Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




8. BỐI CẢNH TRƯỚC THÁNG 4-1975 - TRẬN BAN MÊ THUỘT

Trần Đông Phong

Nghị Quyết ngày 20 tháng 1 năm 1975.

Sau hội nghị của Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng vừa kết thúc ngày 8 tháng 1 năm 1975, chưa đầy hai tuần sau đó, Bộ Chính Trị Đảng Lao Động Việt Nam lại thông qua một bản nghị quyết ngày 20 tháng 1 năm 1975 về “Quyết Tâm Hoàn Thành Cách Mạng Dân Tộc Dân Chủ ở Miền Nam”.

Bản nghị quyết này dài 34 trang, gồm có 3 phần:

Phần đầu là phần nhận định về tình hình tại Miền Nam từ sau ngày Hiệp Định Ba Lê được ký kết dài 11 trang trong đó có đoạn thú nhận rằng “ta đã chủ trương ký kết Hiệp Định Paris, đuổi được đội quân viễn chinh Mỹ và chư hầu ra khỏi nước ta, mà ta vẫn duy trì củng cố hơn nửa (1/2) lực lượng của ta ở Miền Nam làm cơ sở để phát triển tấn công, lợi dụng tình hình suy yếu của quân ngụy sau khi Mỹ rút đi để từng bước làm thay đổi so sánh (tương quan) lực lượng về mọi mặt, tiến tới tiêu diệt và đánh đổ chúng.

Phần nhận định này đã kết luận như sau:

“Lực lượng của ta là lực lượng độc lập dân tộc của cả nước gắn liền với lực lượng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, vì vậy chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn thuận lợi như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất tổ quốc giữa lúc phong trào ba nước Đông Dương đang trên đà tấn công mạnh mẽ dành thắng lơi ngày càng to lớn”.

Phần thứ hai dài 12 trang nói về Quyết Tâm Chiến Lược: Bộ Chính Trị hạ quyết tâm động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, trong thời gian 1975-1976 đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại giao, làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện tương quan lực lượng trên chiến trường Miền Nam theo hướng có lợi cho ta, tiến hành rất khẩn trương và hoàn thành công tác chuẩn bị mọi mặt, tạo điều kiện chín mùi tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ trung ương đến địa phương, dành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng Miền Nam, thực hiện một Miền Nam Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, trung lập, phồn vinh tiến tới thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

Phần thứ ba dài 9 trang nói về việc nắm vững phương hướng một số công tác lớn:

“Kế hoạch chiến lược năm 1975 là thể hiện 3 đòn chiến lược: Đòn chủ lực, đòn phá bình định và đòn đô thị, nhằm tạo điều kiện đầy đủ để tổng công kích, tổng khởi nghĩa.

Kế hoạch năm 1975 có ý nghĩa rất quan trọng là kế hoạch “bản lề”, chuyển nhanh tương quan lực lượng có lợi cho ta, sẵn sàng nắm thời cơ và tạo điều kiện đầy đủ cho tổng khởi nghĩa.

Năm 1976: Khi đã có đủ điều kiện và thời cơ, ta phát động tổng công kích, tổng khởi nghĩa, sử dụng toàn bộ lực lượng của ta ở Miền Nam, có kế hoạch sử dụng lực lượng dự bị chiến lược ở miền Bắc, tập trung lực lượng cao nhất, họp lý nhất ở hướng chủ yếu, tập trung ưu thế binh hỏa lực tiêu diệt từng Sư Đoàn ngụy, vây hãm tập kích Thành Phố, làm tan rã chính quyền địa phương tiến đến thành lập chính quyền cách mạng ở trung ương”.

Phần thứ tư dài chỉ có 4 trang nói về Tập Trung Chỉ Đạo. Trong phần này, bản nghị quyết nói rằng “Bộ Chính Trị cần có kế hoạch trực tiếp theo dõi tình hình và chỉ đạo phối hợp các mặt đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, động viên nhân lực v.v…Bộ Chính Trị cũng theo dõi và chỉ đạo về tinh thần và tư tưởng của tất cả cán bộ cũng như là tổ chức và sắp xếp cán bộ và sau cùng là lệnh cần phải tuyệt đối giữ bí mật về kế hoạch này

Bản nghị quyết này do chính Lê Duẫn ký nhân danh là Bí Thư Thứ Nhất thay mặt cho Bộ Chính Trị Đảng Lao Động Việt Nam. [Văn Kiện Đảng: Trang 32-70.]

Bản nghị quyết ngày 20 tháng 1 là một văn kiện vô cùng quan trọng của Bộ Chính Trị, lập trường cứng rắn hơn so với bản nghị quyết ngày 8 tháng 1, tuy nhiên trong bản nghị quyết này, nhóm lãnh đạo Hà Nội vẫn còn nhắc đến mục tiêu năm 1976 và có thể qua đến năm 1977 “Về xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang: Chuẩn bị lực lượng cho năm 1975, năm 1976 và sẵn sàng cho cả năm 1977″. Như vậy thì vào thời gian đó, Hà Nội vẫn còn chưa có định tổng tấn công để chiếm trọn Miền Nam vào năm 1975.

Trận Ban Mê Thuột

Nắm chắc được yếu tố người Mỹ sẽ bỏ rơi Miền Nam, cộng sản Bắc Việt thi hành Chiến Dịch 275 dưới quyền chỉ huy của Thượng Tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Đội Nhân Dân vừa mới được cử vào Miền Nam cùng với Bộ Tham Mưu gồm có Đinh đức Thiện, Trần ngọc Hiền v.v…mang bí danh là Đoàn A-75. Vào ngày 10 tháng 3 năm l975, cộng sản tung năm sư đoàn 312, 316, 320, 341 và F-10 chính quy của cộng sản Bắc Việt tấn công vào Ban Mê Thuột, nơi đặt Bộ Tư Lệnh của Sư Đoàn 23 Bộ Binh của Việt Nam Cộng Hòa cùng với các đơn vị yểm trợ, tuy nhiên các Trung Đoàn chủ lực của Sư Đoàn này thì đang trấn đóng chung quanh Pleiku.

Theo Đại Tướng Cao Văn Viên thì vào đầu năm 1975, Phòng 2 Tình Báo của Quân Đoàn II có đủ ước tính về hoạt động và mục tiêu của địch vào giữa tháng 2 năm 1975, theo đó thì có ít nhất là 5 sư đoàn chính quy của cộng sản Bắc Việt đang hiện diện trong vùng chung quanh Ban Mê Thuột và Pleiku. Tuy nhiên các tin tức tình báo này tường trình lên cho Quân Đoàn không được Thiếu Tướng Phạm Văn Phú lưu tâm và cứu xét vì trong thâm tâm thì vị Tư Lệnh Quân Đoàn II cho rằng các hoạt động của cộng sản chung quanh Ban Mê Thuột chỉ là chiến thuật nghi binh, Ban Mê Thuột chỉ là diện và Tướng Phú nghĩ rằng Pleiku mới là điểm, Pleiku mới chính là mục tiêu của cộng sản Bắc Việt. Với quan niệm như vậy, Tướng Phú giao nhiệm vụ phòng thủ Ban Mê Thuột cho một Liên Đoàn Biệt Động Quân cùng với các lực lượng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân mà phần lớn là người Thượng.

Theo Đại Tướng Cao Văn Viên thì: “Đầu tháng 3 năm 1975, khi nhận được tin sư đoàn 320 của Bắc Việt đang di chuyển về hướng Ban Mê Thuột, Đại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn II đã khẩn cầu Tướng Phú đưa toàn bộ 3 Trung Đoàn của Sư đoàn 23 về phòng thủ Ban Mê Thuột, nhưng vào phút chót nghe theo lời Cố Vấn của vị Tư Lệnh Sư Đoàn 23 là Chuẩn Tướng Lê Trung Tường, Tướng Phú mới ra lệnh chỉ cho một Trung Đoàn, Trung Đoàn 53, từ Pleiku về tăng cường phòng thủ cho Ban Mê Thuột”. [Nguyễn Kỳ Phong : Sách đã dẫn. Trang 122-123.]

Một nhân vật khác tại Vùng II là Trung Tá Ngô Văn Xuân có kể lại cho biết chính Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng biết rõ về dự định tấn công này của cộng sản đúng một tháng trước ngày Ban Mê Thuột bị tấn công. Trung Tá Xuân là Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 44 thuộc Sư Đoàn 23 cho biết rằng “vào dịp Tết Ất Mão, ngày 11 tháng 2 năm 1975, nhân dịp Tổng Thống Nguyễn Văn Thíệu viếng thăm các Chiến Sĩ ngoài mặt trận, tại Bộ Chỉ Huy hành quân của Trung Đoàn 44 trong căn cứ 801, Trung Tá Điều Ngọc Chuy, Trưởng Phòng 2 Sư Đoàn đã có trình bày và nhấn mạnh đến việc khai thác một hàng binh cộng sản là Thượng Sĩ Sính thuộc sư đoàn 320 của cộng sản Bắc Việt, anh ta cho biết là Bắc Việt sẽ tấn công vào Ban Mê Thuột với 4 sư đoàn: Sư đoàn 320, 968, F10 và một sư đoàn không rõ danh hiệu (về sau thì biết rõ đó là sư đoàn 316) cùng với sự yểm trợ của 1 trung đoàn chiến xa, 2 trung đoàn pháo binh và 1 trung đoàn đặc công.

Sau khi nghe như vậy thì Tổng Thống Thiệu quay sang hỏi Tướng Phạm Văn Phú và Tướng Phú đáp rằng: “Có thể cộng sản đưa ra kế trá hàng nhằm đánh lạc hướng ta”. Theo Tướng Phú thì Ban Mê Thuột chỉ là “diện” còn Pleiku mới là “điểm” vì Pleiku có cơ sở đầu não, nếu địch tiêu diệt được thì chúng sẽ dễ dàng chế ngự toàn thể Vùng Cao Nguyên.

Sau khi nghe như vậy, Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho Tướng Phú đưa toàn bộ Sư Đoàn 23 Bộ Binh và 1 Chi Đoàn chiến xa M.48 về Ban Mê Thuột và hứa sẽ tăng cường cho Quân Đoàn II một Liên Đoàn Biệt Động Quân. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà mãi cho đền ngày 17 tháng 2, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 mới thi hành lệnh của Tổng Thống Thiệu: Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn và Trung Đoàn 45 sẽ di chuyển trước về Ban Mê Thuột, còn Trung Đoàn 44 thì sẽ ở lại chờ bàn giao khu vực trách nhiệm cho Biệt Động Quân rồi sẽ rút sau. 

Vào khoảng 11 giờ ngày 18 tháng 2, trong lúc đoàn xe của Bộ Tư lệnh Sư Đoàn tại Hàm Rồng sắp sửa di chuyển thì Tướng Tường được Lệnh của Quân Đoàn hủy bỏ kế hoạch tái phối trí. Đến 12 giờ trưa Tướng Tường gọi điện thoại nói cho Trung Tá Xuân biết rằng Tướng Phú vẫn giữ nguyên lập luận cho rằng Ban Mê Thuột chỉ là “diện”, Pleiku mới chính là “điểm” của các cuộc tấn công của cộng sản. [Hà Mai Việt: Thép và Máu, tác giả xuất bản, Texas, 2005, trang 172].

Như vậy thì cả hai nguồn tín này đều cho thấy Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đã mắc vào kế “nghi binh” của cộng sản cho nên quá tin tưởng vào lập luận Ban Mê Thuột là diện, Pleiku mới là điểm cho nên khi cộng sản tấn công thì ta chỉ có một Trung Đoàn 53 Bộ Binh phòng thủ Thành Phố này.

Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Darlac có cho biết thêm rằng ông “đã nhiều lần xin tăng cường quân chính quy về phòng thủ Darlac nhưng đến ngày 4 tháng 3 thì Tướng Phú mới bằng lòng cho Trung Đoàn 45 Bộ Binh về Ban Mê Thuột. Lệnh di chuyển đã được ban hành, hai giờ chiều cùng ngày, toàn thể các đơn vị thuộc Trung Đoàn 45 đã lên xe chờ lệnh của Tướng Tường là chuyển bánh. Không ngờ ngay lúc đó, cộng quân Pháo kích vào Thị Xã Pleiku và Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II. Tướng Phú đang ở Nha Trang được báo cáo về vụ pháo kích này đã gọi cho Tướng Tường và không ngần ngại hét lên trong máy: “tôi ra lệnh cho Trung Đoàn 45 Bộ Binh không di chuyển về Ban Mê Thuột nữa, ở lại Pleiku vì mặt trận Pleiku dã bùng nổ rồi”.

Đại Tá Luật cũng cho biết là vào ngày 9 tháng 3, một ngày trước khi cộng sản tấn công, Tướng Phạm Văn Phú đã đến Ban Mê Thuột để duyệt xét tình hình. Khi Đại Tá Vũ Thế Quang, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 23 trình bày về kế hoạch phòng thủ Ban Mê Thuột với những đơn vị như Trung Tâm Huấn Luyện Sư Đoàn 23 Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, Bộ Chỉ Huy Chi Khu Ban Mê Thuột, Hậu Cứ của Thiết Đoàn 3 Kỵ Binh, Kho Đạn Mai Hắc Đế và Trung Đoàn 53 làm trừ bị đóng ở Phi Trường Phụng Dực. Ông cho biết rằng “nghe xong, Tướng Phú có vẻ hài lòng, không chê trách cũng không có chỉ thị đặc biệt nào”.

Đại Tá Luật cho biết thêm là Trung Đoàn 53 do Trung Tá Võ Văn Ân chỉ huy lúc đó đóng ở Phi Trường Phụng Dực tuy gọi là Trung Đoàn nhưng trên thực tế chỉ có Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn và một Tiểu Đoàn Bộ Binh cùng với sự yểm trợ của một Trung Đội Pháo Binh 105 ly mà thôi. Như vậy thì khi cộng quân tấn công vào Ban Mê Thuộc, lực lượng phòng thủ Thị Xã này chỉ có một Tiểu Đoàn Bộ Binh đóng tại Phi Trường Phụng Dực tức là bên ngoài Thành Phố, một vài Tiểu Đoàn Địa Phương Quân và một số đơn vị Tiếp Vận và Hành Chánh, một số Tân Binh đang ở trong thời kỳ huấn luyện, với một lực lượng èo uột như vậy, làm sao mà Ban Mê Thuột lại có đủ khả năng chiến đấu chống lại sự tấn công của 5 sư đoàn Bắc Việt với sự yểm trợ của chiến xa và trọng pháo ?

Không hiểu sau khi nghe tường trình về sự phòng thủ Ban Mê Thuộc, một Thành Phố quan trọng nhất tại Cao Nguyên với một lực lượng như vậy, tại sao mà vị Tư Lệnh Quân Đoàn II lại có thể hài lòng được ? [Hà Mai việt: Sách đã dẫn, trang 334-335]

Theo tài liệu của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp trong cuốn sách “Tổng Hành Dinh Trong Mùa Xuân Toàn Thắng” thì vào lúc đó cộng sản Bắc Việt đang có 4 sư đoàn 10, 316, 320 và 968 cùng với 4 trung đoàn bộ binh 95A, 95b, 25 và 271 trong vùng Ban Mê Thuộc. Ngoài ra còn có 5 trung đoàn cao xạ phòng không và pháo binh, một trung đoàn xe tăng, một trung đoàn đặc công, hai trung đoàn công binh, một trung đoàn truyền tin và các đơn vị hậu cần và vận tải cùng với sự có mặt của Sư đoàn 3 thuộc Quân Khu 5 của cộng sản làm nghi binh. Bộ Tư Lệnh của mặt trận này được mang bí danh là A.75 được đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Thượng Tướng Văn Tiến Dũng và hai Tướng lãnh khác là Đinh đức Thiện, em ruột của Lê Đức Thọ và Lê Ngọc Hiền. Trong cuốn “Đại Thắng Mùa Xuân”, Tướng Văn Tiến Dũng sau này cho biết vào đầu tháng 3 năm 1975, khi Quân Ủy Hội của cộng sản Bắc Việt đang họp ở Hà Nội để thảo luận chi tiết về việc đánh Ban Mê Thuột thì Lê Đức Thọ, Ủy Viên Bộ Chính Trị, đã bước vào phòng họp và nghiêm khắc phê bình các cấp chỉ huy quân sự như sau: “Chúng ta có 5 sư đoàn mà không đánh được Ban Mê Thuột là thế nào ?”

Ngoài những đơn vị tác chiến nói trên, cộng sản Bắc Việt còn có thêm một lực lượng pháo binh vô cùng hùng hậu để tham dự vào trận tấn công vào Thành Phố Ban Mê Thuột. Trong cuốn sách “Pháo Binh Xuân 1975″, Tướng Doãn Tuế, Tư Lệnh Pháo Binh của Bắc Việt cho biết rằng họ có hai trung đoàn pháo binh 675 và 40, thêm vào có còn có một trung đoàn pháo của sư đoàn 316, một trung đoàn pháo của sư đoàn 10, như vậy là tổng cộng tất cả là 4 trung đoàn pháo binh, quân số còn đông hơn cả một sư đoàn. Tướng Doãn Tuế cho biết rằng trong ba tiếng đồng hồ, từ 2 giờ rưỡi cho đến 5 giờ rưỡi sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975, khi cộng sản mở màn cuộc tấn công vào Thành Phố Ban Mê Thuột, pháo binh của họ đã bắn 500 viên đạn và sau đó từ 8 giờ rưỡi sáng cho đến tối ngày 10 tháng 3 họ đã bắn thêm 5.000 viên đạn. Tướng cộng sản Doãn Tuế cho biết thêm rằng sau đó, cho đến khi họ hoàn toàn chiếm được Ban Mê Thuột, thì pháo binh của họ còn bắn thêm 6.000 viên đạn nữa và như vậy thì Thành Phố Ban Mê Thuột nhỏ bé này đã lãnh tất cả là trên 11.000 viên đạn đại bác của cộng sản trong vòng một tuần lễ.

Tại Vùng Kontum-Pleiku-Ban Mê Thuột thuộc Vùng II Chiến Thuật, về quân số thì Việt Nam Cộng Hòa chỉ có 1 Sư Đoàn Bộ Binh với 3 Trung Đoàn Bộ Binh và 7 Liên Đoàn Biệt Động Quân, tổng cộng vào khoảng 10 Trung Đoàn, trong khi đó về phía cộng sản thì họ có 5 sư đoàn, mỗi sư đoàn có tới 4 trung đoàn, như vậy thì tổng số lên đến 20 trung đoàn. Nếu cộng thêm với những đơn vị pháo binh, chiến xa, phòng không và hậu cần khác, tất cả vào khoảng 15 trung đoàn nữa thì tổng số lực lượng của cộng sản Bắc Việt trong cuộc tấn công vào Ban Mê Thuột lên tới khoảng 35 trung đoàn.

Trong vùng Ban Mê Thuột, về phía Việt Nam Cộng Hòa chỉ có một Trung Đoàn “trừ” vì thực sự chỉ có 1 Tiểu Đoàn Bộ Binh, đó là Trung Đoàn 53 đóng tại Phi Trường Phụng Dực, một Liên Đoàn Biệt Động Quân chừng vài ba Tiểu Đoàn đóng ở Buôn Hô, cách Ban Mê Thuột chừng hơn 30 cây số về hướng Bắc cộng với một số đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân, một số các đơn vị yểm trợ như Quân Y, Quân Cụ, Quân Vận, Quân Nhu, Truyền Tin v.v…theo ước tính của người Mỹ thì tổng số binh sĩ trong các đơn vị tiếp vận không tác chiến này được chừng vào khoảng hai Tiểu Đoàn.

Đại Tướng Cao Văn Viên cho biết rằng “ngày 6 tháng 3, sau khi cộng quân đánh chiếm Thuần Mẫn trên Quốc Lộ 14 và cắt dứt Quốc Lộ 21 ở Bắc Khánh Dương thì Tướng Phú mới bắt đầu nghĩ lại vấn đề. Tuy lo lắng về những biến chuyển, nhung Tướng Phú vẫn chưa dứt khoát với những định kiện của mình về mục tiêu thật của cộng quân. Tướng Phú cho Liên Đoàn Biệt Động Quân đến Ban Mê Thuột không phải để bổ sung cho quân trú phòng mà là để truy lùng và bảo vệ Buôn Hô, một địa điểm cách Ban Mê Thuột khoảng 30 cây số về hướng Bắc. Đích thân Trung Tướng Phú đến Ban Mê Thuột vào ngày 8 tháng 3 để thị sát vị trí phòng thủ và kế hoạch ứng chiến của Thành Phố. Tướng Phú ra lệnh phân phối vũ khí chống chiến xa như súng M 72 và hỏa tiễn TOW. Để đề phòng thêm, ông ra lệnh di chuyển số đạn dược trong kho ra nhiều nơi”. [Cao Văn Viên: Sách đã dẫn, trang 122-123.]

Như vậy thì tỷ lệ quân tác chiến tại Ban Mê Thuột là khoảng 1 Trung Đoàn của Việt Nam Cộng Hòa phải chiến đấu chống lại một số quân cộng sản Bắc Việt đông gấp 20 lần. Tuy nhiên, dù bị tấn công với một lực lượng quá hung hậu như vậy, Trung Đoàn 53 (trừ) cũng đã cầm cự và gây tổn thất nặng nề cho các đơn vị cộng sản tại Phi Trường Phụng Dực khiến cho mũi tấn công vào khu vực nầy bị khựng lại, các tổ kháng cự khác như kho đạn tại Trại Mai Hắc Đế cũng đã anh dũng đẩy lui các cuộc tấn công của bộ binh và xe tăng cộng sản cho đến khi vị Đại Úy chỉ huy kho đạn nầy bị thương vào trưa ngày 10 tháng 3. Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Ban Mê Thuột chống trả rất mãnh liệt các cuộc tấn công bằng bộ binh và chiến xa của địch cho đến khi Trung Tâm Hành Quân bị địch phá hủy hoàn toàn và không còn liên lạc được với bên ngoài, do đó mà Tiểu Khu phải di tản sang Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Sư Đoàn 23. Xe tăng và bộ binh của cộng sản Bắc Việt bao vây tứ bề Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23, tuy nhiên các chiến sĩ phòng vệ đã chống trả vô cùng mãnh liệt cho đến tối hôm đó. Cộng sản đã cho tăng viện thêm sư đoàn 316 nhằm tấn công đứt điểm Bộ Chỉ Huy Tiền Phương Sư Đoàn 23, tuy nhiên, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 23 đã yêu cầu Không Quân oanh tạc vào quân Bắc Việt sát vòng đai phòng thủ khiến cho nhiều chiến xa bị hủy diệt. Chẳng may một trái bom của ta rơi trúng ngay Bộ Chỉ Huy khiến cho tất cả hệ thống truyền tin bị tiêu hủy và Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II cũng như các đơn vị không còn liên lạc được với Bộ Chỉ Huy Tiền Phương và kể từ sang ngày 11 tháng 3 thì Ban Mê Thuột bị xem như thất thủ. Đại Tá Vũ Quang, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 23 và Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng Darlac sau đó bị cộng sản Bắc Việt bắt làm tù binh.

Ngày 14 tháng 3, Trung Đoàn 45 và một Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 44 của Sư Đoàn 23 được trực thăng vận từ Pleiku xuống Phước An, một Quận lỵ cách Ban Mê Thuột chừng 30 cây số về huớng Đông với mục đích giải tỏa cho Ban Mê Thuột. Tuy nhiên Phước An là nơi hàng ngàn người tỵ nạn từ Ban Mê Thuột và các vùng phụ cận chạy về, hàng ngàn binh sĩ thất lạc đơn vị cũng chạy về tập trung tại đó khiến cho tình trạng trở nên thiếu trật tự và hỗn loạn. Ngày 18 tháng 10, cộng sản tấn công và tràn ngập Phước An và sau đó thì toàn Tỉnh Darlac bị xem như là hoàn toàn rơi vào tay quân cộng sản.
Nhận định về việc Ban Mê Thuột bị thất thủ, trong cuốn The Final Collapse, cựu Đại Tướng Cao Văn Viên nói rằng:

Ban Mê Thuột mất vì chúng ta không đủ quân để phòng thủ khi dịch tấn công. Cộng quân không những có những ưu điểm bất ngờ về chiến thuật, họ có luôn thế thượng phong về quân số với 5 sư đoàn bộ binh và các trung đoàn xe tăng và pháo binh yểm trợ. Khi cộng quân tấn công Ban Mê Thuột, chúng ta không đủ quân để cầm cự với quân của Trung Đoàn 53 (trừ), Địa Phương Quân và Nghĩa Quân, lực lượng đó không đủ để đối đầu với 3 sư đoàn cộng sản Bắc Việt và các lực lượng thuộc. Khi Quân Đoàn II quyết định đem quân về giải vây Ban Mê Thuột thì quá trễ: Quân tăng viện đến từng toán nhỏ, đường tiến về Ban Mê Thuột hoàn toàn bị cô lập” [Cao Văn Viên: Sách đã dẫn. Trang 121-123.]

Sau Phước Long, Darlac là Tỉnh thứ nhì của Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản Bắc Việt thôn tính, tuy nhiên về phía Hoa Kỳ thì vẫn không hề có một sự phản kháng chính thức nào trước những vi phạm nghiêm trọng đối với bản Hiệp Định Paris mà Bắc Việt đã ký kết với Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1973.

Ngày 11 tháng 3 năm 1975, Hà Nội gửi một bức điện văn mang số 01/TK của “anh Chiến” tức là Võ Nguyên Giáp gửi cho “anh Tuấn” tức là Văn Tiến Dũng chuyển lời khen ngợi của Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương về việc chiếm được Ban Mê Thuột và kèm theo một số chỉ thị như sau: “Cần phải có tinh thần khẩn trương và mạnh bạo, kịp thời lợi dụng thời cơ để dành thắng lợi lớn, phải nhanh chóng tiêu diệt các đơn vị địch còn lại và nhanh chóng phát triển về hướng Cheo Reo, bao vây và tiêu diệt sau” [Văn Kiện Đảng: trang 111-112]

Sau khi nhận được 4 bức điện văn của Hà Nội. Văn Tiến Dũng đã gởi bức điện văn mang số 05 ngày 14 tháng 3 năm 1975 của ”anh Tuấn” gởi cho bộ chính trị và quân ủy trung ương báo cáo những ý kiến sơ bộ qua một số ngày đầu thực hiện chiến dịch mùa khô 1975 và chủ trương tuyên truyền chiến thắng Buôn Mê Thuột. Trong bức điện văn này Văn Tiến Dũng báo cáo những ưu điểm để rút kinh nghiệm áp dụng vào việc tấn công những Thành Phố khác và ca tụng việc để cho ủy ban nhân dân tỉnh tuyên truyền về chiến thắng của ”nhân dân miền Nam” chứ không phải là của 5 sư đoàn Bắc Việt.

Sau khi chiếm được Ban Mê Thuột một cách quá dễ dàng. Lê Duẫn tuyên bố rằng: Trước đây ta dự kiến 2 năm, nay có Phước Long, Ban Mê Thuột ta có thể đẩy mạnh hơn, đây có phải là mở đầu cuộc tổng tấn công và nổi dậy không ?

(còn tiếp)
◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media


1 nhận xét:

  1. LÊ ĐẠI NGHĨA8/5/13 19:50

    Cuộc chiến :"chống Mỹ cứu nước" của Hà Nội là cuộc xâm lược của bọn tay sai Cộng sản quốc tế. Lời Lê Duẫn nói" ta đánh Mỹ là đánh cho LiênXô và Trung Quốc" chứng minh bản chất nô dịch CS quốc tế mà Hà Nội là tên sen đầm đi đầu -dùng súng đạn Nga Tàu giết người Việt miền Nam, tức rước voi giày mã tổ.
    Hà nội xé toạc Hiệp định Paris vừa kí chưa ráo mực, chứng tỏ bản chất gian manh, lật lọng, tráo trở, chỉ có lũ côn đồ mới làm như thế.
    Chiến tranh VN là một vết nhơ nhuốc trong lịch sử, chẳng có gì phải tự hào: bằng chứng là chính quyền Hà nội, hèn với giặc ác với dân; co đầu rụt cổ, hèn hạ quỳ gối làm nô lệ cho Hán tặc.
    Đời đời lịch sử sẽ ghi nỗi nhục bán biển đảo, bán nước của CSVN.

    Trả lờiXóa