Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




HÀNH XỬ DU CÔN VỚI VIỆT NAM, TRUNG QUỐC ĐANG ĐÙA VỚI LỬA

David Brown, Vietnam: Playing with fire, Asia Sentinel, 7/7/2013
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
11-07-2013

Hình bên: Hai Bà Trưng đã đánh đuổi giặc Tàu. Liệu Việt Nam có lặp lại được kỳ tích này?

Đáng lo hơn là một cuộc xung đột có vũ trang không phải không có khả năng xảy ra. Trung Quốc có hỏa lực mạnh hơn nhiều so với Việt Nam, nhưng Hà Nội đang tăng cường những năng lực phòng vệ không quân và hải quân của mình. Lịch sử đã cho thấy nếu bị đẩy vào chân tường, người Việt sẽ đánh trả. Một nước cờ sai của một trong hai bên có thể dẫn tới đụng độ. Cuộc đụng độ sẽ khốc liệt và đẫm máu, với những hậu quả khôn lường. Trung Quốc có thể tiếp tục hành xử du côn – nhưng họ đang đùa với lửa.

******

Đối đầu với Trung Quốc

Theo Mỹ cứu nước; theo Tàu cứu đảng. Câu nói mà đi tới đâu ở Việt Nam cũng nghe này đặc tả thế lưỡng nan địa chính trị mà Đảng Cộng sản cầm quyền đang gặp phải.

Bốn mươi năm sau khi những người lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam, cái đảng đã giành độc lập và thống nhất đất nước đã đánh mất phần lớn tính chính danh của mình. Đảng có cố gắng hô hào noi gương đạo đức của Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông đến đâu đi nữa cũng không đủ để khôi phục nhiệt huyết và dường như cũng không trừ tiệt nạn tham nhũng có hệ thống. Món nợ lớn nhất của chế độ này là thất bại trong việc khắc phục một nền kinh tế đang lụn bại. Nhưng dư luận cũng dè bỉu chuyện chế độ không thể bảo vệ các quyền lợi của Việt Nam trước sự đe dọa của Trung Quốc.

Từ góc nhìn của thường dân ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Kinh đã vứt bỏ cái lốt “trỗi dậy hòa bình” (peaceful rise, 和平崛起) và quay lại với vai trò lịch sử của chúng là tên du côn trong khu vực. Tuyên bố chủ quyền lố bịch của Trung Quốc đối với các tài nguyên biển và khoáng sản ở toàn bộ vùng Biển Đông chỉ là ví dụ nổi bật nhất. Việc Trung Quốc xây dựng một loạt các đập nước ở thượng lưu sông Mekong tại tỉnh Vân Nam và ủng hộ kế hoạch xây thêm 11 đập nước ở hạ lưu tại Lào đe dọa xóa sạch đợt lũ hàng năm giúp duy trì độ màu mỡ của vùng Đồng bằng sông Cửu long của Việt Nam.

Các công ty Trung Quốc cũng đang theo đuổi tài nguyên khoáng sản và gỗ của Lào, thách thức bá quyền của Việt Nam ngay tại sân sau của Việt Nam. Ngay tại Việt Nam, mức đầu tư ngày càng tăng của các công ty kỹ thuật, xây dựng và khai khoáng Trung Quốc – đặc biệt là dự án bôxít trị giá hàng tỉ Mỹ kim của Chinalco ở cao nguyên trung phần – đã bị chỉ trích dữ dội. Hàng Trung Quốc rẻ mạt và thường kém chất lượng đã tràn ngập thị trường Việt Nam, đè bẹp các hãng sản xuất trong nước.

Thường dân muốn đánh trả. Thường dân không hề nghĩ rằng các lực lượng vũ trang của Việt Nam không sánh nổi với Trung Quốc, hoặc Việt Nam rất dễ bị tổn hại do đòn trả đũa kinh tế.

Giới phân tích phương Tây thường nhận định rằng “thái độ quả quyết” của Trung Quốc là do tinh thần dân tộc đại chúng đang trào dâng hay do các cơ quan an ninh quá hăng hái, nhưng đối với thường dân Việt Nam, rõ ràng là sự gây hấn ngang ngược của Trung Quốc được điều phối ở Bắc Kinh.

Chuyện này chẳng phải gì mới: chủ đề chính của lịch sử Việt Nam, như ai ai cũng từng học ở trường, là cuộc kháng chiến ngoan cường và rốt cuộc thắng lợi chống lại giặc ngoại xâm. Và đa phần những đội quân tràn qua biên giới Việt Nam trong 2000 năm qua là giặc Tàu. Chẳng có lý gì lần này lại khác.

Quan hệ đối tác đầy gai góc

Việt Nam và Trung Quốc chia sẻ biên giới dài 1.350 km và nhiều thứ nữa. Cả hai đều là nhà nước theo chủ nghĩa Lenin với một văn hóa chính trị được định hình bằng những tư tưởng tân Khổng giáo về hệ thống tôn ti dựa trên công trạng và các mối quan hệ được vun đắp kỹ càng. Hai đảng cộng sản cầm quyền đã đứng vững nhờ từ bỏ học thuyết kinh tế Marxist trong khi dung dưỡng một cỗ máy an ninh nhà nước thâm nhập mọi ngóc ngách của xã hội. Những “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của hai nước này cho phép các thị trường tự do năng động tồn tại song hành với hàng ngàn doanh nghiệp quốc doanh thống lĩnh công nghiệp nặng.

Cả Bắc Kinh và Hà Nội đều đang hứng chịu làn sóng chỉ trích kịch liệt của giới bất đồng bày tỏ chính kiến qua mạng internet. Những yếu tố văn hóa và chính trị giống nhau này là nền tảng của vô vàn cuộc hội ý giữa đảng với đảng, giữa nhà nước với nhà nước nhằm duy trì hợp tác giữa hai chế độ.

Tuy nhiên, các quan hệ song phương xưa nay thường gai góc. Ưu thế địa chính trị và kinh tế lớn hơn nhiều của Trung Quốc khiến mối quan hệ Trung-Việt về căn bản là không bình đẳng. Nếu quả như người Trung Quốc có chú ý tới Việt Nam, họ thường xem đó là một tỉnh ngang ngạnh bằng cách nào đó đã tụt khỏi vòng kiềm tỏa của họ.

Ngược lại, 90 triệu dân Việt Nam luôn có cảm giác bất an về nước láng giềng phương bắc với dân số đông gấp 15 lần và nền kinh tế lớn gấp 50 lần. Song, người Việt Nam không quỵ lụy trước Bắc Kinh khi tính toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa. Ngoại trừ Hồ Chí Minh, những anh hùng vĩ đại nhất của người Việt là các vị tướng đã buộc quân Trung Quốc xâm lăng từ triều đại này đến triều đại khác phải rút lui. Mới hồi năm 1979, khoảng 20.000 lính Trung Quốc tử trận khi Đặng Tiểu Bình muốn “dạy cho Việt Nam một bài học” vì đã lật đổ các đồ đệ chủ nghĩa Mao của Bắc Kinh ở Campuchia và liên minh với Liên Xô.

Đến giữa thập niên 1990, Trung Quốc và Việt Nam đã trở lại với quan hệ tương đối thân thiện. Cả hai nước mãi bận tâm với cải cách kinh tế nội địa, Liên Xô đã tan rã, và Trung Quốc lúc đó đang quảng bá chủ trương “trỗi dậy hòa bình” với Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), lúc bấy giờ đã kết nạp Việt Nam.

Thương mại song phương tăng lên, có những thảo luận nâng cấp “các hành lang thương mại” từ miền tây nam sâu trong đất liền của Trung Quốc tới các cảng Việt Nam, và các cuộc đàm phán phân chia biên giới đất liền tiến triển tốt. Ngay cả những tuyên bố tranh giành chủ quyền đối với các bãi san hô, đá và bãi cạn ở Biển Đông dường như nằm trong tầm kiểm soát, nếu không nói là gần đạt được giải pháp.

Thế nhưng toàn bộ tình hình đó thay đổi vào năm 2009. Bất luận là do cố tình hay sai lầm ngoại giao, Trung Quốc không còn bằng lòng với việc xếp xó các tuyên bố chủ quyền trùng lắp nhau. Vào tháng 5 năm đó, Trung Quốc trình một bản đồ phác thảo tại Liên Hiệp Quốc, tuyên bố “chủ quyền không thể tranh chấp” đối với 80% Biển Đông.

Những căng thẳng leo thang mạnh mẽ sau đó, lôi kéo các quốc gia ngoài khu vực vào cuộc – trong đó có Mỹ – và thách thức khối đoàn kết ASEAN. Vietnam và Philippines đã lãnh hậu quả của chiến dịch Trung Quốc dựng nên “dữ kiện” tuy không phù hợp với luật quốc tế nhưng khó bác bỏ. Tinh thần dân tộc sôi sục ở cả ba quốc gia này, có nguy cơ bùng nổ các xung đột có vũ trang trên biển. Chủ trương phục tùng Trung Quốc của Hà Nội tan vỡ.

Nhiều nhân vật có uy tín ngoài đảng ở Việt Nam, cũng như một số người trong đảng, tin rằng giải pháp phù hợp là tạo liên minh kinh tế và quân sự không chính thức với Mỹ. Tuy nhiên những đảng viên cao cấp vẫn còn nghi ngờ ý đồ của Mỹ, tự ràng buộc mình trong một mâu thuẫn sống còn với chủ nghĩa tự do phương Tây, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc. Họ chỉ miễn cưỡng chấp nhận những cải cách nhằm gầy dựng tính cạnh tranh kinh tế toàn cầu cho Việt Nam và bang giao với Mỹ để làm đối trọng với Trung Quốc.

Những đảng viên kiên định nín thinh trước những yêu sách của Mỹ đòi hỏi Việt Nam cho phép những quyền tự do dân chủ lớn hơn, vì lo ngại rằng ý đồ thực sự của Washington là lật đổ chế độ cộng sản. Bất chấp những xích mích gần đây [với Trung Quốc], họ không tin rằng giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ phản bội một đảng cộng sản cầm quyền quá giống ĐCS Trung Quốc.

Vẫn há miệng chờ sung

Thực tình mà nói hiện nay Trung Quốc ít quan tâm tới việc giúp ĐCS Việt Nam bám giữ quyền lực. mà chỉ chăm chăm khai thác tài nguyên trong khu vực và vươn rộng vòi bạch tuộc kinh tế của họ. Với hàng loạt khoản tín dụng xuất khẩu và được phép vay ưu đãi từ các ngân hàng quốc doanh, các công ty Trung Quốc đã trở thành những đấu thủ lớn trong hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, đặc biệt là xây dựng các nhà máy nhiệt điện.

Nhìn chung các công ty Trung Quốc không lấn sân các hãng thầu của Việt Nam, mà chỉ giành hợp đồng từ tay các đối thủ cạnh tranh Nhật, Hàn Quốc, Mỹ hay Châu Âu bằng cách chào giá thầu cực thấp. Nhưng giới chỉ trích cáo buộc các công ty Trung Quốc sử dụng công nhân Trung Quốc và làm kém chất lượng, thường trễ hạn và có chi phí vượt quá dự toán. Giới có quan điểm cứng rắn về an ninh ở Việt Nam còn nhận định rằng sự lệ thuộc vào các hãng thầu Trung Quốc trong các ngành chiến lược như năng lượng sẽ gây phương hại đến an ninh quốc gia.

Một vấn đề gây tranh cãi khác là thâm hụt thương mại ngày càng cao của Việt Nam với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam; nhà kinh tế học Trần Văn Thọ gọi điều này là “trận sóng thần công nghiệp”. Việt Nam có cán cân thương mại tương đối cân bằng với chín nước ASEAN kia và với Nhật, và có thặng dư thương mại rất lớn với Châu Âu và Mỹ. Nhưng với Trung Quốc, Việt Nam có thâm hụt thương mại 16,4 tỉ Mỹ kim trong năm 2012, khiến Trung Quốc có thặng dư thương mại song phương 40%.

Đa phần hàng xuất khẩu của Trung Quốc là hàng trung gian để gia công/lắp ráp ở các nhà máy chế biến hàng xuất khẩu của Việt Nam: vải, dây kéo, nút áo quần, dây điện, mạch điện, và đủ thứ linh kiện máy móc. Nhưng Trung Quốc cũng cung cấp nhiều hàng đầu tư vốn đắt tiền – các loại máy móc để trang bị cho các nhà máy của Việt Nam và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thành phần thứ ba và rất dễ thấy là hàng tiêu dùng, được hạ giá để chèn ép các đối thủ cạnh tranh nội địa. Báo chí Việt Nam thường đăng những bài tố giác Trung Quốc tống khứ sang Việt Nam những hàng hóa nguy hiểm hay kém chất lượng, và những động thái có tính khiêu khích của Bắc Kinh ở Biển Đông dẫn tới phản xạ kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc.

Đúng ra không đến nông nỗi này. Theo tiên đoán của giới kinh tế học, lẽ ra giờ đây Việt Nam đã giành được miếng bánh của Quảng Đông. Với chi phí lao động thấp hơn nhiều, Việt Nam là điểm đến hợp lý của các nhà máy từ trung tâm chế biến xuất khẩu của Trung Quốc di chuyển sang những vùng rẻ hơn. Những ngành may mặc và giày dép thâm dụng lao động từ lâu đã chiếm khoảng 20% lượng xuất khẩu của Việt Nam; những ngành này đã khởi đầu trong thập niên 1990 khi hàng may mặc và giày dép xuất khẩu của Trung Quốc bị hạn chế bởi hạn ngạch của Liên hiệp Châu Âu và Mỹ.

Tuy nhiên, năng suất lao động vẫn còn thấp, mức lương theo giá trị thực (đã tính trượt giá) tăng 10% mỗi năm trong thời kỳ 2006-2011, và Việt Nam nói chung đã không lôi kéo được các nhà sản xuất rời khỏi cơ sở của họ ở Trung Quốc. Do chi phí lao động tiếp tục tăng lên ở Trung Quốc và Việt Nam, các nhà máy hiện đang chuyển sang Campuchia, Bangladesh và thậm chí Myanmar.

Nhưng không phải toàn tin xấu. Khi kinh tế toàn cầu từ từ phục hồi, khu vực đầu tư nước ngoài của Việt Nam lại đang tăng trưởng. Thay vì dời các nhà máy khỏi Trung Quốc, một số công ty đa quốc gia và hãng thầu của họ đã đa dạng hóa các cơ sở sản xuất bằng cách mở thêm các nhà máy ở Việt Nam. Rải rác đây đó có những bằng chứng cho thấy một xu hướng rõ rệt hướng tới những khoản đầu tư có chất lượng cao hơn, mà những khoản đầu tư này có thể được miễn thuế đáng kể.

Trong số các công ty thiết lập hay mở rộng các nhà máy lắp ráp có những thương hiệu quen thuộc như Canon, Samsung, Intel và IBM, Hitachi, Panasonic và Nokia. Tuy nhiên, gần như tất cả những yếu tố sản xuất đầu vào của hàng xuất khẩu gia công của Việt Nam đều được nhập khẩu, một số từ Trung Quốc. Thông thường Việt Nam chỉ gia công, tức chỉ thêm lao động, mà điều này Trung Quốc có thể làm hiệu quả hơn và ở quy mô lớn hơn nhiều.

Sai lầm chiến lược toàn diện 

Năm 2008 khép lại một giai đoạn quan hệ nồng ấm hơn, tổng bí thư ĐCSTQ Hồ Cẩm Đào và tổng bí thư ĐCSVN Nông Đức Mạnh tuyên bố một “mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện”. Và nếu Trung Quốc thực sự muốn vun đắp một mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam – và qua đó củng cố uy thế ngoại giao của mình ở Đông Nam Á – Bắc Kinh ở vị thế thuận lợi để giúp đỡ.

Tuy nhà cầm quyền Việt Nam không bày tỏ quan ngại về tình trạng mất cân đối thương mại song phương, nhưng đó là một gánh nặng chính trị triền miên. Trung Quốc nhập khẩu nhiều cao su, than, dầu, gỗ và nông sản, nhưng không quan tâm tới hàng công nghiệp của Việt Nam. Những nước cờ thân thiện để tăng nhập khẩu hàng công nghiệp sẽ chẳng gây thiệt hại bao nhiêu cho Trung Quốc và sẽ là tin rất đáng mừng cho Hà Nội.

Trên hết thảy, một đề xuất chân thành về phối hợp phát triển các tài nguyên khoáng sản và cùng quản lý nguồn cá ở khu vực tranh chấp ở Biển Đông có thể thay đổi thế cờ – cho quan hệ cả với Việt Nam lẫn với ASEAN.

Nhưng thực tế là mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội đã trở nên bất ổn đến mức nguy hiểm kể từ sau thỏa thuận năm 2008. Áp lực của Trung Quốc đối với những vấn đề chính trị và chiến lược đã dồn giới lãnh đạo Việt Nam vào thế cùng đường, có thể nói là đe dọa sự tồn vong của họ. Bắc Kinh củng cố vị thế của mình với phe dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc bằng cách giễu võ dương oai ở Biển Đông, trong khi những nỗ lực vô hiệu của Hà Nội nhằm chống trả những đòn khiêu khích của Trung Quốc đã dần dần làm suy giảm vị thế của họ với phe dân tộc chủ nghĩa tại quốc nội.

Ngoại trừ xung đột vũ trang, thật khó tưởng tượng Trung Quốc có thể ra thêm đòn gì nữa để đẩy nhanh sự sụp đổ của những người lẽ ra là bạn và đồng minh ý thức hệ ở chế độ “thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” duy nhất, ngoài Trung Quốc, trên thế giới. Rất có thể, điều này sẽ đưa đến một giới lãnh đạo mới mong muốn gần gũi với Mỹ – một kết quả hoàn toàn tự thân nó là thất bại.

Đáng lo hơn là một cuộc xung đột có vũ trang không phải không có khả năng xảy ra. Trung Quốc có hỏa lực mạnh hơn nhiều so với Việt Nam, nhưng Hà Nội đang tăng cường những năng lực phòng vệ không quân và hải quân của mình. Lịch sử đã cho thấy nếu bị đẩy vào chân tường, người Việt sẽ đánh trả. Một nước cờ sai của một trong hai bên có thể dẫn tới đụng độ. Cuộc đụng độ sẽ khốc liệt và đẫm máu, với những hậu quả khôn lường. Trung Quốc có thể tiếp tục hành xử du côn – nhưng họ đang đùa với lửa.

(David Brown là một nhà ngoại giao về hưu và cộng tác viên thường xuyên của Asia Sentinel. Ông viết bài này cho tạp chí China Economic Quarterly của Gavekal Dragonomics có trụ sở ở Hong Kong.)

Nguồn: David Brown, Vietnam: Playing with fire, Asia Sentinel, 7/7/2013.

Phạm Vũ Lửa Hạ 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét