Huỳnh Ngọc Chênh
15-07-2013
Bộ Giáo Dục vừa qua đã ra một thông tư rất ưu việt XHCN là quan tâm đến các đối tượng tưởng như không còn đi học được nữa đó là:
+ Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
+ Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945;
+ Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
Ba đối tượng đó được bổ sung vào diện ưu tiên quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy, nghĩa là được cộng thêm điểm khi đi thi vào đại học hoặc cao đẳng.
Dư luận đã cười ồ lên và cho rằng đó là một thông tư khùng điên nhất trong những thông tư, nghị định, đề xuất rất khùng điên ra đời trong thời gian hai năm trở lại đây của bộ máy quan chức đỉnh cao.
Tôi lại thấy cái thông tư ấy nói lên tính ưu việt của chế độ XHCN của chúng ta, là không bỏ sót bất cứ đối tượng nào trong vấn đề khuyến khích họ thi cử để kiếm bằng cấp.
Không kể đến những bà mẹ anh hùng trong tương lai (có khi rất gần không biết chừng, vì có thể xảy ra chiến tranh với thằng giặc Tàu Cộng vào bất cứ lúc nào) thì cả ba đối tượng kể trên nếu ngày nay còn sống thì ít nhất cũng phải trên 80. Biết đâu trong số những cụ ông, cụ bà ấy lại không có người hứng bất tử tuyên bố với con cái cháu chít rằng: hôm nay tao đi học! Lúc đó thì thông tư nào ra cho kịp để đưa cụ ấy vào diện ưu tiên. Do vậy cái cục chi đó của bộ Học ra trước cái thông tư ấy là biết tính xa, cái đầu của cục đó phải hơn mọi cái đầu khác cả mấy cục. Đó là kết quả tốt đẹp của nền giáo dục ưu việt của chế độ ta mà trong đó tôi rất tự hào vì có phần tham gia đóng góp của mình.
Tôi nói như vậy vì tôi nhớ có lần đọc báo thấy có cụ già gì đó ở nước ngoài đã 90 tuổi rồi mà vẫn còn đi thi đại học. Và thời tôi học đại học tôi đã từng học cùng trường với ít nhất là hai cụ già. Một cụ là thi sĩ Trần Đới tuổi chừng 55 nhưng nhìn già gần bằng 80. Một cụ là trung tướng Nguyễn Đức Thắng, một trong 4 tướng nổi tiếng một thời dưới trướng ông Thiệu, tuổi cũng trên 55 thì phải
Dưới chế độ cộng hòa, mọi công dân đều bình đẳng trước việc học hành. Ai cũng có quyền đi học, ai cũng có quyền tham gia thi cử để lấy bằng cấp, không phân biệt đối xử người đó là ai và cũng không ưu tiên,đặc biệt là ưu tiên cộng điểm cho bất kỳ đối tượng nào. Tôi có những người bạn đang bị tù chính trị nhưng đến ngày thi tú tài vẫn được xe cảnh sát chở đến trường thi.
Hồi trước có tổ chức học bổ túc văn hóa, học từ xa, học tại gia...nhưng khi đi thi thì tất cả như nhau, đều thi theo chương trình duy nhất là chương trình chính quy do nha khảo thí tổ chức. Đó là nói về các kỳ thi quốc gia ở cấp phổ thông như bằng tú tài 1, tú tài 2.
Còn trên đại học thì có một số trường chuyên ngành phải thi tuyển vào như Kiến Trúc, Bách Khoa, Sư Phạm, Y Khoa, Dược Khoa, Nông Lâm Súc... còn các trường thuộc hệ tổng hợp như Văn Khoa, Khoa Học, Luật Khoa...không phải thi vào, mà chỉ ghi danh sau khi đã đỗ Tú Tài 2.
Hồi đó người đỗ Tú 2 rất hiếm vì kỳ thi Tú 1 chỉ đổ chừng 10% là cao lắm rồi. 10% đó lên thi Tú 2 đỗ chừng 20% nữa mà thôi. Do vậy ai đã qua Tú 2 thì xem như là sinh viên rồi.
Tại sao tỉ lệ đậu thấp như vậy? Trước hết do thi cử tổ chức rất nghiêm túc, sau đó là chương trình học cũng rất khó và rất nhiều. Tú 1, tú 2 đều phải thi hết 10 môn, nghĩa là học môn gì thi môn đó. Bây giờ xem lại những cuốn sách giáo khoa thời đó thấy muốn ớn. Môn vật lý đến 2 tập dày đến mấy trăm trang. Môn toán đến 3 tập dày cũng tương đương. Rồi sinh ngữ chính, sinh ngữ phụ, văn, triết, sử địa, công dân…
Ở các trường đại học, từ thi tuyển đến thi chứng chỉ hàng năm hoặc thi tốt nghiệp đều do nhà trường tự tổ chức nhưng cũng rất nghiêm túc. Nói là nhà trường chứ thật ra giao cho một vị giáo sư trưởng khoa nào đó toàn quyền quyết định. Tuy nhiên, suốt 4 năm học đại học ở Sài Gòn, tôi chưa hề thấy cũng như chưa hề nghe đăng báo hay dư luận gì không tốt về các kỳ thi đó. Các giáo sư đại học đầy nhân cách không hề làm những chuyện sai trái. Ngay thời tôi học phổ thông, chưa bao giờ nghe nói đến chuyện xin điểm. Nó là cái gì đó rất xa lạ, rất ghê tởm, mà thời đó không bất kỳ ai có thể nghĩ đến.
Các trường ghi danh, năm đầu tiên rất đông sinh viên, lên cả ngàn người, nhưng để qua được chứng chỉ năm thứ nhất đó, nhất là trường Khoa Học chỉ còn chừng 10%.
Hồi tôi mới chân ướt chân ráo vào trường Đại học Khoa học đã thấy một lão sinh viên râu tóc bạc phơ, áo quần luộm thuộm, rách bươm vào ngồi cùng giảng đường. Cho đến năm 74, tôi đã tốt nghiệp xong cử nhân và lên học cao học thì vẫn còn thấy lão sinh viên ấy ra vào đại giảng đường dành cho sinh viên năm nhất. Đó là thi sĩ Trần Đới nổi tiếng điên khùng chỉ thua đại thi hào Bùi Giáng chút đỉnh mà thôi. Ông đã qua tuổi đi lính nên tha hồ học. Ông ghi danh vào chứng chỉ dự bị gì đó vào cái thời tôi chưa bước chân vào đại học, rồi thi rớt ông lại ghi danh học tiếp…và ông cứ mãi mãi là sinh viên năm thứ nhất. Nghe nói ông cũng là sinh viên thâm niên ở một vài trường khác như Vạn Hạnh, Văn Khoa…
Dường như cuộc sống của ông chỉ gắn liền với các giảng đường đại học để nuôi cảm hứng làm thơ. Không biết ông có khùng thật hay không, nhưng thấy rất hiền lành và không chọc phá người khác như thi sĩ Bùi Giáng bên đại học Vạn Hạnh. Thơ của ông được đánh giá cao, thời đó chúng tôi chuyền nhau đọc rất thích thú, tôi cũng thuộc vài bài nhưng lâu quá quên mất rồi. Nay vào truy vấn Google đại nhân tìm được mấy đoạn sau:
Nơi nào cũng một hương quê
một tâm vũ trụ bốn bề thời không
mười phương chung một tấm long
ba đời một cõi vô cùng trước sau
Từ sau 75 đến nay tôi hoàn toàn biệt tăm về ông. Không biết ông còn lãng đãng trên đời hay cũng đã về bên kia cõi miên trường như Bùi đại thi hào rồi.
Đến năm 73, thì trường tôi xuất hiện một lão sinh viên nữa đó là Trung tướng Nguyễn Đức Thắng. Ông là một trong bốn tướng có tiếng dưới thời đệ nhị cộng hòa. Ông vào ghi danh chứng chỉ dự bị MGP (toán lý) là chứng chỉ khó nhất trong các chứng chỉ dự bị của trường. Quần kaki, áo sơ mi trắng ngắn tay bỏ ra ngoài, đầu hớt cao, dáng người cao lớn vạm vỡ ở lứa tuổi trên 55, ông đến trường lúc bằng xe hơi có tài xế đưa, lúc tự đạp xe đạp hoặc xe gắn máy, chen chúc vào đại giảng đường giành chỗ với các tân sinh viên loai choai khác. Hôm nào đến trễ giành không được chỗ thì lót giấy ngồi bệt xuống tam cấp của giảng đường. Tôi, thời đó, vì truyền thống gia đình nên tự dưng rất thù mấy ông tướng Sài Gòn, tuy vậy cung cách bình đẳng trong học hành của ông tướng nầy làm tôi thấy có cảm tình.
Tuy vậy, ban đầu tôi tưởng ông vào học cho vui theo kiểu Trần Đới nên cũng không quan tâm lắm. Thế nhưng ngay năm đó ông đổ cái vèo chứng chỉ MGP lại đổ thứ hạng cao làm cả trường kể cả các giáo sư bái phục ông sát đất. Những năm tiếp theo ông ghi danh học tiếp các chứng chỉ toán, luôn được các bạn sinh viên cùng chứng chỉ nể vì, do sự học hành nghiêm túc và tài năng của ông.. Rất tiếc, ông chưa kịp lấy xong cử nhân thì năm 75 đã ập đến. Chắc ông đã ra nước ngoài hoặc bị đi cải tạo. Đến bây giờ tôi không còn nghe tin tức ông nữa.
Ngày xưa "tao đi học" là như thế đấy. Có bằng cấp dưới thì tao có quyền đi học tiếp bằng cấp trên. Tao học thì tao phải rán học cho tốt để thi cho đổ, tao đếch thèm xin điểm thằng nào, tao cũng đếch thèm nhờ vào cái ưu tiên, mà thời đó làm đếch chi có ưu tiên. Tao thi đủ điểm thì mầy cho tao đậu, đừng thấy tao làm thơ hay, làm tướng to, hoặc thấy tao già cả học lâu quá nên thấy tội nghiệp bố thí tao điểm để tao đậu. hề hề.
Kể ra vài chuyện như vậy để hé lộ đôi chút về bức tranh giáo dục thời xưa. Không biết nó tốt xấu như thế nào nhưng chắc chắn nó không tạo ra một đám quan chức theo kiểu ngài Cục gì đó ở bộ Học cũng như ở hầu hết chốn quan trường hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét