5-05-2013
Chiến trận cuối cùng đã bộc phát và lần này liên minh Sang-Trọng cũng không kháng cự nổi hỏa lực hùng hậu của phe Ba Dũng nên đã thất bại ê chề trong kế hoạch đưa Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ vào bộ chính trị (BCT). Cả ông Thanh và ông Huệ đều lọt sổ với số phiếu thấp thê thảm. Trong khi đó Nguyễn Thiện Nhân, ứng viên thân tín của Ba Dũng, trúng cử với số phiếu gần 90% và trở thành người duy nhất lọt vào BCT trong vòng đầu tiên.
Tại vòng đua thứ hai, "ngựa đen" Nguyễn Thị Kim Ngân đã về đích đầu tiên với hơn 70% phiếu thuận và trở thành người thứ 2 lọt vào BCT. Bà Ngân hiện đang giữ chức phó chủ tịch quốc hội (kiêm bí thư TW đảng) và cũng là người thuộc phe Ba Dũng. Nói là "ngựa đen" vì khác với cuộc vận động khá công khai để đề bạt ông Nhân, Ba Dũng giữ kín quân bài Kim Ngân đến phút chót.
Như vậy qua hai vòng đua, anh y tá hoàn toàn chiếm thượng phong. Sự chênh lệch quá xa về số phiếu ủng hộ các ứng viên của hai phe cho thấy, so với hội nghị TW 6, đội ngũ đồng minh của Ba Dũng trong ban chấp hành TW đảng rõ ràng chỉ có tăng chứ không giảm. Ngay sau khi bà Ngân được công bố đắc cử, Nguyễn Phú Trọng lập tức yêu cầu tạm ngừng phần bỏ phiếu bầu ứng viên bổ sung thứ 3 của BCT và chuyển sang phần bỏ phiếu cho các ứng viên ban bí thư (BBT). Động thái này được nhiều người cho là kế hoãn binh của phe Sang-Trọng nhằm mua thêm chút ít thời gian để xoay xở, hy vọng có thế vãn hồi tình thế tại vòng 3.
Nhưng phe Sang-Trọng không phải đã hoàn toàn thất bại vì trong vòng đầu của đợt bỏ phiếu bầu các ứng viên BBT, ông Trần Quốc Vượng đã trúng cử với tỉ lệ ủng hộ gần 80% để trở thành người đầu tiên được bổ sung vào BBT. Ông Vượng là đàn em trung thành của ông Trọng và được chính TBT đề cử. Nhưng đây có lẽ chỉ là giải an ủi để TBT không quá mất mặt.
Một trong 6 vấn đề chủ chốt được đưa vào nghị trình của hội nghị TW 7 lần này là cái mà họ gọi là "quy hoạch cán bộ cấp chiến lược." Ở đây "quy hoạch" chỉ có nghĩa là lựa chọn và đào tạo nhân sự để chuẩn bị bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng của đảng và nhà nước cho các nhiệm kỳ sau. Nhiều nguồn tin cho rằng ông Trọng muốn đề cử ông Phạm Quang Nghị làm người kế vị mình trong nhiệm kỳ 2016-2020 vì ông Nghị là "người hội đủ điều kiện" theo đánh giá của ông Trọng.
Nhưng đây quá lắm cũng chỉ là một lời đề nghị không có tính ràng buộc và hiện tại có lẽ hầu hết những người tham gia hội nghị này chẳng ai màng để tâm. Thứ nhất, đến ngay cái ghế mà ông Trọng đang ngồi lúc nào cũng lung lay muốn sập thì nói chi chuyện truyền ngai cho người khác. Thứ hai, phân phối các chức vụ lãnh đạo cao cấp trong chế độ cộng sản Việt Nam là kết quả của việc đấu tranh quyền lực — một tiến trình tùy thuộc vào thời và thế và có thể biến đổi vào bất cứ lúc nào. "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" vẫn còn đang nằm trong giai đoạn phôi thai, mang tính hình thức và thí nghiệm nhiều hơn cơ chế chín chắn và đáng tin cậy. Bởi thế chuyện này chỉ đơn giản là một trường hợp nói quá sớm.
Nam Hải Trường Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét