Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




QUAN HỆ MỸ-VIỆT-TRUNG VÀ CHUYẾN THĂM ĐẦY PHẤP PHỎNG CỦA ÔNG SANG

Lê Anh Hùng
23-07-2013


Hình bên: Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ðệ nhất phu nhân Michelle Obama chào đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang của Việt Nam và phu nhân tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Honolulu, Hawaii, ngày 12 Tháng 11 năm 2011.

Chuyến thăm Hoa Kỳ sắp tới đây của Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong và ngoài nước, nhất là sau kết quả đáng thất vọng của chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 19 đến 21/6 vừa qua của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam.

Bối cảnh phức tạp
Trong nhiều năm qua, tình hình khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vẫn diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp và khó lường. Bối cảnh này có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nổi bật hơn cả là sự suy yếu (tương đối) về vị thế của Mỹ trên thế giới và sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc mà kèm theo đó là tham vọng bá quyền khó che dấu của họ.
Sức mạnh tuyệt đối của Mỹ, vốn giúp duy trì một trật tự thế giới đơn cực sau sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết cùng hệ thống các nước XHCN – kết thúc trật tự thế giới lưỡng cực tồn tại trong gần nửa thế kỷ – chỉ kéo dài hơn một thập niên. Sa lầy trong các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan cùng sự trỗi dậy của một số quyền lực cũ như Nga, Ấn Độ và đặc biệt là Trung Quốc khiến Mỹ nhanh chóng đánh mất vị thế độc tôn mà một thời tưởng như không thể bị thách thức của mình.
Khác với vị tiền nhiệm George W. Bush, người đã khiến nước Mỹ khánh kiệt bằng cách tiến hành cuộc chiến “lấy le” ở Iraq hay sử dụng bóng ma Osama Bin Laden và Al-Qaeda để hù doạ cử tri Mỹ, Tổng thống Obama đã sớm nhận ra hiểm hoạ từ một Trung Quốc đang không ngừng trỗi dậy với cuồng vọng “bình thiên hạ” vốn đã chảy trong huyết quản người Hán ngay từ thuở “khai thiên lập địa”. Chính sách “xoay trục sang Châu Á” của ông là nhằm ngăn chặn hiểm hoạ này đồng thời tạo thế cân bằng quyền lực mới trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới. Thế giới vẫn đang trong quá trình tìm kiếm một sự cân bằng quyền lực mới, một trật tự thế giới mới. Trong quá trình xác lập trật tự đó, chiến tranh là một nguy cơ luôn hiện ra trước mắt chúng ta.
Một Việt Nam không may là láng giềng của gã hàng xóm to xác và xấu bụng, lại án ngữ cửa ngõ phía Nam – lối thoát khả dĩ nhất của Trung Quốc khi mà phía Tây, phía Bắc và phía Đông nó đều gặp phải những bức tường thành khó lòng vượt qua của Ấn Độ, Nga và Nhật Bản – bỗng trở nên chông chênh trước hiểm hoạ bị thôn tính theo cách này hay cách khác ngày càng hiển lộ.
Đây chính là lý do mà ở Việt Nam người ta vẫn nói rằng “theo Mỹ là để cứu nước”.
Việt Nam cần Mỹ và Mỹ cần Việt Nam trong bối cảnh đó. Hai bên đều cần đến nhau nhưng một cuộc “hôn nhân” Mỹ-Việt xem ra khó diễn ra ngay lúc này, không chỉ bởi sự hăm doạ và chống phá quyết liệt của người láng giềng “4 tốt 16 chữ vàng” Trung Quốc, mà còn bởi một lý do xem ra còn quan trọng hơn khác: sự xung đột lợi ích bên trong của Việt Nam.
Xung đột giữa lợi ích của Đảng và lợi ích quốc gia ở Việt Nam 
Khi một người Mỹ được nhân dân bầu làm tổng thống, ông ta không được tiếp tục sử dụng hộp thư cá nhân của mình nữa: ông ta đã trở thành công dân số 1 và phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, mọi hoạt động của ông ta nếu không công khai minh bạch trước dân chúng thì cũng nằm trong tầm kiểm soát của các thiết chế quyền lực khác nhau. Thậm chí lúc này vấn đề đảng phái đối với ông ta cũng chỉ đóng vai trò thứ yếu khi mà các tổng thống Mỹ đều luôn sẵn sàng dành một số vị trí nội các cho đảng đối lập nếu điều đó phù hợp với lợi ích quốc gia.
Ở Việt Nam thì lại khác, Đảng CS luôn đứng trước Nhà nước, chức danh trong Đảng luôn được nêu trước chức vụ trong chính quyền. Một người muốn trở thành Chủ tịch nước hay Thủ tướng trước hết phải là Uỷ viên Bộ Chính trị, việc ông ta được bầu lên hay bị hạ bệ đều tuân theo các quy trình quyền lực trong Đảng, chứ không phải do nhân dân quyết định.
Bởi vậy, như một lẽ tự nhiên, lợi ích của Đảng bao giờ cũng được cứu xét trước hết mỗi khi có sự xung đột giữa lợi ích của Đảng và lợi ích quốc gia, điều không ít khi xẩy ra trong thực tế. Do ý thức hệ và hệ thống chính trị tương đồng giữa hai nước nên dù vẫn ý thức được tham vọng thôn tính Việt Nam từ ngàn xưa của người láng giềng phương Bắc song các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn cứ khư khư ôm ấp tinh thần “4 tốt 16 chữ vàng” lòe bịp, sản phẩm của những bộ óc theo chủ nghĩa Đại Hán.
Đây là lý do mà ở Việt Nam người ta vẫn nói rằng “theo Trung Quốc là để cứu Đảng”.
Và những phấp phỏng về chuyến thăm
Kết quả chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 19 đến 21/6 vừa qua của Chủ tịch Trương Tấn Sang bị dư luận cả trong và ngoài nước phản ứng mạnh mẽ. Một nhân vật trước nay vẫn được xem là cấp tiến, thân Mỹ và bài Trung Quốc, và vẫn giương cao ngọn cờ đó để tập hợp lực lượng, bỗng dưng lại nhanh chóng thay đổi lập trường khi chấp nhận ký với Trung Quốc nhiều nội dung bất lợi trong chuyến thăm vừa qua. Điều này khiến dư luận không khỏi phấp phỏng về hai khả năng trong chuyến thăm sắp tới của ông:
Giới lãnh đạo Việt Nam đã “đồng thuận” với “phương châm” “theo Trung Quốc để cứu Đảng” và kết quả chuyến thăm Mỹ của ông Trương Tấn Sang sẽ rất hạn chế, bất chấp những nỗ lực và thiện chí từ phía Mỹ trong bối cảnh các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức nhân quyền và đặc biệt là Quốc hội Mỹ đang gây áp lực mạnh mẽ lên chính quyền Obama về tình hình nhân quyền ngày càng tệ hại của Việt Nam. Nếu khả năng này xẩy ra, Việt Nam sẽ ngày càng rơi vào vòng kiềm tỏa của Trung Quốc và lún sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế-chính trị-xã hội lớn nhất trong gần 30 năm qua, đồng thời nguy cơ đổ vỡ, thậm chí trở thành một Tân Cương hay Tây Tạng mới, là khó tránh khỏi;
Những nhượng bộ quá mức mà ông Trương Tấn Sang ký với Trung Quốc là một “bước lùi chiến thuật” để ông dễ dàng tiến tới việc kéo Mỹ xích lại gần với Việt Nam hơn. Đây là nhận định có cơ sở bởi cả hai chuyến thăm Trung Quốc và Mỹ của Chủ tịch Việt Nam đều diễn ra bất ngờ: Ông Trương Tấn Sang thăm Trung Quốc khi Quốc hội vẫn đang họp và với kết quả khiến dư luận ngạc nhiên, còn chuyến thăm Mỹ sắp tới lại được đẩy lên sớm so với dự kiến ban đầu (tháng 9). Tiếp theo, Tuyên bố chung Việt-Trung vừa ký còn chưa ráo mực mà Trung Quốc đã gây ra 2 vụ cướp tàu đánh cá của Việt Nam, hành hung ngư dân và chặt cờ Việt Nam ở Hoàng Sa hôm 6/7, rồi Đại sứ Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu hôm 11/7 bỗng dưng lại tổ chức họp báo về “kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang”. Đây có thể xem là lời cảnh báo sỗ sàng từ phía Trung Quốc trước chuyến thăm được đẩy lên sớm nói trên.
Trong khi Mỹ quá quan trọng với Việt Nam thì Việt Nam lại chỉ là một quân cờ trên bàn cờ chiến lược toàn cầu của Mỹ. Quan trọng hơn, qua những gì đã trình bày ở trên, các nhà lãnh đạo Việt Nam cần hiểu rằng số phận của số phận của họ, chứ không phải của Đảng CSVN, mới gắn liền với số phận của dân tộc này. Và họ vẫn còn đầy đủ cơ hội – dù thời gian không còn nhiều bởi xã hội Việt Nam đang biến chuyển rất nhanh – để tự định đoạt số phận của mình: tiếp bước Myanmar, dân chủ hoá đất nước và hoà nhập vào thế giới tự do - dân chủ để không chỉ cứu nước mà trước hết là tự cứu lấy mình.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét