24-05-2013
Hình bên: Hình ảnh đáng xấu hổ nhất trong một phiên tòa
Gông xiềng tù ngục hay cả cái chết cũng không ngăn được khát vọng tự do của con người. Gông xiềng hôm nay cho tự do ngày mai, hay là tự do hôm nay cho gông xiềng ngày mai? Các vị cứ nhắm mắt làm bừa đi!
Không biết cái từ phiên tòa ô nhục có từ bao giờ trong từ điển dân gian Việt Nam? Tôi đồ rằng nó bắt đầu được công khai sử dụng đến, từ sau phiên tòa bịt mồm linh mục Nguyễn Văn Lý, phiên tòa xử tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ... Cho đến nay, mật độ của những phiên tòa như thế mỗi lúc một nhiều hơn, đa dạng hơn và mức độ ngang nhiên thì trắng trợn hơn.
Lịch sử pháp đình Việt Nam có lẽ chưa bao giờ đen tối như thời kỳ này (không kể đến việc những người bị bắt không được vinh hạnh đưa ra chốn pháp đình). Giờ đây, nhà cầm quyền dường như chả buồn che dấu sự dối trá của mình, khi ngoài miệng nói xử công khai, nhưng bên ngoài lại tìm mọi cách để ngăn chặn mọi sự quan tâm của dư luận xã hội đến phiên tòa.
Theo cách suy luận thông thường nhất, một hành động mặc dù vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân, sự phẫn uất, ghê tởm của dư luận trong và ngoài nước mà vẫn cứ lặp đi lặp lại, thì nó thể hiện sự cùng quẫn, bế tắc, hoàn toàn mụ mị trong đầu những kẻ thực thi nó.
Tôi hỏi một người bình thường nhất:
- Nếu con chị bị bắt và đưa ra tòa xử, chị có đi dự không?
- Nếu chị nghĩ con chị vô tội, mà chính quyền cứ bảo con chị có tội, thì chị có lên tiếng bênh vực nó không?
Xét cả về bản năng và logic thì câu trả lời sẽ là có. Vậy mà ở Việt Nam, điều đó lại không được phép xảy ra, mặc dù nó không được ghi trong bất cứ một điều khoản nào của “Luật”.
Cho dù ai đó không quan tâm đến chuyện ngoài xã hội, nhưng nếu họ nhìn và nghe thấy những gì diễn ra quanh các phiên tòa gần đây, tôi chắc chắn một điều họ sẽ cảm thấy bất bình, nếu không muốn nói là ghê tởm.
Nhiều người già hẳn còn nhớ, vụ án xử ông Tạ Đình Đề hàng chục năm về trước. Người dân đến tham dự phiên tòa chật kín phòng xử án, chật kín khuôn viên của tòa và tràn ra cả lòng đường. Để phục vụ công chúng, tòa cho bắc cả loa ra ngoài đường. Dư luận trước phiên tòa cho thấy, người dân rất yêu mến ông Tạ Đình Đề, vậy mà chính quyền ngày đó đâu có sợ sệt gì? Khi tòa tuyên bố tha bổng, hàng nghìn người đã reo hò vang dội, nhà tòa cũng mát mặt vì đã xử công minh. Chợt nghĩ về câu hết thịnh lại suy, mới thấy thương dân Việt, chưa được hưởng thịnh ngày nào mà đã chịu chuỗi ngày suy… Ngay cả những vụ cứ tưởng là công minh lắm như Năm Cam, Khánh trắng, PMU18 cũng do nội bộ đánh nhau mà ra. Nếu không, có lý do gì mà nó có thể tác oai tác quái ngần ấy năm trời?
Cứ đà này, chắc chắn sẽ còn nhiều vụ án nữa. Gông xiềng tù ngục hay cả cái chết cũng không ngăn được khát vọng tự do của con người. Gông xiềng hôm nay cho tự do ngày mai, hay là tự do hôm nay cho gông xiềng ngày mai? Các vị cứ nhắm mắt làm bừa đi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét