(VNCH - 10 ngày Cuối Cùng)
13/4/2018
13/4/2018
Sau khi Tướng Phú nhận được lệnh di tản Quân Đoàn II ra khỏi vùng Cao Nguyên thì giới lãnh đạo Bắc Việt thấy rằng đây là một cơ hội mà Trần Văn Trà gọi là “nghìn năm có một” vì thấy rằng như vậy là họ đã chiếm được trọn vùng này, từ đó đánh thọc xuống Vùng Duyên Hải để cô lập Vùng I ở miền Trung.
Ngày 15 tháng 3, “anh Chiến” Võ nguyên Giáp lại gửi cho “anh Tuấn” Văn Tiến Dũng bức điện văn số 11-ĐB nói rằng đã hội ý với Lê Duẫn và Lê Đức Thọ và chỉ thị cho Văn Tiến Dũng phải tập trung lực lượng đầy đủ trong vùng Ban Mê Thuột để đề phòng Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm Tỉnh này, đồng thời ra lệnh chuyển lên tiêu diệt địch ở Cheo Reo và bao vây Pleiku. Vào thời gian đó Hà Nội chưa biết được Quân Đoàn II đang sắp sửa triệt thoái ra khỏi Thành Phố nầy. Ngoài ra, trong bức điện văn này, Võ Nguyên Giáp cũng cho biết sẽ ra lệnh cho bộ đội Trị-Thiên tăng cường hoạt động. [Văn Kiện Đảng: Trang 146.]
Tại vùng địa đầu giới tuyến, ngày 8 tháng 2 năm 1975, Lê Đức Thọ thay mặt cho Bộ Chính Trị đã ký nghị quyết số 2328-NQ-NS/TW cho thành lập Đảng Ủy Mặt Trận Trị-Thiên với Lê tự Đồng làm Bí Thư và 10 ủy viên để lãnh đạo mặt trận Trị- Thiên.
Ngày 10 tháng 2, Võ nguyên Giáp đại diện cho Quân Ủy Trung Ương lại gửi thêm điện văn số 727 nói về nhiệm vụ của Quân Khu Trị-Thiên và Quân Đoàn 2. Trong phần nói về nhiệm vụ, Quân Ủy chỉ thị Quân Khu Trị-Thiên phải chuẩn bị cắt ngang Quốc Lộ số 1 giữa Huế và Đà Nẵng tại khu vực Đèo Hải Vân và đặc biệt là tiên liệu trường hợp Việt Nam Cộng Hòa có thể bỏ Huế để rút về Đà Nẵng. Ngoài ra trong bức điện văn này, Quân Ủy Trung Ương đã chỉ thị cho Quân Khu Trị-Thiên: “luôn luôn có lực lượng dự bị để vừa tranh thủ rèn luyện nâng cao sức chiến đấu, vừa sẵn sàng nắm thời cơ phát triển thuận lợi. Ngày nổ súng chậm nhất là ngày 5 tháng 3 năm 1975.
Trong đợt 2, vào mùa Thu, tháng 7 và 8 năm 1975 chiến trường Trị-Thiên và chiến trường Khu V có điều kiện đánh lớn.
Ngày 5 tháng 3 đã qua đi nhưng vẫn không có biến chuyển gì trên chiến trường Trị-Thiên, tuy nhiên khi Quân Đoàn II bắt đầu cuộc di tản thì Hà Nội liền cướp thời cơ, ra lệnh cho Đảng Ủy Trị-Thiên mở cuộc tấn công hai Tỉnh địa đầu giới tuyến. Ngày 17 tháng 2 năm 1975, Quân Ủy Trung Ương đã gửi điện văn mang số 860 do Võ nguyên Giáp ký gửi cho Thường Vụ và Quân Khu B4 (Trị-Thiên) và Thường Vụ Đảng Ủy B5 (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên v.v…) để “chỉ dạo Trị- Thiên khẩn trương đẩy mạnh hoạt động mọi mặt”.
Điện văn này nói rằng “Ta thắng to, tình hình phát triển nhanh và thơi cơ lớn đang đến sớm hơn ta dự kiến, Quân Ủy Trung Ương ra lệnh Trị Thiên đẩy mạnh tấn công để chia cắt chiến lược giữa Huế-Đà Nẵng, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân ở vùng ven Huế, đẩy mạnh binh vận v.v…”. [Văn Kiện Đảng: Trang 148.]
Vào đầu tháng 3 năm l975, tình hình tại Vùng I tương đối chưa có gì trầm trọng vì vùng này đang được bảo vệ bởi một lực lượng trên 5 Sư Đoàn: Sư Đoàn 1 Bộ Binh, Sư Đoàn Nhảy Dù và Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến chịu trách nhiệm phòng thủ từ Huế ra Quảng Trị, tại vùng Quảng Nam-Đà Nẵng và Quảng Ngãi- Quảng Tín có hai Sư Đoàn 2 và 3 Bộ Binh cùng với 2 Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, 4 Liên Đoàn Biệt Động Quân và 1 Lữ Đoàn Thiết Kỵ. Về phía cộng sản, có các sư đoàn 341, 325C, 324B, 711 và nhiều trung đoàn độc lập như trung đoàn 52, 4, 5, 6, 27, 31, 48, 51, 270 và 271 cùng với 3 trung đoàn đặc công 4, 5, 126, ba trung đoàn xe tăng 202, 203 và 573 thêm vào đó còn có 12 trung đoàn cao xạ phòng không và 8 trung đoàn pháo binh. Như vậy, về quân số thì cán cân lực lượng đã nghiêng về phía Bắc Việt, nhưng Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Vùng I rất lạc quan vì ông tin tưởng rằng các đơn vị của ông có đủ khả năng để đương đầu với quân cộng sản.
Tuy nhiên tình hình thay đổi rất bất ngờ sau khi cộng sản chiếm Ban Mê Thuột: Vì Bộ Tổng Tham Mưu không còn quân trừ bị, Tổng Thống Thiệu ra lệnh rút Sư Đoàn Nhảy Dù từ Vùng I về Saigon. Ngày l3 tháng 3 Trung Tướng Trưởng về Saigon tham dự một phiên họp tại Dinh Độc Lập dưới sự chủ tọa của Tổng Thống Thiệu và sự hiện diện của Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Đại Tướng Cao Văn Viên, Trung Tướng Đặng Văn Quang và Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn Tư Lệnh Vùng III.
Theo Đại Tướng Cao Văn Viên thì trong phiên họp này,
“Tổng Thống Thiệu đã phân tích tình hình chung và những khó khăn của Việt Nam Cộng Hòa . Tổng Thống Thiệu tuyên bố rằng trong hoàn cảnh nầy, Quân Đội đang trong hoàn cảnh này Quân Đội không làm gì khác hơn là thay đổi chiến lược, tái phối trí lực lượng để giữ các vùng đất đai đa phì nhiêu có nhiều tài nguyên. Nếu chúng ta phải bỏ một số rừng núi cho cộng sản để giữ lại những vùng màu mỡ, nhiều khoáng sản gồm có thềm lục địa thì chúng ta cũng phải chấp nhận. Thà vậy còn hơn phải đứng chung một chính phủ liên hiệp với cộng sản. Vùng đất mà Tổng Thống Thiệu nói đến là Đà Nẵng.
Về vấn đề tái phối trí quân chuyện này tự Tổng Thống Thiệu nghĩ ra một mình, chưa hề tiết lộ trong một buổi bọp nào. Sư Đoàn Nhảy Dù sẽ rời Vùng I, kế đó là Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, nếu tình bình phòng thủ của Vùng I không bị ảnh hưởng khi hai đơn vị trên rút đi. Rút hai đơn vị trên ra khỏi Vùng I sẽ cho phép Quân Đội tái lập các lực lượng Tổng Trừ Bị.
Cùng với việc rút quân khỏi Vùng I, Tổng Thống Thiệu cũng cho phép Trung Tướng Toàn rút quân ra khỏi An Lộc và sử dụng lực lương đó vào những kế hoạch phòng thủ nơi nào cần nhất Ở Vùng III”.
Đại Tướng Cao Văn Viên cho biết thêm là 6 ngày sau, 19 tháng 3 Dinh Độc Lập lại gọi Tướng Trưởng về họp thêm lần nữa với thành phần như lần trước, tuy nhiên lần này còn có thêm sự hiện diện của Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Tướng Trưởng trình bày hai kế hoạch rút quân:
Sử dụng Quốc Lộ 1 làm trục chính và cùng lúc rút quân từ Huế về Đà Nẵng và từ Chu Lai về Đà Nẵng.
Giả định cộng quân cắt đứt Quốc Lộ 1, trong trường hợp đó ta sẽ rút về 3 cứ điểm Chu Lai, Huế và Đà Nẵng, tuy nhiên Chu Lai và Huế chỉ là những nơi tập trung quân, từ đó dùng phương tiện Hải Quân về Đà Nẵng. Đà Nẵng sẽ là điểm phòng thủ chính với 4 Sư Đoàn Bộ Binh và 4 Liên Đoàn Biệt Động Quân.
Trong hai kế hoạch này thì kế hoạch 1 gặp nhiều khó khăn vì cộng sản gia tăng hoạt động đóng chốt Quốc Lộ 1 và làn sóng dân tỵ nạn cũng ùn ùn chạy về Đà Nẵng, Quân Đội khó bề di chuyển. Do đó, theo Tướng Trưởng thì chỉ còn một sự chọn lựa, đó là kế hoạch 2 và chúng ta phải thi hành trước khi quá trễ.
Sau đó Tướng Trưởng cũng hỏi thẳng Tổng Thống Thiệu về tin đồn ông muốn đưa Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến về Vùng III ông muốn biết ý định của Tổng Thống Thiệu vì nếu đó là sự thật thì kế hoạch của ông sẽ bị ảnh hưởng.
Tổng Thống Thiệu ở trong tình trạng khó xử vì ông là người ra lệnh di tản và cuộc di tản ở Cao Nguyên là một thất bại, gây nao núng cho tinh thần Quân Đội vì cũng có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch khác. Do đó ông không nhắc gì đến chuyện di tản mà chỉ ra lệnh cho Tướng Trưởng giữ những phần đất nào ông còn có thể giữ được với số quân dưới tay ông, kể cả Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến.
Sau khi tránh trả lời câu hỏi của Tướng Trưởng, Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho Trung Tướng Quang soạn cho ông một bài diễn văn để ông đọc trên Đài Phát Thanh cho toàn dân biết ý định của ông: Ông muốn trấn an dân chúng, cho bọ biết là chính phủ Việt Nam Cộng Hòa sẽ bảo vệ Huế đến cùng.
Tổng Thống Thiệu không nhắc gì đến vấn đề dân tỵ nạn hay di tản. Ông và Thủ Tướng Khiêm không đá động gì đến vấn đề của Tướng Trưởng đặt ra về tỵ nạn. [Cao Văn Viên: Sách đã dẫn. Trang 161-164].
Tuy nhiên theo tin của người Mỹ thì Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm sau đó đã nói riêng cho Trung Tướng Trưởng biết rằng quả thực có kế hoạch rút Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến về Saigon. [The Fall of the South: Trang 69.]
Khi Tướng Trưởng về đến Đà Nẵng vào lúc 6 giờ chiều ngày 19 tháng 3 thì Trung Tướng Lâm Quang Thi, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn I báo cáo cho ông biết là Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của ông tại Huế đang bị cộng quân pháo kích và quân cộng sản đã tiến qua sông Thạch Hãn mở các cuộc tấn công vào các đơn vị ở Quảng Trị.
Vào ngày 17 tháng 3, vốn là những người đã có quá nhiều kinh nghiệm với cộng sản trong những ngày đầy chết chóc năm Mậu Thân, với sự pháo kích vô nhân đạo vào người thường dân chạy loạn trên “Đại Lộ Kinh Hoàng” trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, khi đoán biết việt cộng sắp sửa mở cuộc tổng tấn công, người dân Quảng Trị đã ùn ùn chạy vào Huế và Đà Nẵng khiến cho sự lưu thông trên Quốc Lộ Số 1 bị kẹt và gây ra hỗn loạn tại nhiều nơi.
Ngày 19 tháng 3 Thường Vụ Trung Ương Cục gửi điện văn TVFRO số 295/TV ngày 19 tháng 3 gửi các T (các Tỉnh,) và P.10 (Saigon-Gia Định) thông báo việc địch đã bỏ chạy ra khỏi Quảng Trị tất cả các Ty Sở toàn Tỉnh Quảng Trị chuyển cả về Huế. Quảng Trị nay đã trở thành thành “Thành Phố bỏ ngỏ”, hầu hết dân chúng ở Quảng Trị chạy về Đà Nẵng và Huế. 40 phần trăm công chức Huế chạy vào Đà Nẵng và Saigon. Dân tình Huế hoang mang và cũng chạy vào Đà Nẵng và Saigon. [Văn Kiện Đảng: Trang 152.]
Tỉnh Quảng Trị rơi vào tay cộng sản vào ngày 19 tháng 3 sau đó Quân Đoàn I ra lệnh cho các đơn vị thuộc Sư Đoàn 1, Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân rút về lập tuyến phòng thủ ở sông Mỹ Chánh, cách Thành Phố Huế chừng 10 cây số về phía Bắc.
Sáng ngày 20 tháng 3 Tướng Trưởng bay ra Bộ Chỉ Huy của Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến và đã chủ tọa một phiên họp với các cấp chỉ huy chiến trường để bàn về kế hoạch phòng thủ Huế như Tổng Thống Thiệu đã ra lệnh phải giữ bằng mọi giá. Vào giờ phút đó, nói chung thì tuy Quảng Trị bị thất thủ nhưng tình hình ở Huế vẫn chưa có gì quá bi quan và tinh thần quân sĩ cũng rất cao, nhất là sau khi Tổng Thống Thiệu đọc hiệu triệu vào lúc 1 giờ 30 ngày 20 tháng 3 trên Đài Phát Thanh: Ông nhấn mạnh đến lệnh tử thủ Huế bằng mọi giá.
Theo Tướng Cao Văn Viên thì khi Tướng Trưởng trở về Đà Nẵng vào buổi chiều ngày hôm đó thì ông nhận được một Quân Lệnh mật của Dinh Độc Lập gửi khẩn cấp qua Bộ Tổng Tham Mưu: Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho Tướng Trưởng là nếu tình hình bắt buộc thì chỉ cần bảo vệ Đà Nẵng mà thôi. Tổng Thống Thiệu lý luận rằng Quân Đoàn I không đủ quân để bảo vệ ba cứ điểm Chu Lai, Huế và Đà Nẵng cùng một lúc. Cũng trong lệnh này, Tổng Thống Thiệu ra lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù phải về Saigon ngay lập tức và ngay trong đêm đó, Sư Đoàn Dù lên đường về Saigon.
Theo nguồn tin của Mỹ, cũng trong ngày 20 tháng 3 căn cứ vào những tin tức mà gián điệp cộng sản trong Dinh Độc Lập cung cấp, Bắc Việt đã biết rõ ý định rút quân về 3 cứ điểm Huế, Chu Lai và Đà Nẵng, do đó Hà Nội đã ra lệnh cho các đơn vị cấp tốc mở những cuộc tấn công để ngăn không cho các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa từ Huế và Chu Lai rút về Đà Nẵng để bảo toàn lực lượng. Hai sư đoàn 324B và 325C bắt đầu tấn công mãnh liệt vào các đơn vị phòng thủ Huế, nhất là Sư Đoàn 1 và Liên Đoàn 15 Biệt Động Quân. Ngày 21 tháng 3 cộng sản đánh vào Quận Phú Lộc ở giữa Huế và Đà Nẵng và tuy chống trả mãnh liệt nhưng đến trưa ngày 22 tháng 3 thì lực lượng Việt Nam Cộng Hòa bị đẩy lui. Cộng sản chiếm Phú Lộc làm cho sự lưu thông của đồng bào tỵ nạn trên Quốc Lộ 1 bị tắt nghẽn khiến cho tình hình trở nên hỗn loạn. Đến ngày 23 tháng 3 thì Huế hoàn toàn bị cô lập, không còn liên lạc được với Đà Nẵng bằng đường bộ. Thành Phố Huế bắt đầu bị pháo kích lẻ tẻ, tuy không gây thiệt hại gì nhưng đã làm cho tinh thần dân chúng hoang mang kinh sợ và bắt đầu hỗn loạn. Người Mỹ ra lệnh di tản tất cả các Cố Vấn Mỹ còn lại vào Đà Nẵng bằng trực thăng.
Trong thời gian đó, tình hình ở các Tỉnh phía Nam Đà Nẵng cũng rất là bi quan: Cộng sản chiếm hai Quận Hậu Đức và Tiên Phước của Tỉnh Quảng Tín và sau đó thì đến lượt hai Quận Sơn Trà và Trà Bồng của Tỉnh Quảng Ngãi phải di tản. Ngày 24 tháng 3 sư đoàn 711 và trung đoàn 52 xe tăng của cộng sản tấn công vào Tam Kỳ và sau đó thì Tỉnh Quảng Tín bị thất thủ. Hàng chục ngàn đồng bào tỵ nạn ùn ùn kéo nhau về Đà Nẵng khiến cho tình hình vô cùng hỗn loạn. Cùng thời gian đó, cộng quân tấn công vào Tỉnh Quảng Ngãi và Tỉnh này cũng bị rơi vào tay cộng sản. Một số đơn vị thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh và Tiểu Khu Quảng Ngãi phải rút về Chu Lai rồi từ đó di tản sang Cù Lao Ré cách bờ biển Chu Lai chừng 50 cây số.
Như vậy là vào ngày 24 tháng 3 hai Tỉnh cực Nam của Vùng I Chiến thuật là Quảng Tín và Quảng Ngãi và Tỉnh cực Bắc là Quảng Trị đã bị cộng sản chiếm đóng, Vùng I chỉ còn có một phần Tỉnh Quảng Nam, Huế và Đà Nẵng. Sáng hôm đó, Tướng Trưởng ra lệnh cho Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến rút về bãi biển Thuận An dưới sự yểm trợ của một số đơn vị thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Từ Thuận An, Hải Quân sẽ phụ trách di tản Sư Đoàn này về Đà Nẵng.
Đến ngày 25 tháng 3 lực lượng của Quân Đoàn I đã bị thiệt hại đáng kể, tinh thần binh sĩ xuống thấp vì lo cho số phận gia đình của họ.
Trong khi đó, Tướng Trưởng lại nhận thêm một lệnh mới của Tổng Thống Thiệu: Dùng 3 sư đoàn cơ hữu để phòng thủ Đà Nẵng, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến sẽ làm trừ bị. Vì Quốc Lộ 1 đã bị tràn ngập đồng bào tỵ nạn và cộng sản đã cắt Quốc Lộ 1 tại Phú Bài và các vùng phía Nam Huế, Tướng Trưởng ra lệnh cho Sư Đoàn 1 Bộ Binh phải rút về Cửa Tư Hiền, tại đó Hải Quân và Công Binh sẽ bắc một cây cầu đi vào đất liền và đoàn quân có thể đi bộ qua Đèo Hải Vân về Đà Nẵng.
Mặc dù gặp nhiều trở ngại phải mất nhiều thì giờ để tách ra khỏi đồng bào tỵ nạn bám sát theo họ, nhưng Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến vẫn đến được Thuận An để được di tản bằng đường thủy. Phó Đề Đốc Hải Quân Hồ Văn Kỳ Thoại, cháu nội của Nhà Văn Hồ Biểu Chánh, dù chỉ mới nhận được lệnh tối hôm trước, nhưng ông đã thành công trong việc tổ chức di tản gần 50.000 người bằng 100 chiếc tàu đủ loại: Tàu Hải Quân, ghe đánh cá, thuyền buôn, xà lan v.v…bất cứ phương tiện nào mà ông tìm được ở Đà Nẵng.
Sư Đoàn 1 Bộ Binh theo sau Thủy Quân Lục Chiến không được may mắn như vậy. Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Điềm, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 đã tập họp một số sĩ quan và binh sĩ dưới quyền ông để nói vài lời từ biệt vô cùng cảm động và ông kết thúc với câu “mạnh ai nấy chạy”, sau đó thì một số binh sĩ đã bỏ hàng ngũ để đi tìm thân nhân, gia đình của họ, hàng chục ngàn binh sĩ và thường dân đã tranh nhau tìm đường thoát thân khiến cho con đường từ Thuận An vào phía Nam trở thành hỗn loạn. Quân cộng sản Bắc Việt đã biết được ý định của Sư Đoàn 1 Bộ Binh tìm cách di tản vào Đà Nẵng cho nên họ đã gia tăng pháo kích truy tập các đơn vị này và đã làm cho nhiều người bị thiệt mạng. Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Điềm cũng bị thiệt mạng trong thời gian đó.
Thành Phố Huế được xem như là bị bỏ ngỏ từ tối hôm 25 tháng 3 sau khi Sư Đoàn 1 Bộ Binh rút về Thuận An và Cửa Tư Hiền.
Ngày 26 tháng 3 sóng to gió lớn tại vùng bờ biển Tỉnh Thừa Thiên khiến cho việc di tản bằng đường biển gặp rất nhiều trở ngại, thủy triều lại dâng cao cho nên việc xây cầu tại Cửa Tư Hiền cũng không thể hoàn tất. Cộng quân pháo kích liên miên vào đám binh sĩ và người tỵ nạn lên tới gần 100 ngàn người bị kẹt lại tại đây do đó đã làm cho họ kinh hoàng và trở thành hỗn loạn không còn kiểm soát được. Theo Đại Tướng Cao Văn Viên cho biết thì chỉ có một phần ba tổng số quân về được đến Đà Nẵng nhưng khi về đến nơi thì trừ các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến, phần còn lại cũng không còn hữu dụng nữa vì họ lo đi tìm thân nhân, gia đình thất lạc tại các trại tỵ nạn chứ không còn theo hàng ngũ hay đơn vị nào nữa. Một nhân viên của Phòng Tùy Viên Quân Lực Hoa Kỳ DAO ghi nhận rằng ông ta nhìn thấy những người lính mặc quân phục theo người tỵ nạn từ các ghe thuyền đi xuống nhưng không hề có ai, không hề có đại diện của một đơn vị nào được tổ chức để đón tiếp họ và họ cũng trở thành người tỵ nạn.
Ngày 27 tháng 3 tất cả kế hoạch phòng thủ Đà Nẵng trở thành vô hiệu trước sự rối loạn và phẫn nộ của những người tỵ nạn. Trong khi đó, từ hướng Bắc Đà Nẵng, hai sư đoàn 324B và 325C cùng với một trung đoàn xe tăng và hai trung đoàn pháo binh của cộng sản tiến theo thung lũng Núi Tượng bao vây hướng Tây Thành Phố, từ hướng Nam, sư đoàn 711 phối hợp với sư đoàn 304 và một số đơn vị yểm trợ đã đánh dọc theo sông Thu Bồn chiếm hai Quận Đại Lộc và Dục Đức [Đức Dục]. Từ giây phút đó, Đà Nẵng nằm trong tầm đại bác của cộng sản.
Ngày 28 tháng 3 Tướng Trưởng họp khẩn cấp với các Chỉ Huy Trưởng và một số biện pháp đã đưc áp dụng để vãn hồi an ninh trật tự và tái trang bị các đơn vị di tản đang hiện diện trong Thành Phố Đà Nẵng. Một số Quân Nhân được xung vào Quân Vụ Thị Trấn Đà Nẵng nhằm giữ trật tự, nhưng trật tự không thể nào vãn hồi được vì với làn sóng người tỵ nạn từ Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Tín Quảng Ngãi đổ về, Thành Phố Đà Nẵng lúc đó đã tăng lên trên hai triệu người. Thành Phố Đà Nẵng đang chìm trong hỗn loạn và vô Luật Pháp.
Sáng sớm ngày 28 tháng 3 Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Đà Nẵng đã cho di tản tất cả nhân viên và người ngoại quốc còn lại xuống 2 chiếc xà lan và được tàu kéo đưa ra tàu chở hàng hóa Pioneer Contender đậu ngoài khơi Đà Nẵng. Kể từ khi Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đổ bộ lên Đà Nẵng vào ngày 8 tháng 3 năm 1965, đúng 10 năm 20 ngày sau đó thì người Mỹ cuối cùng rời khỏi Đà Nẵng trong hỗn loạn.
Tối 28 tháng 3 cộng quân pháo kích vào Phi Trường, căn cứ Hải Quân, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn và các căn cứ Quân Sự rất mãnh liệt và chính xác nhờ những đặc công trà trộn vào đám người tỵ nạn hướng dẫn tác xạ. Tướng Trưởng báo cáo với Bộ Tổng Tham Mưu tình hình tại Đà Nẵng và ông cũng gọi cho Tổng Thống Thiệu xin di tản ra khỏi Đà Nẵng bằng đường biển.
Theo Tướng Cao Văn Viên thì trong cuộc điện đàm này:
“Tổng Thống Thiệu không cho Tướng Trưởng lệnh rõ ràng. Tổng Thống Thiệu không nói thẳng là ông muốn Tướng Trưởng rút quân hay nằm lại tử thủ. Ông chỉ hỏi Tướng Trưởng có thể di tản bao nhiêu quân về nơi an toàn được trong trường hợp phải di tản. Có thể ông ta lo lắng về các sự việc đã xảy ra. Cuộc tái phối trí nầy có thể trở thành một thảm kịch như đã diễn ra ở Cao Nguyên. Ông ta muốn tránh cho mình các nỗi đau khổ khi phải ra lệnh như vậy một lần nữa.
Sau cuộc điện đàm, mọi liên lạc giữa Saigon với Quân Đoàn I bị cắt đứt vì pháo kích của địch. Tướng Trưởng lập tức ra lệnh triệt thoái quân khỏi Đà Nẵng khi thấy tình hình không còn hy vọng. Tướng Trưởng họp với Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư Lệnh Hai Quân Vùng I và các Chỉ Huy Trưởng để hẹn địa điểm rút quân. Ba địa điểm tập họp để xuống tàu là dưới chân Đèo Hải Vân, núi Non Nước và cửa khẩu Hội An.
Rạng sáng ngày 29 tháng 3 năm 1975, sương mù bao phủ dọc theo bờ biển, ngoài khơi tàu Hải Quân có mặt ở điểm hẹn, nhưng thủy triều xuống thấp nên tàu không tiến sát gần bờ được. Binh lính phải lội ra xa để lên tàu nhưng cuộc di tản không gặp nhiều trở ngại cho lắm cho đến khi quân cộng sản nhìn thấy được quân ta đang rút lui cho nên đã pháo kích vào các điểm tập trung quân cũng như tàu đang đậu ngoài khơi làm cho rất nhiều binh sĩ bị chết vì đạn đại bác cũng như là bị chết chìm. Đoàn tàu của Hải Quân di tản được khoảng 6.000 Thủy Quân Lục Chiến, 3.000 Quân Nhân thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh và một số Quân Nhân thuộc nhiều đơn vị khác. [Cao Văn Viên: Sách đã dẫn. Trang 172-174.]
Kể từ khi cộng sản Bắc Việt khởi sự tấn công Tỉnh Quảng Trị vào ngày 19 tháng 3 cho đến khi Đà Nẵng và toàn thể các Tỉnh thuộc Vùng I Chiến Thuật thất thủ vào ngày 29 tháng 3 năm 1975, chỉ vỏn vẹn có 10 ngày mà không hề có một trận đánh lớn nào xảy ra. Hai Tướng lãnh tại Vùng I là Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại và Thiếu Tướng Bùi Thế Lân, Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến phải lội bộ đến một khu bờ biển sỏi đá rồi bơi ra một tàu Hải Quân đang đậu ở ngoài bờ. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I và Vùng 1 Chiến Thuật phải lội xuống biển và nhờ một Sĩ Quan Tùy Viên nâng đỡ, ông mới leo lên được một chiếc tàu tuần tiễu rồi sau đó được đưa lên soái hạm của Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại.
Đại Úy Nguyễn Văn Nhựt cho người viết biết rằng khi Đại Tướng Cao Văn Viên nhận lời Tân Tổng Thống Trần Văn Hương ở lại giữ chức vụ Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sau khi ông Thiệu từ chức, ông có gửi một văn thư lên Tổng Thống Trần Văn Hương đề nghị cử Trung Tướng Ngô Quang Trưởng giữ chức vụ Phó Tổng Tư Lệnh nhưng Cụ Hương để hồ sơ đó sang một bên. Đại Úy Nhựt nói rằng mấy ngày sau, ông cố ý để hồ sơ đó trước mặt Cụ Hương một lần nữa nhưng Cụ lại gạt sang một bên và nói với Đại Úy Nhựt rằng:“Trung Tướng Ngô Quang Trưởng cũng đang bị điều tra về trách nhiệm ở Vùng I cho nên đến chừng nào mà cuộc điều tra chưa kết thúc thì không thể giao cho ông ta một chức vụ nào cả”.
(còn tiếp)
◾◾◾◾◾◾
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét