24-2-2012
Thời gian gần đây những người yêu nhạc, yêu thơ và yêu nước
được thưởng thức hai bản nhạc về Việt nam. Cả hai bản nhạc đều rất tuyệt
vời, nhất là ca từ của hai bản nhạc đều đi vào lòng người ở mãi lại đó với âm
hưởng tha thiết văng vẳng bên tai như lời tự tình thuở ban đầu!
– Thứ nhất là bản nhạc “Việt nam tôi đâu” của nhạc sĩ trẻ
Việt Khang, người trong nước, người đã bị đảng CSVN kết án 4 năm tù và 3 năm
quản chế. Việt Khang thì đã ở tù, nhưng bài “Việt nam tôi đâu” của anh thì
không ai có thể cầm tù được, nó đã được hát lên khắp nơi trên thế giới ở bất cứ
nơi nào có người Việt. Nó như một thông điệp của người dân VN gởi cho thế giới
để đánh động lương tri nhân loại !
– Và mới đây tôi lại được hân hạnh đọc bài thơ “CHÚNG TÔI CÒN HỒN NƯỚC” của nhà thơ Lưu Nguyễn Đạt đăng
trên Diễn Đàn Việt Thức. Nhà thơ Lưu Nguyễn Đạt là người chủ trương
nhóm thân hữu Việt Thức. Ông cũng là một Luật sư, một GS Tiến sĩ Văn
Chương, rất thành đạt tại Hoa kỳ. Nhà thơ Lưu Nguyễn Đạt được độc
giả ái mộ qua nhiều thi phẩm mang vẻ đẹp tao nhã, ý tứ trân kỳ, và nhiều
khám phá đặc sắc về ngôn ngữ thi ca…. và hơn thế nữa, ông là một người
luôn khắc khoải, trăn trở về hiện tình của quê hương đất nước!
Nếu bài hát “Việt nam tôi đâu” của Việt Khang là tiếng kêu
xé lòng của một người con nhìn mẹ Việt nam đang bị bức tử vì nguy cơ Bắc thuộc
lần thứ 3, và bài “Việt nam ngày mới” là những khúc tự tình của sự hân hoan,
của lòng kiêu hãnh và tự tin về một tương lai xán lạn, rực rở như “minh châu
trời đông” của nước Việt , thì bài thơ “CHÚNG TÔI CÒN HỒN NƯỚC” của thi sĩ Lưu nguyễn Đạt lại
là ưu tư, phán đoán của một “triết gia” về “Nước Việt” và “Hồn Việt”.
Nhà thơ Lưu nguyễn Đạt đã nhìn thấy và tin tưởng vào cái
“diệu kỳ” của dân tộc chúng ta, nó vô hình vô ảnh đó là “hồn nước”, cái “diệu
kỳ” đầy tính huyền thoại này đã bảo vệ che chở và làm nên sức mạnh Phù đổng để
dân tộc Việt chúng ta vượt thắng 1000 năm nô lệ giặc Tàu và 100 năm đô hộ giặc
Tây.
Và cũng chính “hồn nước” kỳ diệu này đã tạo nên những cuộc
biểu tình chống Trung cộng xâm lược từ Hà nội đến Saigon, hun đúc nên những
tinh hoa đất nước như Việt Khang, Trần vũ anh Bình, Nguyễn phương Uyên, Bùi
minh Hằng và Huỳnh thục Vy v.v.
Vào đầu thế kỷ thứ 20, Học giả Phạm Quỳnh đã nói “tiếng ta
còn thì nước ta còn”. Trong khi tất cả các nhân sĩ trí thức Việt nam đang như
“ngồi trên lửa” vì họa mất nước về tay giặc Pháp thì cụ Phạm Quỳnh lại khẳng
định như “dao chém đá” rằng “tiếng ta còn thì nước ta còn”.
Ở đây có sự gặp gỡ của hai tư tưởng lớn, cụ Phạm Quỳnh và
nhà thơ Lưu Nguyễn Đạt.
Tiếng Việt chính là văn hóa Việt, là cái tinh anh của dòng
giống Lạc hồng là một phần của “hồn thiên sông núi”. Và đúng như vậy chính “hồn
thiêng sông núi” đã giữ gìn, đã giúp dân tộc chúng ta tồn tại đến hôm nay.
anh bán nước chúng tôi còn hồn nước
gửi gấm đây từng mảnh vụn tâm nguyên
lòng khao khát giữa điêu linh tai ngược
khiến nô dân sực nhớ lại nhân quyền
anh bán đảo biển sâu và tổ quốc
từng cột ranh từng núi tản đồi nghiêng
từng ngọn suối hoang mang nay bắc thuộc
nhưng không sao bán nổi cả linh thiêng
anh bán đứng bao nhiêu thế hệ Việt
bằng hận thù và lừa lọc u mê
bằng doạ nạt từ đỉnh cao đảng phiệt
khiến toàn dân chậm tiến mãi lết lê
anh bán nước chúng tôi còn hồn nước
mạch sống kia vẫn thao thức kết sinh
ngày khởi nghĩa triệu triệu dân ao ước
sẽ bừng lên như nắng mọc muôn hình
Lưu Nguyễn Đạt
Đất Trinh, mùng sáu Tết Quý Tỵ
Có lẽ đây là những sáng tạo có nét đối xứng nhau về không
gian, tình cảm và tầm nhìn.
Về không gian: Một người ở tại VN và hai người ở nước ngoài.
Về tình cảm: Liệu sự khác biệt về không gian này
có tạo nên sự khác biệt về cảm quan của những con người này không?
Dù những tác giả này có khác biệt về không gian,
khác biệt về tuổi đời và cuộc sống, về sự cảm nghiệm cuộc sống và thế
giới, nhưng họ đều có một điểm chung, đó là lòng yêu nước nồng thắm, sắc son,
cộng với niềm tự hào dân tộc mãnh liệt.
Ở trong nước Việt Khang trực tiếp chia sẻ những tủi nhục
đắng cay của người dân VN, sự nhức nhối về một xã hội VN đang băng hoại như núi
lở. Việt Khang là chứng nhân của lịch sử dân tộc trong một thời kỳ bi
thảm, khi tổ quốc như con tàu lao xuống vực sâu của sự phá sản cả về văn hóa,
đạo đức kinh tế và an ninh. Chứng nhân của những thảm cảnh người dân Việt mất
hết nhân quyền, nhân phẩm và tư cách chủ nhân ông của đất nước và vận mệnh của
chính mình, với cuộc sống lam lũ, đói nghèo và không có tương lai.
Trong khi đó bọn cầm quyền thì tự đắc, kiêu ngạo, sống cực
kỳ giàu sang và hoang phí, chúng bòn rút tài nguyên đất nước để chia chác hưởng
thụ, chỉ lo đấu đá tranh giành không hề quan tâm đến vận mệnh quốc gia:
Mẹ Việt nam đau từng cơn sót dạ nhìn đời.
Người lầm than đói khổ nghèo nàn.
Kẻ quyền uy giàu sang dối gian.
Và là chứng nhân của một thảm cảnh VN như vậy nên lời bài
hát u uất, ê chề và căm giận, nhạc sĩ Việt Khang đã kêu lên tiếng kêu thảm
thiết như tâm sự của một Khuất Nguyên ngàn năm trước.
Giờ đây Việt nam còn hay đã mất?
Mà bọn giặc Tàu ngang tàn trên quê hương ta.
Hoàng-Trường sa đã bao người dân vô tội.
Chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu.
Còn nhà báo, nhà thơ Trâm Oanh đang sinh sống tại Đức, chị
không trực tiếp cảm nhận nổi đớn đau tủi nhục của đất nước và dân tộc, có lẽ vì
vậy mà lời thơ của chị nhẹ nhàng và lạc quan, nhân bản hơn chăng? Hay đây là
cái ân sủng mà chị được thiên phú, để trong nổi đớn đau cùng tận, con chim sơn
ca vẫn cất lên tiếng hót ngọt ngào?
Tôi không dám chắc, nhưng có một điều quan trọng hơn nhiều
nếu coi tình cảm là phản xạ của hiện thực đời sống, thì tình cảm được chắc lọc
qua tính nhân bản sẽ soi sáng lương tri con người.
Nhà thơ Trâm Oanh không trực tiếp nói lên những tủi nhục đau
thương của một đất nước một dân tộc đang sống thoi thóp dưới xiềng xích của một
đảng cầm quyền hà khắc tàn bạo và (đất nước) đang đứng trước nguy cơ biến mất
trên thế giới này!
Nhưng nhà thơ Trâm Oanh rất tinh tế khi nhắc đến thực trạng
của đất nước bằng những lời lẽ thoáng qua, nhẹ nhàng, không mô tả chi tiết
nhưng vẫn không dể xóa nhòa trong tâm thức người đọc, người nghe
những tủi nhục đau thương trên.
Nó như tiếng vạc bay qua giữa trời chiều, lẻ loi nhưng da
diết thấu xương:
Một ngày mới biển sẽ xanh.
Em Bắc và Nam sẽ không còn tượng đài quỷ dữ.
Hay những nhắc nhở nhẹ nhàng:
Những trang văn và những trang thơ.
Thoát cái nhìn cú vọ.
Tay vấy máu không có quyền giảng đạo.
Những dòng vắn tắc này không một người dân VN nào không hiểu
ý tác giả muốn nói gì, ngược lại họ hiểu rất rõ rằng những câu ngắn ngủi đó nói
lên nhiều thứ lắm và cũng cay đắng lắm!
Còn nhà thơ Lưu Nguyễn Đạt với tầm nhìn của một người uyên
bác, một người như có được sự “mách bảo” của tiền nhân, một người đã hòa quyện
hồn mình vào “hồn nước” :
anh bán nước chúng tôi còn hồn nước
gửi gấm đây từng mảnh vụn tâm nguyên
lòng khao khát giữa điêu linh tai ngược
khiến nô dân sực nhớ lại nhân quyền
anh bán đảo biển sâu và tổ quốc
từng cột ranh từng núi tản đồi nghiêng
từng ngọn suối hoang mang nay bắc thuộc
nhưng không sao bán nổi cả linh thiêng
Phải nói rằng thơ Lưu Nguyễn Đạt phảng phất hồn thiên sông
núi, phảng phất cái linh khí của bài thơ thần Lý thường Kiệt năm xưa.
Và nhà thơ Lưu nguyễn Đạt cũng đưa ra một lời cảnh báo
nghiêm khắc là đến một ngày nào đó “hồn thiên sông núi” sẽ mách bảo cho người
dân Việt nam biết cần phải làm gì để cứu nước và giải nguy dân tộc
anh bán nước chúng tôi còn hồn nước
mạch sống kia vẫn thao thức kết sinh
ngày khởi nghĩa triệu triệu dân ao ước
sẽ bừng lên như nắng mọc muôn hình.
Tôi nhận thấy nhạc sĩ Việt Khang, thi sĩ Trâm Oanh, thi
sĩ Lưu nguyễn Đạt đều là những người yêu nước. Việt Khang yêu nước
với tâm trạng đắng cay, ê chề và đầy phẩn nộ; Trâm Oanh yêu nước với trái tim
nhân hậu, yêu thương, lạc quan với tầm nhìn viễn kiến về tương lai đất nước; còn
nhà thơ Lưu nguyễn Đạt yêu nước với sự bình thản của một triết nhân, với niềm
tin được hun đúc từ kinh nghiệm của 4000 năm văn hiến và sự phù trợ của hồn
thiêng sông núi .
Chúng ta những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền luôn
hướng về tương lai với niềm hy vọng. Vì chúng ta tin rằng Dân chủ là xu thế tất
yếu, không thể đảo ngược được. Những diễn biến tại Việt nam hôm nay, cùng với
diễn biến của khu vực và quốc tế cho chúng ta có cơ sở khoa học để tự tin và hy
vọng.
Trong chiều hướng đó thi sĩ Trâm Oanh đã khắc họa hình ảnh
một Việt nam trong tương lai thật rạng rở huy hoàng, đầy tình thương yêu nhân
bản, đây không đơn thuần là một giấc mơ mà là một tất yếu lịch sử:
Một ngày mới biển sẽ xanh.
em Bắc và Nam sẽ không còn tượng đài quỷ dữ
Hà nội của chúng mình sẽ hồi sinh bất tử.
Hòn ngọc viễn đông lấp lánh hào quang…
Cảm nhận được “Việt nam tôi đâu” của Việt Khang là khúc
ca bi tráng, là một câu hỏi nhức nhối đánh thức những ai còn có lương tri và
trách nhiệm với tiền đồ dân tộc, thì “Việt nam ngày mới” của Trâm Oanh thật là
đẹp như sắc nắng mùa xuân dịu mát, thật là nhân bản và đầy niềm tin hy vọng,
còn với “CHÚNG TÔI CÒN HỒN NƯỚC” của thi sĩ Lưu nguyễn Đạt, bằng một
tài năng chín muồi và sung mãn, ông đã mang đến cho chúng ta niềm tin thiêng
liêng vào sự diệu kỳ của “hồn thiêng sông núi” và tình tự dân tộc .
Tất cả họ như những đóa hoa, mỗi người một vẻ, trong vườn
xuân dân tộc. Cám ơn nhạc sĩ Việt Khang, nhà thơ Trâm Oanh, nhà thơ Lưu Nguyễn
Đạt, nay xin được chia sẻ bằng những dòng thô thiển này.
Huỳnh ngọc Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét