7-2-2013
Trong những ngày cận kề Tết, con người ta thường hay ngồi
suy ngẫm về cuộc đời, hình như đó là tâm lý chung, có người suy ngẫm về một năm
đã qua cùng những được, mất, có người suy tư về thời gian mình đã sống từ tấm
bé cho đến chiều Ba Mươi hiện tiền, bóng chiều cuối năm như một lời tự sự từ
cõi vô ảnh nào đó trong cơn độc thoại, xa hơn một chút, có người ngồi ngẫm ngợi
về hiện tình gia đình, quê hương, đất nước…
Cũng có người tìm bạn bè uống rượu, đưa tiễn cuối năm, tiễn
một hành trình 365 ngày vừa khép lại, cũng có người ngồi nhâm nhi cà phê, phả
khói thuốc lên trời mà buồn vì mọi sự vẫn còn dở dang, chưa nên hình nên dáng,
và không ngoại trừ những người tìm một góc khuất để khóc thầm, cuối năm muôn
màu với số phận và đời sống cũng muôn màu.
Nhưng, có vẻ như, hình như, đẹp nhất vẫn là những người chịu
mọi gian khổ, hiểm nguy để tìm những ngưởi cùng khổ, bị áp bức mà chia sẻ, cảm
thông.
Bản tin của một cơ quan truyền thông bên ngoài Việt Nam:
“Vào hồi 21 giờ hôm qua thứ Ba 5/2/2013, một số nam nữ sinh
viên trẻ Hà Nội đã đến thăm những người dân oan ở xa về khiếu kiện tại số 1 Ngô
Thì Nhậm, Hà Đông, nơi trụ sở văn phòng tiếp dân của Trung ương đảng và Nhà nước.
Họ đã mang chút quà Tết chia xẻ với đồng bào của mình đang
khốn khó, thế nhưng, một số công an giả danh côn đồ đã hành hung, đánh đập các
sinh viên yếu đuối đang đi làm việc thiện nguyện.
Bà con xông vào cản ngăn cũng bị đánh đập. Sau đó CA dẫn giải
2 SV về đồn công an phường Quang Trung - Hà Đông. Nhưng trước sự phản đối dữ dội
của mọi người ngay trước đồn - công an đã buộc phải thả 2 sinh viên này vào lúc
23 giờ 30 cùng ngày.
Được biết hai sinh viên đó là 2 blogger trẻ ‘Loan-Hư Vô’ và
‘Trịnh Anh Tuấn-Gió Lang Thang’”.
Bàn tay con người, trong một ý nghĩa nào đó, nó tuy làm rất
nhiều việc nhưng lại mang bốn sứ mệnh căn bản: Cầm nắm; Úp; Ngửa và Phủi.
Lúc ấu thơ, được cha mẹ nắm tay tập đi, dìu mình bước những
bước chập chững đầu đời, đến khi lớn, lúc vui, bạn chìa tay ra để chia sẻ và
đón nhận hơi ấm hoan hỉ từ bàn tay khác, người ta chìa tay, bắt tay nhau cũng
là cách thể hiện sự ấm áp troing tâm hồn đang kết nối với sự ấm áp của tâm hồn
người khác, bàn tay có thể nắm, cầm vào những gì mà Thượng Đế cho phép nó nắm,
cầm để làm cho cuộc đởi trở nên sinh động, đáng yêu, gần gũi và bớt cô quạnh.
Mẹ thường dạy tôi rằng: “Những lúc mạnh mẽ, không cô đơn và
thấy tự tin về bản thân, những lúc điều kiện vật chất, tinh thân mình tạm ổn,
con phải biết úp bàn tay. Úp bàn tay ở đây có nghĩa là con úp một chút hơi ấm
chia sẻ của con lên một bàn tay cô đơn, lạnh lẽo khác đang ngửa ra đón chờ sự
chia sẻ, thậm chí là bố thí của con, hãy làm và đừng nuối tiếc, vì đó là một
trong những sứ mệnh hay định mệnh của bàn tay.
Và những lúc con cảm thấy cô đơn, buồn tủi, lạnh lẽo, con đừng
ngần ngại ngửa đôi bàn tay ra để đón nhận sự chia sẻ của đồng loại, không phải
riêng mình con chờ đợi như vậy đâu, mà đồng loại, ai cũng có nỗi buồn, cũng từng
có lúc ngửa bàn tay, và cũng đôi khi mong tìm thấy một bàn tay đang ngửa để
chia sẻ, ý nghĩa cuộc đời có viên mãn hay không nằm ở chỗ này.
Bởi suy cho cùng, là con người, đến một lúc nào đó, con cũng
sẽ vốc một nắm đất, nhẹ nhàng thả lên mộ của người thân, của bạn bè rồi phủi
hai bàn tay vào nhau như một lời tiễn biệt giữa vô thường. Hai bàn tay con người,
suy cho cùng, nó có bốn sứ mệnh căn bản này, nếu thiếu một trong bốn sứ mệnh
này, có thể nói rằng đó chưa phải là bàn tay của một con người…”.
Tự dưng, trong những ngày giáp Tết này, đọc thông tin về những
bạn trẻ chịu thương chịu khó, thay vì đi mua sắm, tất bật tìm quần áo mới, giày
mới hay đi dạo phố, họ lại chọn lựa công việc đi đến chia sẻ với những dân oan,
mang quà, thức ăn lỉnh kỉnh để biếu tặng cho những người cùng khổ trong lúc mọi
khó khăn, nguy hiểm đang rình rập….
Hình ảnh của họ vô hình trung chứng minh rằng bàn tay con
người mang sứ mệnh thật cao quí, đáng kính và đáng yêu, một bàn tay biết úp xuống
không ngần ngại để chia sẻ hơi ấm với đồng loại.
Nhưng rất tiếc, những bạn trẻ đáng yêu và tốt bụng lại gặp
phải lực cản từ phía nhà nước và công an, thay vì những người bạn trẻ có lòng tốt
với đồng loại được động viên để tiếp tục chìa tay sang sẻ, làm cho cuộc sống trở
nên tốt đẹp và đáng yêu hơn, nhà nước, công an đã thẳng tay hành hung, bắt bớ
những bạn trẻ này.
Trong hành xử này, dù đứng trên góc độ đạo đức hay chính trị,
vẫn cho thấy nhà nước Việt Nam, công an Việt Nam đã hoàn toàn không có căn bản
văn hóa, hay nói cách khác là không có phông văn hóa. Vì văn hóa ứng xử luôn đi
đôi với tính nhân văn, với lòng từ ái và sự lịch thiệp, không có một thứ văn
hóa ứng xử nào trong thế giới loài người lại không có lòng từ ái, không có tính
nhân văn.
Một khi đồng loại chìa tay chia sẻ với đồng loại mà anh xông
vào đạp đổ và hành hung thì dường như tính người của anh đã xuống đến mức thấp
nhất và tính thú (xin lỗi vì đã xúc phạm ‘thú vật’ trong trường hợp này!) của
anh đã “thăng hoa” đến cao độ.
Nếu nhìn từ góc độ của một nhóm ngành (công an) thì việc
ngăn cản, hành hung và bắt bớ những người bạn trẻ làm công việc thiện nguyện là
một hành vi vô văn hóa có tính cục bộ ngành nghề.
Nhưng, xét rộng ra một chút, trên phương diện quản lý nhà nước,
thì hành vi xúc phạm những người có lòng tốt, những người yêu nước và những dân
oan mà ngành công an đã thực hiện là chỉ dấu cho thấy sự thối nát có tính đồng
bộ trong hành xử chính trị cũng như trong điều hành an ninh quốc gia, nó cho thấy
rõ sự vô văn hóa, tính dã man và vô cảm có tính hệ thống trong chính quyền Cộng
sản Việt Nam.
Vì suy đi xét lại, nếu không có lệnh cấp trên, sẽ chẳng có bất
kỳ một công an viên nào đủ man rợ và điên dại để hành hung những người làm việc
thiện (cho dù việc thiện đó có mang theo động cơ chính trị chăng nữa!).
Và nếu Chính phủ, nhà nước hay ban chấp hành Đảng Cộng sản
Việt Nam không có những chủ trương máu lạnh, không ra lệnh, không tác động xuống
bên dưới, thì không hẳn đã xãy ra câu chuyện vừa nêu.
Rất tiếc, ở đây mọi hành xử không chỉ dừng ở vấn đề cấp trên
ra lệnh và cấp dưới tuân thủ, mà nó đã tiến xa một bước nữa, chạm đến thứ tâm
lý cuồng sát, cuồng tín và cuồng kích của công an viên. Điều này một lần nữa chứng
minh rằng họ đã được rèn luyện và đào tạo trong một cái lò vô cảm, man rợ và
không có văn hóa.
Vì không thế, họ đã không hành xử như thế! Điều này cũng cho
thấy chủ nghĩa Cộng sản là một thứ chủ nghĩa cụt tay, hoặc giả què tay, bàn tay
không đủ khả năng úp xuống để chia sẻ. Từ một thứ chủ nghĩa ích kỉ và máu lạnh
như thế, người Cộng sản không biết và không bao giờ chịu cúi xuống để nhìn thấy
những cuộc đời thống khổ trên quê hương, mà nỗi thống khổ này có nguyên nhân từ
sự đàn áp và cai trị của họ.
Đến đây, một câu hỏi khác được nêu ra: Đất nước này sẽ đi đến
đâu với một thứ chủ nghĩa vô cảm và cụt tay, què tay?
Năm hết, Tết đến, tự dưng thấy hai bàn tay của mình lạnh
lùng, thật sự lạnh lùng và vô cảm bởi mình đã nhồi nhét quá nhiều những thứ lý
thuyết cụt tay, què tay của một chủ nghĩa cụt tay, què tay, có cái tên khá mỹ
miều: Cộng sản! Và cho đến bao giờ con người trên đất nước này mới trở nên có
văn hóa?
Câu hỏi này giống như một thứ mệnh đề: Hôm nay là 27 tháng
Chạp, nếu không có gì thay đổi thì ba hôm nữa sẽ là Tết. Nó cũng giống như nếu
không có gì thay đổi, thì chủ nghĩa cộng sản vẫn cứ… cụt tay!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét