Đức Thành
25-06-2013
Hình bên: Đập thủy điện Đakrông 3 vỡ toang (Ảnh: Tuổi trẻ)
Tôi đã định không kể lại câu chuyện này, vì nó là câu chuyện buồn mà tôi chỉ được nghe kể từ một anh bạn hiện đang làm việc trong ngành xây dựng thủy điện với quá trình công tác tại ngành này gần 30 năm, và vì tôi nghĩ rằng có kể ra thì những công trình được thi công ẩu đó không tự tốt lên được!
Nhưng gần đây, truyền thông nhà nước liên tục thông tin về các sự cố vỡ đập của một số công trình thủy điện được các cơ quan có trách nhiệm của nhà nước kết luận là do tích nước đang trong quá trình thi công, do ô tô húc đổ khi vừa mới xây xong, hay như đập có thấm nước thì là có mức thấm cho phép, rồi do mùa mưa lũ v.v và v.v. mà ít thấy nói công trình nào được kết luận là do thi công ẩu.
Thời trẻ tôi cũng từng công tác trong ngành xây dựng thủy điện và cũng là “sếp” trực tiếp của anh bạn đó, nhưng là người đã ra khỏi ngành từ hai mươi năm nay nên khi nghe anh bạn kể về thói ăn bớt khối lượng đào đắp, ăn cắp vật liệu hiện nay thì tôi bủn rủn. Không ngờ sự làm ẩu ăn cắp thời nay lại trắng trợn đến vậy!
Câu chuyện của anh bạn tôi như sau:
Tại một công trường thủy điện trọng điểm nọ, anh bạn tôi là một công nhân lái máy có tay nghề cao và được đi học hàm thụ nên cũng là cán bộ kỹ thật cơ khí, cơ giới như tôi hồi nào (bọn tôi vẫn đùa nhau là lũ có khỉ có giòi).
Một hôm anh theo dõi một số máy móc vừa được sửa chữa xong, các máy này đang đào một hố móng với khối lượng đào đất, độ sâu cốt nền của hố móng được ghi rất rõ trong nhật trình làm việc máy của cuối ca chiều hôm trước, có ký nhận của kỹ sư thi công. Ca sáng hôm sau, vẫn cái máy anh bạn tôi đang theo dõi được điều động chuẩn bị mặt bằng để đổ bê tông hố móng này, nhưng anh thấy thợ lái máy xúc lại xúc đất đá mà mình đã đào lên hôm qua lấp trở lại hố móng trong khi trên bờ các xe vữa bê tông đã chờ sẵn để đổ bê tông hố móng đó. Khi lượng đất đá đổ vào đã chừng mươi khối thì chính người kỹ sư thi công yêu cầu người lái máy đó san đều phần đất đá vừa đổ vào hố móng, đồng thời không dùng đầm để lu lèn gì mà anh ta cho xe chở bê tông đổ bê tông ngay vào hố móng.
Chưa hết, trong quá trình các xe bê tông vào đổ bê tông thì người thợ máy đào vẫn chọn những gầu đất đá ven đường đổ lẫn vào hố móng đang được đổ bê tông đó, và dùng cái lưỡi đào đất để trộn khuấy đều đất đá mà anh ta vừa đổ để chúng lẫn vào khối bê tông. Việc trộn đất đá vào bê tông chỉ chấm dứt khi hố móng chỉ còn 50 -70 cm chiều cao hố móng. Khi tôi thắc mắc thế cán bộ giám sát thi công đâu và vì sao lại phải chừa ra 50-70 cm trên cùng để đổ bê tông đúng mác, thì anh cho biết cán bộ tư vấn giám sát đã đến ký nghiệm thu từ tối hôm qua, và đầu giờ sáng hôm sau cũng có đến rồi đi đâu không rõ; còn việc đổ 50 – 70 cm bê tông đúng mác phía trên hố móng là để sau này có máy kiểm tra độ chịu lực của khối bê tông đó.
Thời bao cấp, khi tôi còn làm thủy điện, nạn ăn cắp nếu có thì chỉ là khai tăng khối lượng đào đắp, khai tăng khối lượng bốc dỡ vận chuyển, chứ không ai cả gan đổ đất đá xuống hố móng hay trộn đất đá vào lẫn bê tông để ăn cắp khối lượng bê tông! Thực tế đã chứng minh, ví dụ như công trình thủy điện Hòa Bình, tuy nhà nước không thể quyết toán được một cách chính xác được tổng mức đã đầu tư để làm nên nó (mặc dù người kế toán trưởng công trình thời đó nay đã là bộ trưởng của một bộ, tuy không còn phụ trách ngành thủy điện nhưng đang có nhiều tai nạn nhất) nhưng con đập và các công trình ngầm của công trình này đến nay vẫn an toàn.
Câu chuyện trên anh bạn kể cho chúng tôi vào dịp nghỉ lễ 1/5/2013 và những người có mặt hôm đó ít nhiều cũng liên quan đến nghề thủy điện. Trước khi kết thúc lời kể, anh dặn đi dặn lại chúng tôi nếu có viết bài không được kể tên thật anh ra, nếu không anh rất dễ bị trả thù.
Về phần tôi, tuy đã rời ngành thủy điện được 20 năm nhưng vẫn còn nhiều bạn bè làm thủy điện trên hầu khắp các địa bàn trên cả nước, vì vậy cũng không thiếu gì chuyện xung quanh ngành nghề thủy điện, chỉ xin kể lại câu chuyện nhỏ của người bạn hiện đang làm thủy điện tại một vùng thủy điện được coi là trọng điểm của cả nước mà còn như vậy.
Chợt nhớ lại ngày xưa trong một cuộc họp, tôi đã được nghe một chuyên gia nước ngoài khuyên chúng ta rằng tuy làm thủy điện rất rẻ nhưng không nên lạm dụng nó, Việt Nam chỉ nên khai thác khoảng 30% tiềm năng thủy điện là vừa, nếu lạm dụng tiềm năng thủy điện thái quá sẽ có hậu quả khôn lường về môi sinh, môi trường. Vào cái thời xây dựng thủy điện Hòa Bình mà có vị chuyên gia khác còn nói với chúng tôi rằng ở các nước dân trí cao, có đời sống phát triển, dân người ta biểu tình không cho làm thủy điện đâu!
Ngày nay theo thông tin tôi được biết Việt Nam chúng ta đã khai thác đến hơn 50% tiềm năng thủy điện tự nhiên, như vậy đã khai thác quá 20% so với mức mà lời khuyên của chuyên gia nước ngoài rất tâm huyết với Việt Nam, khiến hiện nay chúng ta đang đứng trước hai nguy cơ tai nạn lớn có thể xảy đến bất cứ lúc nào trong lĩnh vực thủy điện, đó là nguy cơ tai nạn do thi công gian dối và nguy cơ khai thác thủy điện vượt ngưỡng an toàn cho phép.
Nhìn sang đất nước Trung Quốc láng giềng với thủy điện Tam Hiệp để đời nhưng đã được các nhà khoa học cảnh báo về những nguy cơ và hệ quả của nó, chẳng lẽ Đảng, nhà nước không đúc rút được gì từ bài học nhãn tiền của người đồng chí của Đảng? Qua bài viết này, từ câu chuyện của một người bạn, mong được cung cấp cho bạn đọc một nguyên nhân và một thực trạng của lĩnh vực xây dựng thủy điện của nước ta hiện nay để mọi người cùng chiêm nghiệm và suy ngẫm, qua đó yêu cầu giới hữu trách có quyết sách hợp lý.
Qua câu chuyện này, người viết bài này trộm nghĩ không biết thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng với tuyên bố là đã hoàn thành trước thời hạn ba năm, một kỳ tích của Việt Nam, không biết có bị thi công kiểu này?
Cầu mong công trình thủy điện này không nằm trong câu chuyện mà bạn tôi đã kể thì hạnh phúc lắm thay!
Đ.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét