Tri Nhân Media

CHIẾN DỊCH NĂM 1979: VẤN ĐỀ LÃNH ĐẠO VÀ TỔ CHỨC CHỈ HUY

Edward C. O’Dowd
Marine Corps University, Quantico
Ngô Bắc dịch
09.04.2012

Khoảng giữa Tháng Mười Hai 1978, trạm chỉ huy tiền phương của Quân Khu Quảng Châu đã được thành lập, và cục chính trị tại bộ chỉ huy (Guangzhou junqu qianzhi zhengzhibu) đã cung cấp sự hướng dẫn cho các đơn vị trực thuộc về các vấn đề mới phát sinh trong khi các sự chuẩn bị cho chiến tranh vẫn được tiếp tục.  Nhưng các chính ủy của các đơn vị QĐGPNDTQ được bố trí đã đối diện với các vấn đề to lớn trong việc sắp đặt các binh sĩ của họ vào tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Ngày 12 Tháng Mười Hai, Tổng Cục chính Trị [TCCT, tiếng Anh là General Political Department: GPD, chú của người dịch] của QĐNDTQ đánh đi một thông tư mật cho tất cả các đơn vị.  “Các Chỉ Thị từ Tổng Cục Chính Trị về công tác chính trị hướng dẫn các đơn vị binh sĩ trong các hoạt động quân sự” này (Zong zhenzhibu guanyu zouhao budui zai junshi xingdongzhong zhengzhi gongzuode zhishi) nói rõ rằng các đơn vị phải thực hiện các nỗ lực tức thời để tăng cường hệ thống cán bộ của đơn vị và phải điền khuyết mọi phần vụ cán bộ còn trống ở cấp đại đội và trung đội. 32

Trong một điện văn gửi cho các đơn vị thuộc cấp trong cùng ngày, Phòng Cán Bộ Cục Chính Trị khuyến cáo rằng các cá nhân đã được sắp xếp cho giải ngũ có thể bị giữ lại nếu họ cần thiết để điền khuyết các nhiệm vụ đặc biệt, nhưng còn khuyến cáo thêm nữa rằng bất kỳ đơn vị nào thiếu các cán bộ cơ bản bởi vì chúng mới được thành lập gần đây hay đã được tái tổ chức có thể, khi mà tình thế đòi hỏi chúng phải làm như thế, vẫn khởi sự hoạt động. 33 Hai ngày sau đó, TCCT tái xác nhận rằng các phần vụ cán bộ còn trống phải được điền khuyết càng sớm càng tốt 34 và chỉ thị cho mọi đơn vị được bố trí tiếp tục gặp khó khăn cần thông báo cho TCCT.

TCCT thông báo rằng nó sẽ có được số thay thế bằng việc thực hiện một cuộc tìm kiếm toàn quân (quan jun).  QĐGPNDTQ, trước khi viên đạn đầu tiên được khai hỏa, đã có khó khăn trong việc điền khuyết các chức vụ lãnh đạo trọng yếu ở cấp đại đội và trung đội.

Một vấn đề tương tự hiện hữu trong lãnh vực các chức vụ kỹ thuật.  Vào ngày 12 Tháng Mười Hai, Cục Chính Trị và Cục Hậu Cần Bộ Chỉ Huy Tiền Phương của Quân Khu Quảng Châu đưa ra sự hướng dẫn về chính sách cần tuân hành trong việc điền khuyết các phần vụ kỹ thuật trong các đơn vị pháo binh, công binh, truyền tin, thiết giáp, chiến tranh chống hóa chất, và “cơ mật” (jiyao).  Như trong trường hợp các chỗ trống cán bộ, các đơn vị được bảo rằng chúng có thể lưu dụng các chuyên viên đã được sắp xếp cho giải ngũ nếu các chuyên viên đó đồng ý phục vụ.  Các nhân viên y khoa ở mọi cấp trong hệ thống bệnh viện cũng có thể bị giữ lại. 35

Trung Quốc chính thức phóng ra chiến dịch biên giới của nó vào ngày cuối của năm 1978.  Mặc dù tác giả King C. Chen, trong cuộc nghiên cứu triệt để nhất về sự cấu tạo quyết định của Trung Quốc vào trước lúc khởi chiến, nói rằng quyết định cuối cùng đi đến chiến tranh với Việt Nam đã được lấy bởi Quân Ủy Trung Ương giữa ngày 9 Tháng Hai đến 12 Tháng Hai, 1979,36 quyết định phóng ra chiến dịch trong thực tế đã được lấy sớm hơn nhiều.  Trong Tháng Hai, quân ủy duyệt xét các kế hoạch cho cuộc xâm lăng và khảo sát các hàm ý của cuộc thăm viếng gần đó sang Hoa Kỳ của Đặng Tiểu Bình, nhưng Phòng Chính Trị Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Khu Quảng Châu đã thông báo cho các đơn vị trực thuộc hôm 28 Tháng Mười Hai rằng chúng sẽ được chứng nhận công tác chiến đấu kể từ ngày 31 Tháng Mười Hai, 1978. 37

Tại phía Trung Quốc dọc biên giới, các đơn vị QĐGPNDTQ tiếp tục được điều động đến các khu vực tập họp của chúng, và tại Việt Nam, QĐNDVN đã đào vô số hào cho các vị trí chiến đấu.  Ở cả hai bên, các nhân viên cao cấp đã bắt tay vào việc biến các đội quân thời bình thành các đội quân thời chiến.  Các sĩ quan tham mưu và các viên chức đảng đã tái tổ chức bộ tư lệnh và các sự sắp xếp để kiểm soát của họ, và hoạch định các hoạt động trước mặt.

Vào cuối Tháng Mười Hai hay đầu Tháng Một, Trung Quốc đã thiết lập Mặt Trận Phương Nam để liên kết các hoạt động tại Quân Khu Côn Minh và Quân Khu Quảng Châu.  Tư Lệnh Quân Khu Quảng Châu, Xu Shiyou (Hứa Thế Hữu?), đảm nhận việc chỉ huy mặt trận, với Zhang Tingfa, Tư Lệnh Không Quân, làm Tham Mưu Trưởng của ông.  Yang Dezhi (Dương Đắc Chí?), được di chuyển khỏi bộ chỉ huy Quân Khu Vũ Hán để nắm quyền kỉểm soát Quân Khu Côn Minh và là Tư Lệnh Phó Mặt Trận Phương Nam.  Theo các sự tường thuật của báo chí, Yang cũng sẽ trở thành tư lệnh toàn thể binh sĩ Trung Quốc tại Việt Nam. 38 Xiang Zhonghua và Liu Zhijian vẫn giữ nguyên các vai trò của họ là chính ủy Quân Khu Quảng Châu và Quân Khu Côn Minh. 39 Wang Hai, Tư Lệnh Không Quân Quân Khu Quảng Châu, được phong làm tư lệnh các hoạt động không quân tại chiến trường Quảng Tây và Hou Shunjun, chỉ huy Trạm Chỉ Huy Không Quân Quân Khu Côn Minh, trở thành vị tư lệnh không quân đối tác của ông tại chiến trường Vân Nam. 40

Tại một đối cực của xứ sở, Mặt Trận Phương Bắc được thiết lập cùng lúc để đối diện với Liên Bang Sô Viết.  Bao gồm các Quân Khu Tân Cương, Lan Châu, Bắc Kinh, và Shenyang (Thẩm Dương?), Mặt Trận Phương Bắc được cầm đầu bởi Li Desheng, tư lệnh Quân Khu Shenyang.  Các quân khu phía bắc, bất kể có sự tập trung đông đảo nhất các binh sĩ của QĐGPNDTQ, sẽ giữ lại các đơn vị của chúng và đã không đóng góp gì cho chiến dịch ở phương nam. 41

Hiệu quả chủ định của sự thành lập Mặt Trận Phương Nam là để tạo ra một tổ chức duy nhất, báo cáo trực tiếp cho Tổng Hành Dinh QĐGPNDTQ tại Bắc Kinh, vốn kiểm soát tất cả các cơ sở không quân và bộ bình của QĐGPNDTQ trong Quân Khu Côn Minh và Quân Khu Quảng Châu.  Mặt trận bao gồm hai chiến trường: Quảng Tây ở phía đông, giáp ranh với Huyện Khu Quân Sự Vân Nam trong Quân Khu Côn Minh.  Trong cả hai trường hợp, chiến trường quân sự cho các hoạt động đi theo ranh giới của tỉnh liên hệ.

Mối quan hệ chỉ huy về phía Việt Nam thì hoàn toàn đơn giản.  Quân Khu Một, bao gồm các tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, được định danh là khu Cao-Lạng, 42 và hai mặt trận được thiết lập trong phạm vi của nó.  Trong Tháng Hai 1979, Mặt Trận Cao Bằng [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] được thiết lập để kiểm soát các hoạt động trong vùng tây bắc của Quân Khu Một, với Mặt Trận Lạng Sơn đảm trách một vai trò tương tự tại phần phía đông của quân khu. 43 Thủ tục cũng giống thế tại Quân Khu Hai, nơi mà khu vực hoạt động Phong Thổ - Lào Cai được thành lập với một mặt trận duy nhất, Mặt Trận Lào Cai.  Khu vực biên giới duy nhất vào lúc khởi đầu đã không bao gồm một hay nhiều mặt trận dưới một quân khu là tỉnh duyên hải Quảng Ninh, nhưng tình trạng này đã được lưu ý tới trong Tháng Ba khi Bộ Quốc Phòng đã thiết lập Mặt Trận Quảng Ninh tại Đặc Khu Quảng Ninh.

Việc chỉ huy quân sự tổng quát của QĐNDVN nằm trong tay viên Tướng cao cấp Võ Nguyên Giáp, Bộ Trưởng Quốc Phòng từ 1944.  Thượng Tướng Văn Tiến Dũng là Tổng Tham Mưu Trưởng và Thượng Tướng Chu Huy Mẫn làm Tổng Cục Trưởng TCCT. 44 Thiếu Tướng Đàm Quang Trung là Tư Lệnh Quân Khu Một kiêm Chính Ủy, và Trung Tướng Vũ Lập (tên chiến đấu (nom de guerre) của Nông Văn Phách) là tư lệnh của Quân Khu Hai. 45

Các Chuẩn Bị Cuối Cùng

Trong Tháng Mười 1978, QĐGPNDTQ đã khởi sự một loạt các cuộc thăm dò các vị trí của Việt Nam liên tục cho đến ngày 15 Tháng Hai 1979.  Phía Trung Quốc có chủ định dùng các hoạt động này để thu lượm tin tức tình báo, dọa nạt các binh sĩ QĐNDVN, và để đánh lạc hướng sự chú ý đến mục đích hoạt động chính của Trung Quốc cho chiến dịch sắp xẩy ra.  Các cuộc thăm dò đầu tiên được thực hiện tại các khu vực xuyên qua đó QĐGPNDTQ sau này sẽ di chuyển trong cuộc xâm lăng hôm 17 Tháng Hai.  Các mục tiêu diện địa chính yếu của cuộc xâm lăng sẽ là các tỉnh Hoàng Liên Sơn, Cao Bằng và Lạng Sơn, và chín trong mười cuộc thăm dò đầu tiên đã được thực hiện chống lại QĐNDVN tại các tỉnh này.  Về chín cuộc tấn công, tám cuộc được thực hiện tại các huyện nằm ngang các lộ tiến quân cho cuộc xâm lăng.  (Đã không có các cuộc thăm dò được ghi nhận tại Lai Châu và Hà Tuyên, hai tỉnh biên giới Việt Nam chỉ phải chịu tổn thất nhỏ hay các cuộc tấn công quấy rối trong Tháng Hai.) Các cuộc tấn công dần gia tăng về quân số và tần số trong khi nhiều đơn vị QĐGPNDTQ được bố trí dọc biên giới, phản ảnh nhu cầu gia tăng của các chỉ huy tại chỗ về thông tin cho các hoạt động chiến trường của chính họ.  Các cuộc thăm dò đã tìm cách xác định các vị trí của địch, xuyên qua sự phân tích phản ứng của QĐNDVN đối với các cuộc tấn công diện địa và pháo kích.
       
Không có sự ghi nhận về các cuộc thăm dò của Việt Nam đối với các vị trí của phía Trung Quốc, nhưng gần như chắc chắn rằng phía Việt Nam ít nhất đã thực hiện sự thám thính địa hình và sự tăng cường của Trung Quốc: biên giới thì cực kỳ bỏ ngõ và các lính tuần cảnh, gián điệp và các người khác đều có thể băng ngang nó với sự dễ dàng tương đối.  Bất luận Việt Nam có thực hiện các cuộc tuần cảnh hay không, sự kiện rằng các cuộc thăm dò của Trung Quốc thì quy mô, được tổ chức tốt, và bạo động đã rõ ràng báo tin cho phía Việt Nam về tầm mức lớn lao của lực lượng dàn binh bố trận đánh họ.
       
Vào sáng ngày 17 Tháng Hai, 1979, Việt Nam có khoảng mười lăm trung đoàn chiến đấu được kiểm soát bởi năm sư đoàn chính quy tại các Mặt Trận Lào Cai, Cao Bằng, và Lạng Sơn.  Dân quân và một số nhỏ các đơn vị biên phòng hỗ trợ cho tuyến phòng thủ, để tạo ra một lực lượng vào khoảng 50,000 người.  Dàn binh chống lại các kẻ phòng thủ, dưới sự chỉ đạo của Mặt Trận Phương Nam của nó, Trung Quốc đã có hơn một trăm trung đoàn chiến đấu, tổng cộng khoảng 450,000 quân.  Tương quan lực lượng ít nhất là sáu trên một, và tại một số khu vực, tỷ lệ này cao hơn nhiều.  Tại khu vực quanh Lạng Sơn, cán cân lực lượng ít nhất là mười trên một, nghiêng về phía Trung Quốc.
       
Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc chưa hề ấn hành một sự giải thích rõ ràng về các kế hoạch hành quân của mình trong chiến dịch 1979, nhưng một số điều gì đó về các kế hoạch đó có thể được nhận thấy xuyên qua sự phân tích về các địa điểm và các sự điều động các lực lượng đối nghịch.  Bức tranh mà sự phân tích như thế tạo ra đôi khi khác biệt với bức tranh mà phần lớn các học giả tin tưởng về chiến dịch; đặc biệt, nó nêu lên các câu hỏi nghiêm trọng về con số các cuộc tấn công mà Trung Quốc đã thực hiện tại các tỉnh lỵ Việt Nam trong chiến dịch 1979: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, và Lạng Sơn. 46 Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Việt Nam đồng ý rằng đã không có các cuộc tấn công vào Hà Giang và Lai Châu. 47 Một sự phân tích tường tận sự giao tranh xác quyết chiến dịch thành một cuộc đấu tranh trên ba mặt trận đã được xác định trước đây trong chương này: Lạng Sơn, Cao Bằng, và Lào Cai. 48 Vào các giờ giấc sớm sủa của ngày 17 Tháng Hai, chiến dịch đã khởi sự tại ba mặt trận này (xem Các Bản Đồ 6, 7 và 8 [theo sự đánh số trong nguyên bản, chú của người dịch]).. 49


                           
_____
CHÚ THÍCH

32. Phòng Cán Bộ Chính Trị Tiền Phương Quân Khu Quảng Châu (Guangzhou Military Region Forward Political Cadre Department, Zhong Yue Bianjing Ziwei Huanji Zuozhan Ganbu Gongzuo Ziliao Huibian (Sưu Tập Các Tài Liệu Về Công Tác Cán Bộ Trong Trận Hoàn Kích Tự Vệ Tại Biên Cương Trung Quốc – Việt Nam) (Guangzhou: Guangzhou Military Region Forward Political Cadre Department, 1979), trang 1.  Ấn phẩm này từ giờ về sau được viết tắt là GGZH.

33. GGZH, trang 24.

34. GGZH, trang 2.

35. GGZH, trang 26.

36. King C. Chen, China’s War with Vietnam, 1979: Issues, Decisions, and Implications (Stanford, California: Hoover Institution Press, 1987), trang 92.

37. GGZH, trang 30.

38. King C. Chen, China’s War with Vietnam, trang 90.

39. Wolfgang Bartke, Who’s Who in the People’s Republic of China (Armonk, New York: M. E. Sharpe, 1981), trang 715.

40. Kenneth W. Allen, China’s Air Force Enters the 21st Century, trang 94.

41. Harlan W. Jencks, China’s ‘Punitive‘War on Vietnam, trang 806.

42. Nguyễn Trí Huân [?], Sư Đoàn Sao Vàng, trang 410.

43. Viện Quân Sử Việt Nam, 55 Năm Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, trang 403.

44. Douglas Pike, PAVN: People’s Army of Vietnam (Novato, California: Presidio Press, 1986), các trang 339-47.

45. Bộ Quốc Phòng Việt Nam, Trung Tâm Bách Khoa Quân Sự, Từ Điển Bách Khoa Quân Sự (People’s Army of Việt Nam Military Encyclopedia) (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Quân Đội Nhân Dân, 1996), trang 670.

46. King C. Chen, China’s War with Vietnam, trang 105.

47. Tin phát thanh bằng Anh ngữ của Tân Hoa Xã Bắc Kinh, hồi 13:47 GMT ngày 16 Tháng Ba, 1979, như được tường thuật trong FBIS (Foreign Broadcast Information Service) Southeast Asia and Pacific, March 19, 1979, trang E-1.  Muốn có phiên bản Việt Nam về biến cố, xem Nguyễn Hữu Thúy (? hay Thùy, Thủy), Chinese Aggression: Why and How It Failed (Hanoi: Foreign Language Publishing House, 1979), rải rác.

48. Trung Quốc tuyên bố rằng nó đã chiếm được Lạng Sơn, Đồng Đăng, và Lộc Bình tại Mặt Trận Lạng Sơn; Sóc Giang [?], Thông Nông [?], Hòa An [?], Trùng Khánh, Quảng Uyên (hay Quảng Hóa ?), Phục Hòa [?], Hà Lang [?], Đông Khê, Thất Khê, và Cao Bằng trên Mặt Trận Cao Bằng; và Lào Cai, Cam Đường, Phố Lu, Sapa, Mường Khương [?], Bát Xát [?], và Phong Thu [Thổ?] trên Mặt Trận Lào Cai.  Tất cả các thị trận này nằm trên các đường trực tiếp dẫn đến ba mục tiêu chủ yếu của Trung Quốc là Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai.  Điều này khiến ta nghĩ rằng cuộc xâm lăng của Trung Quốc đã là một cuộc hành quân chính xác hơn là một cuộc tấn công toàn diện bừa bãi mà tác  giả King C. Chen và các tác giả khác đã phác họa nó.

49. Niên lịch sử dụng ở đây cho các biến cố tại các Mặt Trận Lào Cai, Cao Bằng, và Lạng Sơn được rút phần lớn từ quyển sách của Li Man Kin, The Sino-Vietnamese War.  Tác giả Li cũng cung cấp một sự trình bày chính xác về trận liệt của Việt Nam (Vietnamese order of battle).  Phần lớn tin tức về các đơn vị Trung Quốc can dự vào chiến dịch được rút ra từ quyểnGanbu Gongzuo Ziliao Huibian (GGZH) và từ hai tập của bộ sách nhan đề Zhengzhi Gongzuo Jingyan Xuanbian (ZGJX) và khi đối chiếu với tác phẩm năm 1981 quan trọng của họ Li thì mới mẻ.  Vì thế, có nhiều cước chú ở đây.  Các tọa độ địa dư và các sự mô tả về địa thế, các đường lộ, và các tính chất khác được dựa trên các sự quan sát bởi chính tác giả trong một loạt các cuộc du hành đến khu vực từ năm 1996 đến 2001.  Tọa độ địa dư được chấm định bởi GPS (global positioning satellite system: hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu) trong Tháng Hai và Tháng Ba 2001.


____
Nguồn: Edward C. O’Dowd, Chinese Military Strategy In The Third Indochina War, The Last Maoist War, Routledge: New York, 2007, Chapter 4: The 1979 Campaign, các trang 45-73; Chapter 5: The Battle of Lang Son, February – March 1979, các trang 74-88; Chapter 0: Conclusion: the legacy of an “incredible, shrinking war”, các trang 159-166.       

Ngô Bắc dịch và phụ chú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét