Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




CÁCH MẠNG GIẢ

Phan Khôi
Thần chung, Sài Gòn, số 98 (17.5.1929)

Kể từ khi nổi lên phong trào cách mạng đến nay, Đại Việt Nam nhà ta đã có nhiều ông cách mạng về kiểu “thầy chùa bắt ếch”, có người vì cách mạng mà chức trọng quyền cao, có người vì cách mạng mà lắm tiền nhiều ruộng; ngọc đã hỗn hào, vàng thau lộn xộn, nhân dân không biết tin ai ngờ ai? Thiệt là sự đáng buồn mà đáng giận.

Thế giới bất cứ nước nào, hễ đã là nước bị đè nén, thì những người cách mạng tất được nhân dân yêu thương và kính mến.

Vì rằng những người cách mạng là những người đã hao tâm huyết, mòn trí não, chẳng quản đắng cay cực khổ, đặng tìm cách mà cứu dân ra khỏi vòng lửa nóng nước sôi. Như vậy, biểu nhân dân không hoan nghinh sao được?

Song ở trên đời, chẳng có vật chi mà không có thứ giả; mà càng những vật quý mắc, nhiều người ưa chuộng, thì thứ giả càng nhiều. Cũng vì nhân dân mấy nước bị áp bách hay hoan nghinh những nhà cách mạng, cho nên những kẻ gian ngoan quỷ quyệt thường hay mượn con đường cách mạng đặng làm cái thang làm giàu làm sang. Như ở nước Tàu, từ hồi có phong trào cách mạng đến nay, hạng cách mạng thiệt cũng nhiều, mà hạng cách mạng giả cũng chẳng ít.

Nhơn đọc báo Tàu thấy có bài “Ngụy cách mạng” nói về sự cách mạng giả nhiều chỗ lý thú, tuy rằng bài nầy cũng vì hồi nầy các nhà đại cách mạng của Tàu đánh lộn lung tung mà viết ra, nhưng mà rất nhằm với sự thiệt; bài đó đại ý như vầy:

“Bọn quân phiệt mới trước khi tội ác chưa tỏ, họ cũng mở miệng thì chê kẻ khác là cách mạng giả, tự nhận mình là cách mạng thiệt. Vì rằng nếu họ không dùng cái thủ đoạn ấy đặng bài trừ thế lực của phe phản đối với mình, thì không được dân chúng tin cậy. Cái vở tuồng đó đã diễn nhiều lần rồi, đó cũng như tiệm bán thuốc làm quảng cáo, thường thường hay nói “Mới có bọn vô sỉ, giả mạo dấu hiệu của bổn hiệu…” Kỳ thiệt thì chẳng có kẻ nào giả mạo, vì rằng kẻ nào cũng như kẻ nào. Những kẻ cách mạng giả dối họ cũng khéo làm quảng cáo lắm, khéo hơn những tiệm bán thuốc kia nhiều. Vì thế mà trước khi cái dã tâm của họ chưa phát hiện ra thì nhân dân rất dễ bị gạt.

Muốn khỏi bị gạt thì nên xét rằng: Nếu là người cách mạng thiệt, thì tất nhiên quên hết sanh mạng, tài lợi, hạnh phước, danh dự và những việc riêng của mình, vì họ thương sanh mạng của dân cho nên họ phải quên sanh mạng của họ, vì họ trọng hạnh phúc của dân cho nên họ hy sanh hạnh phúc của họ; vì họ bị thời thế thúc giục, bị lương tâm bắt buộc, cho nên lúc nào cũng ra sức đánh nhau với hoàn cảnh. Như vậy là cách mạng thiệt, trái lại thì là cách mạng giả…”

Cách xét đoán như vầy tuy cũng có khi phân biệt được kẻ thiệt người giả. Song mà ở đời nhiều nỗi “chẳng dè” thường thường làm cho người ta không thể giữ sau như trước, cũng có người thiệt là cách mạng thiệt, nhưng hoặc vì công việc khổ cực mà ngã lòng, hoặc vì cái mồi giàu sang nó quyến dỗ mà phải đổi chí, rồi tự nhiên vui lòng mà làm người cách mạng giả.

Đối với thứ cách mạng nầy thì trong bài đó thí dụ như vầy:

Xưa có một vị thầy chùa rất đắc đạo, ngày ngày ăn chay niệm phật, khuyên người chừa sát sanh. Một bữa vị thầy chùa đó cùng mấy đồ đệ dong ngoài chùa, thấy có con ếch nhỏ, thầy chắp tay niệm ‘A di đà phật’ và cung kính mà đi qua. Đi một quãng gặp con ếch lớn, thầy liền biểu đồ đệ mau mau bắt về hầm măng. Đồ đệ hỏi vì sao lúc nầy lại sát sanh, thì thầy đáp lại: ‘Tụng kinh phải cắt nghĩa cho thông hoạt. Ta chừa sát sanh, nghĩa là không sát những sanh vật không dùng gì được mà thôi. Con ếch này vừa béo vừa lớn, tha sao được mà chẳng sát’.

Ấy cái tâm lý của những nhà đại cách mạng gần nay, đại khái phần nhiều như thế.”

Những câu đó tuy họ nói riêng về nhân vật của Tàu, mà tuồng như cũng hạp với nhiều nhân vật Đại Việt Nam nhà ta.

Kể từ khi nổi lên phong trào cách mạng đến nay, Đại Việt Nam nhà ta đã có nhiều ông cách mạng về kiểu “thầy chùa bắt ếch”, có người vì cách mạng mà chức trọng quyền cao, có người vì cách mạng mà lắm tiền nhiều ruộng; ngọc đã hỗn hào, vàng thau lộn xộn, nhân dân không biết tin ai ngờ ai? Thiệt là sự đáng buồn mà đáng giận.

Thần chung, Sài Gòn, số 98 (17.5.1929)

Trích từ Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1929, Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2004


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét