19-2-2013
(Minh họa: Ngọc Diệp) |
Mặc dù dư luận lên tiếng nhiều về
những tệ nạn núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng tuồng như, càng ngày người ta
càng kéo nhau đi cầu xin đông hơn. Quan sát các nơi, sẽ thấy được, có lẽ con
người ngày càng bất an hơn, ngày càng trống vắng niềm tin trong cuộc sống,
trong cuộc đời nên tìm chỗ cầu xin hoặc nương tựa.
Còn nữa, hình như con người ngày
càng tham lam của cải vật chất, danh vọng hơn. Người ta đi lễ không mấy ai xin
cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mà xin cho mình giàu sang phú quý, tài
lộc vô biên. Đến một số nơi, nghe người ta đọc to lời cầu với thánh thần mà
không khỏi hổ thẹn. Nào là xin cho con đổ đạt, cho chồng hiển vinh, “nói có người
nghe, đe có kẻ sợ”. Người ta mặc cả với thánh thần như chợ búa. Nơi chốn linh
thiêng, cần cái tâm trong sáng, nhưng thật đáng tiếc người ta toan tính quá nhiều.
Ở đâu cũng có hòm công đức. Công
đức thì vô lượng nên không biết bao nhiêu là vừa và cũng chẳng biết mấy là đủ.
Quyên góp để lo cho thánh thần thì tốt thôi, nhưng quản lý đồng tiền công đức
thế nào là chuyện cần phải tính đến, ai dám cam đoan không có kẻ lợi dụng sự mê
muội của nhiều người để trục lợi cho mình.
Quan sát mùa lễ hội xuân hằng năm
có thể đọc được thông điệp về trình độ dân trí. Sự mê muội, cuồng tín là biểu
hiện của dân trí thấp. Người văn minh không ai tin rằng xin một bức tượng thì
được giàu sang, mà phải học hành thật giỏi, phải làm việc cật lực. Nếu các thần
thánh cho sự giàu sang thì tại sao bao nhiêu năm nay, hàng triệu người đi lễ cầu
xin phúc lộc mà dân mình khổ như vậy, nước mình nghèo như thế? Hay cũng chính
vì quá nhiều người tin vào chuyện thần thánh mù quáng này mà nước mình nghèo?
Thông điệp buồn về dân trí còn ở
việc ăn ở mất vệ sinh, thiếu ý thức giữ gìn môi trường, bảo vệ tài sản nơi công
cộng. Các điểm lễ hội là các bãi rác. Núi Yên Tử linh thiêng cứ sau mùa lễ hội
là trở thành núi rác. Người ta đến các đền thờ, miếu mạo như một cơn lốc, tàn
phá cây xanh, hoa cỏ và để lại một bãi hoang tàn cùng với rác các loại. Không mấy
ai tự giác cúi xuống nhặt chai nước suối, túi ni lông để bỏ đúng chỗ. Còn các
nhà vệ sinh công cộng nơi các điểm lễ hội thì thôi khỏi phải nói.
Đi một vòng ở các điểm lễ hội ở
miền Bắc mấy ngày qua. Tự nhiên thấy lòng mình thật buồn.
Lê Chân Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét