Tri Nhân Media

CHIẾN DỊCH NĂM 1979: CHIẾN TRƯỜNG - ĐỊA DƯ VÀ ĐỊA HÌNH

Edward C. O’Dowd
Marine Corps University, Quantico
Ngô Bắc dịch
09.04.2012

Ngày nay Trung Hoa tuyên bố rằng cuộc xâm nhập năm 1979 của nó vào Việt Nam là một cuộc hành quân tự vệ nhỏ được thực hiện bởi ít nghìn lính phòng vệ biên giới đã mau chóng chiếm giữ các mục tiêu của họ rồi rút lui. 1

Điều này không đúng sự thực.  Chiến dịch năm 1979 đã là một hoạt động quân sự to lớn liên can đến mười một đoàn quân Trung Hoa (jun, tương đương với một quân đoàn của Hoa Kỳ (U. S. corps) thuộc các lực lượng bộ binh chính quy, dân quân, và các đơn vị hải và không quân, tổng cộng ít nhất 450,000 binh sĩ.  Khác xa với một sự đột nhập nhỏ băng qua biên giới, nó tương đương với kích thước của cuộc tấn công mà với nó Trung Hoa đã tạo ra một tác động lớn lao khi tiến bước vào Cuộc Chiến Tranh Hàn Quốc trong Tháng Mười Một năm 1950. 2 Hơn nữa, các hoạt động chiến tranh phi quy ước xẩy ra cùng với chiến dịch năm 1979 đã vưon tới các khu vực vượt quá biên giới Trung Hoa – Việt Nam.


Cuộc xâm nhập của Trung Hoa năm 1979 trong thực tế là một chiến dịch quan trọng của một cuộc chiến tranh kéo dài hơn một thập niên, từ cuối những năm 1970 cho đến khi mức độ bạo động trên các chiến trường Trung-Việt và Việt Nam – Căm Bốt sau hết đã lắng dịu xuống vào cuối thập niên 1980 và các vai chính đã thực hiện các bước đầu tiên tiến tới việc bình thường hóa các quan hệ.

Chương này thảo luận về cuộc xâm nhập của Trung Hoa ở bình diện hành quân, trong khung cảnh của Cuộc Chiến Tranh Đông Dương Thứ Ba. 3

Khởi đầu, một lời ngắn ngủi về các số tổn thất thì quan trọng.  Các con số tổn thất cho chiến dịch năm 1979 biến đổi một cách quá rộng lớn đến nỗi thực sự trở thành vô dụng.

Trong Tháng Tư 1979, Tạp Chí Quân Đội Nhân Dân, tập san chính thức của của QĐNDVN (PAVN: People’s Army of Vietnam: Quân Đội Nhân Dân Việt Nam), đã ước lượng rằng Trung Hoa đã tổn thất 65,000 binh sĩ trong khi giao tranh. 4

Một tháng sau đó, Phó Tư Lệnh Quân Đội Nhân Dân Trung Hoa thuộc Bộ Tổng Tham Mưu, Wu Xiuquan (Ngũ Tu Quyền), có thừa nhận một số tổn thất là 20,000 quân. 5 Harlan W. Jencks, nhà nghiên cứu Tây Phương sắc bén nhất về cuộc xung đột, đã chấp nhận số ước lượng kể sau này trong một bài viết hồi Tháng Tám 1979, 6 ấn định rằng số tổn thất gồm một nửa bị chết và một nửa bị thương, nhưng trong năm 1985, ông đã tu chỉnh sự ước lượng của ông lên con số cao hơn nhiều, với 28,000 lính Trung Hoa bị chết trong khi giao chiến. 7 Các số ước lượng về các sự tổn thất của phía Việt Nam cũng khác biệt không kém.  Wu Xiuquan tuyên bố 50,000 tổn thất trong số quân phòng thủ Việt Nam, nhưng tác giả Li Man Kin, thí dụ, trong khi ghi nhận sự tuyên bố này, đã đưa ra số ước lượng của chính mình về số tổn thất của Việt Nam từ 35,000 – 45,000. 8

Không thể rút ra các kết luận khả tín từ bằng chứng khác biệt và mâu thuẫn như thế, nhưng các con số về tổn thất trong bất kỳ biến cố nào cũng không phải là sự đo lường đúng nhất cho sự hữu hiệu về quân sự, ngay trong một chiến dịch nhằm tiêu hao như chiến dịch này. 9

Lịch sử thì tràn đầy các thí dụ về các đơn vị quân đội hữu hiệu đã có các tỷ số tổn thất cao và các đơn vị không hiệu năng có các sự tổn thất khả sánh: việc đo lường thành quả quân sự bằng cách trưng dẫn các con số tổn thất, ngay ở nơi mà các con số thống kê đáng tin cậy, làm kết quả không được hữu ích cho bằng việc giám định một đơn vị đã thi hành công tác như thế nào trên trận địa.  Hiệu năng quân sự được đo lường hay nhất bằng việc giám định tốc độ và hiệu năng được biểu lộ bởi một đơn vị quân sự trong khi hoàn thành các công tác của nó: nó có đã sử dụng đám đông binh sĩ của nó một cách hữu hiệu để chế phục sự kháng cự hay không? Nó đã có chiếm được các mục tiêu của nó trong một thời lượng hợp lý hay không? Các chiến thuật của đơn vị có phải là một sự trợ lực tích cực vào hiệu năng hay là một lực cản trở?

Như chúng ta sẽ thấy, xét dưới các khía cạnh này, thành tích của QĐGPNDTQ trong chiến dịch năm 1979 thì kém cỏi.  Trung Hoa đã hoạch định “các trận chiến quyêt định mau lẹ” (sujue zhan) nhưng đã thực hiện một loạt các cuộc hành quân chậm chạp, không quyết đoán.

Tại khu vực Lạng Sơn, một trung đoàn Việt Nam đã cầm chân hai quân đoàn Trung Hoa trong một tuần lễ, và một quân đoàn Trung Hoa khác đã cần đến mười ngày mới chiếm được Lào Cai và Cam Đường, hai thị trấn nằm trong vòng chưa tới mười lăm cây số kể từ biên giới.  Quân Đội Trung Hoa đã có quá nhiều khó khăn để chiếm được Cao Bằng đến nỗi nó đã phải phái ít nhất hai quân đoàn cho một cuộc tấn công mới vào một thành phố mà nó từng tuyên bố đã chiếm đoạt được, và tại Quảng Ninh, một trung đội Việt Nam đã trì hoãn trong năm tiếng đồng hồ một sự chiếm giữ của một trung đoàn Trung Hoa tại ngọn núi Cao Ba Lanh [?], gây tổn thất cho trung đoàn Trung Hoa đến 360 mạng trên quân số 2800 lính của nó.  Các sự tổn thất như thế, được tái diễn trên mọi chiến trường, thì nặng nề và thu lượm về chẳng bao nhiêu.

QĐGPNDTQ được chứng tỏ không có khả năng để sử dụng các khối quân đông đảo của nó một cách hữu hiệu xuyên qua sự áp dụng các chiến thuật thích hợp, và do đó, không có khả năng để đạt được một nhịp độ nhậm lẹ cho các cuộc hành quân sẽ chuyển dịch thành “các trận đánh nhanh, quyết định nhanh”như  mong muốn của nó.

Chiến Trường: Địa Dư và Địa Hình

Địa dư của miền bắc Việt Nam đã đóng một vai trò trọng yếu trong chiến dịch năm 1979.  Nhà địa dư học Lê Bá Thảo phân chia miền bắc, hay Bắc Bộ [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] thành hai cơ phận địa dư khác biệt, tây bắc và đông bắc, dựa trên tuổi địa dư của chúng, bản chất địa hình của chúng, cùng mật độ và loại thảo mộc. 10

Ông Thảo đặt định một đường phân chia giữa các khu vực này chạy dọc theo dòng chảy của sông Hồng.  Khu vực ở phía nam và phía tây giòng sông, bao gồm các tỉnh biên giới Lai Châu và Hoàng Liên Sơn, có nhiều núi và rừng rậm rạp.  Ngọn núi cao nhất của Việt Nam, Phan Xi Pang (3,143 mét) nằm trong khu vực này, và sự di hành tại đây thì khó khăn bởi cao độ của mặt đất và độ dốc của các sườn núi.  Về phía bắc và phía đông của sông Hồng, trong năm 1979 vùng biên giới bao gồm một ít quận hành chính của tỉnh Hoàng Liên Sơn và các tỉnh Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, và Quảng Ninh, bên Vịnh Bắc Việt (Gulf of Tonkin: Vịnh Bắc Bộ trong tiêng Việt; Beibu Wan trong tiếng Hán).  Miền đông bắc là một vùng đất của đồi thấp và núi.  Trong khi rừng ít rậm rạp hơn miền tây bắc, nó cũng khó di chuyển bởi vô số các cấu hình đá vôi [karst: vùng địa chất đá vôi với nhiều khe vực, hang động, các mạch nước ngầm nhưng không có các giòng nước hay hồ trên mặt đất, chú của người dịch] đặc trưng cho địa hình và định hình sự sử dụng đất đai (Các Bản Đồ 1-4). 11

Bản Đồ 1: Biên Giới Trung Hoa – Việt Nam Map 1 O’Dowd

Bản Đồ 2: Các cuộc tấn công chính (1979) Map 2 O’Dowd 

Bản Đồ 3: Các Ký Hiệu &
Bản Đồ 4: So Sánh Trận Liệt Trên Đất Liền: 1979

Bản Đồ 5: Các Quân Khu Và Phòng Tuyến Sông Cầu - Map 5 O’Dowd
QĐNDVN đã tổ chức các bộ chỉ huy quân sự của nó tại hai tỉnh miền bắc phù hợp với các thực tế địa lý này.  Sự phân giới cấp vùng của nó đặt các tỉnh biên giới Lạng Sơn và Cao Bằng thuộc Quân Khu Một và Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, và Lai Châu thuộc Quân Khu Hai.  Tỉnh Quảng Ninh được chỉ định thành một đặc khu, riêng biệt vì các lý do phòng thủ. 12

Việt Nam không bao giờ giải thích sự lý luận đàng sau sự phân chia này, nhưng lý luận có vẻ hợp lý nhất cho việc kiến trúc hai quân khu dựa trên các sự thách đố khác biệt mà chúng sẽ hiện ra một khi các vị tư lệnh của chúng được kêu gọi để phòng thủ Hà Nội chống lại cuộc tấn công từ phương bắc.

Cây cối thưa thớt và các ngọn đồi thấp của Quân Khu Một sẽ giúp cho các lực lượng được di chuyển và tập hợp tương đối dễ dàng – một cách chắn chắn khi so sánh với địa hình khắc nghiệt và rừng rậm của Quân Khu Hai.

Điều cũng trọng yếu, về mặt quốc phòng, là khoảng cách ngắn nhất từ biên giới tới Hà Nội: Lạng Sơn, thành phố then chốt của Quân Khu Một, cách thủ đô 154 cây số, và Cao Bằng, 276 cây số.  Thành phố chính của Quân Khu Hai, Lào Cai, cách Hà Nội 295 cây số.  Tuy nhiên, trong khi đảm trách việc phòng thủ một mặt trận thấp hơn, vị tư lệnh của Quân Khu Một sẽ được trợ lực trong sự phòng thủ này bởi địa dư của quân khu và hạ tầng cơ sơ nhân tạo của nó.  Quốc Lộ 1A từ Lạng Sơn và Quốc Lộ số 3 từ Cao Bằng băng ngang qua sông Cầu, một tuyến phòng vệ thiên nhiên cho Hà Nội, và nối liền tại Yên Viên trước khi băng ngang qua sông Hồng và tiến vào Hà Nội, đổ dồn trong thực tế bất kỳ lực lượng xâm lăng nào về một điểm tấn công duy nhất đánh vào thành phố.  Ngược lại, các con đường từ hai thành phố chính miền tây bắc bị giới hạn bởi núi non, thành các thung lũng của giòng sông cách biệt và xa nhau, buộc Quân Khu Hai phải phòng vệ chống lại tiềm năng của một cuộc tấn công hai mũi vào Hà Nội. 13

      
Địa dư cũng cho biết về việc hoạch định cuộc xâm lăng của Trung Hoa: các tỉnh biên giới của Trung Hoa, Vân Nam bở phía tây và Khu Tự Trị Người Choang tỉnh Quảng Tây ở phía đông, thì khác nhau về mặt địa dư.  Vân Nam nằm ở Cao Nguyên Yun-Guei (Vân Quý) trên cao, nhiều núi non và khó tiếp cận từ vùng đất trung tâm của Trung Hoa, trong khi Quảng Tây là một khu vực núi thấp và đồng bằng sông ngòi cung cấp sự dễ dàng hơn cho sự chuyển quân.

Trong cùng đường lối mà Việt Nam đã nhận thức các hàm ý quân sự của địa dư của vùng biên giới của nó, Trung Hoa đã chỉ định các lực lượng của mình tại các khu vực biên giới tương ứng thành hai bộ chỉ huy khác nhau, Tỉnh Khu Quân Sự Vân Nam thuộc Quân Khu Kunming (Côn Minh) và Tỉnh Khu Quân Sự Quảng Tây thuộc Quân Khu Guangzhou (Quảng Châu).  Đường ranh giới tỉnh khu quân sự và hành chính chạy từ gần nơi mà các tỉnh Hà Tuyên và Cao Bằng gặp nhau bên phía Việt Nam tại biên giới. 14 Địa thế khác biệt của hai miền cũng định hình đáng kể cho mạng lưới đường hỏa xa và đường bộ.  Đường xe lửa, có tính cách sinh tử cho việc giữ cho các lực lượng xâm lăng Trung Hoa được tiếp tế, có một quãng đường ngắn, thẳng từ phía đông của Trung Hoa, nơi phần lớn lực lượng xâm lăng đặt căn cứ.  So ra, đường hỏa xa từ miền trung tâm Trung Hoa đến Côn Minh và từ Côn Minh đến Lào Cai là một con đường dài, quanh co xuyên qua các đồi dốc và các thung lũng hẹp.  Các xa lộ đến Côn Minh cũng bị giới hạn tương tự.
     
Trung Hoa đã chọn lựa thực hiện các cuộc tấn công mạnh mẽ nhất của nó hồi năm 1979 vào các thành phố thuộc Quân Khu Một của Việt Nam: Cao Bằng và Lạng Sơn.  Một cuộc tấn công quan trọng xa hơn về phía tây bị xem là quá nguy hiểm, bởi vì các thung lũng dọc giòng sông thì dài, hẹp, trong miền đã đưa ra một trở ngại cho sự tái tiếp tế cho các lực lượng tấn công và bởi các khó khăn mà các đơn vị tấn công sẽ gặp phải trong việc hỗ trợ lẫn nhau.  Ngược lại, tấn công xuyên qua Quân Khu Một, Trung Hoa có thể đe dọa Hà Nội bởi một con đường tương đối ngắn, và các đồi thấp và cây cối ít rậm rạp hơn sẽ cho phép sự di chuyển dễ dàng hơn các binh sĩ và đồ tiếp tế qua lại.

Dĩ nhiên, đây không phải là một kế hoạch tấn công mới.  Trong các năm 1077, 1288, và 1427, các lực lượng Trung Hoa đã tấn công qua cùng khu vực.  Trong mỗi dịp, họ đã phải chuốc lấy sự thất bại (Bản Đồ 5). 15
                     
_____
CHÚ THÍCH
1. “Dui Yue Ziwei Huanji Zouzhan” (Đối Việt Tự Vệ Hoàn Kích […?] Chiến [?]) (“Counterattack against Vietnam in Self-Defense: Phản Công Lại Việt Nam Trong Sự Tự Vệ”), trongZhongguo Da Baike Quanshu: Junshi (The Chinese Encyclopedia: Vol. 1: Bách Khoa Toàn Thư Trung Hoa, Quyển 1) (Beijing: Chinese Encyclopedia Publishing Company, 1989) các trang 222-3.

2. Allen S. Whiting, China Crosses the Yalu: The Decision to Enter the Korean War (New York: Macmillan, 1960), các trang 118-19.  Whiting xác định chín quân đoàn Trung Hoa đã tham dự vào cuộc tấn công trong Tháng Mười Một năm 1950.

3. Ở cấp độ hành quân, chiến tranh liên hệ đến sự sử dụng các lực lượng quân sự, thường các đội quân và quân đoàn, để đạt được các mục đích chiến lược xuyên qua sự thực hiện chiến dịch và các hoạt động quan yếu.  Ở mức độ chiến lược, nó liên hệ đến các hoạt động của các quân đội, hải quân, và không quân quốc gia, riêng rẽ hay trong sự kết hợp với các lực lượng của các nước khác, để hoàn thành các mục tiêu của một chiến lược quân sự quốc gia.  Và ở mức độ chiến thuật, chiến tranh liên hệ đến sự sử dụng các sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, và các đại đội để đạt được các mục đích cụ thể xuyên qua việc giao tranh trong các trận đánh và các sự giao chiến khác.  Định nghĩa này được rút ra phần lớn từ tập cẩm nang huấn luyện nhan đề FM 100-5: Operations, U. S. Department of the Army (Washington D. C.: Department of the Army, 1986), các trang 9-10.

4. “Diễn Biến Một Tháng Chiến Đấu Chống Quân Trung Quốc Xâm Lược” (“Development in the Victorious Battle against the Chinese Invasion” [phần dịch nhan đề sang Anh ngữ trong nguyên bản, có phần không được chính xác, chú của người dịch], trong Tạp Chí Quân Đội Nhân Dân, Tháng Tư 1979, trang 93.

5. Li Man Kin, The Sino-Vietnamese War (Hong Kong: Kingsway Publications, 1981), trang 59.

6. Harlan W. Jencks, “China’s ‘Punitive’ War on Vietnam: A Military Assessment”, trong tờ Asian Survey, August 1979, trang 812.  Tác giả Jencks đã đặt cuộc nghiên cứu của ông trên các bản dịch từ FBIS (Foreign Broadcast Information Service) nguyên thủy và ấn định con số này gồm một nửa bị hạ sát và một nửa bị thương.

7. Harlan W. Jencks, “Lessons of a ‘Lesson’: China – Vietnam, 1979”, trong sách đồng biên tập bởi Robert E. Harkavy và Stephanie G. Neuman, The Lessons of Recent Wars in the Third World, Vol. 1 (Lexington, Massachusetts: D. C. Heath, 1985), trang 156.

8. Li Man Kin, The Sino – Vietnamese War, trang 59.

9. Theo tác giả Carter Malkasian, “Tiêu hao là một tiến trình dần dần và từng mảng nhỏ của việc triệt hủy năng lực quân sự của một đối phương” (Carter Malkasian, A History of Modern Wars of Attrition (Westport, Connecticut: Praeger Publishers, 2002), trang 1.  Kỹ thuật này đang trở nên lỗi thời khi Hoa Kỳ, Anh Quốc, và một số ít các nước khác đã bước qua khu vực của chiến tranh với kỹ thuật cao.  Trong các chiến dịch gần đây của nó tại A Phú Hãn và Iraq, Hoa Kỳ đã từ bỏ sự làm tiêu hao và thay vào đó đã tìm cách tạo ra sự hủy diệt toàn diện và đột ngột bộ phận chỉ huy, kiểm soát, tiếp vận, và các hệ thống thông tin của đối thủ.  Tuy nhiên, Trung Hoa vẫn còn trong kỷ nguyên của chiến tranh tiêu hao.  Cũng xem, Robert H. Scales, Jr.,Yellow Smoke: The Future of Land Warfare for America’s Military (New York: Rowman and Littlefield, 2003) passim (rải rác).

10. Lê Bá Thảo, Vietnam: The Country and its Geographical Regions (Hanoi: [Thế?] Giới Publishers, 1979), các trang 359-61.

11. Điều thường bị hiểu lầm rằng Việt Nam là một xứ sở được che phủ bởi các khu vực rộng lớn của rừng ba lớp tán lá (triple canopy jungle).  Có một số rừng như thế tại các phần của các tỉnh miền trung của Việt Nam Cộng Hòa trước đây, nhưng tại vùng tây bắc, nơi có tán lá mọc um tùm rậm rạp và có lẽ một cách khác, gần sát nhất với huyền thoại, hầu hết tán lá là tre và dây leo, không mọc các cây cao.  Cả hai loại tán lá đều tạo ra các khó khăn cho các cuộc hoạt động quân sự: “rừng với ba tầng tán lá” thực sự cho phép sự di chuyển trên mặt đất tương đối dễ dàng các binh sĩ, nhưng làm cho sự yểm trợ trên không cho các hoạt động gặp khó khăn, trong khi các rừng tre rậm rạp khiến cho các sự di chuyển quân sĩ khắp nơi gần như là điều bất khả dĩ.  Ngược lại, các ngọn đồi tại miền đông bắc Việt Nam được che phủ chủ yếu bởi các bụi cây thấp và cỏ.  Có mọc lên các cây cao, nhưng các cây cao này không trải rộng và các cây không cao một cách đặc biệt.  Sự di chuyển tại khu vực này có thể chậm chạp, nhưng còn lâu mới là việc bất khả.

12. Ronald J. Cima, biên tập, Vietnam: A Country Study (Washington, DC: U.S. Government Printing Office, 1989), trang 280.

13. Tổng Cục Hậu Cần, Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, Chỉ Dẫn Đường Bộ Việt Nam (Atlas of Land Routes of Vietnam) (Hà Nội: Tổng Cục Hậu Cần, 1980), rải rác.

14. Tại Trung Hoa và Việt Nam, các ranh giới địa hạt quân sự trùng hợp với các ranh giới hành chính địa phương.  Tất  cả các tham chiếu về các vùng (hay Khu) quân sự (military regions: quân khu) và các địa hạt quân sự tại Trung Hoa thì phù hợp với sự tổ chức quân khu hiện hữu trong năm 1979.  Xem Harlan W. Jencks, From Muskets to Missiles: Politics and Professionalism in the Chinese Army: 1945-1981 (Boulder, Colorado: Westview Press, 1982) các trang 301-2.

15. Phan Huy Lê (biên tập), Our Military Traditions (Hanoi: Xunhasaba Publishers [?], không ghi nhật kỳ xuất bản), rải rác.

____
Nguồn: Edward C. O’Dowd, Chinese Military Strategy In The Third Indochina War, The Last Maoist War, Routledge: New York, 2007, Chapter 4: The 1979 Campaign, các trang 45-73; Chapter 5: The Battle of Lang Son, February – March 1979, các trang 74-88; Chapter 0: Conclusion: the legacy of an “incredible, shrinking war”, các trang 159-166.       

Ngô Bắc dịch và phụ chú


1 nhận xét:

  1. Nặc danh3/2/13 23:13

    Có ai biết về trận đánh chống quân Trung quốc xâm lược ở Quảng ninh năm 1979 , cụ thể là trận đánh ở sông Ca long ?

    Trả lờiXóa