Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




NHÂN MÙA PHẬT ĐẢN 2013 TÌM HIỂU VỀ SỨ MỆNH CÁC CHÍNH GIÁO CỦA THỜI ĐẠI

Lý Đại Nguyên
23-03-2013

Các đấng Giáo Chủ của các Chính Giáo đều vì lý tưởng thăng hóa tâm linh mình, thiện hóa xã hội và thánh hóa loài người, mà đã tìm ra Đạo giải thoát khổ đau cho mình, cho người và cùng giúp nhau giải cứu khổ nạn xã hội. Sự khổ đau về tinh thần của mình, do chính vô minh, tham chấp nơi mình tạo ra. 

Còn khổ nạn xã hội, do tham vọng quyền lực và lợi ích riêng tư của cá nhân, gia tộc phong kiến, phe nhóm thống trị, kể cả các tôn giáo vô minh toàn thống, và các chủ nghiã xã hội hoang tưởng đã tạo ra, qua các cuộc tranh cướp quyền lực, dẫn tới các cuộc chiến tranh lớn nhỏ triền miên khổ đau trên thế giới. Cũng vì lý tưởng giải cứu khổ nạn xã hội, mà các Chính Giáo đôi khi bị rơi vào cảnh pháp nạn. 

Điều này không phải là một nghịch duyên đối với các Chính Giáo, mà điều nghịch duyên nguy hại hơn hết đó là chính các Tôn Giáo ấy không còn giữ đúng vị thế Chính Giáo của mình, mà bị tục hóa thành một thế lực tranh cướp quyền bính thống trị để thành một Tôn Giáo Vô Minh Toàn Thống.

Vậy, vị thế Chính Giáo là thế nào? Hầu như khi loài người vừa biết quy tụ với nhau thành các cộng đồng Bộ Lạc thì đã theo lẽ tự nhiên phân công, phân quyền lãnh đạo tập thể ra làm 2 lãnh vực: Thần Quyền và Thế Quyền. Thần quyền thuộc về các vị ‘Thầy Mo’ tế thần, làm phép, chữa bệnh. Thế quyền là ‘Tù Trưởng’ trực tiếp cầm đầu tập thể. Đến thời Phong Kiến, thế quyền rơi vào tay Nhà Vua, thần quyền thuộc về Tôn Giáo. Rồi hai thế lực này luôn luôn lấn vượt nhau. Ở Ấn Độ Tôn Giáo vượt lên trên Vương Quyền. Ở Trung Hoa Vương Quyền toàn thống, Nhà Vua tự xưng là Con Trời. Ở Âu Châu 2 thế lực vương quyền, giáo quyền luôn luôn tranh chấp, tạo ra các cuộc thay vị đổi ngôi, làm xuất hiện các cuộc cách mạng tư tưởng, cách mạng tôn giáo, cuối cùng là các cuộc cách mạng Tự Do Dân Chủ Nhân Quyền.


Mà thành công bền vững cho tới nay là cuộc Cách Mạng Tự Do Dân Chủ tại Hoakỳ. Chính những người theo Đạo Tin Lành, nạn nhân của các cuộc đàn áp tôn giáo dã man tại Âu lục, di cư sang Tân Thế Giới, đã lập ra nước Hoakỳ, nhưng họ đã khôn ngoan, sáng suốt, không lấy Đạo Tin Lành của họ làm Công Giáo Duy Nhất Thống Nhất của nước Mỹ, mà trao chính quyền về tay Toàn Dân lựa chọn, để thành một Quốc Gia Dân Chủ Liên Bang đa chủng tộc, đa văn hóa, đa tôn giáo. Các Tôn Giáo đều đứng ngoài Chính Quyền, nhưng vẫn phải làm bổn phận Chính Trị Công Dân. Vậy Chính Giáo trong Thời Đại Nhân Chủ Nhân Văn hiện nay, đúng là Tôn Giáo đứng ở vị thế Văn Hóa ngoài chính quyền, để thực hiện lý tưởng của các Đấng Giáo Chủ là hướng dẫn Tâm Linh Con Người, giải thoát khổ đau cho mình cho người, góp phần xây dựng xã hội dân chủ bình đẳng, trọng pháp, hoà bình, phát triển và mục đích tối thắng là “thánh hóa loài người”. Còn các Tín Đồ của các Chính Giáo khi đảm nhận các trọng trách trong Chính Quyền và Chính Trị thì tuyệt đối không được kỳ thị tôn giáo.

Riêng với Đạo Phật, thì từ ngày Đức Thế Tôn khai sáng, Phật Giáo luôn luôn duy trì mạng mạch Chính Giáo của Đạo Giác Ngộ Giải Thoát. Các Tăng Sĩ không được tham gia Chính Quyền, nhưng vẫn phải làm bổn phận Chính Trị công dân và cứu nhân, độ thế. Trường hợp đặc biệt của Đức Đạt Lai Lạt Ma, vì theo truyền thống dân tộc Tây Tạng từ ngàn xưa, đã phải đảm đương luôn ngôi vị Quốc Vương, nay Ngài cũng đã thoái vị, để Phật Giáo trở về vị thế Chính Giáo. Còn các Cư Sĩ phải tích cực dấn thân thể hiện tinh thần tự do, công lý, bình đẳng, nhân ái, bao dung, công chính, trong mọi sinh hoạt văn hóa, xã hội, kinh tế, chuyên môn, chính trị, chính quyền…khi mình đảm trách. Chính vì vậy, mà các vị Vua Phật Tử Việtnam thời Lý, Trần đã dùng tâm từ bi, lực trí tuệ và mọi giá trị của Đạo Phật vào việc trị quốc an dân, nên  đã dựng xây được một Nền Văn Hiến Dung Hóa: Đa Nguyên, Phân Nhiệm, Điều Hợp, kết hợp tinh tuý của ba luồng Đạo Học Phật - Lão - Khổng của Đông Phương, tạo ra một Quốc Gia Đại Việt Độc Lập Văn Minh Cực Thịnh.

Ngày 15/12/1999, Liên Hiệp Quốc đã tôn vinh Đạo Phật là một tôn giáo Từ Bi, Trí Tuệ, Bình Đẳng và Hoà Bình, lấy Con Người Làm Cứu Cánh để phụng sự, cùng mục đích với tổ chức Quốc Tế này, và Liên Hiệp Quốc đã chính thức công nhận lễ Vesak của Đức Phật. Năm nay, tại Vatican dưới triều đại của Giáo Hoàng Phanxicô, Hội Đồng Toà Thánh về Đối Thoại Liên Tôn, do Hồng Y Jean-Louis Tauran làm chủ tịch, đã công bố Sứ Điệp gửi các Phật Tử nhân dịp lễ Vesak năm 2013, năm Phật lịch 2557. 

Rằng: “Giáo hội Công giáo thành thực tôn trọng truyền thống tôn giáo quý báu của các bạn. Chúng tôi thường nhận thấy có sự gặp gỡ với những giá trị được diễn tả trong các sách tôn giáo của các bạn, như lòng tôn trọng sự sống, việc thiền định, sự thinh lặng và tính giản dị”. “Giáo hội Công giáo không phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện trong các tôn giáo…tôi nghĩ rằng, điều khẩn thiết đối với Phật tử cũng như Kitô hữu, dựa trên nền tảng của di sản riêng của truyền thống tôn giáo của chúng ta, tạo lập nên một bầu khí hoà bình để yêu thương, bảo vệ và phát triển sự sống con người”.


Thông Điệp Phật Đản Phật Lịch 2557 – 2013 của Hội Đồng Lưỡng Viện Giáo Hội  Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, do Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ gửi chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni và toàn thể Đồng Bào Phật Tử, trong đó có đoạn viết: 



“Hôm nay là ngày lễ trọng đại trong Phật Giáo, ngày kỷ niệm Đức Phật vì hạnh nguyện độ sinh mà xuất hiện ở cảnh giới khổ đau này. Đức Phật ra đời đã khai mở một lộ trình thăng hoa thánh thiện cho nhân loại, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của từ bi trí tuệ, của tính hài hoà, bao dung và hoà bình cho thế giới. Đạo Phật đã đóng góp rất lớn cho sự an bình, thịnh vượng cho nhân loại”. 

“Lịch sử cuộc đời Đức Phật là nguồn cảm hứng bất tận cho tinh thần vô uý dấn thân phụng sự tha nhân, và chánh pháp là nguồn an lạc đích thực, khai phóng tâm thức con người và giải thoát mọi vô minh sai lầm cho muôn loài. Đức Phật dậy: muốn thay đổi thế giới, trước tiên phải chuyển hóa tâm thức con người. Bất cứ hành động nào được điều khiển bởi vô minh vọng động đều chuốc lấy sự bất an, khổ đau. Sự bình an, hạnh phúc đích thực chỉ có được khi biết quan tâm đến hạnh phúc của tha nhân. Chỉ cần quan tâm tới tha nhân thì thế giới đã giải quyết những vấn nạn khủng hoảng đang đối diện hiện nay, và tạo nên một thế giới tự do, dân chủ và bình đẳng cho tất cả con người”

Ngài nhấn mạnh: “Hôm nay Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tiếp tục nêu cao tinh thần vô úy: Giải phóng tự kỷ và tịnh hoá nhân gian, tiếp bước đưa Dân Tộc tiến lên đường Văn Hiến như một khẳng định của Trí Tuệ, Từ Bi, Bình Đẳng trước hiện tình đất nước. Thời cuộc có thịnh có suy, nhưng Đạo Phật chưa bao giờ có thăng trầm trong đại nguyện cứu khổ, đó là đưa Con Người đến bờ Tự Do và Giải Thoát”. 

Đây, đúng là Sứ Mệnh Văn Hóa của một Chính Giáo trong Thời Đại Nhân Chủ Nhân Văn của chúng ta vậy. 

LÝ ĐẠI NGUYÊN
Little Saigon ngày 21/05/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét