Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




HOA KỲ VÀ VIỆT NAM: TỪNG BƯỚC TRỞ THÀNH NHỮNG ĐỐI TÁC NGỌT-ĐẮNG ?

Ahn Le Tran
Lê Anh Hùng dịch
19-05-2013 

Hình bên: Xe máy và xe đạp trên một tuyến phố nằm trong một khu dân cư mới ở Hà Nội ngày 7.5.2013 (Ảnh: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

NEWTON, Massachussetts - Ngày 30.4 vừa qua đánh dấu 38 năm ngày Sài Gòn sụp đổ và chiến tranh Việt Nam kết thúc. Những hình ảnh máy bay trực thăng Mỹ di tản người trên nóc các toà cao ốc ở Sài Gòn ngày 30.4.1975 khiến người ta không thể hình dung ra nổi rằng một ngày nào đó các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo cộng sản Hà Nội sẽ tìm tòi những bước đi hướng tới mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia.

Song điều không thể tưởng tượng nổi đó lại bắt đầu trở nên khả dĩ. Mối quan hệ Mỹ - Việt đang dần dần mang diện mạo của một mối quan hệ chiến lược, dù với những rào cản, thông qua các mối quan hệ tăng cường về kinh tế, ngoại giao và quốc phòng.

Năm 2000, sáu năm sau khi tổng thống Bill Clinton bỏ cấm vận thương mại đối với Việt Nam, hai nước đã ký một hiệp định thương mại song phương (BTA) lịch sử, mở ra một kỷ nguyên mới cho hợp tác kinh tế. Kim ngạch thương mại song phương tăng từ 1,2 tỷ USD năm 2000 lên gần 25 tỷ USD năm 2012. Trong giai đoạn này, Việt Nam luôn được hưởng thặng dư mậu dịch hàng năm, từ mức 454 triệu USD năm 2000 lên tới hơn 15,6 tỷ USD năm 2012. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là nguồn thặng dư mậu dịch lớn nhất của Việt Nam.

Thông qua BTA, Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam cam kết thực hiện một loạt cải cách về thương mại, đầu tư và chế độ điều tiết nhằm tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư và hàng hoá Hoa Kỳ vào Việt Nam. Điều này đã góp phần vào việc từng bước chuyển hoá nền kinh tế Việt Nam sang một nền kinh tế dựa nhiều hơn vào luật lệ và theo định hướng thị trường.

Kết quả là các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam trong những năm gần đây. Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam năm 2009, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 9,8 tỷ USD. Mặc dù con số này đã giảm trong vài năm gần đây, song triển vọng tương lai vẫn sáng sủa. Theo bản Báo cáo Khảo sát Viễn cảnh Kinh doanh ASEAN 2012-2013, Việt Nam là địa điểm được ưa chuộng nhất mà các công ty Mỹ kinh doanh ở Đông Nam Á mở rộng kinh doanh.

Hoa Kỳ và Việt Nam, cùng với 9 quốc gia khác, đang đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), được khuếch trương như một hiệp định thương mại thế hệ mới, chuẩn mực cao của thế kỷ 21. Việc ký kết và thực thi hiệp định thương mại này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ kinh tế Mỹ - Việt; Việt Nam sẽ được tiếp cận nhiều hơn với thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình trong khi Hoa Kỳ sẽ được chứng kiến những cải cách sâu rộng hơn ở Việt Nam.

Các mối quan hệ kinh tế win-win (cùng có lợi) giúp đặt nền móng vững chắc cho việc củng cố các mối quan hệ ngoại giao và quốc phòng giữa hai nước. Hoa Kỳ coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong nỗ lực nhằm tăng cường sự can dự của Hoa Kỳ vào khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh chiến lược “xoay trục sang Châu Á” của Mỹ. Washington và Hà Nội đã hợp tác thông qua một số diễn đàn, trong đó có Diễn đàn Khu vực ASEAN (ASEAN Regional Forum), Sáng Kiến Hạ Vùng Sông Mekong (Lower Mekong Initiative), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (the Asia-Pacific Economic Cooperation), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (East Asia Summit) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ASEAN Defense Ministers’ Meeting Plus).

Khi Việt Nam đảm nhiệm ghế Chủ tịch ASEAN năm 2010, họ đã kịp lôi kéo sự can dự của Hoa Kỳ vào cuộc tranh chấp trên Biển Đông, một chủ đề nóng ở Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam năm đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã tuyên bố tại Hà Nội rằng Hoa Kỳ có “lợi ích quốc gia” ở Biển Đông trong việc bảo đảm “tự do hàng hải, cơ hội tiếp cận không hạn chế đối với các tuyến hàng hải quốc tế ở Châu Á, và sự tôn trọng luật lệ quốc tế.” Đó là những gì mà Hà Nội từng hy vọng khi họ tìm cách quốc tế hoá cuộc tranh chấp và giải quyết tranh chấp phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea) trước lập trường hung hăng của Trung Quốc.

Hai nước cũng đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Các hoạt động liên quan đến quốc phòng (trong đó có các cuộc trao đổi cấp cao của các quan chức quốc phòng ở cả hai thủ đô, những lần chiến hạm Hoa Kỳ cập cảng Việt Nam, và các cuộc thảo luận hàng năm về chiến lược quốc phòng và an ninh) bắt đầu diễn ra thường xuyên.

Trong bản Đánh giá Tình hình Quốc phòng định kỳ 4 năm năm 2010, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác định Việt Nam là một quốc gia Đông Nam Á mà họ đang hợp tác để phát triển mối quan hệ chiến lược trong khu vực. Trong một chuyến thăm tới Việt Nam năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã thực hiện chuyến đi lịch sử tới Vịnh Cam Ranh, căn cứ cũ của Hải quân Hoa Kỳ trông ra Biển Đông. Đứng trên chiếc tàu chở hàng của Hải quân Hoa Kỳ USNS Richard E. Byrd đang neo đậu trong cảng nước sâu chiến lược này, ông phát biểu: “Càng đứng đây lâu, tôi càng nhận ra tầm vóc quyết định của khu vực này trong mối liên hệ với nền quốc phòng của chúng ta cũng như công cuộc bảo vệ thế giới.”

Việc dành quyền tiếp cận các hải cảng ở Việt Nam, đặc biệt là ở Vịnh Cam Ranh, cho các chiến hạm Hoa Kỳ là một ưu tiên của người Mỹ trong việc tăng cường các mối quan hệ quốc phòng với Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa làm Hoa Kỳ thoã mãn niềm khát khao đó, bởi Hà Nội không muốn Bắc Kinh nghĩ rằng Việt Nam đang liên minh với Mỹ để đặt ra mối đe doạ cho Trung Quốc.

Song Hà Nội lại sẵn sàng tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng với Washington chừng nào sự hợp tác đó phù hợp với lợi ích quốc gia của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền, hoà bình, và phi liên kết. Người ta có thể trông đợi các nhà hoạch định chiến lược Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ tiếp tục tìm kiếm những cách thức khác nhau để thúc đẩy các mối quan hệ quốc phòng trong khuôn khổ những giới hạn mà họ tự đặt ra cho mình. Và tốc độ thúc đẩy đó sẽ phụ thuộc đáng kể vào cách hành xử của Trung quốc, đặc biệt là về vấn đề Biển Đông.

Ngoại trừ nhân tố Trung Quốc, sự khác biệt về chính trị là một nhân tố khác ảnh hưởng đến mức độ gần gũi giữa hai quốc gia. Hoa Kỳ quan tâm đến thành tích của Việt Nam về vấn đề tự do và nhân quyền, và đã lên tiếng kêu gọi Việt Nam cải thiện những chủ đề này như một phương thức để thúc đẩy các mối quan hệ song phương. Một số giới trong ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam nghi ngờ ý đồ của người Mỹ, với lập luận rằng Hoa Kỳ có thể đang thúc đẩy việc thay đổi chế độ thông qua áp lực và sự dính líu của họ vào các lĩnh vực tự do và nhân quyền.

Mặc dù những khác biệt về chính trị gây cản trở cho việc thúc đẩy mối quan hệ Việt Mỹ, chúng vẫn không phải là không thể khắc phục, nhất là khi Việt Nam lại sẵn sàng bắt tay vào cải cách chính trị, không sớm thì muộn, nhằm thích ứng với áp lực ngày càng tăng trong nước. Chắc chắn là trong dài hạn, mối quan hệ này sẽ nhiều ngọt ngào hơn là cay đắng./.

Ahn Le Tran là giáo sư tại trường Lasell College, Newton, Massachusetts, người vẫn thường viết bài bình luận về các chủ đề liên quan đến tình hình Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét