7-04-2013
Thực ra, nếu muốn duy trì sự lãnh đạo duy nhất của ĐCSVN thì có sửa hay không sửa nội dung điều 4, để nguyên hay bỏ đi, thì vẫn chẳng thay đổi gì bản chất, nếu vẫn giữ nguyên hệ thống chính trị hiện tại.
Điều 4 chỉ mới được đưa vào từ Hiến pháp 1980. Trước đó, từ năm 1954, ĐCSVN vẫn là đảng duy nhất cầm quyền. Các đảng Xã Hội hay đảng Dân Chủ tồn tại từ thời kháng chiến chống Pháp chẳng qua chỉ là một thứ trang sức vô giá trị của chế độ và đã hoàn toàn bị xoá sổ từ năm 1988.
Trên trang "Cùng viết hiến pháp" GS Ngô Bảo Châu đã đưa ra một bản đề nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 của Cộng Hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Về tổng thể, một số điều được góp ý sửa đổi tương đối chuẩn nhưng chưa đủ, tôi sẽ không có ý kiến, nhưng riêng về điều 4 cho thấy giáo sư Ngô Bảo Châu và đồng sự cố ý đi trật đường rầy.
Điều 4 khẳng định sự lãnh đạo thống nhất của đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) với nhà nước và xã hội, trang "Cùng viết hiến pháp" viết:
"Điều 4: Đề nghị sửa thành:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị nhận trách nhiệm lãnh đạo nhà nước do nhân dân uỷ thác thông qua quá trình bầu cử tự do. ĐCSVN cử đại biểu của mình tham gia tranh cử vào các chức danh của bộ máy nhà nước.
2. ĐCSVN, các cơ quan và đảng viên của Đảng chấp hành hiến pháp và pháp luật.
3. Các hoạt động của Đảng phải chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân. Cơ chế kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với các hoạt động của Đảng được luật quy định".
Rõ ràng, toàn cục những đề nghị sửa đổi điều 4 hoàn toàn mâu thuẫn. Sửa đổi như thế thì vẫn là Hiến Pháp dành riêng cho ĐCSVN, của nhà nước do ĐCSVN lãnh đạo và chi phối.
Đây là một thủ pháp giả mù sa mưa, ùm ba la con chữ, đánh trào khái niệm nhưng vì muốn duy trì sự lãnh đạo của ĐCSVN nên đã cố nhập nhằng, tự tạo ra xung đột về bản chất.
Thế nào là bầu cử tự do? Nếu ĐCSVN "cử đại biểu của mình tham gia tranh cử" trong "bầu cử tự do" thực sự, mà không trúng ai hết, hoặc không chiếm đa số phiếu, thì Hiến pháp viết cho ai? Bởi vì, lúc đó ĐCSVN sẽ không còn là "tổ chức chính trị nhận trách nhiệm lãnh đạo nhà nước do nhân dân uỷ thác" nữa!
Bế tắc ở chỗ là GS Ngô Bảo Châu vẫn không thoát ra được sự luẩn quẩn hiến pháp là gì, bản chất của nó như thế nào?
Hiến pháp không phải là văn bản luật được đẻ ra cho một nhà nước, một đảng cầm quyền nào cả, mà là một khế ước được thoả thuận giữa nhà nước và xã hội dân sự. Cho nên nó phải bao hàm nghĩa rộng, bao quát tất cả cho mọi đảng phái chính trị, chứ không chỉ riêng cho ĐCSVN đang cầm quyền. Đưa bất kỳ đảng phải chính trị nào vào hiến pháp đều không đúng với ý nghĩa của một bản hiến pháp thực sự. Trừ phi ĐCSVN ấy danh nghĩa Hiến pháp nhưng thật ra là tạo ra một văn bản luật khung dành cho chính mình, cho nhà nước do chính mình độc quyền lãnh đạo.
Trong bài "Góp ý sửa đổi hiến pháp: gánh hát làng xã diễn trò dân chủ" tôi đã viết:
"Hiến pháp không chỉ xác định cấu trúc cơ bản của nhà nước, thiết lập ranh giới hoạt động của các cơ quan nhà nước, mà trước hết bảo đảm các quyền cơ bản và quyền tự do của công dân, cũng như bảo vệ quyền lợi của các cá thể và các nhóm thiểu số trong xã hội. Hiên pháp không thể bị áp đặt bởi một đa số bất kỳ nào mà là sự thỏa hiệp được hình thành từ kết quả của tranh luận xã hội rộng rãi, công khai.
Hiến pháp, với chức năng của nó, không phải chỉ dành cho đảng cầm quyền mà còn cho xã hội. Một hiến pháp đúng đắn phải là văn bản luật của nhà nước của một xã hội dân sự. Nó không chỉ giới hạn trong các vấn đề của nhà nước và cách thức thực hiện, mà còn mở rộng phạm vi điều chỉnh những vấn đề không phù hợp trong các chính sách của nhà nước. Nhà nước trong hiến pháp được xem không chỉ là nhà tổ chức chính của đời sống công cộng, mà là một thực thể tạo ra cuộc sống có phẩm giá, nhưng đồng thời cho phép các tập hợp dân sự khác có đời sống chính trị và xã hội làm việc song song bên cạnh nhà nước.
Hiến pháp là sản phẩm mà mỗi công dân đều có quyền góp phần sáng tạo ra nó, tham gia xây dựng của nó, được hưởng và tuân thủ quyền lợi và nghĩa vụ hiến định sau khi có đồng thuận".
Rất có thể vì hoặc chịu ơn mưa móc của đảng với căn nhà 700 ngàn đôla và Viện Toán Cao cấp chi tiêu thoải mái, hoặc là chỉ quen làm toán, mà giáo sư Ngô Bảo Châu đã quên mất logic của vấn đề.
Thực ra, nếu muốn duy trì sự lãnh đạo duy nhất của ĐCSVN thì có sửa hay không sửa nội dung điều 4, để nguyên hay bỏ đi, thì vẫn chẳng thay đổi gì bản chất, nếu vẫn giữ nguyên hệ thống chính trị hiện tại.
Điều 4 chỉ mới được đưa vào từ Hiến pháp 1980. Trước đó, từ năm 1954, ĐCSVN vẫn là đảng duy nhất cầm quyền. Các đảng Xã Hội hay đảng Dân Chủ tồn tại từ thời kháng chiến chống Pháp chẳng qua chỉ là một thứ trang sức vô giá trị của chế độ và đã hoàn toàn bị xoá sổ từ năm 1988.
Cho nên, tiện nhất là ĐCSVN muốn làm gì thì làm với cái thứ "hiếp pháp" này cũng được cả!
Tất cả những trò lấy ý kiến góp ý đều là sự dối trá, mị dân. Làm gì mà phải in văn bản ra, đưa xuống từng nhà tận khóm phường, rồi gặp gỡ, trao đổi cho mất thời gian và lãng phí tiền bạc.
© 2013 Lê Diễn Đức - RFA Blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét