thoan không hề giấu giếm đối tượng “cách mạng” và “lật đổ” không chỉ là những khái niệm của văn chương học thuật mà là thể chế chính trị. Bởi tác giả cho rằng: Cơn hưng phấn của thời Đổi Mới nhanh chóng biến thành nỗi hụt hẫng vì sự thắt chặt lại của chính sách, với Đại hội Đảng VII năm 1991 (tr. 26). Tác giả còn tố cáo Đảng và Nhà nước ta bóp nghẹt tự do sáng tạo: Và bởi sự thống nhất trong một xã hội không chấp nhận đa nguyên về ý thức hệ và tư tưởng, Cái Khác là cái cần bị loại trừ, bị chèn ép… (tr. 37). Đến đây, tác giả đã công khai biểu thị thái độ đồng tình với tư tưởng chống Cộng của các phần tử chống đối Đảng và chế độ XHCN…

Bài viết này của một cây bút nằm trong nhóm phản biện của nhà nước Cộng sản, ký tên Tuyên Hóa, có người cho rằng đó là bút danh của một ông giáo sư nằm trong Bộ giáo dục. Nhưng, vấn đề ai viết không quan trọng nữa, nó chỉ cho thấy là mãi cho đến bây giờ, khi các phong trào dân chủ, nhân quyền đã nở rộ ở Việt Nam, và thế giới tiến bộ đã bước một bước tiến rất xa, tại Việt Nam vẫn có một thành phần như vậy. Đó là lực cản lớn nhất cho tiến trình dân chủ và nhân quyền trên quê hương Việt Nam.

Bửu Long



1 nhận xét:

  1. Nặc danh17/7/13 06:16

    Đề nghị nên đính chính để khỏi làm giảm qiá trị
    bài viết rất hay này : Trần ĐỨC Thảo,chứ không
    phải Trần Quốc Thảo(công thần CSVN).

    Trả lờiXóa