Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




HỒI KÝ - TÔI ĐI TÌM TỰ DO - KỲ 6

Nguyễn Hữu Chí
22-04-2013

KỲ 6

Tôi giật mình tỉnh giấc là lúc bóng tối đã bao trùm lên vạn vật. Bầu trời lấp lánh muôn vạn vì sao. Sương đêm khiến tôi cảm thấy lạnh. Trong lòng tôi lúc đó vừa phập phồng lo ngại, sợ hãi, vừa bồn chồn háo hức. 

Kiến thức và kinh nghiệm của một người lính thông tin cho tôi biết, nếu tôi cắt đường thẳng theo đường chim bay, tôi sẽ đi bộ từ 5 đến 6 tiếng đồng hồ là tới thị xã Quảng Trị. Vì không có đồng hồ, nên tôi ước đoán, lúc đó khoảng 8 giờ tối. Như vậy, tôi sẽ tới thị xã Quảng Trị lúc 2 giờ sáng. Nhưng liệu tôi có đủ may mắn, được đặt chân tới thị xã Quảng Trị hay không? 

Trong hoàn cảnh chiến tranh, ngọn lửa thù hận được hun đúc, chết chóc xảy ra từng giây, từng phút, làm sao tôi có thể kịp cất tiếng chào, nói một lời thân thiện trước khi tôi bị người lính VNCH bắn gục? Đó là chưa kể tới mìn bẫy của cả hai bên đã được gài trên những con đường mòn… Tôi không biết chuyện gì sẽ chờ đợi tôi ở vùng ánh sáng đèn điện đầy quyến rũ nhưng cũng ngầm chứa những nguy hiểm bất ngờ. 

Đứng trên đồi cao, nhìn về thị xã Quảng Trị, tôi đắn đo hồi lâu rồi quyết định, vật đầu tiên tôi phải vất bỏ là chiếc nón cối. Vì nếu tôi tiến về phía “địch” trong đêm tối, thì dù tôi có không đeo súng ống gì đi nữa, bảo đảm, chiếc nón cối sẽ là mục tiêu đầu tiên để những người lính VNCH nhả đạn. Vật thứ hai tôi muốn vứt là chiếc ba lô. Nếu vứt được nó, tôi sẽ bớt nguy hiểm hơn. Nhưng trong ba lô là hơn chục cuốn sách tôi vô cùng yêu quý. Tôi đã mang nó trên suốt đường rừng Trường Sơn. Có nó, tôi luôn luôn cảm thấy ấm áp trong lòng, vì mỗi cuốn sách là một gạch nối kỳ diệu giúp tôi thoát khỏi cái thực tại cơ cực đầy nguy hiểm, chết chóc, để tâm hồn, khát vọng của tôi được chắp cánh, bay cao…

Sau một hồi suy nghĩ, tôi đành giữ chiếc ba lô và những cuốn sách quý lại. Đeo ba lô vào người xong, tôi nai nịt quần áo, giầy vớ thật gọn gàng, rồi choàng tấm nylon ra ngoài, để che bớt chiếc ba lô. Tôi hy vọng, với tấm nylon choàng bên ngoài, nếu người lính VNCH có trông thấy tôi, họ sẽ có một vài tích tắc ngần ngừ không biết tôi là địch hay ta. Và biết đâu, trong một vài giây đồng hồ lưỡng lự đó, tôi sẽ kịp dơ tay đầu hàng, sẽ kịp nói cho họ biết tôi là ai…

Đứng trên đồi cao, tôi nhìn về thị xã Quảng Trị. Muốn tránh được mìn bẫy và những ổ phục kích của cả hai bên, tôi biết tôi không thể nào đi theo những con đường mòn. Tôi phải cắt đường, đi theo đường chim bay, cho dù gian nan, cực nhọc và có thể có những nguy hiểm bất ngờ khác.

Sau khi định hướng đông tây và tìm một vì sao làm chuẩn, tôi bắt đầu con đường về với TỰ DO! Trong khoảng ba tiếng đồng hồ sau đó, lúc đi lúc chạy, lúc bò lúc nằm, lúc té nhào xuống một hố bom đầy nước lẫn bùn, lúc đụng phải cây, lúc bị dây kẽm gai kéo… tôi âm thầm hăm hở lao về phía trước với tất cả sức mạnh, ý chí, nghị lực của tuổi thanh niên. Có những lúc tôi phải leo qua mấy hàng rào kẽm gai, quần áo rách bươm, tay chân chảy máu. Có lúc tôi phải lội bì bõm qua những thửa ruộng, bùn dính bê bết. Nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi cũng luôn luôn lấy vì sao đó làm đích để lao tới. Cả người tôi lúc đó giống như một mũi tên đã rời khỏi cung, bay trong đêm đen, thẳng băng một con đường…

Khoảng 3 tiếng sau, tôi đặt chân đến con đường nhựa. Hai bên đường có những hàng cây cao thấp không đều và những cột đèn điện tỏa sáng từng đoạn, từng đoạn. Dọc đường, có những căn nhà của dân, nhưng tất cả đều đóng kín, tối bưng. Tôi ước chừng lúc đó khoảng 11 giờ đêm. Tuy tôi không biết sự phòng thủ của VNCH như thế nào, nhưng tôi biết, trong tình hình chiến tranh lúc đó, chắc chắn thế nào cũng có những toán trinh sát, những ổ thám báo, hoặc những ổ phục kích, những người lính đóng chốt ở một chỗ nào đó dọc theo đường phố. 

Để bớt nguy hiểm, tôi chọn đi giữa đường, miệng thì huýt sáo. Vì tôi không quen huýt sáo, nên tiếng sáo của tôi của tôi không to, hơn nữa, huýt sáo như vậy, tôi rất chóng bị mỏi miệng. Sau tôi tính hát, nhưng vì không biết bài hát nào, nên cuối cùung, tôi đọc to một bài thơ của Nguyễn Bính. Đó là bài thơ “Hoa và Rượu” tôi đã được cô Vinh ở Đồng Văn dậy cho học thuộc lòng khi tôi còn nhỏ. Lúc ấy tôi tin là đi giữa đường, dưới ánh sáng đèn đường, miệng thì ông ổng đọc một bài thơ, đầu lại không có chiếc nón cối, thì dù tôi có đánh thức bất cứ người lính VNCH nào, bảo đảm, họ sẽ ngạc nhiên, buồn cười, chứ không thể nào xả súng bắn chết tôi.

Tôi quên nói với các bạn một điều quan trọng nữa là tối hôm đó tôi đã cầm que để “dò mìn”. Nói ra, quý vị có thể cười cho tôi là thằng ngố, giống như “đồng hồ có cửa sổ” hay “cái nồi ngồi trên cái cốc”. Nhưng sự thực lúc đó, tôi rất sợ đụng phải mìn. 

Qua chuyện trò với những người lính bộ đội trong đơn vị, tôi được họ kể, dọc theo các đường phố, lính VNCH thường hay cài mìn, với sợi dây dăng ngang đường, thấp dưới đầu gối, một đầu buộc vào kíp hỏa của một quả mìn định hướng Claymore. Nếu mình đi đụng phải sợi dây, là chỉ một tích tắc sau, cả thân thể sẽ bị vài trăm viên bi ghim đầy, chết không kịp la. Vì vậy, để có thể phát hiện được sợi giây mìn, tay tôi cầm một chiếc que thật mềm, luôn luôn dơ ra phía trước khoảng một thước mỗi khi tôi bước. Nếu đầu que đụng nhẹ dây mìn, tôi sẽ biết ngay, và kịp dừng lại, rồi tìm cách bước qua… an toàn. Tối hôm đó, quả thực tôi có cầm chiếc que dò mìn như vậy, nhưng suốt đường đi, tôi không hề gặp một sợi dây mìn nào.

Đi trên đường phố ngoại ô thị xã Quảng Trị được khoảng nửa tiếng đồng hồ, dần dần tôi thấy nhà cửa san sát hơn, đèn đường cũng mau hơn, mặt đường nhẵn nhụi hơn. Bỗng nhiên, tôi thấy một căn nhà còn có ánh đèn thấp thoáng qua khe cửa. Tôi dừng lại suy nghĩ. Trong lòng tôi lúc ấy, tôi rất tò mò muốn nhìn xem cuộc sống của một gia đình người Miền Nam như thế nào. Tôi cũng muốn ghé vô một nhà dân, kể lể ngọn nguồn câu chuyện của mình để họ có thể giúp đỡ, đưa tôi đến một đồn lính hay một cơ quan nào đó của chính phủ VNCH, cho tôi đầu hàng. Trong bối cảnh chiến tranh lúc đó, dĩ nhiên, tôi gặp một người dân, bao giờ cũng an toàn hơn bất ngờ gặp một người lính VNCH. Điều quan trọng nữa, tôi muốn đánh đổi bộ đồ bộ đội mà tôi đang mặc. Nếu có được một bộ đồ thường dân mặc vô, đi trong đêm tối để về với VNCH, chắc chắn sẽ an toàn hơn mặc một bộ đồ bộ đội.

Bước đến cửa, tôi ghé mắt nhìn qua khe cửa. Và ngay lập tức, những gì tôi thấy vào lúc đó, là những hình ảnh tuyệt vời ngự trị trong tâm hồn, trí óc tôi suốt mấy chục năm dài. Cho đến những giờ phút của hôm nay, khi viết những dòng chữ này, hình ảnh trong căn nhà tối hôm đó vẫn sống dậy, hiển hiện trước mắt tôi như chuyện mới xảy ra hôm qua, hôm kia….

Trong phòng lúc đó tôi thấy có một thiếu phụ đang ngồi may đồ. Bên cạnh thiếu phụ có một cô bé tuổi chừng 10, 12 tuổi. Nét mặt cô bé rất sáng, cặp mắt đen láy, phản chiếu ánh đèn điện nên càng thêm đen. Người thiếu phụ có một gương mặt thật phúc hậu, nhu mì. Chính nét đẹp nhu mì, mềm mại của người thiếu phụ đã khiến tôi chẳng còn nhớ được điều gì ngoài gương mặt. Hình ảnh hai mẹ con hạnh phúc bên cạnh chiếc máy may trong lúc đêm vào khuya, đã làm tôi thấy tha thiết vô cùng đối với cuộc sống gia đình, yêu thương vô cùng mảnh đất và con người Miền Nam. 

Đứng trước cái hạnh phúc lung linh đó, tôi thấy mình không nên gõ cửa, không nên bước vô quấy rầy, nhờ vả bất cứ chuyện gì. Tôi đứng đó, im lặng trong vài phút, tận hưởng cái hình ảnh hạnh phúc êm đềm của hai mẹ con, cái thinh lạnh tinh khiết của đêm khuya tịch mịch, để rồi bồi hồi, xúc động, tôi nhớ lại trong đau đớn, xót xa, cuộc đời muôn phần khổ cực, thiếu thốn của hai mẹ con bà Huệ ở làng Phú Đa, miền Bắc Việt Nam…

Từ làng tôi ở đến làng Phú Đa khoảng 3 hay 5 cây số, tôi nhớ không rõ. Ở Phú Đa có nhà thờ rất lớn và là nơi Công Giáo toàn tòng. Tôi thỉnh thoảng theo thày tôi đến Phú Đa chơi vì ở đó có một gia đình thông gia với thầy tôi. Con trai của ông lấy chị cả của tôi. 

Năm 1954, hai vợ chồng đều vô Nam, mở tiệm chụp hình ở Biên Hòa. Làng Phú Đa là một làng giầu có nổi tiếng. Vì vậy nên làng mới có tên đã Phú lại Đa. Gia đình ông thông gia rất giầu có. Nhưng đó là trước 1954. Sau này, cũng giống như thầy tôi, ông cũng bị quy chụp tôi địa chủ, bị đem ra đấu tố. Nhưng vì mảnh đất Phú Đa là đất Công Giáo toàn tòng, nên ở đó, lòng kính yêu Chúa, thương yêu người đã thấm sâu vào mỗi tâm hồn. Nhờ vậy, cơn lốc bất nhân, vô nghĩa, tranh ăn, giành uống, bon chen kèn cực, vu khống tội lỗi cho nhau, do những người cộng sản mang tới, đã không đủ sức làm thay trắng đổi đen những tâm hồn đôn hậu của làng Phú Đa. Vậy nên tuy bị quy tội địa chủ, ông thông gia vẫn sống cuộc sống ung dung, không đến nỗi chật vật.

Tại làng Phú Đa tôi có quen một người bạn, và qua người bạn, tôi quen mẹ con bà Huệ. Bà Huệ có chồng là một người đàn ông tài hoa, chữa đồng hồ nổi tiếng khắp vùng. Chẳng may khi cộng sản nắm chính quyền, chúng bắt ông đi cải tạo. Được hai năm, ông mất vì nhiễm trùng uốn ván khi ông bị thương trong lúc cầy ruộng cho trưởng trại. Ông Huệ chết đi để lại hai người con gái tuổi còn nhỏ, và người vợ có gương mặt trầm buồn muôn thuở như những tháng mưa dầm gió bấc của Miền Bắc quê tôi.

(còn tiếp)

http://viteuu.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét