BBC
28-05-2013
Tám người sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên vừa bị tuyên phạt tổng cộng 63 năm tù trong phiên xử sơ thẩm lưu động ở xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai hôm 28/05/2013.
Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), tám người này theo đạo Hà Mòn, và nhận sự chỉ đạo trực tiếp của “bọn phản động Fulro lưu vong nước ngoài, lôi kéo, kích động bà con dân tộc thiểu số trong khu vực Tây Nguyên thành lập nhà nước riêng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.”
Người được coi là ‘đối tượng cầm đầu’, A Tách, nhận mức án 11 năm tù giam, mức án nhẹ nhất là bà Y Gyin với 3 năm tù, theo truyền thông Việt Nam.
Các bị cáo khác bị xử 7 đến 10 năm tù giam.
Theo báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh đưa tin trước đó, bà Y Gyin từng dùng chuyện Đức mẹ hiển linh để lôi kéo người dân ở một số địa phương theo Công giáo ở Tây Nguyên.
Trong số tám người trên, Y Gyin, A Tách, A Hyum sống ở tỉnh Kon Tum, còn Runh, Jơnh, Byưk, Đinh Lứ và Đinh Hrôn sống ở tỉnh Gia Lai.
Năm ngoái, truyền thông Việt Nam đưa tin ‘nhiều người’ theo 'tà đạo Hà Mòn' bị bắt, riêng VnExpress đăng có 62 người bị bắt tạm giam để khởi tố.
“Mặc dù đã được chính quyền... vận động, giáo dục kiểm điểm nhiều lần, nhưng các đối tượng này [những người bị bắt] vẫn ráo riết lôi kéo một số người nhẹ dạ nghe theo Fulro hoạt động chống phá chính quyền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ tôn giáo, gây mất an ninh trật tự tại địa phương,” bản tin của Thông tấn xã viết hôm 09/05/2013.
‘Phản động lưu vong ở Mỹ’
Theo VOV, đứng đầu tổ chức Fulro ở Mỹ là Ksor Kơk, dùng phương thức “bất bạo động”, lợi dụng vấn đề tôn giáo và dân tộc để chuẩn bị điều kiện thành lập “nhà nước riêng”.
Fulro là chữ viết tắt theo tiếng Pháp của Front Uni de Lutte des Races Opprimees (Mặt trận thống nhất giải phóng các dân tộc bị áp bức), được thành lập vào những giai đoạn cuối năm 1960.
Nhóm này gồm ba tổ chức, Mặt trận Giải phóng Champa, Mặt trận Giải phóng Campuchia Krom, và Mặt trận Giải phóng Cao Nguyên, đã chiến đấu các chế độ khác nhau ở Việt Nam với mục tiêu thành lập một nhà nước độc lập cho các sắc dân thiểu số ở Tây Nguyên.
Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam thì Fulro từng đứng về phía những người Mỹ. Đến khoảng năm 1992 thì nhóm này chính thức giải tán.
Trong giai đoạn từ năm 2001 cho đến 2004, khoảng 2.000 người Thượng ở Tây Nguyên đã bỏ chạy sang Campuchia sau các cuộc biểu tình của họ bị chính quyền đàn áp.
Trong nhiều năm qua, nhiều người Thượng đã phản đối việc tịch thu đất đai của họ và phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo.
Chưa thấy có thêm thông tin về những người bị bắt tạm giam còn lại.
Phiên xử phúc thẩm 8 trong số 14 thanh niên Công giáo cũng vừa diễn ra ở thành phố Vinh, Nghệ An, hôm 23/05/2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét