05-05-2013
Hình bên: Cuộc bỏ phiếu bằng chân
Tôi phải dài dòng một chút về những kỷ niệm xưa, để qúy độc giả hiểu rõ hơn những cảm xúc, những rung động khi tôi được gặp gỡ lần đầu tiên những người lính VNCH, những người lính mà ba tôi và ông thông gia, cùng không biết bao nhiêu triệu người Việt trên đất Bắc đã ngày đêm mông đợi họ sẽ ào ạt đổ quân lên đất Bắc trong một cuộc Bắc tiến giống như hai thế kỷ trước, Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, giải phóng quê hương khỏi họa ngoại xâm nhà Thanh.
KỲ 9
Sau khi thăm mộ và viếng thăm họ hàng ở làng Đầm, ba tôi và tôi sẽ đi bộ lên ga Phủ Lý. Từ làng Đầm lên Phủ Lý có 5 cây số. Trên đoạn đường 5 cây số đó, chúng tôi đi dọc theo khúc đê ngoằn ngoèo bên dòng sông Châu. Đó là đoạn đường thật tuyệt vời về mùa hè vì gió từ sông Châu lúc nào thổi lên cũng mát rượi, và dọc theo bờ đê là những rặng ổi chạy dài, khiến không khí lúc nào cũng được ướp trong mùi thơm của ổi. Mỗi khi đi qua đấy, tôi đều hít những hơi thở thật căng lồng ngực và thấy thật yêu đời….
Sau này, trong những năm tháng xuôi ngược khắp mọi miền đất nước, và ngay cả khi sang Trung Cộng, đến Hồng Kông, rồi định cư ở Úc, nhưng không hiểu sao, mỗi khi tôi hít một hơi thở đầy lồng ngực là tôi lại thấy thoang thoảng mùi thơm của trái ổi phảng phất trong không gian…
Thì ra, quê hương là một cái gì thân thương, êm dịu, ngọt ngào và đi vô trong tiềm thức một cách vô hình, không thể nào giải thích được. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ đến những con đường lầy lội, những vũng nước chân trâu của quê nhà. Nhớ cái đẹp, cái thơm tho còn dễ hiểu, nhớ cả những cái xấu xí của quê hương, mới lạ lùng, khó hiểu…
Tới ga Phủ Lý, chúng tôi chờ mua vé có khi ghé Đồng Văn chơi, rồi sau đó ghé Hà Nội, đến nhà bà chị ở phố Huế. Trong những ngày tháng khi còn ở tuổi ấu thơ, đầu óc của tôi lúc nào cũng đày ắp những mộng mơ, những trò chơi tinh nghịch, và thành phố Hà Nội là cả một quyến rũ vô cùng đối với tôi. Nhưng chẳng hiểu sao, trải qua mấy chục năm trời, mỗi khi nghĩ đến Hà Nội, hình ảnh khắc sâu vào tâm trí của tôi vẫn là hình ảnh ba tôi và ông thông gia ngồi trên cái sập gụ, cùng ghé sát tai vào chiếc radio để trên chiếc tủ chè khảm xà cừ. Cả hai cùng chăm chú lắng nghe những chương trình phát thanh tiếng được tiếng mất từ chiếc radio, rồi cùng xầm xì bàn tán với một vẻ mặt vô cùng hệ trọng. Sau này, lớn lên một chút, tôi mới biết là cả hai cụ đều nóng lòng trông đợi từ chiếc radio tin tức “Bắc tiến” để đảo lộn cuộc đời…
Cuộc đời của ông thông gia với thầy tôi là cả một bi kịch điển hình cho những người Việt có lòng yêu nước, nhưng ngây thơ về cộng sản. Ông người làng Đồng Văn, gia đình danh giá. Sau ông lên Hà Nội học hành và tài giỏi có tiếng. Trong suốt thời gian 9 năm kháng chiến chống Pháp, vì lòng yêu nước và ảo tưởng về những người Việt Minh, ông đã dùng tài ba và sự quen biết của ông với người Pháp, buôn bán thuốc tây và xăng nhớt cho Việt Minh.
Qua những câu chuyện giữa ba tôi với ông Đồ Tường, ông Lang An, tôi biết được, trong những năm đầu thập niên 1950, ai đáp xe lửa từ Phủ Lý đi Hà Nội, qua ga Đồng Văn, sẽ thấy những cách đồng chạy dài dọc theo đường xe lửa, chất đầy những phuy xăng, loang loáng phản chiếu ánh sáng mặt trời. Đó là những phuy xăng của ông thông gia, chờ đợi chuyên chở vô các mật khu kháng chiến của Việt Minh.
Chính nhờ có công với Việt Minh như vậy, ông thông gia được Việt Minh cấp cho cả xấp giấy “Tổ quốc ghi công”. Ôm xấp giấy đó trong lòng, ông đinh ninh tin tưởng, khi “cách mạng thành công”, Việt Minh trở về tiếp quản thủ đô Hà Nội, ông sẽ được VC đãi ngộ như là một đệ nhất ân nhân… của chế độ CS.
Vì đinh ninh như vậy, nên năm 1954, ông nhất định ở lại Hà Nội, và bắt luôn mấy người con cũng phải ở lại với ông. Gia đình ba tôi có 2 người chị, lấy 2 người con trai của ông.
Đến năm 1954, một người con trai của ông nhất quyết vô Nam cùng với vợ con. Gia đình người này sau sống ở Sàigòn. Khi tôi vô Nam gặp lại và sống với người chị và ông anh rể đó. Còn lại một bà chị nữa thì phải ở lại cùng với chồng ở Phố Huế, Hà Nội.
Ông thông gia còn có một người con trai út, đang học Y khoa thì năm 1954 ập đến cùng với tất cả những đau thương, bi kịch và mọi ảo tưởng, hy vọng của gia đình bị sụp đổ. Nhà cửa của thông gia lần lượt bị tịch thu, của cải phải xung công để “giúp đỡ cách mạng vì buổi ban đầu cách mạng còn rất nghèo, đất nước còn gặp nhiều khó khăn”. Thậm chí ngay cả tòa nhà hai tầng ở Phố Huế là nơi gia đình ông thông gia cư ngụ mấy chục năm trời, VC cũng cho người đến ở chung và theo dõi. Ngay cả chiếc xe hơi cuối cùng của ông, VC cũng không chịu cấp phát bông xăng, nên xe phải nằm ụ một đống cho đến khi không còn hy vọng gì ở sự trả ơn của người VC, ông thông gia mới chịu “hiến không cho cách mạng”. Mặc dù của chìm trong nhà vẫn còn, VC khu phố bắt ông phải đi làm, chứ không được phép “ngồi không ăn bám”. Cuối cùng, ông đành phải cuốc bộ ngày 4 lần đi làm cho một hãng làm mũ, cách đó khoảng 2 khu phố, để nhận những đồng lương chết đói.
Quá phẫn uất trước cuộc đồi đời và hoàn toàn thất vọng, bế tắc trước cuộc sống không có tương lai, người con trai út của ông thông gia là anh Q. đã lên đường vượt tuyến vô Nam, qua dòng sông Bến Hải. Năm đó là năm 1956 hay 1957 gì đó. Khi tôi ghé chơi căn nhà Phố Huế, những đứa cháu gái của tôi còn chỉ cho tôi những tấm hình anh Q. khắc trên sân thượng, và được nghe kể về những huyền thoại ngang ngược tung hoành của anh tại Hà Nội. Sau này, vô Nam, tôi lại được gặp anh, được chứng kiến cuộc sống ngang tàng, lúc thịnh lúc suy của anh. Nghe đâu lúc gặp thời, anh được trọng dụng, vì anh là một trong những người hồi chánh đầu tiên tại Miền Nam. Anh có xe hơi riêng, và nghe nói có lúc, anh nắm quyền điều động một trung đội lính nghĩa quân có trách nhiệm bảo vệ Trung Tâm Chiêu Hồi Thị Nghè.
Tôi phải dài dòng một chút về những kỷ niệm xưa, để qúy độc giả hiểu rõ hơn những cảm xúc, những rung động khi tôi được gặp gỡ lần đầu tiên những người lính VNCH, những người lính mà ba tôi và ông thông gia, cùng không biết bao nhiêu triệu người Việt trên đất Bắc đã ngày đêm mông đợi họ sẽ ào ạt đổ quân lên đất Bắc trong một cuộc Bắc tiến giống như hai thế kỷ trước, Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, giải phóng quê hương khỏi họa ngoại xâm nhà Thanh.
Nửa đêm hôm đó, ngồi trong đồn lính cảnh sát dã chiến, ngay cạnh thị xã Quảng Trị, tôi bâng khuâng nhìn những người lính, nhìn cảnh xe cộ, súng ống… Giữa lúc tôi đang còn sống trong mộng như vậy thì đột nhiên, từ phía thị xã Quảng Trị có hai chiếc xe Jeep phóng thẳng vô đồn. Trên hai chiếc xe, tôi thấy có nhiều người lính, hoặc sĩ quan, nhưng tôi không rõ cấp bậc. Tôi chỉ nhớ có một người lính ăn mặc rất đẹp, quần áo ủi hồ cứng bóng, điệu bộ rất tài tử, và khẩu súng anh ta đeo ở hông cũng đặc biệt, để lộ ra chiếc báng súng bằng ngà. Cho đến nay, tôi cũng không biết rõ cấp bậc anh ta là gì. Nhưng tối hôm đó, anh có vẻ xếp sòng vì tôi thấy anh liên tục ra lệnh… Sau đó, tôi được lệnh lên xe theo anh về gặp xếp của ảnh.
Vừa mới lên xe ngồi, tôi đang bâng khuâng thì người lính già xuất hiện, thò tay nắm lấy tay tôi. Bàn tay ông xương sẩu, ram rám, gân guốc, chai sạn. Ông bóp lấy bàn tay tôi, như một sự gửi gắm, nhắn nhủ… Tôi rất xúc động. Chỉ mới có không đầy nửa tiếng đồng hồ, mà tình cảm của tôi đối với ổng thật sâu đậm…
Sau đó, ổng vỗ vai người sĩ quan tài tử ngồi phía trước tôi và phía bên phải người tài xế, rồi ổng nói đại khái:
- Mày nhớ là chú em này về chiêu hồi đó nghe. Đãi ngộ xứng đáng, và nhớ là không được còng tay còng chân gì đó…
Tối hôm đó, sau khi gặp tướng Giai, tôi được đưa về một căn phòng có khóa. Tại đây, tôi được trao cho một bộ đồ lính VNCH. Vì bộ đồ bộ đội tôi mặc lúc đó rách bươm, nhất là hai ống quần dính bê bết máu. Máu đã khô, làm vải quần dính chặt vào da, cởi ra đau đớn vô cùng. Một người lính VNCH phải dắt tôi xuống bếp, lấy nước sôi pha với nước lạnh cho ấm, rồi đắp lên hai ống quần cho mềm. Sau đó, anh lính lấy kéo cắt ống quần thành từng mảng nhỏ, rồi gỡ dần thật nhẹ nhàng. Vậy mà tôi vẫn phải chịu đựng đau đớn gần một tiếng đồng hồ mới gỡ hết tất cả những miếng vải của chiếc quần bộ đội khỏi đôi chân của tôi…
Tối hôm đó, món ăn đầu tiên tôi được thưởng thức trên vùng đất tự do là gói đậu phộng da cá, do chính người lính đẹp trai đưa. Sau đó, tôi được ăn cơm xấy, đồ hộp, được đưa đi tắm rửa rồi lên giường ngủ một giấc đầy ác mộng.
Trong giấc ngủ, tôi nằm mơ thấy tôi bị hàng chục tên VC đuổi bắn. Tôi bị trúng đạn vào cổ, máu chảy tung tóe, nhưng tôi vẫn chạy. Tôi chạy nhanh lắm, và càng chạy nhanh thì vết thương ở cổ của tôi càng xé to ra, gió lùa vào càng mạnh, khiến máu càng phun ra có vòi, và tôi nghe thấy cả tiếng gió hú từ vết thương thành tiếng u… u… Đến đó tôi giật mình tỉnh dậy, toát mồ hôi, kinh sợ hồi lâu… để rồi vui mừng nhận ra là mình đang nằm mơ… ở giữa vùng trời tự do!
Trong suốt những năm sau này, cơn ác mộng đó thỉnh thoảng vẫn đến với tôi. Lúc đầu thì thường xuyên, tháng độ vài lần. Sau thưa dần rồi mất hẳn… Nhưng điều kỳ lạ là khi VC vô Nam năm 1975, thì bỗng dưng cơn ác mộng đó lại xuất hiện. Vì phải sống trong những cơn ác mộng như vậy, nên tôi luôn luôn đinh ninh thế nào cũng có ngày tôi bị VC bắn chết ý hệt trong mơ. Cho đến khi tôi phải bơi qua sông Calong, vượt biên sang Trung Cộng vào ngày 1 tháng 10 năm 1978 (tôi nhớ ngày đó vì đó là ngày Quốc khánh của Trung Cộng), tôi vẫn còn tiếp tục sống với cơn ác mộng y hệt như cơn ác mộng tôi trải qua ngay trong đêm đầu tiên đặt chân đến vùng đất của tự do.
Rồi khi đặt chân đến Úc, phải vô bệnh viện Randwick để điều trị vết bầm trong phổi (vì tôi bị hơn chục vệ binh quản giáo VC đánh hội đồng tại quân lao Gò Vấp vào năm 1976), tôi vẫn còn gặp và phải trải qua những cơn ác mộng như vậy, và có những đêm khuya, tại bệnh viện Randwick tôi đã vừa chạy vừa la hét ầm ĩ…
Khi tôi về đến Quảng Trị là lúc VC bắt đầu pháo kích vô thị xã. Vì vậy, tôi chỉ sống ở Quảng Trị có vài ngày, sau đó được đưa về Đà Nẵng. Tại đây, tôi được gặp một vài anh bạn bộ đội hồi chánh khác, trong đó có hai anh nguyên là tù binh nhưng được đổi sang dạng hồi chánh.
Lúc đó, chúng tôi có khoảng 5 hay 6 người. Được cấp tiền riêng để đi chợ mua đồ ăn rồi về nấu nướng ăn uống với nhau. Điều tôi thấy lạ lùng nhất là hầu như không có một người lính VNCH nào tỏ ra nghi ngờ theo dõi chúng tôi. Đồng ý, trong lòng của tôi, khi về chiêu hồi là thực lòng. Nhưng tôi biết, không phải người hồi chánh nào cũng thực lòng. Sống trong chế độ CS hai chục năm trời, tôi hiểu, người CS có trăm phương ngàn kế để trà trộn, thâm nhập, phá hoại. Nhưng trong những ngày tháng đó, chúng tôi hoàn toàn được sống tự do, được đi chợ mua sắm, mà không hề có một người lính nào theo dõi, giám sát.
Một hôm, tôi và anh Nhị, cùng mấy hồi chánh viên khác được lên xe đi ra phố mua sắm. Đó là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một khu chợ búa sầm uất của Miền Nam tự do. Hàng hóa tràn ngập, đồ ăn thức uống không thiếu thứ gì. Nhưng điều làm tôi xúc động nhất, thấy cuộc đời đi tìm tự do của mình có ý nghĩa nhất là một quầy sách có đủ những loại sách mà tôi có nằm mơ cũng không thể thấy. Trong suốt cuộc đời 20 năm của tôi ở Miền Bắc, tôi luôn luôn khao khát được đọc. Đọc bất cứ thứ gì, miễn sao nó có chữ. Nhất là những cuốn sách bị cấm thì nó luôn luôn có một ma lực lôi cuốn vô cùng. Nói đúng ra, tất cả những sách cũ, xuất bản trước năm 1954, đều là sách cấm. Mượn được những cuốn sách loại này là cả một ơn huệ vô cùng to tát đối với tôi.
(còn tiếp)
http://viteuu.blogspot.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét