26-2-2013
YouTube
Chương trình thời sự buổi 19h ngày 25/02/2013 của VTV1 đã tường thuật
buổi làm việc của ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam
– với Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Tại đó, ông Trọng đã nói rằng:
"Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể
quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chứ gì nữa?
Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không? Phủ nhận vai trò lãnh đạo
của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không?
Hả? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không? Người ta đang có những quan điểm đấy.
Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ
còn gì nữa! Chỉ ở đâu nữa nào? Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký
đơn tập thể, thì nó là cái gì…ì? Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý
cái này."
Đã có nhiều bài viết và ý kiến phản đối phát biểu kể trên của ông Trọng. Bản thân tôi đã trao đổi một số ý trong bài "Hai tử huyệt của chế độ", nên ở đây không muốn bàn thêm về "Điều 4 Hiến pháp" và các vấn đề liên quan, mà chỉ đề cập đến một ý… mới mẻ đến không ngờ. Vâng, nó nằm trong câu:
"Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể,
thì nó là cái gì…ì?"
Câu hỏi "thì nó là cái gì?" mang vẻ miệt
thị. Đặc biệt, chữ "gì…ì" được ông Trọng dằn giọng kéo dài,
như thể đay nghiến. Không hiểu, điều đó biểu lộ sự khó chịu, hay thể hiện rằng
ông ấy thực sự không hiểu "khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … là
cái gì?" Bất luận vì lý do nào, thì việc người đứng đầu đảng cầm quyền
đặt ra một câu hỏi như vậy cũng là một điều trầm trọng. Vì sao?
Trước hết, "biểu tình" là một quyền hiến định,
ông Trọng ạ! Nếu ông không tin, thì cứ tìm trong Hiến pháp 1992, ắt sẽ thấy. Hiến pháp hiện hành của nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có một chương về "Quyền và nghĩa vụ
cơ bản của công dân", trong đó Điều 69 viết rằng:
"Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có
quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo
quy định của pháp luật."
Như đã trao đổi trong bài "Quyền biểu tình của công dân", do Quốc hội không
(hoặc chưa) ban hành luật nào liên quan tới hoạt động biểu tình, nên mệnh đề "theo
quy định của pháp luật" không (hoặc chưa) có tác dụng hạn chế quyền
biểu tình. Nghĩa là, theo Hiến pháp và pháp luật hiện hành, thì công dân
luôn luôn có quyền biểu tình ôn hòa, và quyền ấy không bị hạn chế bởi pháp luật.
Chính quyền thường viện dẫn Nghị định Quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng số
38/2005/NĐ-CP vàThông tư số 09/2005/TT-BCA để ngăn cản và đàn áp biểu
tình. Nhưng bài "Lực cản Nhà nước pháp quyền" đã chỉ ra rằng:
- Hiến pháp 1992 không trao cho Chính phủ quyền ban hành
nghị định để hạn chế quyền công dân.
- Dù bỏ qua hai
khía cạnh vừa kể, thì lời văn của hai văn bản ấy cũng không cho phép áp
dụng chúng để cản trở biểu tình yêu nước, như những cuộc biểu tình ôn hòa đã diễn
ra ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong hai năm 2011 và 2012.
Hơn nữa, như đã trao đổi trong bài "Teo
dần quyền con người trong Hiến pháp", việc công dân biểu
tình khi chưa có luật về biểu tình còn chính đáng và hợp pháp hơn so
với việc Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động khi chưa có luật quy định về khuôn
khổ hoạt động của đảng. Bởi vì
"Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến
pháp và pháp luật." (Trích Điều 4, Hiến pháp 1992)
Và trong một nhà nước pháp quyền, nhà cầm quyền (kể cả
đảng và các cơ quan Nhà nước) "chỉ được làm những điều pháp luật cho phép, còn Nhân dân
được làm tất cả những điều pháp luật không cấm".
Như vậy, ông Trọng không thể tìm được cơ sở pháp lý nào
để có thể phủ định quyền biểu tình của công dân.
Còn việc "khiếu kiện" thì sao? Đó là chính
là "quyền khiếu nại, quyền tố cáo" của công dân, ông Trọng ạ!
Nó được hiến định tại Điều 74 của Hiến pháp 1992:
"Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với
cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà
nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá
nhân nào."
Hiến pháp và pháp luật hiện hành hoàn toàn không cấm "tham
gia đi khiếu kiện" và "ký đơn tập thể". Ngược lại, Điều
78 của Luật khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10 (được Quốc hội
khóa 10 thông qua ngày 2/12/1998) viết rõ:
"Cử đại diện để trình bày với người tiếp công dân trong
trường hợp có nhiều người khiếu nại, tố cáo về cùng một nội dung."
Nếu không "cùng kiện", không "cùng
ký đơn", thì làm sao có thể "cử đại diện để trình bày"? Nghĩa
là: Luật số 09/1998/QH10 chấp nhận đích danh việc khiếu kiện
có đông người tham gia và việc "ký đơn tập thể".(1)
Ấy vậy mà Chính phủ lại ngăn cản quyền chính đáng ấy bằng việc
ban hành Nghị định số 136/2006/NĐ-CP, trong đó quy định tại Điều
6 rằng:
"... trong trường hợp đơn khiếu nại có chữ ký của
nhiều người thì có trách nhiệm hướng dẫn người khiếu nại viết thành
đơn riêng..."
Và Thanh tra Chính phủ còn khẳng định thêm trong Thông tư số 04/2010/TT-TTCP (tại Điều 8) rằng:
"Đơn khiếu nại có họ, tên, chữ ký của nhiều người thì cán
bộ xử lý đơn đề xuất Thủ trưởng cơ quan chuyển trả đơn..."
Rõ ràng là: Nghị định số 136/2006/NĐ-CP và Thông tư số 04/2010/TT-TTCP đã vi phạm Luật số 09/1998/QH10, và với việc ban hành hai văn bản
ấy, Chính phủ đã vượt quá quyền hạn được quy định tại Điều 112 của Hiến pháp 1992.(2) Vì vậy, chúng không có giá trị
pháp lý để ngăn cấm việc "tham gia đi khiếu kiện" và "ký
đơn tập thể".
Tóm lại: Biểu tình và khiếu kiện, dù với tư cách cá
nhân hay tham gia ký đơn tập thể, thì cũng đều là thực thi quyền hiến định,
trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, ông Trọng ạ! Nhân dân có quyền sử dụng các
quyền hiến định đó, kể cả trong trường hợp ông hay ai đó cho rằng Hiến pháp chỉ
để trang trí. Vì vậy, ông không thể "quy" việc họ "tham
gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể" là "suy thoái
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống", rồi yêu cầu "các đồng
chí quan tâm xử lý" được.
Ông đã từng 5 năm làm Chủ tịch Quốc hội, "là cơ
quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp" (Điều 83, Hiến pháp 1992). Giờ đây ông là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản
Việt Nam, đứng ra điều khiển Quốc hội sửa đổi Hiến pháp. Những tưởng, phải có
kiến thức tối thiểu về Hiến pháp và pháp luật, thì mới có thể đảm nhận hai trọng
trách ấy. Ai dè, ông lại hỏi mấy quyền hiến định "nó là cái gì",
với ngụ ý quy tội "suy thoái" và đòi "xử lý"…
Điều đó khiến mọi người, kể cả trong lẫn ngoài đảng, phải nghẹn ngào tủi hổ,
vừa thương xót bản thân, vừa thấy tội nghiệp cho đồng bào mình quá, ông Trọng ạ!
________________________
Ghi chú
(1) Điều 78 của Luật số 9/1998/QH10 vẫn còn hiệu
lực, vì nó không bị sửa đổi trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo số
26/2004/QH11 (thông qua ngày 15/6/2004) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo số
58/2005/QH11 (thông qua ngày 29/11/2005).
(2) Điều 18 của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội số 05/2003/QH11 quy
định rằng:
"Ủy ban thường vụ Quốc hội... đình chỉ việc thi hành một
phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết
của Quốc hội và trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất."
Căn cứ vào điều luật này, trong bài "Lực cản Nhà nước pháp quyền", tôi đã đặt câu hỏi:
"Đã bao giờ Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện
nhiệm vụ kể trên hay chưa? Đợi đến bao giờ thì Ủy ban thường vụ Quốc hội mới
xem xét và xử lý Nghị định số 38/2005/NĐ-CP và Thông tư số 09/2005/TT-BCA, cũng như Nghị định số 136/2006/NĐ-CP và Thông tư số 04/2010/TT-TTCP?"
Phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng ngày 25/02/2013 tại Tỉnh ủy
Vĩnh Phúc đã cho thấy, tại sao dưới thời ông làm Chủ tịch Quốc hội, không những
không dẹp bỏ được các văn bản vi phạm Hiến pháp và pháp luật đã có từ trước,
như Nghị định số 38/2005/NĐ-CP và Thông tư số 09/2005/TT-BCA, mà còn để sinh thêm những văn bản
sai trái mới, như Nghị định số 136/2006/NĐ-CP và Thông tư số 04/2010/TT-TTCP.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét