Hiệu Minh
4-06-2013
Nghe nói Quốc hội nước mình chắc sẽ lại đồng thuận cái xoẹt, yêu cầu giữ nguyên quốc hiệu”CHXHCN VN” sau cả năm bàn cãi. Góp ý cho thay đổi Hiến pháp không hơn gì.
Báo chí tường thuật lại rằng, tại các phiên thảo luận, rất nhiều đại biểu nói “Quốc hội nhất trí giữ nguyên tên nước”, “Đổi tên nước không có lợi”, “Giữ tên nước để tránh phức tạp chính trị”.
Chuyện quốc hiệu đã thống nhất từ khi bắt đầu họp khi ông Phan Trung Lý giải thích từ hôm 20/5 “Giữ nguyên CHXNCN là để khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời tránh gây tốn kém do các thay đổi có liên quan”.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết của Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh ‘CHXHCN Việt Nam’ đã ‘quen thuộc với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế’ nên không cần phải đổi.
Đại biểu Trần Văn Tư của tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh ông chỉ có một ý kiến đòi đổi tên nước. Ông đã gặp trực tiếp người này để hỏi thì được trả lời là chỉ có ‘tâm tư tình cảm muốn trở về tên nước khi thành lập chứ không có ý gì khác’.
Nói chung, những gì mà cần hoan hô và đồng thuận thì QH Việt nam là nhất thế giới. Từ khi thành lập đến nay, lần duy nhất là các dân biểu dám chống lại Đường sắt cao tốc 58 tỷ đô la do Chính phủ đưa ra.
Từ Bauxite đến mở rộng Hà Nội và bao nhiêu dự án tốn kém ở nhiều lãnh vực khác, các vị đại biểu mình như một giàn đồng ca, gật đầu đồng ý, dù chẳng biết hậu quả của nó ra sao.
Sự đồng thuận đôi lúc là sức mạnh trong thời chiến. Nhưng trong thời bình, mọi việc phải suy xét tới nơi tới chốn trước khi nhấn nút đồng ý.
Bởi nó liên quan đến an ninh quốc gia, đến hình ảnh đất nước và nếu là dự án hàng tỷ đô, thì liên quan đến đồng tiền bát gạo của dân.
Nhiều bạn đọc thất vọng vì cung cách làm việc và đóng góp ý kiến của rất nhiều đại biểu, thiếu lửa trên nghị trường. Thấy quốc hội nước người tranh cãi nảy lửa mà buồn cho nước mình.
Có bạn đọc gọi đùa các nghị viên là “Cuốc” hội, ví như chim cuốc, chỉ biết thuộc lòng những gì được người khác định hướng.
Nhưng bạn có biết chim cuốc kêu vì hối hận đã bỏ qua việc lớn.
Tương truyền, vua nước Thục có chút tình riêng vợ của một bề tôi tên là Biết Linh. Biết Linh dấy loạn. Vua Thục thất bại, chạy trốn vào rừng.
Sau này chết, vua Thục hóa thành chim Đỗ Quyên (chim cuốc), ngày đêm kêu mãi không thôi, vì nhớ nước khôn nguôi.
Lâu lắm rồi, mình không về quê vào dịp hè nên chẳng hiểu còn con cuốc nào kêu.
Nhớ có bài thơ của Nguyễn Khuyến viết về tiếng con cuốc kêu rất hay. Chả hiểu bài này lưu lạc trên internet có đúng là bản gốc hay không?
Khắc khoải đưa sầu giọng lửng lơ,
Ấy hồn Thục đế thác bao giờ?
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ.
Thâu đêm ròng rã kêu ai đó.
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.
Liệu có ai từng bỏ phiếu theo số đông hay vì lợi ích nhóm, sẽ hối hận tại sao lại làm những điều như vua Thục vì chút tình riêng mà quên đi việc lớn, biến thành chim cuốc kêu than mùa hè, cuối cùng chết trong điêu tàn và chịu sự đàm tiếu của thế gian.
4-6-2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét