21-2-2013
Trung Quốc sẽ không đơn giản giữ lấy chiếc ghế của mình trong trật tự hậu chiến tranh do Mỹ tạo ra.
Liệu Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ nhanh gấp
3 lần Mỹ và trở thành nền kinh tế số một thế giới trong thập niên tới đây? Liệu
Trung Quốc có khát vọng trở thành cường quốc số một ở châu Á và sau cùng là
trên toàn thế giới? Khi Trung Quốc trở thành một cường quốc, liệu họ có theo lối
mòn của Nhật Bản là trở thành một thành viên danh dự của phương Tây?
Giới nghiên cứu mỗi người một quan điểm, nhưng câu trả lời
chắc chắn nhất cho những câu hỏi này vẫn là: không ai biết chắc. Tuy nhiên các
chính khách, nhà đầu tư và người dân trong và ngoài khu vực ai nấy đều có đủ lý
do bảo vệ cho suy nghĩ của mình. Và các nhà hoạch định chính sách Mỹ với đóng
góp lớn vào chiến lược dịch chuyển trọng tâm về châu Á của chính quyền Obama
cũng đang có những đánh giá của riêng mình. Riêng Henry Kissinger, một người Mỹ
mà cho tới nay có thể nói là dành nhiều thời gian cùng các nhà lãnh đạo Trung
Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông, lại có câu trả lời là: Lý Quang Diệu.
Câu trả lời của Lý Quang Diệu cho các câu hỏi nêu trên lần
lượt là: có, có, và không.
Có, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh gấp vài
lần Mỹ và các đối thủ phương Tây khác trong thập niên tới, và có thể trong cả mấy
thập niên nữa.
Có, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đang rất nghiêm túc với
việc trở thành cường quốc hàng đầu ở châu Á và trên thế giới. Như ông nói:
"Tại sao không? Sự thức tỉnh ý thức vận mệnh của họ là thứ không cưỡng lại
được".
Không, Trung Quốc sẽ không đơn giản giữ lấy chiếc ghế của mình
trong trật tự hậu chiến tranh do Mỹ tạo ra. Thay vào đó, "Trung Quốc có ý
đồ muốn trở thành siêu cường lớn nhất thế giới - và được chấp nhận là một Trung
Quốc chứ không phải là một thành viên danh dự của phương Tây", ông nói
trong bài phát biểu năm 2009.
Các chính phủ phương Tây không ngừng kêu gọi Trung Quốc thể
hiện tinh thần trách nhiệm quốc tế với tư cách là một thành viên có trách nhiệm
trong trật tự toàn cầu do các nhà lãnh đạo phương Tây sáng lập sau Đại chiến thế
giới thứ hai. Nhưng như Kissinger quan sát, những lời kêu gọi này đang
"dành cho một quốc gia tự nhận là lực lượng tạo sự thay đổi cơ chế thành
viên trong hệ thống quốc tế được nhào nặn trên cơ sở các chương trình mà họ
không dự phần phát triển".
Theo quan điểm của Lý Quang Diệu, "Trung Quốc không vội
thay thế Mỹ là cường quốc số một thế giới". Ông từng nói trong một bài phỏng
vấn với tờ Foreign Policy: "một số người Trung Quốc tưởng tượng rằng thế kỷ
21 sẽ thuộc về Trung Quốc, số khác hy vọng chia sẻ thế kỷ này với Mỹ bởi họ muốn
gây dựng cho thế kỷ Trung Quốc sau đó".
Chiến lược của Trung Quốc nhằm đạt được vị thế cao nhất,
theo Lý Quang Diệu, là "xây dựng một tương lai vững mạnh và thịnh vượng, sử
dụng lực lượng lao động dồi dào với kỹ năng và trình độ giáo dục ngày càng cao
để vượt qua và xây dựng quy mô hơn tất cả các nước khác".
Về quân sự, các
nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn có sự đối đầu nào cho tới khi nước này
"vượt qua Mỹ về trình độ phát triển và ứng dụng công nghệ", một lĩnh
vực mà cho tới nay Trung Quốc vẫn đang thua kém rất xa.
Lý Quang Diệu nói, Trung Quốc tính toán rằng nếu họ tiếp tục
duy trì "trỗi dậy hòa bình" và chỉ đấu tranh cho vị trí số một về
kinh tế và công nghệ, họ sẽ không thể thua cuộc". Nhưng nếu xét về sức mạnh
cứng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc về cơ bản vẫn theo phương châm của Đặng Tiểu
Bình là "giấu mình chờ thời".
Do đó, liệu chúng ta có sẽ bước vào kỷ nguyên Trung Quốc? Lý
Quang Diệu vẫn dự đoán như vậy, mặc dù ông cũng lưu ý rằng "khả năng không
xảy ra điều đó là 1/5". Nếu Lý Quang Diệu nói đúng, các nhà lãnh đạo ở cả
Trung Quốc và Mỹ sẽ đương đầu với một thách thức lớn trong vài thập niên tới với
thực tế là cường quốc trỗi dậy thách thức cường quốc cũ. Trong lịch sử, các
chính khách đã thất bại trong thử thách này: 11/15 những trường hợp như vậy kể
từ năm 1500 đã kết thúc bằng chiến tranh. Giới lãnh đạo ngày nay phải ghi nhớ
thống kê ấy, rút kinh nghiệm những sự thành công, và chuẩn bị tinh thần cho thực
tế rằng sẽ cần phải có những sự điều chỉnh thái độ và hành động từ cả hai bên để
tránh xung đột bạo lực trong tương lai.
*Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt
TQ còn chưa thoát thời phong kiến cổ hủ-Tâm thức độc tài chẳng khác Nhật Bản thời 1930, dân tình như thế làm sao dẫn đạo thế giới ?
Trả lờiXóa