Tri Nhân Media

CHIẾN DỊCH NĂM 1979: MẶT TRẬN LẠNG SƠN, MẶT TRẬN CAO BẰNG, MẶT TRẬN LÀO CAI

Edward C. O’Dowd
Marine Corps University, Quantico
Ngô Bắc dịch
09.04.2012

CHUẨN BỊ CUỐI CÙNG

Trong Tháng Mười 1978, QĐGPNDTQ đã khởi sự một loạt các cuộc thăm dò các vị trí của Việt Nam liên tục cho đến ngày 15 Tháng Hai 1979.  Phía Trung Quốc có chủ định dùng các hoạt động này để thu lượm tin tức tình báo, dọa nạt các binh sĩ QĐNDVN, và để đánh lạc hướng sự chú ý đến mục đích hoạt động chính của Trung Quốc cho chiến dịch sắp xẩy ra.

Các cuộc thăm dò đầu tiên được thực hiện tại các khu vực xuyên qua đó QĐGPNDTQ sau này sẽ di chuyển trong cuộc xâm lăng hôm 17 Tháng Hai.  Các mục tiêu diện địa chính yếu của cuộc xâm lăng sẽ là các tỉnh Hoàng Liên Sơn, Cao Bằng và Lạng Sơn, và chín trong mười cuộc thăm dò đầu tiên đã được thực hiện chống lại QĐNDVN tại các tỉnh này.

Về chín cuộc tấn công, tám cuộc được thực hiện tại các huyện nằm ngang các lộ tiến quân cho cuộc xâm lăng.  (Đã không có các cuộc thăm dò được ghi nhận tại Lai Châu và Hà Tuyên, hai tỉnh biên giới Việt Nam chỉ phải chịu tổn thất nhỏ hay các cuộc tấn công quấy rối trong Tháng Hai.) Các cuộc tấn công dần gia tăng về quân số và tần số trong khi nhiều đơn vị QĐGPNDTQ được bố trí dọc biên giới, phản ảnh nhu cầu gia tăng của các chỉ huy tại chỗ về thông tin cho các hoạt động chiến trường của chính họ.  Các cuộc thăm dò đã tìm cách xác định các vị trí của địch, xuyên qua sự phân tích phản ứng của QĐNDVN đối với các cuộc tấn công diện địa và pháo kích.

Không có sự ghi nhận về các cuộc thăm dò của Việt Nam đối với các vị trí của phía Trung Quốc, nhưng gần như chắc chắn rằng phía Việt Nam ít nhất đã thực hiện sự thám thính địa hình và sự tăng cường của Trung Quốc: biên giới thì cực kỳ bỏ ngõ và các lính tuần cảnh, gián điệp và các người khác đều có thể băng ngang nó với sự dễ dàng tương đối.  Bất luận Việt Nam có thực hiện các cuộc tuần cảnh hay không, sự kiện rằng các cuộc thăm dò của Trung Quốc thì quy mô, được tổ chức tốt, và bạo động đã rõ ràng báo tin cho phía Việt Nam về tầm mức lớn lao của lực lượng dàn binh bố trận đánh họ.

Vào sáng ngày 17 Tháng Hai, 1979, Việt Nam có khoảng mười lăm trung đoàn chiến đấu được kiểm soát bởi năm sư đoàn chính quy tại các Mặt Trận Lào Cai, Cao Bằng, và Lạng Sơn.  Dân quân và một số nhỏ các đơn vị biên phòng hỗ trợ cho tuyến phòng thủ, để tạo ra một lực lượng vào khoảng 50,000 người.  Dàn binh chống lại các kẻ phòng thủ, dưới sự chỉ đạo của Mặt Trận Phương Nam của nó, Trung Quốc đã có hơn một trăm trung đoàn chiến đấu, tổng cộng khoảng 450,000 quân.  Tương quan lực lượng ít nhất là sáu trên một, và tại một số khu vực, tỷ lệ này cao hơn nhiều.  Tại khu vực quanh Lạng Sơn, cán cân lực lượng ít nhất là mười trên một, nghiêng về phía Trung Quốc.

Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc chưa hề ấn hành một sự giải thích rõ ràng về các kế hoạch hành quân của mình trong chiến dịch 1979, nhưng một số điều gì đó về các kế hoạch đó có thể được nhận thấy xuyên qua sự phân tích về các địa điểm và các sự điều động các lực lượng đối nghịch.  Bức tranh mà sự phân tích như thế tạo ra đôi khi khác biệt với bức tranh mà phần lớn các học giả tin tưởng về chiến dịch; đặc biệt, nó nêu lên các câu hỏi nghiêm trọng về con số các cuộc tấn công mà Trung Quốc đã thực hiện tại các tỉnh lỵ Việt Nam trong chiến dịch 1979: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, và Lạng Sơn. 46 Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Việt Nam đồng ý rằng đã không có các cuộc tấn công vào Hà Giang và Lai Châu. 47 Một sự phân tích tường tận sự giao tranh xác quyết chiến dịch thành một cuộc đấu tranh trên ba mặt trận đã được xác định trước đây trong chương này: Lạng Sơn, Cao Bằng, và Lào Cai. 48 Vào các giờ giấc sớm sủa của ngày 17 Tháng Hai, chiến dịch đã khởi sự tại ba mặt trận này (xem Các Bản Đồ 6, 7 và 8 [theo sự đánh số trong nguyên bản, chú của người dịch]).. 49

MẶT TRẬN LẠNG SƠN
Bản Đồ 6: Mặt Trận Lạng Sơn
Cuộc tấn công của Trung Quốc vào Lạng Sơn diễn ra hơi muộn hơn các cuộc đột kích vào Cao Bằng và Lào Cai một chút, các khẩu súng của Quân Đoàn 55 khai hỏa khoảng 5 giờ sáng vào quân phòng vệ Việt Nam tại khu vực Hữu Nghị Quan, giữa các cột mốc biên giới 15 và 20 (Bản Đồ 6).  Đàng sau sự yểm trợ bằng pháo binh, Quân Đoàn 55 ở tư thế di chuyển đánh vào mục tiêu khởi đầu của nó, thị trấn Đồng Đăng.  Ở phía đông nam, giữa các cột mốc biên giới 32 và 45, Quân Đoàn 43 chĩa các khẩu súng của nó vào bộ đội biên phòng Việt Nam tại các ngọn đồi chung quanh thị trấn Chi Mã.  Đường tiến của lộ quân 43 xuyên Chi Mã qua đường địa phương 402 50 đến Lộc Bình, khoảng mười cây số ở hướng tây nam.  Từ Lộc Bình, Quân Đoàn 43 sẽ móc vào vùng tây bắc dọc Xa Lộ 4B đến mục tiêu tối hậu, Lạng Sơn. 51

Quân Đoàn 55 và Quân Đoàn 43, cùng với Quân Đoàn 54, đã khởi sự đánh ngược lại, chính vì thế sắp tấn công Lạng Sơn từ hai hướng.  Vượt quá Đồng Đăng, Quân Đoàn 55 có một đường tiến tới cách Lạng Sơn mười bẩy cây số dọc theo Xa Lộ 1A; từ Lộc Bình, Quân Đoàn 43 sẽ vượt qua mười chín cây số trên Xa Lộ 4B. 52 Chiến lược của Trung Quốc nhằm hai đạo quân của nó nối liền với nhau tại hướng tây nam Lạng Sơn, cô lập Sư Đoàn 3 Việt Nam và buộc nó phải đầu hàng hay bị tiêu diệt.  Sự chiếm giữ sớm sủa Lạng Sơn, cách Hà Nội khoảng 150 cây số, sẽ mang lại cho Trung Quốc sự sử dụng đường xe hỏa từ biên giới và một trong những xa lộ tốt nhất của Việt Nam, Quốc Lộ 1A. Thủ đô Việt Nam sẽ bị mở ngỏ cho sự tấn công.  Nếu Bắc Kinh sẽ đi chuyển để đánh vào Hà Nội, Lạng Sơn rõ ràng là nơi chốn để phát động cuộc tấn công.  Nếu mục đích của nó là ngừng lại tại Lạng Sơn, sự chiếm giữ mau chóng thị trấn sẽ tăng bổ cho ý nghĩa của bài học mà Bắc Kinh dự liệu để dậy dỗ Việt Nam bằng việc phơi bày tình trạng khả dĩ dễ bị tấn công của Hà Nội.  Đối với Trung Quốc, sự thành công mau lẹ trên mặt trận này có tính cách quan yếu.  Trên chiến trường, nó đã tìm cách bảo đảm cho sự chiến thắng qua việc tập hợp ít nhất chín sư đoàn bộ binh đánh vào một sư đoàn duy nhất của Việt Nam, Sư Đoàn 3 đã đào hào chiến đấu quanh Lạng Sơn.

Quân Đoàn 55 đã phóng ra cuộc tấn công của nó bằng việc đẩy Sư Đoàn 163 xuống phía nam qua Hữu Nghị Quan, với lệnh chiếm giữ ba mục tiêu sơ khởi: Đồng Đăng, dẫy núi dài bốn cây số phía nam thị trấn bao gồm Đồi 339, Thẩm Mô [?], Đồi 505, và Đồi 423 và giao điểm của Xa Lộ 1A với Xa Lộ 1B.  Tất cả các mục tiêu này đều nằm trong phạm vi năm cây số tính từ Hữu Nghị Quan.  Bên sườn phía tây của cuộc tấn công của Quân Đoàn 55, Sư Đoàn 164 đã tiến vào Việt Nam tại vùng lân cận của các cột mốc biên giới 15 và 16 với lệnh tự bố trí trên Xa Lộ 4A và ngăn cản sự tăng viện cho Lạng Sơn từ Cao Bằng.  Nó cũng sẽ tấn công xuống phía nam tới Lạng Sơn, chiếm giữ Đồi 386, Đồi 438, Cồn Khoang [?], và Khon Lang [?] và từ đó khóa kín chiến tuyến Trung Quốc ở phía nam Đồng Đăng.  Mục tiêu sơ khởi sâu nhất của Sư Đoàn 164 là Khon Lang [?], khoảng năm cây số tính từ cửa ải vượt qua biên giới, và khu vực mà nó sẽ kiểm soát có chiều rộng nhất là hai cây số.  Sự thi hành thành công các kế hoạch này sẽ mang lại cho hai sư đoàn Trung Quốc sự kiểm soát các cao điểm trên cả hai sườn của cuộc tiến quân của chúng: Đồi 438 tại phía tây và Đồi 505 tại phía đông.  Đối diện chúng, tại một mặt trận rộng 5-7 cây số, là Trung Đoàn Bộ Binh 12 của Sư Đoàn 3 Việt Nam. 53

Tại ven biên phía đông của Mặt Trận Lạng Sơn, Quân Đoàn 43 Trung Quốc cũng điều động tương tự hai sư đoàn, 127 và 129, trong cuộc tấn công sơ khởi của nó.  Bên tay phải của cuộc tấn công của Quân Đoàn 43, Sư Đoàn 127 băng qua biên giới khoảng giữa các cột mốc biên giới 32 và 33 trên một trục tiến quân chạy từ thị trấn biên giới Ba Son [?] tới thị trấn Cao Lộc.  Đây là hướng tiến khó khăn nhất trong bất kỳ hướng tiến nào mà Trung Quốc đã sử dụng trong các cuộc đột kích của họ.  Hướng tiến chạy theo một con lộ trải sỏi vụn rời, dùng trong khí hậu mùa khô, hẹp, quanh co qua các ngọn núi men theo bờ của một giòng nước theo mùa, không có tên đặt, trên một quãng dài khoảng ba mưoi kilômét, trước khi cắt ngang Xa Lộ 1A tại Cao Lộc, ở ven biên đông bắc của thành phố Lạng Sơn. 54 Bên tay trái của cuộc đột kích, Sư Đoàn 129 tấn công xuyên qua Chi Mã từ các khu vực tập hợp của nó gần các cột mốc biên giới 43 và 45, với mục tiêu chiếm giữ Đồi 392 và Đồi 623 và nối với Xa Lộ 4B tại thị trấn Lộc Bình.  Sư đoàn sau đó sẽ chuyển lên hướng bắc để tấn công mục tiêu chính yếu của nó – Lạng Sơn.55

Phòng vệ chống lại các cuộc tấn công này chủ yếu là Trung Đoàn 141 của Sư Đoàn 3 của Việt Nam.  Đơn vị này đối diện với một lực lượng đột kích gồm hai sư đoàn hoạt động trên hai trục tiến quân, cách nhau khoảng mười lăm cây số.  Phân cách hai mũi đột kích của Trung Quốc là dẫy núi cao nhất của tỉnh Lạng Sơn, bao gồm núi Ma Sơn [Mẫu Sơn?], có cao độ 1,541 mét. 5 Các ngọn núi này thì dốc cao, trơ trụi cây cỏ, và khó phòng vệ.  Mặc dù có một số hang động trong các núi đá và cấu hình đá vôi mà các binh sĩ Việt Nam có thể sử dụng, nhưng phần lớn bất kỳ vị trí phòng thủ nào sẽ dễ dàng được nhìn thấy từ xa và là một mục tiêu tương đối trực diện cho một liên toán bộ binh-pháo binh có khả năng chiến đấu.

Khi cuộc xâm lăng mở ra, cuộc tấn công của QĐGPNDTQ đã mau chóng tụt sau thời biểu.  Ở phía bắc Lạng Sơn, Quân Đoàn 55 đã thất bại sau hơn một tuần lễ giao tranh để di chuyển sâu hơn ba cây số vào Việt Nam.  Từ 17 Tháng Hai cho đến 23 Tháng Hai, Quân Đoàn 55 đã vất vả để đánh chiếm tuyến phòng thủ chạy từ Đồi 505 bên phía đông mặt trận của nó đến Đồi 438 bên phía tây.  Mãi tới ngày 23 Tháng Hai, trạm xe hỏa Đồng Đăng và Thẩm Mô [?] mới bị chiếm giữ, và ngay sau đó sự kháng cự của Việt Nam trong khu vực vẫn tiếp tục.  Giao tranh tiếp diễn tại khu vực Đồng Đăng và dọc theo tuyến phòng thủ Đồi 505 - Đồi 438 cho mãi tới, ít nhất, ngày 27 Tháng Hai, 57 và đòi hỏi ở một vài thời điểm trong thời khoảng mười ngày này, sự gia nhập vào cuộc chiến một quân đoàn Trung Quốc thứ nhì. 58

Bên phía đông của Mặt Trận Lạng Sơn, các nỗ lực của Quân Đoàn 43 là một điểm tương đối sáng chói trong đám sương mù thảm họa bao trùm các cuộc tấn công của Trung Quốc.  Quân Đoàn 43 đã phải tiến xa hơn đến các mục tiêu sơ khởi của nó so với các Quân Đoàn 55 và 54, nhưng nó đã di chuyển nhanh hơn.  Trong vòng mười một ngày, Quân Đoàn 43 đã di chuyển và chiếm giữ Lộc Bình, mười bảy cây số từ các vị trí tập hợp của nó, và đến đầu Tháng Ba, nó vươn tới Lạng Sơn, cách quảng mười chín cây số xa hơn nữa. 59 Nhưng tổng quát QĐGPNDTQ ở vào thời khoảng sớm hơn trong lịch sử của nó đã biểu lộ một khả năng đáng kể trong việc thực hiện các hoạt động chiến đấu với một tốc độ rất nhanh, nay lại bị đánh trả và phải dậm chân tại chỗ bởi một lực lượng bị áp đảo về quân số một cách lớn lao. 60

Trận Đánh Lạng Sơn khởi sự vào ngày 23 Tháng Hai và đã không kết thúc cho tới khi phía Trung Quốc chiếm được Đồi 413, tây nam thành phố, vào ngày 5 Tháng Ba. 61 Trong cùng ngày, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc loan báo ý định của Trung Quốc triệt thoái khỏi Việt Nam. 62

MẶT TRẬN CAO BẰNG
Bản Đồ 7: Mặt Trận Cao Bằng (1979)
Cuộc tấn công trên Mặt Trận Cao Bằng khởi sự lúc choạng vạng của sáng ngày 17 Tháng Hai, tại bốn điểm cách nhau một cách xa xôi trên biên giới (Bản Đồ 7).  Các lực lượng Trung Quốc mau chóng di chuyển qua các điểm băng ngang biên giới tí hon dẫn đến Trùng Khánh, Quảng Uyên (cũng còn được gọi theo tên của huyện, Quảng Hoa [?], Trà Lĩnh [?] và Hòa An [?].  Tất cả đều dẫn đến thành phố Cao Bằng.

Trung Quốc đã tập hợp một lực lượng hùng mạnh để thực hiện phần này của chiến dịch.  Các lực lượng tấn công chính yếu là các Quân Đoàn 41 và 42 từ Quân Khu Quảng Châu.  Hỗ trợ cho các đạo quân chính này là các thành phần thuộc Quân Đoàn 12 63 (Quân Khu Nam Kinh), Quân Đoàn 50 64 (Quân Khu Thành Đô), và Quân Đoàn 20 65 (Quân Khu Nam Kinh), góp sức vào một lực lượng có tổng số có thể lên tới 200,000 quân nhân.  Các thành phần của tất cả năm quân đoàn Trung Quốc được trình bày nơi phần này sau rốt được nhìn thấy có chiến đấu tại Việt Nam.         

Trong lúc tập hợp cho cuộc xâm lăng, QĐGPNDTQ đã điều động đên các khu vực tập hợp thuộc các huyện Longzhou (Long Châu) và Jingxi, tỉnh Quảng Tây.  Các khu vực này chỉ vừa đủ thích nghi với công tác.  Không giống như các khu vực tập hợp đối diện ở Lạng Sơn và Lào Cai, không địa điểm nào tại Jingxi hay Long Châu được phục vụ bởi một đường hỏa xa: khu tập hợp Long Châu cách nhà kho hỏa xa gần nhất hơn tám mươi cây số, và khu tập hợp Jingxi cách xa hơn 200 cây số.

Binh sĩ vì thế đã phải đi bộ hay được vận tải đến các khu vực tập hợp trên các con đường đất chật hẹp.  Xe tăng được lái đên các khu vực tập hợp bởi không có phương tiện chuyên chở nào khác, và các khẩu pháo đã được kéo đi.  Trang cụ của QĐGPNDTQ có tinh chất căn bản và bền bỉ, nhưng nó đã không được thiết kế cho loại vận dụng này.  Mọi loạt đạn, mọi loại nhiên nhiệu, và mọi tấm mền (chăn) cho mọi người cũng phải được chuyên chở đến khu vực tập hợp  và sau đó được gồng gánh bởi người khuân vác hay chở bằng xe tải đến các đơn vị đang tiên phuông.  Gạo, rau, và một ít thịt gây phấn khởi cho sự dinh dưỡng của các binh sĩ QĐGPNDTQ có thể được mua tại địa phương, nhưng các khu vực xa xôi này của tỉnh Quảng Tây chưa bao giờ sản xuất ra được nhiều để làm phần thặng dư.  Đón tiếp một đội quân ở kích thước này hẳn đã phải là một cơm ác mộng cho các viên chức cấp huyện và xã địa phương.

Sự điều động các lực lượng của QĐNDVN đối diện QĐGPNDTQ ở điểm này của biên giới thì ít được hay biết.  Trung Đoàn 677 được đồn trú để bảo vệ Trà Lĩnh, và các Trung Đoàn 246 và 852 phòng vệ các đường tiến tây bắc đên Cao Bằng xuyên qua Hòa An và Thông Nông [?].  Trung Đoàn 481 có lẽ được dùng làm quân trừ bị của Sư Đoàn 346 và như kẻ phòng vệ chính yếu của Cao Bằng.  Không rõ nơi chốn mà các đơn vị khác đã được bố trí. 66

Quân Đoàn 41 Trung Quốc đã băng qua biên giới dọc theo một bề mặt rộng trước khi hướng sự tiến quân của nó vào Cao Bằng bên dưới, thành hai mũi tiến xuyên qua các thị trấn Trà Lĩnh và Trùng Khánh.  Sau khi chiếm giữ Trà Lĩnh, khoảng 5-6 cây số từ các cột mốc biên giới 96 và 92, các kẻ tấn công sẽ di chuyển theo hướng nam đên Cao Bằng, cách xa hai mươi cây số.  Tại đầu mút kia của mặt trận Trung Quốc, Quân Đoàn 42 sắp tấn công Cao Bằng từ hướng đông nam, từ huyện Long Châu.  Tại sườn phía nam của đường tiến của Quân Đoàn 42 tọa lạc thành phố Thất Khê; trên sườn phía bắc là một đường tiến khởi hành từ điểm băng qua biên giới ở Shuikouguan (Thủy Khẩu Quan?) trước khi dẫn đến Phục Hòa [?] và phía bắc của Quảng Uyên.  Sau khi chiếm giữ Quảng Uyên, Quân Đoàn 42 sẽ bắt tay với Quân Đoàn 41 và tiếp tục đánh vào phía tây của Cao Bằng. 67

Quân Đoàn 42 rõ ràng phụ trách việc gửi một lực lượng xuống phía nam  đến Xa Lộ 4 để liên kết với các lực lượng Trung Quốc ở phần cực bắc của Mặt Trận Lạng Sơn.  Bằng việc nối liền hai mặt trận, Trung Quốc sẽ vừa có thể giành đoạt được khả năng để di chuyển lực lượng của chính họ đi từ một khu vực hoạt động này sang khu vực kia, và sẽ không cho địch quân của họ cơ hội để tăng cường sự phòng thủ của nó dọc theo đường Thái Nguyên - Thất Khê.  Thái Nguyên nằm ở phía nam chỉ cách tám mươi cây số và có các tuyến đường hỏa xa tốt, nối tiếp từ Hà Nội.

Các sự tiến quân của Trung Quốc thì chậm chạp.  Các cuộc tân công bởi Quân Đoàn 41 đụng đầu trực tiếp với Trung Đoàn 677 của Việt Nam, đã chặn nó ngay trên lộ trình của nó.  Mãi cho đến ngày 22 Tháng Hai, QĐGPNDTQ mới chiếm được Trà Lĩnh [?].  Sự tiến quân của Quân Đoàn 41 tại các khu vực khác cũng chậm chạp tương tự, và vao cuối ngày 22 Tháng Hai, điểm xâm nhập sâu nhất của nó, tại Trùng Khánh, không hơn 10-15 cây số tính từ biên giới.  Các thành phần khác của Quân Đoàn 41 đã chậm chạp trong một loạt các vụ giao tranh gần Thông Nông, tây bắc thành phố Cao Bằng. 68

Các nỗ lực của Quân Đoàn 42 có hiệu quả hơn, và vào tối ngày 22 Tháng Hai, Quân Đoàn 42 đã chiếm giữ Phục Hòa, Thất Khê, Quảng Uyên, và Đông Khê, xâm nhập vào Quảng Uyên, sâu khoảng hai mươi lăm cây số tính từ Shuikouguan.  Một vài bài học khó khăn được học hỏi dọc theo con đường.  Vào ngày 20 Tháng Hai, một đơn vị xe tăng của QĐGPNDTQ, di chuyển trước lực lượng chính, đã xâm nhập vào Bắc Sơn, khoảng mười cây số đông nam Cao Bằng trên Xa Lộ 4.  Phía Việt Nam đã chặn đứng sự xâm nhập này bằng một hàng rào các hỏa tiễn chống chiến xa đã hủy diệt nhiều xe tăng và buộc Quân Đoàn 42 phải tăng phái vội vã để ngăn chặn mũi tiến công của nó bị bao vây và loại trừ.  Mặc dù phía Trung Quốc phá vỡ được sự kháng cự này, họ đã học được rằng, trong các vụ giao tranh giữa các lực lượng gần cân lượng, họ không phải là đối thủ của Việt Nam. 69

Hai mươi cây số đường lộ chật hẹp và địa hình đồi núi giờ đây nằm giữa Quân Đoàn 42 và Cao Bằng, và các Quân Đoàn 41 và 42 hội tụ từ Trà Lĩnh, Trùng Khánh, và Quảng Uyên tại một nút chặn nguy hiểm.  Đèo Mã Phục (vĩ độ 2244N; kinh độ: 10619E) là một khe hở của rặng núi có cao độ khoảng 700 mét.  Một con đường dốc với độ dốc ước lượng khoảng 15 phần trăm uốn khúc lối đi của nó qua nhiều chữ chi (switchbacks) xuyên đèo, tạo thành một khu vực, như phía Trung Quốc sắp khám phá ra, có thể sẵn sàng để phòng thủ ngay dù bởi một lực lượng rất nhỏ bé. 70

Bất kể các khó khăn này, Cao Bằng bị mất vào ngày 25 Tháng Hai.  Trung Quốc tuyên bố đã tiêu diệt các Trung Đoàn 677 và 681 (có lẽ là 481) thuộc Sư Đoàn 346 của Việt Nam và đã tuyên bố vào hôm sau cũng đã hủy diệt tàn quân của Trung Đoàn 246.  Lời tuyên bố này không làm QĐGPNDTQ hãnh diện: nếu đó là sự thực, một sư đoàn duy nhất của Việt Nam đã cầm chân hai quân đoàn Trung Hoa đầy đủ cấp số và các thành phần của nhiều quân đoàn khác trong gần mười ngày.

Trong năm ngày kế đó, giao tranh khốc liệt tiếp tục diễn ra khắp khu vực hành quân Cao Bằng.  Vào ngày 27 Tháng Hai, Trung Quốc chiếm giữ phi trường Guan Tiat [?] tây nam Thất Khê.  Phía Việt Nam đã phản công, và hai bên tiếp tục tranh giành phi trường.  Phía Việt Nam cũng đã phản công tại Quảng Uyên và Trà Lĩnh trong ngày 27 Tháng Hai, với sự kiểm soát của Trung Quốc trên các thị trấn không được tái lập mãi cho tới ngày 2 và 3 Tháng Ba, một cách lần lượt.  Nếu Sư Đoàn 346 của Việt Nam và các đơn vị anh em của nó thực sự bị tiêu diệt, điều khó hiểu là các đơn vị nào đã mở các cuộc phản công này đàng sau các phòng tuyến của Trung Quốc. 71

Vào lúc 19:30 ngày 3 Tháng Ba, một lực lượng Trung Quốc từ Thất Khê và một lực lượng Trung Quốc từ Đồng Đăng đã chiếm được thị trấn Duet Long [Duyệt Chung?], trên Xa Lộ 4.  Khu vực hành quân Lạng Sơn chính vì thế được nối kết với khu vực hành quân Cao Bằng, và khoảng trống quan trọng giữa các binh sĩ của Quân Khu Quảng Châu được nối liền lại.

MẶT TRẬN LÀO CAI

Cuộc tấn công của Trung Quốc vào khu vực hành quân Lào Cai đã diễn ra trước bình minh bằng một hàng rào pháo binh yểm trợ trút xuống các vị trí của phía Việt Nam (Bản Đồ 8).  Đàng sau hàng rào pháo yểm trợ, các thành phần của các quân đoàn 11, 13, và 14 QĐGPNDTQ hướng dẫn các cuộc tấn công diện địa dọc theo mũi tiến quân. 72 Bên tay phải nhìn từ Trung Quốc, cuộc tiến quân nhằm chiếm giữ Phong Thổ, cách Lào Cai khoảng sáu mưoi lăm cây số, để khóa chặt chiến trường từ phía tây.  Chiếm giữ Phong Thổ cũng mang lại cho Trung Quốc sự tiếp cận với Thung Lũng sông Đà, một điểm xâm nhập địa lý xa xôi nhưng trực tiếp vào Thung Lũng sông Hồng.  Cuộc tấn công ở giữa đánh vào chính thành phố Lào Cai, tọa lạc chưa đầy một cây số từ biên giới.  Lào Cai cách Hà Nội 295 cây số và là một đầu mối cấp vùng của sự giao thông bằng đường hỏa xa, đường bộ và đường sông.  Sự kiểm soát thành phố sẽ mang lại cho các kẻ xâm lăng muốn đe dọa Hà Nội và Thung Lũng sông Hồng một loạt các đường giao thông chính ở phía nam và đông tiến vào Việt Nam.  Trái với tầm quan trọng chiến lược hiển nhiên của Lào Cai, Mường Khương và Pha Long, các mục tiêu của mũi thứ ba trong cuộc đột kích của Trung Quốc cách bốn mươi cây số về phía đông, có ít tầm quan trọng rõ rệt về quân sự hay chính trị.  Có thể rằng các cuộc tấn công ở đây có chủ định làm rối trí hầu ngăn chặn phe phòng thủ Việt Nam khỏi việc di chuyển để tăng viện cho sự phòng thủ Lào Cai.

Bản Đồ 8: Mặt Trận Lào Cai (1979)

Được phối hợp bởi Tổng Hành Dinh Mặt Trận Quân Khu Côn Minh, có lẽ đặt taị Thành Phố Côn Minh, lực lượng tấn công Trung Quốc bao gồm các Quân Đoàn 11 và 13 73 từ Quân Khu Côn Minh, Quân Đoàn 14 74 từ Quân Khu Thành Đô.  Ba quân đoàn này đã đem hơn 125,000 binh sĩ vào trận đấu.  Quân Đoàn 11 thực hiện các cuộc tấn công tại phần phía tây của các cuộc hành quân, đột kích Phong Thổ và móc sang hướng đông đến Sapa và Lào Cai. 75 Một đơn vị biệt phái của Quân Đoàn 14 cũng chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công vào Mường Khương và có lẽ đã tiến tới Lào Cai từ phía đông.  Quân Đoàn 13 thực hiện các cuộc hành quân đánh vào Lào Cai và tiếp tới Cam Đường, nằm ngay sát phía nam của Lào Cai.

Trận liệt của phía phòng thủ Việt Nam thì khó thẩm định hơn.  Tác giả Li Man Kin, người đã thực hiện nhiều nhất việc ước lượng sức mạnh của QĐNDVN trong chiến dịch 1979, tin tưởng rằng Sư Đoàn 316 Việt Nam và Sư Đoàn 345 đã được bố trí tại khu vực và xác định trong số quân phòng thủ các Trung Đoàn 192, 148, 147, 254, 121, và 95.  Sáu trung đoàn phù hợp với lực lượng của hai sư đoàn, nhưng trong số các trung đoàn mà tác giả họ Li xác định duy nhất chỉ có trung đoàn 148 rõ ràng có liên hệ với Sư Đoàn 316.  Hoàn toàn có thể là họ Li đã có trận liệt của ông chính xác ở cấp sư đoàn nhưng ít xác đáng hơn ở cấp trung đoàn. 76 Lực lượng hai sư đoàn QĐNDVN sẽ hàm ý rằng đã có vào khoảng 20,000 quân phòng thủ Việt Nam gần Lào Cai khi phía Trung Quốc tấn công.

Các mục tiêu đầu tiên vào ngày 17 Tháng Hai là Lào Cai và các thị trấn nhỏ ở Bát Xát, Mường Khương và Pha Long.  Cuộc đột kích chính nhắm vào Lào Cai, cùng với các trận đánh vào Bát Xát, khoảng mười lăm cây số tây bắc thành phố, và vào Mường Khương và Pha Long có lẽ có chủ định muốn làm lạc hướng sự chú ý của Việt Nam khỏi sự tấn công vào Lào Cai.  Dường như không có bất kỳ cuộc tấn công nào vào Phong Thổ trong ngày đầu tiên của chiến dịch.

Sư Đoàn 345 Việt Nam đón nhận áp lực chính của các cuộc tấn công từ phía Trung Quốc và đã đánh trả dữ dội.  Nó đã cầm cự Quân Đoàn 13 QĐGPNDTQ, cho mãi đến 14:00 giờ ngày 19 Tháng Hai mới chiếm được Lào Cai.  Sự di chuyển của Trung Quốc đánh Mường Khương và Pha Long tiếp tục trong ngày 19 Tháng Hai, nhưng vào ngày 20 Tháng Hai, QĐGPNDTQ nhận ra mình vẫn còn giao tranh tại khu vực phía nam Lào Cai và vẫn còn tham dự vào các hoạt động càn quét trong Thành Phố Lào Cai.  Vào ngày 23 Tháng Hai, khi Sư Đoàn 316 Việt Nam giao chiến lần đầu, hai quân đoàn QĐGPNDTQ đã giao tranh trong hơn năm ngày chống lại một sư đoàn duy nhất của quân phòng thủ, song mởi chỉ tiến được khoảng hai cây số vào lãnh thổ Việt Nam.

Dù thế hình thái của cuộc tấn công sau cùng đã bắt đầu tiến tới tiêu điểm.  Một nhóm của QĐGPNDTQ, có lẽ là Quân Đoàn 13, đã di chuyển xuống phía nam dọc theo sông Hồng để tấn công Cam Đường, một thị trấn cách Lào Cai khoảng mười cây số được phòng thủ bởi số quân còn sót lại của Sư Đoàn 345.  Một toán khác, có lẽ là Quân Đoàn 14, đã di chuyển theo hướng tây nam dọc theo con đường Lào Cai-Sapa (Xa Lộ 4D) để tấn công Sư Đoàn 316.  Sư Đoàn 316 đã di chuyển ra khỏi Sapa, cách Lào Cai ba mươi tám cây số, để chặn đường tiến quân Trung Quốc, đã đụng độ nhau hôm 22 Tháng Hai tại một nơi nào đó dọc theo con lộ thứ nhì nối liền Lào Cai với Sapa.

Sau ba ngày chiến đấu, vào ngày 25 Tháng Hai, phía Trung Quốc chiếm được Cam Đường.  Tuy nhiên, các khó khăn giờ đây đã tự bộc lộ tại hậu tuyến của các lực lượng xâm lăng, và QĐGPNDTQ đã phải mất hai ngày kế đó để tảo thanh các ổ kháng cự tại Lào Cai và các thị trấn khác mà nó nghĩ đã an toàn.
   
Vế hướng tây nam, binh sĩ Trung Quốc đã tiến dần đến Sapa một cách chậm chạp, và vào lúc 14:45 giờ ngày 1 Tháng Ba, thị trấn này bị mất.  Một lực lượng Trung Quốc tiêu lòn chung quanh Sapa để cắt đứt lối rút lui của quân phòng vệ thuộc Sư Đoàn 316 QĐNDVN bằng việc tấn công vào Bình Lư [?].  Lực lượng bao vây này rõ ràng đã đi vòng quanh ngọn núi cao nhất của Việt Nam, Phan Xi Pang, và đã băng qua một phần của rặng núi Hoàng Liên Sơn để hoàn tất sứ mệnh của nó.  Bình Lư, cách Sapa bốn mươi cây số về phía tây, là một mục tiêu quan trọng bởi nó ngặn chặn các lực lượng tăng viện không đến được Sư Đoàn 316 bằng cách chặn con đường tốt nhất đên từ Lai Châu.  Mặc dù không có dấu hiệu cho thấy phía Trung Quốc đã đi hết con đường đên Bình Lư, vị trí chặn đường này cách xa ít nhất bốn mươi cây số đối với biên giới Trung Quốc và được chứng tỏ là điểm xâm nhập sâu nhất của Trung Quốc trong cuộc chiến.

Trong khi các thành phần bên phía tây của cuộc tấn công của Trung Quốc trên Mặt Trận Lào Cai chính vì thế đang mưu toan chấm dứt sự kháng cự của Sư Đoàn 316, các thành phần bên cánh đông của lực lượng xâm lăng đã nỗ lực mở một cuộc tấn công buổi tối vào Khoc Tiam [Khoc Tham?].  Được phóng ra vào lúc 20:00 ngày 2 Tháng Ba, cuộc tấn công đã đoạt được mục tiêu của nó vào lúc 17:15 ngày hôm sau.

Tình hình trong khi đó trở nên nguy kịch cho Sư Đoàn 316 của Việt Nam.  Vào lúc 19:00 giờ ngày 3 Tháng Ba, Trung Quốc tiến tới thị trấn Phong Thổ, cắt đứt các con đường dẫn vào thành phố từ Bình Lư và Pa Tan [?], và ngăn chặn sự tiếp cận của Phong Thổ với các lực lượng tăng viện và tái tiếp tế từ Lai Châu.  Chiến thuật này cùng lúc dựng lên một lực lượng ngăn chặn khác giữa Sư Đoàn 316 với con đương tiếp tế Lai Châu.  Vào ngày 4 Tháng Ba, quân Trung Quốc tấn công và chiếm giữ Phong Thổ.

Mặc dù Sapa đã bị mất vào ngày 1 Tháng Ba, Sư Đoàn 316 tiếp tục cầm cự Quân Đoàn 14 tại các khu vực lân cận.  Nó đã kháng cự trong hơn một ngày, cuộc giao tranh của nó kết thúc sau hết vào ngày 5 Tháng Ba.  Phía Trung Quốc tuyên bố đã hạ sát 1,398 binh sĩ Việt Nam, làm bị thương 620 và bắt giữ ba mươi lăm tù binh. 77 Với giá đã trả như thế nào thì không được hay biết.  QĐGPNDTQ đã áp dụng lối tấn công “làn sóng biển người” để đạt đựoc ngay dù mục tiêu thứ yếu nhất trong các mục tiêu chiến thuật.  Một lính bộ binh Việt Nam đã nói với ký giả người Pháp, Jean-Pierre Gallois, giữa lúc giao tranh, “Bộ binh Trung Quốc vai sát vai tiến tới để bảo đảm rằng các bãi gài mìn đã được khai quang … Khi họ di chuyển ra khỏi Lào Cai, họ rất đông đảo và và đi sát nhau như cây lúa trên các cánh đồng”. 78

                     
_____
CHÚ THÍCH

50. Bản đồ hiện thời của Việt Nam xác định Xa Lộ 402 là Xa Lộ 236.

51. Nguyễn Trí Huân [?], Sư Đoàn Sao Vàng, các trang 420-1.

52. Nguyễn Trí Huân [?], Sư Đoàn Sao Vàng, trang 420.

53. Nguyễn Trí Huân [?], Sư Đoàn Sao Vàng, trang 420.

54. Con đường trải sỏi cũ ngày nay trở thành Đường 235, một con lộ nông thôn toàn thời gian, trải nhựa có năng lực nhỏ.  Trong năm 1980, nó không có ý nghĩa gì đến nỗi nó còn không được liệt kê trong tập bản đồ đường lộ của QĐNDVN (Tổng Cục Hậu Cần, Chỉ Dẫn Đường Bộ Việt Nam (Atlas of Land Routes of Vietnam) (Hà Nội: Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, 1980).

55. Nguyễn Trí Huân [?], Sư Đoàn Sao Vàng, trang 420.

56. Nguyễn Trí Huân [?], Sư Đoàn Sao Vàng, trang 424.

57. Li Man Kin, The Sino-Vietnamese War, các trang 95-6.

58. Các nguồn tin Việt Nam xác định đoàn quân Trung Quốc thứ ba là Quân Đoàn 54 (xem Nguyễn Trí Huân, Sư Đoàn Sao Vàng, trang 424).  Các nguồn tin Trung Quốc cho thấy rằng nó có thể là 54, hay 42, hay các thành phần của cả hai quân đoàn (xem ZGJX-1, các trang 339-44, có nói đến đên một đơn vị của 42 được tường thuật đã giao tranh tại Lạng Sơn và Đồng Đăng).

59. Li Man Kin, The Sino-Vietnamese War, trang 96.

60. Chỉ mới Tháng Bẩy 1976, Cơ Quan Tình Báo Quốc Phòng Hoa Kỳ (U. S. Defense Military Agency: DIA) có cảnh giác rằng “ở mức quân đoàn, Trung Quốc có khả năng vươn tới các mục tiêu cách xa từ 20 đên 25 cây số đàng sau lằn FEBA của phía địch (FEBA: forward edge of the battle area: bờ, ranh, lằn tiền phương của khu vực giao chiến) trong một tối duy nhất”.  FEBA là một từ ngữ quân sự để mô tả tuyến đầu của vị trí phòng thủ của đối phương.  DIA, Handbook on the Chinese Armed Forces (Washington, DC: U. S. Government Printing Office, 1976), các trang 4-7.

61. Li Man Kin, The Sino-Vietnamese War, trang 96.

62. Tân Hoa Xã (Xinhua News Agency), 12:00 GMT, 5 Tháng Ba, 1979.  Trong FBIS China, 5 Tháng Ba, 1979, trang A-7.

63. ZGJX-2, các trang 381-2.

64. ZGJX-1, các trang 76-84.

65. GGZH, trang 68.

66. Li Man Kin, The Sino-Vietnamese War, trang xi.

67. Nguồn tin Trung Quốc ẩn danh, phỏng vấn trong Tháng Hai 2001.

68. GGZH, trang 72.

69. GGZH, trang 100.

70. Không đề tên tác giả.  “Diễn Biến Một Tháng Chiến Đấu Chống Quân Trung Quốc Xâm Lược” (“Development in the Victorious Battle Against the Chinese Invasion”) phần dịch nhan đề này sang tiếng Anh không được chính xác, chú của người dịch], trong tờ Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, Tháng Tư 1979, trang 61.

71. Li Man Kin, The Sino-Vietnamese War, các trang 94-5.

72. Các thành phần của Quân Đoàn 20, Quân Khu Nanjing (Nam Kinh) có thể đã can dự vào các cuộc tấn công trên Mặt Trận Lào Cai.  Sự tham dự của Quân Đoàn 11 được dựa trên một cuộc phỏng vấn với một cựu phân tích viên tình báo Hoa kỳ là người đã nói chuyện với điều kiện ẩn danh, Tháng Chín 2003.

73. ZGJX-2, các trang 24-9.

74. ZGJX-2, các tang 37-9.

75. ZGJX-2, các trang 165-9.  Sự xâm nhập sâu nhất của binh sĩ Trung Quốc tại vùng gần Lai Châu là đến Sinh Ho [?] (phỏng vấn với một nhà ngoại giao Á Châu nói chuyện với điều kiện ẩn danh, 23 Tháng Tám, 2001).

76. Li Man Kin, The Sino-Vietnamese War, các trang 92-3.

77. Li Man Kin, The Sino-Vietnamese War, trang 93.  Lịch sử chính thức của Sư Đoàn 316, được ấn hành trong năm 1986, chỉ thuật chuyện sư đoàn này cho đến Tháng Bẩy 1976, và sự rời khỏi căn cứ của nó ở Lai Khê để ra vùng biên giới với Trung Hoa.  Quyển sách không nói gì về vai trò của nó trong chiến dịch 1979.  Vũ Lập, Sư Đoàn 316, Tập Hai (316 Division, Vol. 2) Hà Nội: Nhà Xuất Bản Quân Đội Nhân Dân, 1986, trang 320. 

78. FBIS, Southeast Asia, 26 Tháng Hai, 1979, trang K-16.


____
Nguồn: Edward C. O’Dowd, Chinese Military Strategy In The Third Indochina War, The Last Maoist War, Routledge: New York, 2007, Chapter 4: The 1979 Campaign, các trang 45-73; Chapter 5: The Battle of Lang Son, February – March 1979, các trang 74-88; Chapter 0: Conclusion: the legacy of an “incredible, shrinking war”, các trang 159-166.       

Ngô Bắc dịch và phụ chú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét