Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




ĐỪNG BẮT CON CHÚNG TÔI LÀM ANH HÙNG NHÍ !

Hoàng Hường
3-03-2013

Hình bên: Ảnh bài học Những chú bé không chết trong sách giáo khoa

Tôi muốn con tôi là một đứa trẻ hồn nhiên, trong trẻo; lớn lên là người đàn ông tỉnh táo, điềm đạm, và lịch duyệt. Con người đó chắc chắn biết trân trọng và bảo vệ giá trị, trong đó có đất nước mà không cần sự nhào nặn nào từ trứng nước. 

Những tranh luận về việc đưa thông tin lịch sử, cụ thể là cuộc chiến tranh năm 1979 vào sách giáo khoa đang thu hút sự chú ý. Nhân đây - với tư cách một phụ huynh học sinh - tôi muốn bàn thêm về cách giảng dạy - đề cập lịch sử trong cấp tiểu học.

Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của PGS.TS Nguyễn Cảnh Huệ, quyền Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH SP TP.HCM và thầy giáo Trần Đình Phúc: Lịch sử cần được tôn trọng, chúng ta không thể im lặng trước những sự thật. Nếu lịch sử không được giảng dạy chính thống sẽ còn nguy hại hơn vì với điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, các em có quá nhiều điều kiện để tiếp cận các nguồn thông tin.

Tôi không dám lạm bàn về chuyên môn khoa học của các nhà giáo dục và sử học. Với cương vị một người mẹ, tôi chỉ muốn nói đến cách đặt vấn đề lịch sử tác động đến con chúng tôi như thế nào.

Con trai tôi 10 tuổi, học lớp 4, chương trình học đại trà của Bộ Giáo dục - Đào tạo soạn thảo, năm đầu tiên tiếp cận 2 môn học Lịch sử - Địa lý ở mức sơ lược. Nhưng vấn đề tôi muốn bàn nằm ở một bài học Văn: "Những chú bé không chết".

Khi được yêu cầu giúp đỡ con học thuộc nội dung và phân tích ý nghĩa bài văn, tôi đã rất bối rối khi phải tìm từ ngữ và cách giải thích cho cháu, cùng một câu hỏi trong lòng: những nhà giáo dục đang làm gì con chúng tôi thế này?

Văn là người, học văn là học làm người, học về cái đẹp, tính nhân văn, chân thiện mỹ... ai cũng hiểu như vậy. Vậy sao một câu chuyện toàn những "tàn sát đẫm máu", "bọn phát xít", "tra tấn dã man" rồi "treo cổ" không phải một mà ba đứa trẻ lại được những nhà giáo dục chọn đưa vào sách giáo khoa.

Những đứa trẻ lớp 4 còn quá non để hiểu về những quân ta quân địch, đánh giết nhau, những cuộc tranh chấp ý thức hệ hay chủ nghĩa này khác. Nói đúng hơn, một đứa trẻ có nhiều cái đáng học hơn để làm người trước khi làm anh hùng: những mẩu chuyện bình dị về các danh nhân, quan hệ bạn bè gia đình, văn hóa quê hương đất nước... "Tinh thần yêu nước nồng nàn" sẽ tự nhiên từ đó mà nảy mầm, chứ không phải ở những câu chuyện chết chóc mà ngay mẹ của chúng cũng không cắt nghĩa nổi.

Trẻ em như búp trên cành - nhưng phải hy sinh trong cuộc chiến là một tình huống đớn đau và bất đắc dĩ, không phải để cổ vũ, với bất kỳ đứa trẻ nào trên thế giới này.

Trong lịch sử có một thứ bất biến là thông tin, nhưng những quan điểm và trạng thái quan hệ có thể thay đổi. Cái trẻ cần được dạy chỉ nên là thông tin khách quan, tỉnh táo và rõ ràng. Ý thức hệ hay bất kỳ lý do nào dẫn đến những cuộc chiến, đều thuộc về thế giới người lớn, không nên xuất hiện trong vườn trẻ.

Không có con người anh hùng, chỉ có tình huống tạo anh hùng. Bài học đầu tiên của người học võ là: học võ để tự vệ, không để tấn công! Tôi muốn con tôi là một đứa trẻ hồn nhiên, trong trẻo; lớn lên là người đàn ông tỉnh táo, điềm đạm, và lịch duyệt. Con người đó chắc chắn biết trân trọng và bảo vệ giá trị, trong đó có đất nước mà không cần sự nhào nặn nào từ trứng nước.

Một chuyên gia giáo dục từng thốt lên: "Chúng ta cố dạy trẻ căm thù thực dân Pháp, nhưng căm thù đến mức không cần biết Victo Hugo là ai thì chúng ta đã thất bại".

Hoàn toàn chính xác!





Luật sư Đào Quốc Huy, Văn phòng luật sư Đồng Đội, cũng là một phụ huynh học sinh tiểu học:
Đến nay nước ta đã có luật Giáo dục, điều 28, khoản 1 có đoạn:
"Giáo dục tiểu học phải bảo đảm cho học sinh có hiểu biết đơn giản, cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người; có kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết và tính toán; có thói quen rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh; có hiểu biết ban đầu về hát, múa, âm nhạc, mỹ thuật"
Như vậy ý thức về việc giáo dục của mỗi bậc phụ huynh và Luật cơ bản là giống nhau, thậm chí không cầu kỳ như câu trả lời của mọi người ở trên.
Tôi có xem một bộ phim với tựa đề "The Beautiful Life - Cuộc sống tươi đẹp" mới thấy một ông bố trong thời chiến dạy con những gì. Mặc dù đối đầu với sự kỳ thị chủng tộc, chiến tranh ly tán, bố mẹ đều phải vào trại tập trung, sau đó người bố bị giết. Đứa bé được sinh ra trong thời chiến, bị bắt theo bố vào trong trại tập trung, chứng kiến sự tàn ác của phát xít Đức nhưng người bố đã khéo léo nói nó là một trò chơi, một trò chơi rất khó và lâu, nếu ai tuân thủ đúng luật chơi thì sẽ được một phần lớn là cái chiến xa thật sự.
Ngay cả trong thời chiến, đứa bé đó đâu có cảm nhận được chiến tranh đâu, nó nghĩ là một trò chơi lớn. Và cuối cùng như bố nó đã hứa, một lời hứa của một người bố đối với con đã thành hiện thực. Hình ảnh đứa bé ra khỏi trại tập trung và được ngồi lên chiếc chiến xa đầu tiên với nụ cười rạng rỡ là hình ảnh đẹp nhất của bộ phim.
Quay lại vấn đề giáo dục tiểu học, tôi nghĩ nếu muốn giáo dục lòng yêu nước cho các em, có quá nhiều hình thức, nội dung để thực hiện. Các em trong độ tuổi này chỉ cần tự giác ý thức và tự chăm sóc bản thân mình là điều tốt lắm rồi. Các em nhận thức được khi các em tự giác, các em đã tiết kiệm thời gian sức lực cho bố mẹ để cống hiến cho tổ quốc dưới nhiều hình thức,  như thế là các em đã yêu nước, góp phần bảo vệ tổ quốc rồi. "Tuổi nhò làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình" đúng như lời Bác Hồ đã nói. Bé chỉ cần ngồi đánh tam cúc cùng con mèo khoang để bố vào lò gạch, mẹ ra đồng cày như trong thơ Trần Đăng Khoa là đủ.
Đừng bắt trẻ con đóng vai anh hùng, như thế nó quá sức lắm, hãy để trẻ con là chính nó!

Tuần Viet Nam


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét