Tri Nhân Media

9. BỐI CẢNH TRƯỚC THÁNG 4-1975 - CUỘC TRIỆT THOÁI BI THẢM

Trần Đông Phong
Ban Mê Thuột bị chính thức xem như là hoàn toàn thất thủ từ ngày 18 tháng 3, vào thời gian đó trong 4 Vùng Chiến Thuật trên toàn quốc, chỉ có Vùng III thì bị mất Tỉnh Phước Long vào đầu tháng Giêng năm 1975 và Vùng II thì mới bị mất Tỉnh Darlac, còn hai Vùng I và Vùng IV thì còn hoàn toàn nguyên vẹn. Hỗn loạn chỉ xảy ra sau khi Quân Đoàn II tại Pleiku được lệnh di tản ra khỏi Vùng Cao Nguyên Trung Phần, ngày nay được cộng sản cải danh là Vùng Tây Nguyên.

Người đã ra lệnh di tản Cao Nguyên là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, với tư cách là Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tuy nhiên sau đó thì lại có những nghi vấn, những điều bàn cãi, tranh luận về vấn đề ai là người phải chịu trách nhiệm trong vụ thảm bại ở Cao Nguyên.

Trong số năm nhân vật tham dự phiên họp này tại Cam Ranh thì Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đã tử tiết vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã từ trần vào cuối năm 2001, Đại Tướng Trần Thiện Khiêm và Trung Tướng Đặng Văn Quang không hề tuyên bố hay nói một điều gì một cách công khai, chỉ có Đại Tướng Cao Văn Viên là người duy nhất có tiết lộ một vài điều trong cuốn The Final Collapse được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1983.

Để tìm hiểu về vấn đề này, người viết chỉ tham khảo một số tài liệu của một vài nhân vật về phía Việt Nam và của một cựu Nhân Viên Tình Báo cao cấp của CIA tại Saigon. Những tài liệu này được xem như là có giá trị và đáng tin cậy vì họ là những nhân chứng sống đã có những liên hệ trực tiếp hay gián tiếp trong vụ di tản đầy bi thảm này.

Frank Knepp của CIA

Frank Knepp là một phân tích gia tình báo chiến lược của cơ quan Tình Báo CIA tại Saigon. Ông là Phụ Tá của Thomas Polgar, Giám Đốc Trú Sứ của Văn Phòng CA tại Việt Nam và cũng là người thân cận của Đại Sứ Hoa Kỳ Graham Martin vì ông là người đã soạn thảo những bản báo cáo về chính trị và quân sự cho ông Đại Sứ. Trong thời gian xảy ra vụ di tản Cao Nguyên thì Frank Snepp là một trong những người ở Tòa Đại Sứ đã liên lạc trực tiếp với đại diện của các cơ quan và Hội Thiện Nguyện Hoa Kỳ tại các Tỉnh ở Vùng II để lo việc di tản cho họ vì phía người Mỹ không hề được một thông báo nào của Việt Nam về quyết định di tản này.

Trong cuốn sách Decent Interval xuất bản vào năm 1977, Frank Snepp cho biết rằng vào ngày 14 tháng 3 năm 1975, Ông Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã bay ra Cam Ranh chủ tọa một phiên họp đặc biệt về quân sự với các Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên, Trung Tướng Đặng Văn Quang và Thiếu Tướng Phạm Văn Phú. Frank Snepp nói rằng tối hôm trước, ông Thiệu đã tham khảo với ông “thầy tử vi” của ông và Chuẩn Tướng người Úc hồi hưu Ted Sarong đang làm Cố Vấn cho ông về chiến lược quân sự, người đã đề nghị với Tổng Thống Thiệu từ năm 1974 là nên triệt thoái ra khỏi những vùng “xôi đậu” và chỉ nên giữ những Vùng Duyên Hải mà thôi. Trong khi ông thầy tử vi chỉ đưa ra những ý kiến mơ hồ, Tướng Sarong cho ông Thiệu biết rằng đã quá trễ rồi, nếu bây giờ mới triệt thoái thì không còn kịp nữa. Snepp nói rằng số phận của Vùng Cao Nguyên và có lẽ số phận của cả Miền Nam Việt Nam sau đó sẽ nằm trong tay của ông Thiệu.

Theo Frank Snepp thì Thiếu Tướng Phạm Văn Phú phúc trình lên Tổng Thống Thiệu về tình hình tại Ban Mê Thuột, ông ta nói rằng ông ta bảo vệ được Cao Nguyên trong vòng một tháng nếu Quân Đoàn II được tăng viện về quân số, vũ khí và yểm trợ của Không Quân. 

Nghe như vậy Tổng Thống Thiệu đã trả lời rằng “chính phủ sẽ chẳng có cung cấp sự tăng viện nào về quân số cũng như là vũ khí chiến cụ gì cả. Quân Đội đã phân tán quá mỏng một cách rất là nguy hiểm trên toàn quốc và các các kho vũ khí chiến cụ thì cần phải được giữ ở gần những nơi nào có thể được bảo vệ một cách dễ dàng. Do đó mà không thể nào có khả năng dồn hết lực lượng cho Pleiku và Kontum. Giải pháp duy nhất là bỏ hai Tỉnh này và dùng những lực lượng đó để tăng cường cho Vùng Duyên Hải và yểm trợ cho cuộc phản công tái chiếm Ban Mê Thuột”.

Frank Snepp cho biết rằng Tướng Phú ngồi nghe trong im lặng không có phản ứng gì. Có thể ông ta đã gật như có vẻ đồng ý nhưng chỉ có vậy thôi. Ông ta không đặt câu hỏi nào cũng như là không phản đối lại.

Thấy đã đạt được vấn đề chính, Tổng Thống Thiệu sau đó quay qua vấn đề kế tiếp vô cùng quan trọng, đó là con đường để triệt thoái. Dù rằng Quốc Lộ 19 từ Pleiku đến Quy Nhơn và Quốc Lộ 1 từ Ban Mê Thuột đi về lãnh thổ Vùng III đều đã bị cộng sản cắt đứt, nhưng vẫn còn có hy vọng là đoàn quân triệt thoái có thể vượt qua được, vậy Tướng Phú muốn sử dụng đường nào ?

Đến đây Đại Tướng Cao Văn Viên ngắt lời và cho biết rằng cả hai con đường này đều không đủ điều kiện để cho một đoàn quân, như quân của Tướng Phú hiện đang có, sử dụng để triệt thoái, như vậy thì chỉ còn lại Liên Tỉnh lộ 7B chạy từ phía Nam Pleku qua Tỉnh Phú Bổn về Tuy Hòa. Đây chỉ là một con đường nhỏ lâu nay chỉ được giới “xe be” tức là xe chở cây và gỗ sử dụng, tuy nhiên ta sẽ có được hai lợi điểm: Thứ nhất là không có sự hiện diện của quân cộng sản mà ta đã biết và thứ hai là cộng sản không thể ngờ được rằng ta sẽ dùng con đường đó. Khi Tướng Cao Văn Viên hỏi Tướng Phú ông ta nghĩ như thế nào về sự chọn lựa này thì vị Tư Lệnh Quân Đoàn II lại cũng chỉ gật đầu” [Frank Snepp: Sách đã dẫn. Trang 193.]

Như vậy thì theo Frank Snepp, Tổng Thống Thiệu đã ra lệnh triệt thoái khỏi Pleiku và Kontum và một cách gián tiếp Tướng Cao Văn Viên đề cập đến con đường duy nhất còn có thể dùng được là Liên Tỉnh lộ 7B. Frank Snepp cũng như không có một người Mỹ nào khác đã tham dự phiên họp tại Cam Ranh này, tuy nhiên sự tường thuật của Frank Snepp có thể tin được vì một trong 5 vị Tướng lãnh dự phiên họp này là người của cơ quan Tình Báo CIA của Hoa Kỳ. Frank Snepp cho biết rằng: “Ngày hôm sau 15 tháng 3, Polgar có một cuộc tiếp xúc ngắn ngủi với Trung Tướng Đặng Văn Quang, một “cộng tác viên tại Dinh Độc Lập (palace contact) [Frank Snepp: Sách đã dẫn. Trang 196.]

Trong một đoạn khác, Frank Snepp cho biết thêm rằng: “Cơ quan Tình Báo CIA đã trả lương và nâng đỡ ông Quang trong bao nhiêu năm và đã bảo đảm giúp cho ông ta có một địa vị (Phụ Tá Tổng Thống về An Ninh) bên cạnh ông Thiệu”. [Frank Snepp: Sách đã dẫn. Trang 495.]

Hội Nghị Cam Ranh xảy ra trước khi Miền Nam rơi vào tay Bắc Việt hơn một tháng rưỡi và trong thời gian đó cơ quan Tình Báo CIA có rất nhiều thì giờ để làm “debriefing” (rút ưu khuyết điểm) với những nhân viên địa phương (local contacts,) tức là những người Việt Nam làm việc cho họ, trong đó có cả những nhân vật cao cấp như là Tướng Quang, do đó mà những sự tường trình của Frank Snepp có thể nói không phải là không có căn cứ và xa sự thật là bao nhiêu.

Phạm Huấn, Tùy Viên của Tướng Phú

Nhân vật thứ hai có nói về phiên họp tại Cam Ranh ngày 14 tháng 3 năm 1975, tuy cũng có mặt tại Cam Ranh nhưng không được tham dự cuộc họp, đó là Thiếu Tá Phạm Huấn, cựu Tùy Viên Báo Chí của Tướng Phú. Ông Phạm Huấn cho biết rằng “Ngay sau khi phiên họp chấm dứt, Tướng Phú nói với tôi: Những quyết định trong buổi bọp vừa qua, tôi sẽ nói cho anh hay. Anh là người duy nhất (ngoài 5 vị Tướng lãnh trong buổi bọp) biết những điều đó vì ngay cả vợ tôi tôi cũng không tiết lộ cho biết”

Như vậy thì theo ông Phạm Huấn, dù Tướng Phú đã tự vẫn nhưng trước đó đã có kể lại những chi tiết về buổi họp này cho ông Phạm Huấn biết.

Trong cuốn sách Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975 xuất bản vào năm 1987, ông Phạm Huấn cho biết rằng ông đã được lệnh đi theo Tướng Phạm Văn Phú từ Nha Trang vào Cam Ranh vào sáng ngày 14 tháng 3 năm 1975. Buổi họp được diễn ra tại “Tòa Bạch Dinh” ở Cam Ranh, ngôi nhà do Quân Đội Hoa Kỳ xây cất để đón tiếp Tổng Thống Lyndon Johnson khi ông ghé Cam Ranh để thăm viếng và ủy lạo binh sĩ Hoa Kỳ vào năm 1966. 

Trong phiên họp này, Tổng Thống Thiệu nói rằng:

“Tôi đã tham khảo ý kiến với các Tướng lãnh hiện diện (Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên, Đặng Văn Quang) trong quyết định “tái phối trí” lại các lực lượng chính quy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa để phòng thủ và chống trả hữu hiệu các cuộc tấn công khác của cộng sản Bắc Việt trên bai chiến trường Quân Khu I và Quân Khu II”. Ngừng một chút, Tướng Thiệu hỏi Tướng Phú: Thiếu Tướng Phú, nếu anh được lệnh mang tất cả Chủ Lực Quân, chiến xa và pháo binh của Quân Đoàn II về phòng thủ và bảo vệ những Tỉnh đông dân cư Vùng Duyên Hải, anh sẽ tổ chức, điều động ra sao ?

Tướng Phú hình như đã chờ đợi sẵn để trả lời câu hỏi này của Tướng Thiệu:
- Thưa Tổng Thống, cho tôi được “tử thủ” Pleiku, giữ Cao Nguyên.
Tướng Thiệu cười nhạt:
- Tử thủ? Với quân số, đạn dược hiện có, liệu anh chiến đấu được bao nhiêu ngày với cộng sản?
-Thưa Tổng Thống từ 40 đến 60 ngày.
- Rồi sao nữa ?
- Tôi sẽ chiến đấu đến cùng, cho đến khi không còn được tiếp tế súng đạn, lương thực nữa.

Tướng Thiệu lấy điếu xì gà thứ ba châm hút rồi chậm rãi nói:

- Tôi ra lệnh cho anh mang Chủ Lực Quân, chiến xa, đại bác, máy bay về phòng thủ duyên hải và tổ chức hành quân tái chiếm Ban Mê Thuột. Lệnh này từ cấp Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng trở xuống không được biết. Có nghĩa là các lực lượng Địa Phương Quân vẫn ở lại chiến đấu. Các cơ sở hành chánh 3 Tỉnh Pleku, Kontum, Phú Bổn vẫn tiếp tục làm việc cùng với Tỉnh Trưởng, Quận Trưởng như thường lệ.

Ngừng một lát, Tướng Thiệu kéo một bơi thuốc thật dài. Mặt ông tự nhiên đanh lại nhìn vào các Tướng Khiêm, Viên rồi dõng dạc nói:
- Quyết định mang tất cả Chủ Lực Quân, chiến xa, pháo binh, máy bay của Quân Đoàn II khỏi Pleiku, Kontum, tôi đã thảo luận với các Tướng lãnh. Đây là một quyết định chung của Hội Đồng Tướng Lãnh, như quyết định hôm qua cho Tướng Trưởng ngoài Quân Đoàn I.

- Thưa Tổng Thống, nếu Chủ Lực Quân , Thiết Giáp Pháo Binh rút đi, làm sao mà Địa Phương Quân chống đỡ nổi khi cộng sản đánh? Hơn 100.000 dân hai Tỉnh Pleiku, Kontum và gia đình anh em binh sĩ ?
- Thì cho “thằng cộng sản” số dân đó! Với tình hình nặng nề hiện tại, mình phải lo phòng thủ, giữ được nhũng vùng dân cư đông đúc màu mỡ hơn là bị “kẹt” quá nhiều quân trên Vùng Cao Nguyên.

Ông Phạm Huấn cho biết thêm rằng:

13 giờ 03 phút ngày 14 tháng 3 năm 1975, lệnh triệt thoái Cao Nguyên coi như được hợp thức hóa và ban hành. Không một Tướng lãnh nào chống đối hoặc phát biểu thêm về lệnh nầy. Khi được Tướng Thiệu hỏi về Quốc Lộ 19 và Quốc Lộ 21 để rút quân thì Tướng Viên cho biết Quốc Lộ 19 và Quốc Lộ 21 coi như là không thể sử dụng được bởi vì Quốc Lộ 14, khoảng giữa Pleiku-Ban Mê Thuột địch đã cắt. Lực lượng cộng sản Bắc Việt hiện có 3 sư đoàn quân chính qui tại chiến trường Ban Mê Thuột. Đoàn quân triệt thoái sẽ không thể nào thoát đi được để sử dụng Quốc Lộ 21 từ Ban Mê Thuột về Nha Trang.

Quốc Lộ 19 nối liền Pleiku-Quy Nhơn, nếu lựa chọn, cũng khó thành công. Hai phía Đông và Tây Đèo An Khê đã bị cắt. Lực lượng cộng sản Bắc Việt hiện có 3 sư đoàn quân chánh quy tại chiến trường Ban Mê Thuột. Đoàn quân triệt thoái sẽ không thể nào thoát đi được để sử dụng Quốc Lộ 21 từ Ban Mê Thuột về Nha Trang. Trong cuộc chiến tranh giữa Pháp và Việt Nam trước đây, nhiều chiến đoàn lưu động Pháp bị đánh tan trên đào nầy và không có một cuộc rút quân nào trên Quốc Lộ 19 thành công. 

Tướng Thiệu quay nhìn Tướng Phú đổi giọng thân mật:
- Thế nào Phú? Toa có ý kiến gì không ?
Tướng Phú:
- Trình Tổng Thống và quí vị Tướng lãnh, để giữ được yếu tố bất ngờ, tôi xin đề nghị chọn “đường số 7″ để rút quân khỏi Cao Nguyên vì trên trục lộ nầy không có chủ lực quân Bắc Việt.

Tướng Thiệu:
- Anh nói “đường Liên Tỉnh Lộ số 7″ nối liền Pleiku-Phú Bổn-Phú yên ?
- Trình Tổng Thống, đúng vậy!
- Đường Liên Tỉnh Lộ số 7, hình như đã lâu không được sử dụng. Có nhiều cầu bị hư và mìn, bẫy do các lực lượng Đồng Minh gài từ trước chưa được gỡ bỏ.
Tướng Phú:
- Trình Tổng Thống, ngay từ ngày đầu lên Quân Đoàn tử thủ duyên hải và tái chiếm Ban Mê Thuột (?) Vì tính cách vô cùng quan trọng của cuộc hành quân nàv và để giữ được yếu tố bất ngờ với địch, anh chỉ cho các Tướng lãnh, cấp chỉ huy dưới quyền được biết từng phần của lệnh này và ra lệnh tuyệt đối giữ bí mật với dân chúng.

Tướng Thiệu đứng dậy. Trước khi rời phòng họp, ông bắt tay Tướng Phú:
- Cố gắng nghe Phú! Phải chuẩn bị, tổ chức, tính toán hết sức cẩn thận “plan” thời gian cho thật đúng để giữ được yếu tố bất ngờ. Nếu không, bị quân chính quy cộng sản Bắc Việt kéo tới đánh, một người lính anh cũng không mang ra được khỏi Cao Nguyên.

Tướng Phú đứng nghiêm chào Tướng Thiệu:
- Xin tuân lệnh Tổng Thống. Tôi hiểu ý Tổng Thống dạy.
Phiên họp lịch sử về “quyết định Canh Ranh 14 tháng 3 năm l975″ chấm dứt lúc 13 giờ 29. Tổng cộng 117 phút!!!”

Trong phần ghi chú, tác giả Phạm Huấn ghi rằng: “Quyết Định Cam Ranh 14.3.1975″ được viết qua tiết lộ của Tướng Phạm Văn Phú”. [Phạm Huấn: Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên l975. Tác giả xuất bản, San Jose, 1987. Trang 84-89.]

Đại Tướng Cao Văn Viên

Nhân vật thứ ba được xem như là một nhân chứng quan trọng nhất vì ông là một trong 5 vị Tướng lãnh đã tham dự phiên họp tại Cam Ranh ngày l4 tháng 3 năm 1975, đó là Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Trong cuốn sách The Final Collapse, cựu Đại Tướng Cao Văn Viên cho biết rằng vào ngày 11 tháng 3 năm 1975 -một ngày sau khi Ban Mê Thuột bị tấn công Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã mời Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ Tướng, Trung Tướng Đặng Văn Quang, Cố Vấn về An Ninh Quốc Gia và Đại Tướng Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đến ăn sáng tại Dinh Độc Lập.

Trong buổi họp này, sau khi đề cập đến tình hình nguy kịch trên đất nước, Tổng Thống Thiệu đã nói rằng: “Với khả năng và lực lượng chúng ta đang có, chắc chắn chúng ta không thể bảo vệ được tất cả lãnh thổ chúng ta muốn bảo vệ. Như vậy chúng ta nên “tái phối trí” lực lượng và bảo vệ nhưng vùng đông dân, trù phú vì những vùng đất đó mới thật sự quan trọng.

Quyết định của Tổng Thống Thiệu cho chúng tôi thấy đây là một quyết định ông đã suy xét thận trọng. Hình như Tổng Thống Thiệu đã ngần ngại về quyết định đó và bấy giờ chỉ thổ lộ ra cho ba người chúng tôi trong bữa ăn sáng Tổng Thống Thiệu phác họa sơ những vùng ông nghĩ là quan trọng, gồm Vùng III và IV miền duyên hải và thềm lục địa. Một vài vùng đất quan trọng đang bị cộng sản chiếm, chúng ta sẽ cố gắng lấy lại bằng mọi giá. Những vùng đất cần chiếm lại là nơi đông dân, trù phú có giá trị về lâm sản, nông sản và kỷ nghệ, nhất là Vùng Duyên Hải, nơi thềm lục địa vừa được khám phá ra dầu hỏa. Cuối cùng là vùng đất mà chúng ta không thể nào để mất là Saigon, các Tỉnh lân cận và đồng bằng sông Cửu Long”.

Tướng Cao Văn Viên nói rằng

“Tổng Thống Thiệu bình thản tiếp tục độc thoại về địa lý chính trị của Miền Nam. Chỉ vào vùng Cao Nguyên Trung Phần, Tổng Thống Thiệu nói: Ban Mê Thuột quan trọng hơn hai Tỉnh Pleiku và Kontum nhập lại vì tài nguyên và dân số của Ban Mê Thuột”. Như vậy, chỉ sau vài lời sơ khảo, Tổng Thống Thiệu đã đi đến một quyết định quan trọng. Hậu quả của quyết định đó như thế nào thì chưa biết được nhưng nhìn về quan điểm quân sự, quyết định của Tổng Thống Thiệu có nhiều vấn đề. Tướng Viên nói thêm rằng: “Là cố vấn quân sự của Tổng Thống tôi bắt buộc phải có ý kiến về quyết định của Tổng Thống Thiệu. Tuy nhiên tôi tránh phát biểu gì thêm vì tôi thấy Tổng Thống Thiệu đã quyết định nên ông ta không muốn nghe những ý kiến trái ngựơc. Đã là Tổng Thống, ông Thiệu có thẩm quyền và trách nhiệm chỉ đạo cuộc chiến: Ông ta phải biết ông đang làm gì”.

Về phiên họp 3 ngày sau đó tại Cam Ranh, Đại Tướng Cao Văn Viên cho biết rằng sau khi Tướng Phú phúc trình về tình hình quân sự tại Quân Khu II, “Tổng Thống Thiệu Chỉ hỏi một câu quan trọng nhất: Tướng Phú có thể nào chiếm lại được Ban Mê Thuột không? Câu trả lời của Tướng Phú không xác định mà cũng không phủ định, ông chỉ xin Tổng Thống Thiệu thêm quân tiếp viện. Tổng Thống Thiệu quay qua Tướng Viên: Chúng ta còn bao nhiêu quân trừ bị có thể cung cấp cho Tướng Phú? Tướng Viên nói rằng “Hỏi nhưng chắc chắn Tổng Thống Thiệu đã biết câu trả lời: Bây giờ thật sự chúng ta không còn đơn vị trừ bị nào để tăng viện cho Tướng Phú”.

Đến lượt Tổng Thống Thiệu phát biểu. Đứng trước tấm bản đồ Miền Nam Việt Nam, trong khi Tướng Phú lắng nghe chăm chú, Tổng Thống Thiệu nói đến một chiến lược mới cần được áp dụng. Dùng tay chỉ rõ những vùng đất Tướng Phú cần phải giữ, ông nói Ban Mê Thuột quan trọng hơn Pleiku và Kontum nhập lại về phương diện kinh tế, dân số. Nhiệm vụ của Quân Đoàn II là tái phối trí các đơn vị cơ hữu của Quân Đoàn để chiếm lại Ban Mê Thuột. Và đó là lệnh của Tổng Thống. Sau đó Tổng Thống Thiệu hỏi Tướng Phú tái phối trí ra sao và dùng đường nào để đem quân trở lại Ban Mê Thuột?

Theo Tướng Phú thì Quốc Lộ 19 đã bị cô lập. Quốc Lộ 14 từ Pleiku xuống Ban Mê Thuột cũng bị cô lập, do đó không thể sử dụng được. Quốc Lộ 21 về Nha Trang. Tướng Phú dự định sử dụng Liên Tỉnh Lộ 7B, một con đường phụ tách khỏi Quốc Lộ 14 khoảng 32 cây số ở phía Nam Pleiku, chạy qua hướng Đông Nam qua Phú Bổn (Cheo Reo) về Tuy Hòa ở miền duyên hải. Liên Tỉnh Lộ 7B là một con đường nhỏ, lồi lõm, bị bỏ hoang từ lâu. Trừ một đoạn ngắn bắt đầu từ nhánh chẻ Quốc Lộ 14 về Hậu Bổn có thể sử dụng được, tất cả các đoạn đường còn lại không ai biết tình trạng như thế nào. Nhưng có hai chi tiết chúng ta biết chắc là cầu bắc qua sông Ba phía Nam Cùng Sơn bị phá hủy không còn sử dụng được và đoạn đường chót đi vào Tuy Hòa rất nguy hiểm vì Quân Đội Đại Hàn đã gài mìn phong tỏa trong thời gian bọ phòng ngự vùng nầy.

Tướng Phú nói yếu tố bất ngờ về chiến thuật là quan trọng và sự chọn lựa của ông đặt nặng vào yếu tố bất ngờ đó. Tướng Phú chỉ xin Bộ Tổng Tham Mưu cung cấp vật liệu tiền chế để làm cầu vượt Sông Ba và Tướng Cao Văn Viên chấp thuận ngay yêu cầu đó của Tướng Phú”. Cao Văn Viên: Sách đã dẫn, trang 129-142.

Như vậy thì người ra lệnh “tái phối trí các lực lượng của Quân Đoàn II là ý là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và theo ông Phạm Huấn cũng như là Đại Tướng Cao Văn Viên thì người đề nghị sử dụng Liên Tỉnh Lộ 7B để triệt thoái các đơn vị này là Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II chứ không phải là Đại Tướng Viên như là Frank Snepp đã nói.

Hai ngày sau cuộc họp tại Cam Ranh, vào ngày 16 tháng 3 thì các đơn vị của Quân Đoàn II bắt đầu rút ra khỏi Pleiku và trong hai ngày đầu tiên thì không gặp trở ngại gì. Đến ngày 18 tháng 3 khi đoàn quân đến Hậu Bổn, Tỉnh Phú Bổn, thì bị việt cộng pháo kích và tấn công vào đoàn người và đoàn xe đang bị kẹt. Quân lính và thường dân bị chết và bị thương nằm la liệt, một số binh sĩ người Thượng thuộc Địa Phương Quân và Nghĩa Quân đào ngũ, cướp giật khiến cho tình hình chung quanh Hậu Bổn hoàn toàn náo loạn, không còn trật tự gì nữa. Trong khi đó cây cầu qua Sông Ba vẫn chưa được hoàn tất khiến cho đoàn người bị mắc nghẽn và cộng sản Bắc Việt đã ra lệnh cho hai sư đoàn 320 và 968 liên tục tấn công và pháo kích vào đoàn quân và dân chúng, do đó con số thương vong lại càng gia tăng gấp bội. Ngày 22 tháng 3 cây cầu Sông Ba được ráp xong nhưng vì xe và người tràn lên cầu quá đông khiến cho cầu sập phải mất thêm một thời gian nữa để sửa cầu và cho đến ngày 27 tháng 3 thì đoàn người này mới về đến Tuy Hòa vào khoảng 9 giờ đêm.

Theo Đại Tướng Cao Văn Viên thì “nhìn từ quan điểm quân sự, cuộc triệt thoái hoàn toàn thất bại, hầu như tất cả các đơn vị rút về Kontum-Pleiku đều bị thất bại. Theo Đại Tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II, chỉ có 5 ngàn quân.

Cuộc triệt thoái Cao Nguyên là một thất bại chiến lược về phương diện quân sự: 75 phần trăm lực lượng của Quân Đoàn II gồm Sư Đoàn 23, Biệt Động Quân, Thiết Kỵ, Pháo Binh, Truyền Tin và Công Binh bị tiêu diệt chỉ trong vòng có 10 ngày. Kế hoạch tái chiếm Ban Mê Thuột cũng thất bại vì quân đoàn không còn quân. Cộng sản chiếm được Kontum và Pleiku mà không tốn một viên đạn. Với chiến thắng này, 3 sư đoàn F10, 316 và 320 càng phấn khởi đánh mạnh hơn. Đến lúc đó, cộng sản biết rõ Quân Đoàn II chỉ còn có Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù là lực lượng cuối cùng ngăn cản bước tiến của họ ở Khánh Dương.”

Tướng Viên nói thêm rằng 

Sự tan rã của Quân Đội chúng ta ở Vùng II là một ác mộng cho Quân Đội và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa về phương diện tâm lý và chính trị. Trong thâm tâm, mọi người cảm thấy nghi ngờ, lo lắng, trách móc và đổ lỗi cho nhau về sự thất bại. Lời đồn đại về việc nhường đất cho cộng sản được loan truyền ra và một làn sóng người tìm mọi cách rời Vùng II tìm về vùng đất chưa bị cộng sản chiếm đóng. Vùng I ở hướng Bắc cũng bị ảnh hưởng từ những chấn động đó. Dân chúng rồi lính thất lạc hay bỏ ngũ ùn ùn kéo nhau về hướng Nam. Họ đến Phan Rang, rồi Phan Thiết, rồi từ đó về Saigon”. [Cao Văn Viên: Sách đã dẫn, trang 153-155].

Một số sĩ quan cao cấp thuộc Quân Đoàn II còn sống sót sau trận Ban Mê Thuột và cuộc di tản bi thảm này cũng đã chỉ trích Tướng Phạm Văn Phú về cuộc hành quân triệt thoái đó về tổ chức cũng như là hệ thống chỉ huy. Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng Ban Mê Thuột nói rằng Tướng Phú đã bị lừa để mất Ban Mê Thuột vì không biết địch sẽ tấn công ở đâu và nếu ông biết đọc truyện Tàu đời xưa thì đã biết được trận đánh giữa Hàn Tín với Hạng Võ.

Đại Tá Nguyễn Văn Đồng, Tư Lệnh Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh là người đã di tản trên Quốc Lộ 7B và ông gay gắt chỉ trích đích danh Tướng Phạm Văn Phú đã “nằm trong phòng lạnh ở Nha Trang mà chỉ huy một Quân Đoàn lối 100.000 tay sung đang bị bao vây tại Phú Bổn”. 

Đại Tá Đồng nói rằng: Suốt 4 ngày đạn rơi máu chảy ở Cheo Reo Phú Bổn, tôi, Đại Tá Nguyễn Văn Đồng, Tư Lệnh Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh đang cùng với các chiến sĩ của Tây Nguyên và Liên Đoàn 4 Biệt Động Quân từ Cần Thơ ra tăng cường, nhưng tuyệt đối tôi không thấy hoặc nghe một tiếng nói nào của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II kể cả Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn. tôi không nhận được một lệnh hành quân, không có một phóng đồ hành quân, không có phụ bản tổ chức lực lượng, không có tin tức tình báo, không có kế hoạch yểm trợ, không có quân trừ bị. Quân Đoàn II chỉ áp dụng luật rừng, vô tổ chức, vô kỷ luật, không dự trù, không tính toán, không họp bàn, không tìm đường lối hành động tốt nhất để điều quân. Tất phải đi đến chỗ thảm bại ê chề, nhục nhã. [Hà Mai Việt: Sách đã dẫn. Trang 342-347.]

Có lẽ Đại Tướng Cao Văn Viên cũng có nhận xét không có gì trái ngược lắm với những ý kiến của Đại Tá Nguyễn Văn Đồng. Trong phần nói về Ban Mê Thuột, Đại Tướng Cao Văn Viên dường như đã nói một cách khéo léo ám chỉ rằng việc thất thủ Ban Mê Thuột đưa đến việc mất cả Vùng II và Quân Đoàn II bắt nguồn từ việc thay thế Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn bởi Thiếu Tướng Phạm Văn Phú.

Tướng Cao Văn Viên nói rằng:

“Thiếu Tướng Phạm Văn Phú về thay Trung Tướng Nguyên Văn Toàn làm Tư Lệnh Vùng II Quân Khu II vào tháng 12 năm 1974. Thiếu Tướng Phú từng giữ chức Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh ở Vùng I từ tháng 10 năm 1970 cho đến tháng 7 năm 1972. Từ năm 1972 cho đến khi nhận nhiêm vụ mới, Tướng Phú chỉ huy Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.

Phó Tổng Thống Trần Văn Hương đề nghị thay Tướng Toàn vì Tướng Toàn bị tố cáo tham nhũng. Tổng Thống Thiệu bổ nhiệm Tướng Phú theo sự khẩn nài của Phó Tổng Thống Hương dù biết rằng Tướng Toàn là một sĩ quan có khả năng tác chiến. Tướng Toàn rời Vùng II về chỉ huy Thiết Giáp vào tháng 2 năm 1975 và sau khi Trung Tướng Dư Quốc Đống từ chức Tư Lệnh Vùng III thì Tướng Toàn được bổ nhiệm vào luôn chức vụ đó. Sự thay đổi chức vụ Tư Lệnh Vùng II Quân Khu II là một trong những biến cố đưa đến sự thất thủ Ban Mê Thuột và một thời gian ngắn sau, một cả Vùng II”. [Cao Văn Viên: Sách đã dẫn, trang 114.]

Tuy ông Cao Văn Viên không nói rõ nhưng ai cũng có thể hiểu rằng khi ông viết cuốn The Final Collapse tại Hoa Kỳ sau năm 1975 thì đoạn văn trên đây cho thấy ý của ông muốn nói: Chính Tướng Phạm Văn Phú là người chịu trách nhiệm về vụ thất thủ Vùng II để sau đó Vùng I cũng thất thủ theo trong vòng tháng 3 năm 1975 và một tháng sau đó là cả Miền Nam bị rơi vào tay cộng sản Bắc Việt.

Đại Úy Nguyễn Văn Nhựt, cựu Sĩ Quan Tùy Viên của Tổng Thống Trần Văn Hương có tiết lộ cho người viết biết rằng hồi cuối tháng 4 năm 1975, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú có gửi lên Cụ Hương một lá thư “rất dày” nhưng Cụ Hương không mở ra đọc và ra lệnh cất lá thư đó vào tủ sắt. 

Trước khi Cụ Hương từ chức để “trao quyền” lại cho Dương Văn Minh, Đại Úy Nhựt có nhắc với Cụ Hương về lá thư của Tướng Phú thì Cụ Hương ra lệnh đem đốt đi. Đại Úy Nhựt hỏi Cụ Hương tại sao trước khi đốt Cụ không mở ra đọc để cho biết Tướng Phú nói gì thì Cụ Hương nghiêm giọng nói rằng: “Tướng Phạm Văn Phú đang bị điều tra về tội đã có trách nhiệm trong việc Quân Đoàn II tan rã, cuộc điều tra chưa kết thúc do đó nếu Tướng Phú cần nói điều gì thì nên nói thẳng với Ủy Ban Điều Tra chứ một người đang giữ vai trò lãnh đạo đất nước như Cụ thì không nên nghe hay đọc những gì mà ông ta viết”. Đại Úy Nhựt cho biết vào ngày cuối cùng, chính ông đã đốt lá thư đó trước mặt Cụ Hương.

Tưởng cũng nên nhắc lại chính Thủ Tướng Trần Văn Hương là người đã đề nghị, đã yêu cầu gần như “ép” Tổng Thống Thiệu thăng Đại Tá Phạm Văn Phú lên Chuẩn Tướng khi ông đang giữ chức Tư Lệnh Biệt Khu 44 vào năm 1969 sau trận Tà Nu. Ông Thiệu không hề dự định thăng Tướng cho Đại Tá Phú vào dịp đó nên không có sẵn sao, nhưng vì nể Thủ Tướng Trần Văn Hương nên ông đã lấy hai sao trên cổ áo của Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi để gắn cho ông Phú.

Nhận xét về cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên của Quân Đoàn II Việt Nam Cộng Hòa, Tướng việt cộng Trần Văn Trà nói rằng: “Và như trên kia tôi đã ví như cây bị đón từ gốc, Ban Mê Thuột mất thì toàn bộ Tây Nguyên không thể nào giữ được. Thiệu không ra lệnh rút bỏ ngay hai Tỉnh Pleiku và Kontum, mong lấy quân về giữ các Tỉnh ven biển thì không lâu đâu, hai Tỉnh ấy cũng sẽ bị mất thôi”.

(còn tiếp)
◾◾◾◾◾
Trí Nhân Media

2 nhận xét:

  1. cầu cho những vong linh chết tức tưởi.Tôi người pleiku sinh năm 1966 ,còn nhỏ lắm.nhưng tôi vẫn luôn hoài niệm tiếc nuối Việt nam cộng hòa ,máu thịt cốt nhục của tôi.Các vị nguyên thủ quốc gia theo chế độ nào cũng vậy,đừng bao giờ đẻ lịch sử phán xét mà hãy để lịch sử tôn vinh mình.Ôi!nỗi nhục của người miền nam mât nước

    Trả lờiXóa
  2. cầu cho những vong linh chết tức tưởi.Tôi người pleiku sinh năm 1966 ,còn nhỏ lắm.nhưng tôi vẫn luôn hoài niệm tiếc nuối Việt nam cộng hòa ,máu thịt cốt nhục của tôi.Các vị nguyên thủ quốc gia theo chế độ nào cũng vậy,đừng bao giờ đẻ lịch sử phán xét mà hãy để lịch sử tôn vinh mình.Ôi!nỗi nhục của người miền nam mât nước

    Trả lờiXóa