Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




HẬN TÌNH ...

Kỳ Duyên
25-05-2013

Hình bên: Tỷ phú George Soros (bên trái) và Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức

Tham nhũng không phải là chuyện riêng của quốc gia nào, thì… hận tình cũng vậy.

Tham nhũng là câu chuyện không của quốc gia nào. Quan tham nhũng bị phát hiện, bị tố giác, bị xử lý trước pháp luật chắc có hàng trăm kiểu. Nhưng kiểu “ngã ngựa” như Lưu Thiết Nam – Phó Chủ nhiệm Ủy ban quy họạch Nhà nước (Trung Quốc) thì khá hiếm. Ông này được gọi là một con hổ trên sàn …tham nhũng.

Cục Hận tình?

Trớ trêu thay, đó là “sản phẩm” của thời đại Internet, và đau thay, cũng là “sản phẩm” cay đắng của một cuộc tình, cho thấy sức mạnh và áp lực của truyền thông xã hội, cho thấy tình yêu và phản trắc vẫn có thể là một cặp đôi…hoàn hảo?

Người đưa ông này ra “pháp trường” danh vọng, là nhà báo La Xương Bình, Phó Trưởng ban biên tập tờ Tài Kinh, một tạp chí có uy tín tại TQ.

Để có đầy đủ các chứng cứ tội lỗi của Lưu Thiết Nam, nhất là trong việc lạm dụng chức quyền làm giàu bất chính, La Xương Bình có lợi thế của một nhà báo, cũng phải mất một năm dài phối kiểm các thông tin chuẩn xác. Để tố cáo Lưu Thiết Nam trước thanh thiên bạch nhật, La Xương Bình chỉ cần một cú “nhấp chuột” trên blog. Thế giới mạng thì ảo, còn chuyện “mất hết” của Lưu Thiết Nam, khốn thay rất thật.

Nhưng người đích thực dẫn Lưu Thiết Nam, từ thiên đường xuống… “địa ngục”, chính là người tình cũ của ông ta- cô gái họ Từ, người đã cung cấp thông tin cho nhà báo La Xương Bình.

Trong mọi sự phản trắc, có lẽ không có sự phản trắc nào đau đớn hơn, ai oán hơn, ghê gớm hơn sự phản trắc kiểu này. Lịch sử TQ có rất nhiều bậc nam tử mất cả cơ đồ vì người tình, mà Lưu Thế Nam chỉ là kẻ hậu bối. Có điều, câu chuyện của ông này nó mang sắc thái của thờikim tiền, của xung đột lợi ích, nên nó là chuyện có vay có trả, anh đi đường anh, tôi đường tôi. Khi mà ông quan tham này không ít lần dọa giết cô nhân tình bé nhỏ của tôi ơi (1)

Điểm đáng chú ý, và đây, có lẽ là điều nhiều quan chức “kiêm” kẻ tham nhũng của VN- những đồng chí bị lộ và … chưa bị lộ cũng nên giật mình, đề phòng và cảnh giác. Đó là theo một quan chức UB Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của TQ cho biết, có tới 95% quan tham TQ có người tình.

Dọa giết người tình, người tình chưa chết, Lưu Thiết Nam đã bị “giết chết” cả danh lợi, và danh dự. Vũ khí “hận tình” của người đàn bà họ Từ hóa ra, nhanh và mạnh hơn cả vũ khí nóng mà người đàn ông họ Lưu trong lúc tức giận, xả ra.

Lưu Thiết Nam – Phó Chủ nhiệm Ủy ban quy họạch Nhà nước (Trung Quốc)

Xưa nay, hận tình bao giờ cũng là con đường ghê gớm dẫn đến những hệ lụy khủng khiếp. Có điều, người bị hận là quan chức, bị lấm lưng, trắng bụng vì người tình mảnh mai, yếu ớt, thì cũng chưa nhiều.

Nhưng chả cứ hận tình, có khi chỉ mới lăng loàn bởi nóng giận đi… tìm chùm chìa khóa của lái xe một vị Chủ tịch tỉnh, mà một người đàn bà trẻ nổi tiếng “giang hồ”, người thân thiết với vị Chủ tịch tỉnh nọ (2), đến mức hai đứa như anh em, cũng đã góp phần làm… bay chức Chủ tịch của vị này, dù về hình thức, có lá đơn xin nghỉ hưu của ông ta.

Hổ- rất có thể bị chết đứ đừ đừ vì những cánh bướm mảnh mai

Chả thế mới đây, người ta đề xuất Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật TƯ (TQ) nên thành lập “Cục tình nhân chống tham nhũng”. Còn người viết bài trộm nghĩ, phải đổi tên là “Cục Hận tình”, thì chống tham nhũng mới có kết quả. Chứ nếu chỉ là Cục Tình nhân- thì biết đâu- tham nhũng lại tăng cao. Vì con đường từ ham sắc đến ham tiền là…cực ngắn

Ai phải, ai trái?

Ở một ý nghĩa khác, góc độ khác, “hổ” cũng có khi … chết vì những cánh rừng. Cho dù, thành ngữ có câu thả hổ về rừng, để chỉ sức mạnh vô song của hổ, sức mạnh được rừng che chở.

Đó là trường hợp Bầu Đức, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) doanh nghiệp tư nhân nổi tiếng, hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Tài năng và bản lĩnh, ở thời điểm kinh tế khủng hoảng này, trước sự lo lắng của các cổ đông về con số nợ 16.000 tỷ của tập đoàn, Bầu Đức vẫn khá tự tin về khả năng kiểm soát của mình, khi tuyên bố: Tôi vẫn ngủ ngon trên đống nợ…

Nhưng chắc chắn ông chủ của HAGL khó mà ngủ ngon … trên cáo buộc mới đây, của Global Witness, Tổ chứcNhân chứng toàn cầu, có trụ sở tại London (Anh quốc) và Washington (Mỹ), đối với HAGL về hành vi hối lộ, lợi dụng quan chức tham nhũng tại Lào và Campuchia để chiếm đoạt đất, khai thác gỗ bất hợp pháp, bịt đường sinh kế cư dân địa phương.

Chỉ là một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ do siêu tỷ phú Mỹ George Soros thành lập năm 1993, đằng sau Global Witness là sự tài trợ, hỗ trợ của Chính phủ Mỹ, Anh, Na Uy, của nhiều tổ chức quốc tế, mà không bị áp đặt, hoặc trói buộc với bất cứ điều kiện nào.

Với “Lời nguyền tài nguyên” của mình, Global Witness tổ chức các cuộc điều tra, ngăn chặn hành vi tham nhũng liên quan đến nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng như chống lại việc lạm quyền đe doạ môi trường, động chạm đến không ít lợi ích của các nhóm tài phiệt trên toàn cầu.Và lần này, đến lượt HAGL của Bầu Đức phải đối mặt.

Sự cáo buộc của Global Witness đã đặt HAGL và Global Witness ở hai phía tranh cãi sư nói sư phải, vãi nói vãi hay.

Ngày 17/5 mới đây, Bầu Đức đã tổ chức họp báo với giới truyền thông, hùng hồn phủ nhận toàn bộ kiểu TASS được quyền tuyên bố. Rằng, cáo buộc của Global Witness không có căn cứ, sai 99,9%. Rằng, Global Witness “tìm cơ hội quảng bá tên tuổi” và “xin tài trợ”. Rằng, Global Witness từ chối đối chất, chỉ muốn “gặp riêng”. Hay ông này ám chỉ chuyện Global Witness cũng muốn “đi đêm” như chuyện phổ biến của những kẻ tham nhũng ở VN?

Chưa nói đến phản ứng của Global Witness trước những cáo buộc lại của Bầu Đức, đáng chú ý, dư luận xã hội lại có vẻ như sẵn sàng tin những cáo buộc của Global Witness hơn? Khi lưu ý Bầu Đức đừng quá chủ quan, coi thường cả số vốn tài chính lẫn sự già đời về tên tuổi, thương hiệu của tổ chức này.

Vì sao Bầu Đức bị cộng đồng Việt nghi ngờ? Vì trâu buộc ghét trâu ăn? Vì thiếu tính bầu ơi thương lấy bí cùng? Hay những đặc tính thâm căn cố đế của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn VN trong thời buổi làm ăn chụp giật, từ lâu đã “giật” mất niềm tin của cộng đồng người Việt?

Không phủ nhận những đóng góp lớn của các DN cho sự phát triển kinh tế của xã hội, nhưng sâu thẳm bên trong mỗi đại gia Việt, vẫn trần trụi một chàng “hai lúa”, quen ăn sổi ở thì, thiếu tầm chiến lược, chỉ biết lợi ích bản thân theo con đường “chủ nghĩa mackeno”.

Bầu Đức chưa kiểm soát được những phát ngôn của chính mình ngay với giới truyền thông trong nước, liệu ông có thể kiểm soát nổi những việc làm của tập đoàn mình, trong những cánh rừng Lào, rừng Campuchia xa xôi, còn người dân bản địa họ mất đất, và đổi lại, nhận được những đồng tiền bèo bọt?

Khi mới chập chững bước chân vào kinh tế thị trường, làm ăn với các đối tác nước ngoài, không ít DN, doanh nhân phải trả “ngu phí”.

Giờ đây, có ít nhiều kinh nghiệm hội nhập, không ít DN, doanh nhân còn phải trả cả “văn hóa phí, văn minh phí” cho chính cách làm ăn sổi ở thì của mình. Nhưng kỹ cho kỹ, thì “văn hóa, văn minh phí” cũng vẫn là… “ngu phí” mà thôi.

Tuy nhiên mới đây, luật sư Trần Minh Hải – Giám đốc Công ty Luật Basico, thành viên Hội đồng Trọng tài Quốc gia, cho rằng: Về mặt nguyên tắc, các DN bị ảnh hưởng, chịu thiệt hại bởi những cáo buộc công khai từ các tổ chức phi chính phủ, có quyền khởi kiện theo luật pháp quốc tế để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Nếu đúng HAGL bị oan ức bởi sự cáo buộc vô căn cứ của Global Witness, thì nên hành động theo tư vấn của vị luật sư này. Biết đâu, HAGL sẽ tìm được chữ Tín của doanh nghiệp mình, đang còn …lang thang, lẩn quất đâu đó, trong những cánh rừng Lào, Campuchia ngút ngàn kia…

Chung sống với sâu?

Những ngày này, một sự kiện lớn của quốc gia- kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13- đang diễn ra. Ấn tượng nhất, và cũng lo ngại nhất, là diện mạo kinh tế khá u ám, thậm chí có mặt còn nghiêm trọng hơn so với năm trước, như nhận định của ông Nguyễn Văn Giàu- Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH:

Tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt 5,03%, là mức tăng chưa hợp lý, thấp hơn con số báo cáo QH tại kỳ họp thứ 4 (5,2%) và thấp hơn nhiều so với nghị quyết Quốc hội là tăng từ 6- 6,5%.Số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản năm 2012 là 54.261, cao hơn năm 2011. Đến hết năm 2012, cả nước có 69% DN báo cáo lỗ, riêng Hà Nội có khoảng 46 nghìn DN trong số 90 nghìn DN báo lỗ, với số tiền lỗ là 47 nghìn tỷ đồng. Chưa kể bức tranh nông nghiệp, nông thôn cũng không ít mảng tối.

Trong khi đó, kỷ lục lạm phát của VN vẫn…băng băng, “qua mặt” nhiều quốc gia.

Mặc dù giảm được từ hai con số xuống còn một con số, là sự cố gắng đáng kể, nhưng mức lạm phát 6,8% (năm 2012) của VN vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình- 3% của các quốc gia như Trung Quốc, Philippines và Thái Lan… Đó là thông tin đưa ra tại Hội thảo Lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở VN do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Học viện Chính sách và Phát triển và USAID cùng tổ chức mới đây.

Ngược lại, tăng trưởng kinh tế của VN lại rất …thong thả.

Trong khoảng 20 năm (1991- 2010), VN tăng trưởng bình quân khoảng 7,4%, lạm phát gần 11%. Con số này ở TQ, quốc gia rộng lớn với số dân 1,3 tỷ người (Wikipedia tiếng Việt) là 10,5% và 4,8%. Theo các chuyên gia kinh tế, chứng tỏ kiểm soát lạm phát ở VN chưa bền vững; sự bất ổn của tiền tệ và kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn lớn. Tại phiên họp của UB Thường vụ QH sáng 14/5, bà Nguyễn Thị Doan, Phó CT nước, đồng thời cũng là một chuyên gia kinh tế phải kêu lên lo lắng: Tôi thấy nguy cơ lắm rồi các đồng chí ạ!

Kỷ lục lạm phát của VN vẫn… băng băng, “qua mặt” nhiều quốc gia

Trong bẩy giải pháp mà UB Kinh tế của QH đưa ra nhằm đưa nền kinh tế vượt qua cơn sóng cả, hướng tới sự phát triển ổn định, để đạt mức tăng trưởng 5,5%, có một giải pháp mà từ rất lâu người dân quan tâm, mong đợi- đó là chống tham nhũng.

Nhưng tiếc thay, tham nhũng cũng vẫn là một nguy cơ làm bất ổn kinh tế và bất ổn cả tâm lý xã hội. Người ta chưa quên kết quả nghiên cứu của UB Kiểm tra TƯ Đảng được công bố cách đây không lâu, về diện mạo các nhóm thân hữu, nhóm chung lợi ích và nhóm lợi ích cục bộ.

Cho dù khác nhau về khái niệm, quy mô, tầm ảnh hưởng, bản chất các nhóm lợi ích này đều xoay quanh mối quan hệ cấu kết giữa quan chức với DN để trục lợi cá nhân, cả về kinh tế lẫn quyền lực chính trị, thậm chí có thể tác động vào những chính sách vĩ mô (3).

Đã qua rồi cái thời vận động người dân phát hiện, tố cáo kẻ tham nhũng. Đã qua rồi, cái thời những người dân dũng cảm chống lại tham nhũng, đã phải khóc một cách tủi thân vì thấy mình cô đơn. Bởi tham nhũng giờ đây có con đường tơ lụa mượt mà riêng của nó, người dân tay không làm sao có thể…bắt giặc?

Có tham nhũng lớn, và cũng có tham nhũng vặt. Tham nhũng lớn không giảm, và tham nhũng vặt vẫn gia tăng.

Theo TP. Online (ngày 15/5), khảo sát gần 14000 người về chỉ số PAPI- công cụ đo lường chất lượng dịch vụ công lớn nhất từ trước đến nay tại VN, do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học (MTTQ Việt Nam) thực hiện, có sự hỗ trợ của UNDP, cho thấy, có tới 44% số người được hỏi cho biết phải lót tay khi xin vào cơ quan nhà nước; 42% phải có “phong bì” khi khám chữa bệnh ở bệnh viện; 17% cho biết phải bôi trơn khi xin cấp sổ đỏ.


Một khi các nhóm lợi ích có khả năng thâu tóm, chi phối lẫn nhau về quyền lực và kinh tế, một khi người dân đã trở nên cam chịu với tham nhũng, thì đó không còn là mục đích vụ lợi của từng cá nhân, chắc chắn nó liên quan đến “lỗi hệ thống”.

Chống tham nhũng vì sao không hiệu quả? Câu trả lời không thuộc về người dân, mà thuộc về guồng máy quản lý chính quyền các cấp.

Chợt liên tưởng đến vụ án quan tham Lưu Thiết Nam. Tham nhũng không phải là chuyện riêng của quốc gia nào, thì …hận tình cũng vậy.

Cô gái họ Từ hận tình với ông quan tham Lưu Thiết Nam. Còn hàng triệu triệu người dân Việt thì… “hận tình” với những kẻ tham nhũng lớn, những nhóm lợi ích muôn hình, muôn vẻ. Nếu quốc nạn tham nhũng không bị diệt trừ, nếu người Việt giờ đây phải sống chung với các loài sâu mọt, rất có thể nước Việt sẽ “ngã ngựa” ngay trên con đường hội nhập với thế giới văn minh, hiện đại.

Đó là nỗi đau, nỗi hận của mỗi người dân yêu nước Việt.

Kỳ Duyên
Tác giả gửi Quê Choa

……………………..
Tham khảo:
(1) Thơ của Nguyễn Bính
(2) Vụ việc của ông cựu Chủ tịch tỉnh Trà Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét