Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




NHÂN NGÀY SÀI GÒN 2 -7-2013: THỬ NHÌN LẠI TỶ SỐ TRẬN ĐẤU TRONG 37 NĂM QUA

Linh mục Nguyễn Hữu Lễ
1-7-2013

Ai cũng biết rằng chỉ khi nào chế độ cộng sản sụp đổ thì cái tên Thành phố Hồ Chí Minh mới bị xoá trên quê hương nên khi dân tộc Việt Nam quyết tâm tẩy trừ tên Thành phố Hồ Chí Minh đồng nghĩa với nguyện vọng loại bỏ chế độ độc tài cộng sản.  Bài học lịch sử về việc thay tên đổi họ giữa St Petersburg và Leningrad ở Nga khi chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ cho dân tộc Việt Nam một bài học thật rõ ràng.

SÀI GÒN hay Thành phố Hồ Chí Minh? Câu hỏi này được đặt ra từ 37 năm qua như là sự thách thức đối với lương tri của toàn thể dân tộc Việt Nam và đặc biệt là cho đồng bào miền Nam.  Mỗi con người Việt Nam bắt buộc phải lựa chọn một thế đứng để trả lời câu hỏi đó.

SÀI GÒN hay Thành phố Hồ Chí Minh? Từ câu hỏi đó đã phát sinh ra một cuộc giao tranh không khoan nhượng giữa hai phe đối kháng. Thành phần ủng hộ tên Thành phố Hồ Chí Minh do đảng cộng sản cầm đầu, tạm gọi là đội áo đen, đã giao tranh một cách quyết liệt với đại khối dân tộc quyết tâm ủng hộ tên SÀI GÒN, tạm gọi là đội áo vàng.  Trận đấu khởi sự từ ngày 2 tháng 7 năm 1976 ngày mà đảng cộng sản Việt Nam ra nghị quyết đổi tên SÀI GÒN ra Thành phố Hồ Chí Minh do Trường Chinh, chủ tịch Quốc hội bù nhìn lúc bấy giờ ký ban hành. Nghị quyết đó được coi là tiếng còi khai mạc trận đấu.

Vài hàng lịch sử

Chế độ cộng sản từ miền Bắc xua quân tràn vào quyết chiếm miền Nam. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 chế độ Việt Nam Cộng Hoà của miền Nam sụp đổ, toàn bộ đất nước rơi vào tay cộng sản.  Từ ngày đó  cảnh hỗn loạn kinh hoàng chưa từng có trong lịch sử đổ xuống trên đầu thành phần dân tộc bại trận miền Nam. Dân chúng khiếp đảm trước cảnh chém giết, xử tử, cướp của, cướp nhà, tịch thu tài sản…Hàng trăm ngàn nhân viên chính phủ, sĩ quan và công nhân viên chức chế độ miền Nam bị lùa vào tù, hàng triệu người tìm đường vượt biên trốn chạy.  Dân chúng bị cướp mất nhà đất bị đẩy đi vùng kinh tế mới.

Chưa thoả mãn với những chiến lợi phẩm đã đánh cướp được của một miền Nam trù phú, người cộng sản còn thừa thắng xông lên muốn xóa sạch các vết tích văn hoá của miền Nam bằng việc xóa tên thủ đô SÀI GÒN của miền Nam và thay bằng Thành phố Hồ Chí Minh.

Dân chúng miền Nam vì thất thế đã đành phải cúi đầu khoanh tay ngồi nhìn bọn cướp có súng từ miền Bắc tràn vào chiếm đoạt tài sản nhà cửa ruộng vườn của họ nhưng khi chế độ cộng sản có manh tâm cướp tên SÀI GÒN là biểu tượng thiêng liêng cao quý của miền Nam thì họ không thể ngồi yên.  Nhất là khi kẻ chiến thắng có ý đồ cay độc muốn làm nhục và trả thù người miền Nam bằng việc xoá bỏ tên Thủ đô SÀI GÒN thân yêu của họ bằng tên Hồ Chí Minh, một cái  là cái tên mà người dân miền Nam rất kinh tởm.

Đội áo đen ra quân

Ngay sau khi Trường Chinh thổi tiếng còi khai mạc, đội áo đen hùng hổ ra sân đông như một bầy kiến.  Một số nhỏ cán bộ cộng sản từ miền Bắc trong vai trò chỉ huy, phần còn lại đa số là bọn tay sai trong cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và một số rất đông bọn đón gió trở cờ được dân chúng gọi bằng cái tên đầy khinh bỉ là “bọn cách mạng 30”.  Tạm dùng hình ảnh đội áo đen trên hai tay cầm thùng sơn đen và cây cọ, dưới nách kẹp một xấp hình ông già có râu, sau lưng họ là một lực lượng hùng hậu nào là xe tăng, nào là những họng súng đen ngòm, nào là nhà tù… Bọn chúng hung hăng như những con thú săn mồi, bung ra tứ phía, xông xáo lùng sục khắp hang cùng ngỏ hẻm của miền Nam tìm kiếm nơi nào có chữ SÀI GÒN thì dùng sơn đen quét hàng chữ “Thành phố Hồ Chí Minh” đè lên.  Bọn chúng xông vào từng nhà, ra lệnh cho gia chủ treo tấm hình ông già có râu lên bàn thờ.  Dân chúng miền Nam hoang mang do dự trước cái lệnh quái đản này nhưng khi nhìn ra thấy những họng súng đen ngòm đang lấp ló ngoài cửa, họ hiểu là tốt hơn phải cúi đầu tuân lệnh treo tấm hình đó lên vách với quyết tâm là khi thuận tiện sẽ gở xuống vất đi. Ngay trong đợt ra quân đầu, đội áo đen đã chơi lấn sân thấy rõ.

Có thêm đồng minh

Đội áo đen đang trên đà chiến thắng thì chỉ hơn 3 tháng sau, vào ngày 23 tháng 11 năm 1976 , Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng nhập cuộc và đổi tên TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN của mình trở thành Tổng Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh.

Từ đó người bạn đồng minh có cái tên dài lê thê là “Tổng-Giáo-Phận-Thành- Phố-Hồ-Chí-Minh” đã tiếp tay với đội áo đen phổ biến tên Hồ Chí Minh trong giới Công giáo, vùng đất mà mấy tháng qua người cộng sản không thể nào xâm nhập được.  Nhờ có sự tiếp tay đó mà cái tên Hồ Chí Minh trước kia rất xa lạ bây giờ lại trở nên quen mắt vì nó nằm đầy dẫy trong các tài liệu in ấn Công giáo. Điều đau đớn hơn nữa cho người Công giáo là cái tên Hồ Chí Minh đã nằm chểm chệ trên các bìa sách Kinh Thánh và cái tên đó cũng đã theo chân Sách Bài Đọc và Sách Lễ leo lên tận bàn thờ!

Lúc đó đội áo vàng không kịp có phản ứng nào vì một số đã bị giết chết, một số đông đi tù, số khác lo tìm đường vượt biên hoặc lo vật lộn với cuộc sống ở vùng kinh tế mới. Trong tình thế đó, chẳng bao lâu sau, hàng chữ bằng sơn đen “ Thành phố Hồ Chí Minh” thay cho hai chữ SÀI GÒN được vẽ lên một cách nhoè nhoẹt khắp nơi trên phần đất miền Nam.  Dù vậy có hai nơi mà đội áo đen không cách gì xâm nhập được đó là trên môi miệng và trong con tim của người dân miền Nam.  Sự kiện đó đã phân định rõ rệt hai mục tiêu của trận đấu: Lấn đất và giành dân.  Màn đầu đội áo đen đã tấn công và thắng trong việc lấn đất; trong khi đó đội áo vàng đã quyết tâm cố thủ và chiến thắng một cách âm thầm trong mục tiêu giành dân.

Kết quả sơ khởi

Thời gian đầu đội áo vàng cầm cự và chống đỡ cách thụ động bằng cách chỉ gọi tên SÀI GÒN để nói về thành phố thân yêu của họ.  Khi phải có mặt trong các cuộc họp chính thức do chế độ tổ chức, người dân miễn cưỡng phải gọi cái tên mới theo lệnh của chế độ nhưng chỉ nói gọn hai chữ “Thành phố” mà vất bỏ phần đuôi.  Cuối cùng, tên gọi Thành Phố Hồ Chí Minh như chế độ mong đợi, cộng với bao nhiêu công sức tuyên tuyền của đội áo đen và đồng minh đã thất bại. Cái tên đó sau 37 năm vùng vẫy, hiện nay chỉ nằm chết đọng trên các bảng hiệu và trên các loại giấy tờ vô tri vô giác!  Tên gọi SÀI GÒN vẫn ngự trị trong lòng và trên môi miệng của người dân.  Sau hiệp đầu của trận đấu, bảng ghi tỷ số giữa hai đội áo đen và đội áo vàng là một đều: 1-1. Hiệp thứ hai đã bắt đầu với phần thắng nghiêng về đội áo vàng.

Hát lâu chầu mõi

Đội áo đen cùng với bọn theo đóm ăn tàn trong thời gian đầu bị cơn sốt thời cuộc cuốn hút đã chạy hết tốc lực trong việc lấn đất, chẳng bao lâu đã có dấu hiệu mệt mõi, cuối cùng đã rối loạn hàng ngũ và đã dung chân vì những lý do sau đây.

Các mục tiêu cần quét sơn đen hàng chữ “Thành phố Hồ Chí Minh” đã được quét xong. Trong từng nhà của đân chúng miền Nam đều có hình Hồ Chí Minh trên vách.  Lực lượng tiếp tay hùng hậu là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã bị giải tán. Bọn đón gió trở cờ “cách mạng 30” mà chế độ cộng sản miền Bắc xử dụng như bầy chó săn lúc ban đầu bây giờ đã bị gạt ra rìa hoặc bị bắt vô tù. Cơn sốt chính trị với các loại khẩu hiệu sặc mùi “cách mạng” đã giảm nhiệt độ, nguội dần và nhường bước cho nhu cầu thực tế hơn đó là nhu cầu của dạ dày và cái túi tiền. Bọn “cách mạng ba mươi” lúc đầu tỏ ra rất hung hăng, bây giờ ngồi nhìn cảnh cán bộ từ miền Bắc đang vơ vét của cải tiền bạc chở từng đoàn xe về Bắc mà sốt ruột. Trong cảnh đó thì bọn chó săn ngu dại gì mà chạy đi lung sục từng nhà “kiểm tra” coi tấm hình của Hồ Chí Minh còn trên vách hay không!

Trong thâm tâm của các cầu thủ áo đen lúc này điều quan trọng không phải là SÀI GÒN hay Thành phố Hồ Chí Minh, mà quan trọng nhất là nồi cơm và túi tiền. Công việc của họ lúc này không còn là đi lùng sục để triệt hạ tên SÀI GÒN nhưng phải lo tranh giành vơ vét của cải, tịch thu nhà cửa ruộng vườn của“bọn ngụy!” và lo tìm ngồi vào những vị trí tốt trong chế độ mới để có thể ăn hối lộ và tham nhũng cho đầy túi.

Khi đội áo đen đã bước vào thời kỳ mà người đời thường nói “hát lâu chầu mõi” thì chính là lúc đội áo vàng chỉnh đốn hàng ngũ và bắt đầu vùng lên một cách mãnh liệt như những cây lúa miền Nam bị ngập lụt, sau khi nước rút xuống lúa lại vươn lên một cách mãnh liệt và đè đầu đám cỏ dại.

Đội áo vàng phản công

Lúc đầu vũ khí chiến lược của đội áo vàng là sức đề kháng mãnh liệt.  Khả năng đề kháng này giống như cơ thể con người có khuynh hướng đào thải những vật lạ được cấy ghép vào thân thể. Cái tên Hồ Chí Minh lúc đó chính là một “vật lạ” mà các tay phù thủy phẩu thuật miền Bắc cố tình cấy vào thân thể miền Nam. Nó đã bị đào thải theo quy luật đó.

Đây là lúc đội áo vàng chỉnh đốn lại hàng ngũ và bắt đầu phản công. Sách lược phản công được thực hiện ở hai địa trận tuyến, trong nước và hải ngoại.

Trong nước người dân phản công một cách nhẹ nhàng nhưng rất quyết liệt, bắt đầu bằng việc âm thầm   tháo gở tấm hình Hồ Chí Minh trên tường vất đi, hết nhà này tới nhà khác. Tiếp theo là người dân miền Nam hoà nhịp với phong trào hồi sinh những bài hát, bản nhạc ca tụng vẽ đẹp và thương nhớ về SÀI GÒN, song song với các câu vè, câu ví mang tính hài hước và châm biếm cay độc xuất hiện và được truyền miệng mau chóng trong dân gian.  Rồi không biết tự lúc nào người dân trong nước cũng như ở hải ngoại được nghe và hiểu ý nghĩa của câu nói “đi thăm lăng bác!” Cùng với các câu vè câu ví được phổ biến khắp nơi, câu nói “đi thăm lăng bác” cũng không có ai là tác giả vì nó được phát ra một cách tự nhiên như hơi thở đầy uất hận của thành phần dân tộc bị áp bức bày tỏ thái độ phản kháng.

Tại hải ngoại, “vụ Trần Trường” vào năm 1999 là sự kiện điển hình cho thấy đồng bào tỵ nạn cộng sản bị dị ứng như thế nào với cái tên và tấm hình của Hồ Chí Minh. Một anh chủ tiệm bán băng nhạc tại Little Saigon tên Trần Trường nỗi hứng chưng tấm hình của Hồ Chí Minh trong tiệm, lập tức gặp phản ứng dữ dội của cộng đổng người Việt tỵ nạn trong vùng bằng cuộc biểu tình đông đảo suốt hơn 50 ngày đêm!

Trong khi đó chiều hướng phục hồi tên SÀI GÒN với những bài viết, những tác phẩm được xuất bản, những bản nhạc thời trước kia và mới sáng tác sau này gợi tâm tình thương nhớ SÀI GÒN xuất hiện càng lúc càng nhiều. 

Đây là những bước dọn đường cho việc ra đời của một phong trào quần chúng mang tên PHONG TRÀO QUỐC DÂN ĐÒI TRẢ TÊN SÀI GÒN còn được gọi tắt là PHONG TRÀO SÀI GÒN chào đời tại Thành phố Westminster, California Hoa Kỳ vào ngày 15 tháng Giêng năm 2006. 

PHONG TRÀO SÀI GÒN chủ trương: “Quyết tâm tẩy trừ tên Thành phố Hồ Chí Minh – Kiên trì vận động phục hồi tên SÀI GÒN” và công khai đặt vấn đề trước lương tri toàn thể đồng bào Việt Nam trong nước và trên toàn thế giới về cái gọi là Thành phố Hồ Chí Minh mà người cộng sản đã áp đặt để xoá bỏ tên SÀI GÒN. 

Tháng 7 năm 2009 PHONG TRÀO SÀI GÒN  phát hành và phổ biến cuốn phim tài liệu “SỰ THẬT VỀ HỒ CHÍ MINH” và năm sau 2010 là phim bằng Anh ngữ “HO CHI MINH, THE MAN AND THE MYTH”. Cả hai cuốn phim đã được phổ biến thật rộng rãi trong và ngoài nước. Càng ngày càng có nhiều người hưởng ứng và huy hiệu hình chữ S của PHONG TRÀO SÀI GÒN được phổ biến khắp nơi. Phong Trào đã chọn ngày 2 tháng 7 mỗi năm là NGÀY SÀI GÒN. Đó là ngày mà cộng sản ra nghị quyết đổi tên SÀI GÒN vào năm 1976.

Về phía Công giáo, một số linh mục Việt nam tại hải ngoại bị dị ứng với cái tên Hồ Chí Minh in trên các bìa sách Kinh Thánh, Sách Bài Đọc, Sách Lễ nên đã dùng bút đen xoá đi. Có linh mục đã cầm các sách Kinh Thánh đó vào nhà thờ, giải thích cho giáo dân hiểu và tự tay xé tung các bìa và các trang có in tên Hồ Chí Minh vất xuống đất, chỉ giử lại nội dung Kinh Thánh. Thà có một cuốn Kinh Thánh trơ trụi không bìa còn hơn cuốn Kinh Thánh có bìa đẹp với cái tên Hồ Chí Minh trên đó.

Trong hiệp nhì của trận đấu, trong khi đội áo đen đang co cụm lại thì đội áo vàng đã phản công một cách quyết liệt và chắc chắn sẽ nắm phần thắng trong tay.

Nhìn về tương lai

Trận đấu giữa hai đội áo đen và áo vàng là hình ảnh thu nhỏ của cuộc chiến giữa dân tộc Việt Nam chống lại chế độ cộng sản.  Ai cũng biết rằng chỉ khi nào chế độ cộng sản sụp đổ thì cái tên Thành phố Hồ Chí Minh mới bị xoá trên quê hương nên khi dân tộc Việt Nam quyết tâm tẩy trừ tên Thành phố Hồ Chí Minh đồng nghĩa với nguyện vọng loại bỏ chế độ độc tài cộng sản.  Bài học lịch sử về việc thay tên đổi họ giữa St Petersburg và Leningrad ở Nga khi chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ cho dân tộc Việt Nam một bài học thật rõ ràng.

Hiện nay trước sức mạnh đang vùng lên như vũ bão của đồng bào trong và ngoài chống lại chế độ hèn với giặc ác với dân, sự sụp đổ của chế độ cộng sản Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian.  Khi chế độ cộng sản bị triệt tiêu thì cái tên Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đi theo chế độ vào nằm trong sọt rác lịch sử. Một kỷ nguyên đầy tươi tươi sáng sẽ mở ra cho dân tộc Việt Nam và tên SÀI GÒN Hòn Ngọc Viễn Đông lại rạng ngời hơn bao giờ hết.

Linh mục Nguyễn Hữu Lễ
Đại diện PHONG TRÀO QUỐC DÂN ĐÒI TRẢ TÊN SÀI GÒN


3 nhận xét:

  1. Trao đổi với Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, người sáng lập Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn
    Đài phát thanh ĐÁP LỜI SÔNG NÚI
    https://www.youtube.com/watch?v=MMaukRN37rc

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Sài Gòn Và Tuổi Trẻ Việt Nam Hôm Nay"
      Nhất Phương và Hoàng Ân thực hiện
      Radio Đáp Lời Sông Núi
      https://www.youtube.com/watch?v=JG_CpVi9E3s

      Xóa