Tri Nhân Media

BÁO CÁO CỦA DƯ LUẬN VIÊN 2013 - TUẦN 28

Lê Trần Hải
13-07-2013

Sẽ không có vụ Nhân văn Giai phẩm mới. Ngày xưa trở thành nạn nhân của những đấu tố chỉnh huấn là 1 điều kinh khiếp: dù bạn không đi tù (mấy ông văn nghệ thuần giai phẩm) thì việc ra ngoài biên chế, không có sổ gạo là đời bạn tàn rồi. Bây giờ ra khỏi cơ quan nhà nước, ra khỏi trường đại học thì ngẩng cao đầu đi làm chỗ khác, viết bài chỗ khác, thu nhập chưa chắc đã kém đi.

*
Tối thứ năm ngồi chuyến xe khách vắng khách đi tỉnh, em được nhà xe chiêu đãi bộ phim Bụi đời Chợ Lớn. Vừa gà gật vừa thỉnh thoảng ngó lên màn hình tivi, chỉ thấy đây là bộ phim đánh nhau từ đầu đến cuối, những màn đấm đá đâm chém không có gì đặc biệt mãn nhãn, nội dung thì không có gì buộc em phải theo dõi chăm chú nên xem hết phim mà em vẫn không hiểu thằng nào đánh thằng nào. 

Nói chung là nếu không bị cấm, được ra rạp thì bộ phim khó mà gây được sự chú ý của ai. Nhưng nó đã bị cấm, NÊN nó được quan tâm, được in đĩa lậu (http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130706/nguoi-phat-tan-phim-bui-doi-cho-lon-la-ai.aspx )  và được nhà xe chọn làm món ăn tinh thần cho hành khách thay cho Mr.Đàm với cả Paris by night. Những người làm phim không thu được đồng nào còn sự độc hại nếu có từ bộ phim (nhấn mạnh chữ “nếu có”) vẫn ra xã hội.

Tương tự như thế, cô Lê Kiều Như, tác giả cuốn sách bị coi là “dâm thư”- Sợi xích, không có tiền bán sách, nhưng cuốn sách bị cấm thì vẫn được bán rao và cô Như đang tính kiện Apple đòi bồi thường.

*

Với tinh thần người ta luôn sẵn sàng sờ thử vào những chiếc ghế có treo dòng chữ “mới sơn”, liệu những bài đấm đá liên hoàn nhằm vào phê bình Nhã Thuyên về thơ Mở miệng (báo Thanh tra, báo Quân đội Nhân dân, báo Nhân dân) gần đây có khiến người ta tò mò tìm đọc bản luận văn thạc sĩ của nữ phê bình gia trẻ tuổi hay không. 

Em nghĩ là không, vì khác với Bụi đời Chợ Lớn, 1 bộ phim mà người ta có thể bĩu môi chê bai sau khi xem, có thể gà gật khi đang xem, nhưng không có gì khó nhọc cho việc chấp nhận xem đối với công chúng rộng (anh đòi nợ thuê, chị tiểu thương buôn vải, cô sinh viên cao đẳng hay anh Lê Trần Hải đi xe khách) thì phê bình văn học có tính hàn lâm (khác với best seller kiểu phê bình tếu táo Trần Đăng Khoa) khá kén chọn độc giả. 

Đọc 1 bài phê bình mà ngay 1-2 câu đầu tiên đã có những thuật ngữ bạn không hiểu, đã dẫn những tên tuổi mà bạn không biết là ai, thì chắc chắn bạn sẽ bỏ bài viết xuống để bật TV lên coi hay vào facebook để chém. Không phải lỗi của cả người viết ấy lẫn người đọc ấy, chỉ đơn giản là người viết ấy không viết cho người đọc ấy đọc mà thôi, tương tự những bản báo cáo của em trong công việc ở cơ quan hàng ngày là để sếp em đọc chứ không để vợ con bạn bè fb của em đọc.

Như vậy, người trong nghề, ai nể phục Nhã Thuyên thì tiếp tục nể phục, ai không nể phục thì tiếp tục không nể phục, vị trí cuốn luận văn về Mở miệng tiếp tục là ở thư viện, cô sẽ không có thêm nhiều cả fan lẫn anti-fan ngoài giới từ vụ này. Kết luận này, tuy nhiên, được đưa ra với 1 giả định (chưa chắc đã đúng) rằng người trong nghề đương nhiên là phải đọc nhiều, phải sớm phát hiện ra thứ đáng đọc, không đợi chờ nương tựa vào các sự cố scandal.

1 người bạn phản đối cái ý “Nhã Thuyên sẽ không có thêm anti-fan” của em. Theo bạn, người đọc ngoài giới có thể không tìm đọc cô, nhưng khi đọc những bài phê bình chỉnh huấn trên các báo, có thể tin theo các tác giả mà căm ghét cô. Dẫn chứng là thời đấu tố Nhân văn Giai phẩm, bao nhiêu công dân lương thiện hăng say sản xuất tăng gia của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tin tưởng một cách thành tâm rằng bọn Phùng Quán Trần Dần Lê Đạt Văn Cao là 1 bọn phản động.

Sẽ không có vụ Nhân văn Giai phẩm mới. Trong bài “Cú giãy cuối cùng của nền phê bình chỉnh huấn” (http://www.procontra.asia/?p=2703 ), chị Phạm Thị Hoài nêu ra 1 ý, nếu như đánh Nhân văn Giai phẩm ngày xưa là những tên tuổi sáng choang như Hoài Thanh (http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=13624&rb=0101 ) , Xuân Diệu (http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9376&rb=0101 ) , Nguyễn Đổng Chi (http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=13227&rb=0302 )… thì “vung roi dọa nhà nghiên cứu Nhã Thuyên và nhóm Mở Miệng là lèo tèo một nhúm vô danh hay ẩn danh: một Cẩm Khê nào đó trên Nhân dân, một Tuyên Hóa nào đó trên Quân đội Nhân dân, một Minh Văn nào đó trên Thanh tra, những tờ báo lẽ ra không có phận sự thì miễn vào địa hạt văn học”.

Sẽ không có vụ Nhân văn Giai phẩm mới. Ngày xưa trở thành nạn nhân của những đấu tố chỉnh huấn là 1 điều kinh khiếp: dù bạn không đi tù (mấy ông văn nghệ thuần giai phẩm) thì việc ra ngoài biên chế, không có sổ gạo là đời bạn tàn rồi. Bây giờ ra khỏi cơ quan nhà nước, ra khỏi trường đại học thì ngẩng cao đầu đi làm chỗ khác, viết bài chỗ khác, thu nhập chưa chắc đã kém đi.

Nhưng cái khác nhất với thời Nhân văn Giai phẩm lại ở chỗ: ngày xưa người đọc tin ngay những nhà phê bình chỉnh huấn, bây giờ thì ngược lại. Thường trực trong tâm lý người đọc là nghi ngờ những đao búa chính quy, những cao giọng lề phải, nên bạn Nhã Thuyên có thể yên tâm rằng bà con lối phố đọc mấy bài đao búa sẽ tặc lưỡi ôi dào lại bọn văn nghệ oánh nhau, chứ không có mấy người e hèm chết thật bé như cái kẹo mà đã phản động.

*

Ngày xưa em đã có lần viết về tâm lý nghi ngờ những nhân vật chính quy này.

Khi báo chí đăng lời 1 nhân vật không có quyền lực như nhà kinh tế Bùi Văn rằng thế hệ ông “tự hào” vì “đã hút dầu, khai thác hết than, đánh bắt hết cá và đã chặt rừng xuất khẩu sang Nhật” nên để lại cho thế hệ trẻ “con đường duy nhất là sự học mà không còn dựa vào tài nguyên thiên nhiên” thì ngay lập tức người đọc sẽ nghi ngờ báo chí nhét chữ vào mồm ông hoặc không thể hiện được chất ironic trong phát biểu của ông để đưa đến 1 tinh thần sai hẳn với điều ông định nói. 

Nhưng khi báo chí dẫn lời của 1 nhân vật có quyền lực, mà lời đó ta nghe không vừa tai, hầu như ta không đặt vấn đề liệu báo chí có làm sai lệch ý hay không mà ta lập tức dè bỉu cái ông có quyền nọ. Có lý do là báo chí gan trời cũng không dám xuyên tạc ý người có chức quyền, nhưng lý do chính vẫn là tâm thức xã hội không mấy thiện cảm với các quan chức.

Vụ “phụ nữ trên 33 tuổi không được mang thai” mới đây chứng minh cái “tâm thức xã hội không thiện cảm với quan chức” đó.

Cuối cùng thì ta cũng đã biết là không hề có cái kiến nghị kỳ cục như báo mạng đã đưa (http://www.tienphong.vn/Suc-Khoe/636366/Khong-co-viec-qua-33-tuoi-khong-duoc-mang-thai-tpol.html ) nhưng tại sao khi đọc báo về kiến nghị kỳ cục đó, người ta (em đã kiểm chứng qua nhiều bạn bè fb của mình) lập tức ném đá cơ quan chức năng trình kiến nghị kỳ cục mà không nghi ngờ tính chính xác của nguồn tin? Bởi vì, đã có quá nhiều những kiến nghị, những quyết định kỳ cục tương tự rồi, khiến tâm lý nghi ngờ trình độ của các cơ quan chức năng đã trở nên thường trực trong người đọc báo.

Và vì cùng dịp với kiến nghị tuổi 33 là 1 thông tư của Bộ Học, hiện đang được cãi chày cối rằng nó không kỳ cục.

*

Thông tư số 24 của Bộ Học:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 09/2012/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 24/2012/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 6 năm 2012, Thông tư số 03/2013/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 3 năm 2013 và Thông tư số 21/2013/ TT-BGDĐT ngày 18 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau: 

1. Sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 như sau: 
a) Bổ sung đối tượng ưu tiên vào đối tượng 03, gồm: 
“+ Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 
+ Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; 

Muốn biết đối tượng 03 là đối tượng gì thì xem thêm ở

Đã có người cố cãi rằng ưu tiên cộng điểm cho các đối tượng này không hề kỳ cục, vì theo văn bản quy định nước nhà, phụ nữ 30 tuổi vẫn có thể là “bà mẹ VN anh hùng”:

Vị này cũng lấy ra ví dụ trường hợp, một người mẹ có một người con nhỏ tuổi nhưng dũng cảm cứu nhiều người khỏi chết đuối hoặc làm một hành động đặc biệt ý nghĩa nào đó và không may mất đi thì rất có khả năng sẽ được truy tặng liệt sĩ.

Những bà mẹ có con con như vậy có thể được phong “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Những bà mẹ như vậy hoàn toàn có thể dự thi đại học một cách bình thường”, ông Thiều khẳng định.

Thôi cứ tạm chấp nhận giải thích này, thì phải hỏi thêm ông Thiều là những bà mẹ trẻ như vậy “có thể được phong”, trên thực tế đã có bao nhiêu bà mẹ như thế được phong rồi, họ có đủ nhiều để trở thành đối tượng của văn bản chính sách hay chưa.

Lại giả thiết rằng ông Thiều sẽ trả lời được thỏa đáng câu hỏi, thì ta đọc tiếp sang đối tượng được ưu đãi thứ hai:

+ Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; 

Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, giả dụ là giao liên liên lạc 8-9 tuổi thì sinh muộn nhất cũng vào 1936, năm nay đã 77 tuổi. Những người như thế trở thành đối tượng tuyển sinh là chuyện lạ đó đây, về lý thuyết có thể xảy ra nhưng trên thực tế là cực kỳ hãn hữu. Mà nếu theo tinh thần “không cấm các cụ đi thi” nhưng không khuyến khích (như không khuyến khích phụ nữ trên 33 tuổi mang thai) thì sao lại phải có 1 thông tư hướng dẫn việc ưu đãi các cụ?

Cứ nói thẳng nói thật với nhau là các cụ khi soạn thông tư chỉ copy paste các đối tượng được ưu đãi trong những vấn đề khác vào phần được ưu đãi khi thi đại học và không thèm ngồi đọc lại xem nó buồn cười thế nào. Nhận đi cho tiến bộ!

*

Nhưng vấn đề đáng bàn hơn, ngoài những chi tiết kỳ cục đó, là bản thân chính sách “cộng điểm cho những đối tượng được ưu tiên”.

Bác Nguyễn Vạn Phú có ý kiến:

Nhưng mọi người bỏ qua điểm quan trọng nhất: cho đến bây giờ mà Bộ Giáo dục & Đào tạo còn chủ trương cộng điểm ưu tiên cho một số đối tượng khi tổ chức thi tuyển vào đại học là điều hết sức lạc hậu, phi lý, nguy hiểm và có hại về lâu về dài.

Bộ hoàn toàn có thể đề nghị Chính phủ cấp ngân sách để ưu tiên cho các đối tượng này (như con liệt sĩ, thương binh, người có công…) trong việc nhận học bổng, được ở nội trú, được cấp phương tiện học hành… Nhưng cộng thêm điểm thì Bộ không có quyền bởi điểm đâu phải của Bộ đâu mà tự tiện cho mình cái quyền cộng thêm điểm cho bất kỳ ai.

Điểm là công sức làm bài thi của thí sinh, điểm là của thí sinh tạo ra, không ai có quyền trao điểm khống cho bất kỳ ai.


Em đồng ý với bác Phú là không thể coi cộng điểm thi như 1 phương cách bù đắp, trả ơn cho các đối tượng.

Nhưng nếu em được bác Luận chọn làm biện sĩ, thuê biện hộ cho những chính sách cộng điểm của bác ấy, em cũng tìm được lý để bi bô.

Rằng thì là cộng điểm không phải để bù đắp, trả ơn mà để tìm lọc đối tượng có tài thật sự nhưng hoàn cảnh khó khăn chưa phát huy được hết.

Ví dụ: 1 học sinh vùng cao điều kiện học rất khó khăn thi đại học được 18 điểm chắc chắn về trí tuệ phải giỏi hơn 1 học sinh ở Hà Nội điện nước đầy đủ thi đại học được 20 điểm. Nay nếu cộng cho cậu ta 2 điểm để cậu được vào đại học, được hưởng 1 môi trường học hành không kém cậu Hà Nội kia, cậu miền núi nhiều khả năng thành học sinh giỏi hơn cậu Hà Nội để sau này ra xã hội sẽ đóng góp tốt hơn cậu Hà Nội.


Có thể tìm những ví dụ khác (bác Luận có tuyển em không ta?), nhưng đó là để cãi chữa cháy chứ em biết thừa triết lý của việc cộng điểm từ xưa đến giờ vẫn là bù đắp thiệt thòi, đền ơn đáp nghĩa…




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét