Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




LẠI THÊM MỘT CUỘC “THÍ ĐIỂM” NỮA CỦA ĐẢNG?

Lê Anh Hùng
16-04-2013
  
“Văn hoá thí điểm” dường như là đặc điểm thâm căn cố đế của Đảng CSVN, từ vấn đề vô cùng hệ trọng đối với một quốc gia dân tộc như việc áp đặt chủ thuyết Marx-Lenin suốt hơn nửa thế kỷ qua rồi hô hào cả nước “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” lên “chủ nghĩa xã hội” hay “chủ nghĩa cộng sản” – những thực thể mà chưa một ai trên trái đất này may mắn nhìn thấy hay thậm chí là đủ sức mường tượng ra hình hài của chúng – cho đến "sáng kiến" thí điểm phân làn đường ở Hà Nội thời gian gần đây.

Tấn thảm kịch tang thương nhất trong lịch sử dân tộc mang tên “Cải cách Ruộng đất” trên toàn miền Bắc những năm 1953-1956 bắt đầu bằng đợt “thí điểm” ở Thái Nguyên, Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Một trong những thủ phạm chính của tình trạng lạm phát và đình đốn của nền kinh tế liên tục mấy năm qua là chủ trương “thí điểm” thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực.

Nền giáo dục đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng hiện nay ở Việt Nam chính là “thành quả” của các cuộc “thí điểm” cải cách giáo dục trong mấy chục năm qua, v.v.

Người ta có thể kể ra hàng loạt bài học xương máu khác bắt nguồn từ “văn hoá thí điểm” của Đảng CSVN. Tuy nhiên, những kinh nghiệm vô cùng đắt giá đó dường như lại chẳng có chút xi-nhê gì đối với những người vẫn đang chịu trách nhiệm chèo lái con thuyền đất nước “đi ra biển lớn” hiện nay cả.

Ngày 10/4 vừa qua, Bộ Nội vụ đã tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo “Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị” và dự thảo “Báo cáo tổng kết bước hai thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường”. Nhân dịp này, Bộ Nội vụ cũng chính thức đề nghị không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong cả nước sau thời gian thực hiện thí điểm “thành công” ở 10 tỉnh, thành.

Một cơ sở mà TS Dương Quang Tung, thành viên tham gia hội thảo, nêu lên cho đề xuất nói trên là “vai trò của HĐND cấp quận, huyện, phường không thác nào không có việc để làm. Vì họ không được quyết định gì cả nên hiệu quả không cao”.

Mặc dù theo Luật Tổ chức HĐND và UBND hiện hành (do Quốc hội khoá XI thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 26/11/2003), HĐND quận, huyện, phường được trao rất nhiều nhiệm vụ và quyền hạn,[i] đóng vai trò là những thiết chế dân chủ ở địa phương, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, giám sát bộ máy hành pháp cùng cấp, song nhận xét trên lại hoàn toàn phản ánh đúng những gì vẫn diễn ra trong thực tế.

Như chúng ta đều biết, không phải các vị “đại biểu” HĐND “không có việc để làm” mà thực chất là họ đã bị vô hiệu hoá bởi sự thao túng của các ban thường vụ cấp uỷ đối với HĐND các cấp xuất phát từ cơ chế “đảng cử, dân bầu” suốt hàng chục năm nay: hầu hết đại biểu HĐND các cấp đều là đảng viên nên họ phải tuân theo sự chỉ đạo của “cấp uỷ”, để lọt qua các vòng “hiệp thương”, để được bầu, để được tái cử, để được bố trí vào những vị trí “béo bở” hơn trong bộ máy khi không còn tham gia HĐND, v.v. Trước mỗi kỳ họp HĐND, thường vụ đảng ủy cùng cấp đã họp và phân công UBND chuẩn bị nội dung trình HĐND, rồi biểu quyết thông qua. Kết quả là hầu hết các vị đại biểu HĐND đều trở thành những “nghị gật”, chỉ biết giơ tay và vỗ tay, còn HĐND thì trở thành những thực thể “hữu danh vô thực”.

ĐB HĐND tỉnh Đồng Nai trong phiên họp ngày 6.12.2012. Ảnh ĐCSVN

Và để khắc phục khiếm khuyết cố hữu nói trên của hệ thống, thay vì cải cách thể chế triệt để, hoặc chí ít là phải ban hành một đạo luật về sự “lãnh đạo” của đảng, người ta lại chọn một giải pháp tuy chưa mấy ai dám chắc là phù hợp với lợi ích của nhân dân song lại hoàn toàn phù hợp với lợi ích cũng như “văn hoá thí điểm” của đảng: “thí điểm” bỏ HĐND quận huyện phường trên 10 tỉnh, thành và tiến tới xoá bỏ các thiết chế dân chủ đại diện cấp địa phương này trên phạm vi cả nước, bởi theo Bộ Nội vụ thì điều này “phù hợp với hệ thống chính trị một đảng cầm quyền ở nước ta, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với chính quyền các cấp” (!).

Mong bà con chớ vội lo, nếu có gì không ổn chắc chắn “đảng ta” sẽ lại tiếp tục “thí điểm” nữa cho mà xem!


Ghi chú:

[i] Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp huyện

Điều 19
Trong lĩnh vực kinh tế, Hội đồng nhân dân huyện thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; chủ trương, biện pháp về xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác xã và kinh tế hộ gia đình ở địa phương;
2. Quyết định biện pháp bảo đảm thực hiện chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và biện pháp phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế ở địa phương, bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các cơ sở kinh tế theo quy định của pháp luật;
3. Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; quyết định các chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện ngân sách; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; giám sát việc thực hiện ngân sách đã được Hội đồng nhân dân quyết định;
4. Quyết định quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông, thuỷ lợi và biện pháp bảo vệ đê điều, công trình thuỷ lợi, bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật;
5. Quyết định biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Điều 20

Trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thông tin, thể dục thể thao, xã hội và đời sống, Hội đồng nhân dân huyện thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Quyết định các biện pháp và điều kiện cần thiết để xây dựng và phát triển mạng lưới giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy hoạch chung;
2. Quyết định biện pháp bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện để phát triển sự nghiệp văn hoá, thông tin, thể dục thể thao tại địa phương;
3. Quyết định biện pháp giữ gìn, bảo quản, trùng tu và phát huy giá trị các công trình văn hoá, nghệ thuật, di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh theo phân cấp;
4. Quyết định biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội ở địa phương;
5. Quyết định biện pháp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phòng, chống dịch bệnh; chăm sóc người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa; bảo vệ, chăm sóc bà mẹ, trẻ em; thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình;
6. Quyết định biện pháp thực hiện chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người và gia đình có công với nước; biện pháp thực hiện chính sách bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, cứu trợ xã hội, xoá đói, giảm nghèo.

Điều 21

Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường, Hội đồng nhân dân huyện thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Quyết định biện pháp ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật để phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân ở địa phương;
2. Quyết định biện pháp quản lý và sử dụng đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển tại địa phương theo quy định của pháp luật;
3. Quyết định biện pháp bảo vệ và cải thiện môi trường; phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt ở địa phương;
4. Quyết định biện pháp thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm, ngăn chặn việc sản xuất và lưu hành hàng giả, hàng kém chất lượng tại địa phương, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Điều 22

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Hội đồng nhân dân huyện thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Quyết định biện pháp thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và quốc phòng toàn dân; bảo đảm thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, xây dựng lực lượng dự bị động viên, thực hiện nhiệm vụ hậu cần tại chỗ, chính sách hậu phương quân đội và chính sách đối với các lực lượng vũ trang nhân dân ở địa phương; biện pháp kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh;
2. Quyết định biện pháp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội; biện pháp đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác ở địa phương.
Điều 23
Trong việc thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo, Hội đồng nhân dân huyện có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Quyết định các nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng còn nhiều khó khăn;
2. Quyết định biện pháp bảo đảm việc thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo theo quy định của pháp luật.

Điều 24

Trong lĩnh vực thi hành pháp luật, Hội đồng nhân dân huyện thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Quyết định biện pháp bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của mình ở địa phương;
2. Quyết định biện pháp bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân;
3. Quyết định biện pháp bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước; bảo hộ tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương;
4. Quyết định biện pháp bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật.

Điều 25

Trong lĩnh vực xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính, Hội đồng nhân dân huyện thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân, Trưởng Ban và các thành viên khác của các Ban của Hội đồng nhân dân, Hội thẩm nhân dân của Toà án nhân dân cùng cấp; bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và chấp nhận việc đại biểu Hội đồng nhân dân xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu theo quy định của pháp luật;
2. Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dânbầu;
3. Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định, chỉ thị trái pháp luật của Uỷ ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết trái pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp xã;
4. Giải tán Hội đồng nhân dân cấp xã trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn trước khi thi hành;
5. Thông qua đề án thành lập mới, nhập, chia và điều chỉnh địa giới hành chính ở địa phương để đề nghị cấp trên xem xét, quyết định.

Điều 26

Hội đồng nhân dân quận thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điều 19, 20, 21, 22, 23, 24 và 25 của Luật này và thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện thống nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đô thị của thành phố;
2. Quyết định biện pháp bảo đảm trật tự công cộng, giao thông; phòng, chống cháy, nổ vàbảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị;
3. Quyết định biện pháp quản lý dân cư đô thị và tổ chức đời sống nhân dân trên địa bàn.

Điều 27

Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điều 19, 20, 21, 22, 23, 24 và 25 của Luật này và thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Thông qua quy hoạch tổng thể về xây dựng và phát triển của thị xã, thành phố thuộc tỉnh trên cơ sở quy hoạch chung của tỉnh để trình Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê duyệt;
2. Quyết định kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị của thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
3. Quyết định biện pháp bảo đảm trật tự công cộng, giao thông, phòng, chống cháy, nổ vàbảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị của thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
4. Quyết định biện pháp quản lý dân cư đô thị và tổ chức đời sống nhân dân trên địa bàn.

Blog Lê Anh Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét