Tri Nhân Media

AI CẬP: "DÂN CHỦ THUA MỘT BÀN ĐẮNG NGẮT"

Tiến sỹ Nguyễn Phương Mai
4-7-2013

Vào ngày 03/07/2013, Tướng Al-Sisi của quân đội Ai Cập đã tuyên bố cách chức và bắt giam Tổng thống Morsi sau một năm cầm quyền vì ông đã không đáp ứng được yêu cầu của tất cả những người dân Ai Cập.

Sau ba ngày biểu tình, những người phản đối chính phủ của ông Morsi đã thành công trong việc tống khứ ông Morsi - vị tổng thống đầu tiên được bầu cử dân chủ - ra khỏi chiếc ghế quyền lực, bằng một phương pháp khá là phi dân chủ: Dùng quân đội làm công cụ gây sức ép và thực hiện việc dỡ bỏ chính quyền.

Vai trò của quân đội trong cuộc sống chính trị ở Ai Cập là một hiện tượng hầu như rất ít khi xảy ra. Bình thường, các tướng lĩnh quân đội có thể đảo chính và lên nắm chính quyền như rất nhiều quốc gia Trung Đông trước Mùa xuân Ả Rập.

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra ở Ai Cập cho thấy thời kỳ quân chủ đã đi qua, tướng lĩnh Ai Cập tự hiểu rằng họ sẽ không bao giờ đủ tài năng để duy trì chính quyền.

Mặc dù vậy, quyền lực thì bao giờ cũng quý. Chính vì thế quân đội Ai Cập đang sử dụng triệt để sức mạnh của mình.

'Khủng hoảng niềm tin'

Cách đây một năm người dân đã xuống
đường lật đổ tổng thống Mubarak.
Tổng thống Morsi đã không lường được sức mạnh của quân đội khi dám "cả gan" bổ nhiệm các chức vụ quan trọng trong chính quyền bằng các thành viên trong đảng của chính mình. Chiến dịch bổ nhiệm này có tên Brotherhoodization - Huynh đệ Hồi Giáo hóa chính quyền.

Kết quả: người dân Ai Cập chưa đủ ăn nhìn thấy đằng sau vị tổng thống mới bầu lấp ló hình ảnh một nhà độc tài mới.

Họ xuống đường biểu tình, yêu cầu ông từ chức. Quân đội nhìn thấy khả năng đổ máu liền can thiệp bằng cách yêu cầu tổng thống trong vòng 48 tiếng phải giải quyết cuộc khủng hoảng niềm tin với dân chúng.

Ông Morsi từ chối. Và thế là bị hất cẳng. Những người biểu tình reo mừng: "Dân chủ đã chiến thắng!"

Sự thực là: dân chủ đã thua một bàn thua đắng ngắt. Vị tổng thống đầu tiên được bầu cử nghiêm túc của Ai Cập chỉ có một năm thay vì bốn năm để lãnh đạo và sửa sai một cách dân chủ.

Có lẽ cái mà người dân Ai Cập mong muốn từ những ngày đầu của Mùa xuân Ả Rập không phải là dân chủ mà chỉ là thay đổi cái chính quyền thối nát mà họ căm ghét.

Thế cho nên khi tổng thống được bầu cử dân chủ không giải quyết nhanh chóng được các vấn đề của đất nước thì họ lập tức đòi ông ta từ chức thay vì các phương thức dân chủ có tính xây dựng khác. Dân chủ đã thua một bàn, và kẻ chiến thắng là những nhà quân sự.

Nhiều nhà phân tích cho rằng với một bối cảnh phức tạp của chuyển giao quyền lực như hiện trạng Ai Cập, quân đội đóng vai trò trọng tài là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được, nhất là khi quân đội đó không hề có ý định cướp chính quyền, chỉ là lạm quyền chứ không tiếm quyền. Điều này cũng tạo ra một trường hợp đặc biệt, đó là người dân đã chiến thắng nhưng dân chủ thì có một bàn thua.

Chính vì vậy, trên nguyên tắc, quân đội Ai Cập hiện nay là một thể chế quân đội vì nhân dân với quyền lực vô tiền khoáng hậu trong lịch sử.

Việc quân đội dùng vũ lực để phế truất và bắt giam tổng thống còn đang đương nhiệm sẽ tạo ra một tiền đề không mấy tốt đẹp cho chính trường Ai Cập: Đó là ý muốn của dân chúng có thể được thực thi không phải bằng phương pháp dân chủ mà bằng vũ lực.

'Bị phản bội'

Ông Morsi cũng được hàng ngàn ủng 
hộ viên xuống đường biểu tình muốn 
ông tại nhiệm.

Những người ủng hộ ông Morsi cho rằng ông bị lật đổ không phải vì các chính sách sai lầm (Ông Morsi đã xuống nước công khai xin lỗi) mà là do một cuộc chiến nhằm vào Hồi giáo. Họ cảm thấy bị phản bội và cho rằng dân chủ chẳng còn có ý nghĩa gì.

Ông Morsi được bầu bằng lá phiếu, nhưng không ra đi bằng lá phiếu mà bằng sự ép buộc.

Tương lai của Ai Cập sau biến cố này rất đáng quan ngại. Có nhiều trường hợp có thể xảy ra, nhưng rõ nhất là ba viễn cảnh sau:

Thứ nhất, một tổng thống mới sẽ được bầu lên nhưng không làm vui lòng dân chúng sẽ lại dễ dàng bị quân đội lật đổ. Và để làm người dân Ai Cập có thể nhanh chóng thấy sự thay đổi của một đất nước đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng như của Ai Cập thì chắc chắn phải cần hơn 1 năm so với khoảng thời gian ông Morsi tại vị.

Nửa dân số Ai Cập sống dưới mức nghèo đói, nửa dân số mù chữ, 40% thất nghiệp, nửa số lương thực phải nhập khẩu, mỗi năm Ai Cập cần 20 tỉ đô la để nền kinh tế không bị hoàn toàn sụp đổ. Thay đổi tất cả điều này trong vòng một năm là điều gần như không thể.

Thứ hai những người ủng hộ ông Morsi chắc chắn sẽ không ngồi yên. Chiếm một nửa số phiếu bầu trong cuộc bầu cử lần trước, họ chắc chắn sẽ xốc lại tổ chức, không loại trừ manh động và bạo lực vì họ đã hoàn toàn mất niềm tin vào các giải pháp hòa bình dân chủ. Ai Cập sẽ bị cuốn vào vòng xoáy của bạo lực và bất ổn.

Thứ ba, quân đội trở lại thời kỳ như năm 2012, tức là toàn quyền kiểm soát chính phủ và cuối cùng là thao túng chính phủ. Ai Cập sẽ không biến thành một nền quân sự độc tài nhưng bị thao túng bởi quân sự độc tài.

Bài viết thể hiện lối hành văn và quan điểm riêng của Tiến sỹ Nguyễn Phương Mai, Đại học khoa học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan, hiện đang thực hiện một chuyến hành trình tới nhiều nước tại Trung Đông để nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của Hồi Giáo.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét