Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




TÀU CÁ VIỆT NAM "BỊ TẤN CÔNG, CHẶT CỜ"

BBC
9-07-2013

Hình bên: Cả hai tàu cá của ngư dân trên huyện đảo Lý Sơn đều chịu thiệt hại nặng


Thuyền trưởng một trong hai tàu cá Việt Nam bị tấn công ở khu vực quần đảo Hoàng Sa nói với BBC những người người tấn công tàu ông 'nói tiếng Trung Quốc' và 'mặc đồ sỹ quan hải quân'.


Truyền thông Việt Nam nói hai tàu cá Việt Nam đã bị truy đuổi, đánh phá và tịch thu toàn bộ tài sản trong khi Trung Quốc chưa có tin chính thức nào về cáo buộc này.

Nói chuyện với BBC qua điện thoại ngày 9/7, thuyền trưởng tàu QNg 96787 TS, ông Võ Minh Vương, nói tàu của ông bắt đầu ra khơi từ ngày 4/7 và đến ngày 9/7 thì dừng lại gần đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa.


Ông Vương cho biết khi tàu của ông đang ở vị trí 16 độ 47', kinh độ đông, 112 độ, 14' kinh độ bắc thì một chiếc tàu trắng xuất hiện và thả ca nô xuống bám theo tàu của ông.

Sau 15-20 phút truy đuổi, những người này đã "leo lên tàu và dùng dùi cui điện để đánh thuyền trưởng và thủy thủ trên tàu, đồng thời đập phá tàu và tịch thu toàn bộ số cá mới đánh bắt được".

Khi được hỏi những người này nói tiếng gì, ông Vương cho biết là họ "nói tiếng Trung Quốc".

Ông Vương cũng cho biết thêm những người này mặc đồ "sỹ quan hải quân", và một số khác thì mặc "đồ lính rằn ri".

'Chặt cờ'

Ông cũng nói những người này đã bắt tàu của ông và tàu của ông Mai Văn Cường ở gần đó phải quay đầu về phía Việt Nam.

"Họ chỉ hướng Việt Nam nhưng không nói là Việt Nam," ông Vương nói.
"Tôi không chịu thì họ mới chặt hai cây cờ [treo trên tàu], vứt xuống nước."
"Tôi chạy tới lấy cờ lên thì họ đánh tôi ngất xỉu."

Những người này sau đó rời khỏi tàu, ông Vương dẫn lời những thủy thủ trên tàu nói.

Thiệt hại ban đầu, theo người thuyền trưởng, là khoảng 400 triệu đồng, số tiền mà ông phải làm trong nhiều phiên mới có được.

Báo trong nước trong ngày 9/7 cũng đưa tin tàu của ông Cường cũng bị tàu mang số hiệu 306 tấn công, thủy thủ bị đánh đập và chịu thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.

Trung tá Nguyễn Văn Thanh, đồn phó đồn biên phòng Lý Sơn, cũng được báo trong nước dẫn lời nói "việc đập phá và tịch thu toàn bộ tài sản trên hai tàu cá này là thật, nhiều ngư dân còn những vết tích bị đánh đập".

Đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, đã bị Trung Quốc chiếm từ năm 1956.

Đến năm 1974 Trung Quốc làm chủ hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa sau trận hải chiến với Việt Nam Cộng Hòa.

Đảo tiền tiêu

Hồi tháng Tư, cả chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang lẫn Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đều có chuyến thăm ra đảo Lý Sơn.

Chuyến thăm Lý Sơn của Chủ tịch Sang và Bộ trưởng Minh có thể được xem như phản ứng cho chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 8/4 tới đảo Hải Nam, nơi xuất phát của tàu bè Trung Quốc hướng xuống Biển Đông.

Với hiện diện của người đứng đầu Nhà nước ngày 15/4 này, dường như Việt Nam khẳng định một lần nữa thông điệp về chủ quyền với Trung Quốc.

Trung Quốc và Việt Nam đang có quan hệ 'đối tác chiến lược toàn diện'

Đảo Lý Sơn, nơi có cộng đồng ngư dân chuyên hành nghề ở khu vực biển gần quần đảo Hoàng Sa, được cho như "đảo tiền tiêu" trong các hoạt động đánh bắt, đồng thời cũng là khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển này.

Lý Sơn nói riêng và Quảng Ngãi nói chung là nơi có nhiều ngư dân bị Trung Quốc cản trở khi hành nghề ngoài biển.

Hồi cuối tháng Năm, một tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi từ Hoàng Sa về cũng đã bị tàu Trung Quốc 'cản trở và tông vỡ một bên' thân tàu.

'Chống tội phạm'

Cùng ngày 9/7/2013 chưa có tin gì trên báo chí chính thống ở Trung Quốc về các vụ việc mà người Việt Nam nêu ra.

Tuy nhiên, trang web của Cục Hải giám Quốc gia Trung Quốc (SOA) có đăng tải thông tin rằng cảnh sát biển nước này "tăng cường năng lực" tuần tra cả ba vùng biển phía Bắc, Đông và Nam nước này.

Theo Tân Hoa Xã ngày 9/7, trang web của SOA nói theo quyết định của Quốc vụ viện tức Chính phủ Trung Quốc thì Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển sẽ có nhiệm vụ triển khai và chỉ huy 11 đơn vị nằm dọc các vùng bờ biển Trung Quốc.

Phía Trung Quốc nói nhiệm vụ của Cục Hải giám là "bảo vệ an toàn cho các vùng biển trọng yếu và chống tội phạm trên biển", theo Tân Hoa Xã.

Về quan hệ chiến lược Trung - Việt, mới hôm 19/6, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết 10 văn kiện hợp tác tại Bắc Kinh.


Ngoài thỏa thuận thăm dò dầu khí chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, Bộ Nông nghiệp hai nước lần đầu tiên sẽ lập đường dây nóng để giải quyết các vụ va chạm liên quan ngư dân trên biển.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét